GS Hà Huy Khoái trò chuyện với GS Ngô Bảo Châu về toán học
Trò chuyện với GS Ngô Bảo Châu, GS Hà Huy Khoái cho rằng, để tồn tại, toán học Việt Nam đã qua thời khó khăn nhất; còn để phát triển lên một bước mới, toán học Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ khó khăn nhất.
GS Ngô Bảo Châu: Tỉ lệ nhà toán học trên đầu người có lẽ không ở đâu bằng gia đình chú Khoái. Chú Hà Huy Hân là giáo viên toán, chú Hà Huy Vui là một nhà toán học Việt Nam hàng đầu trong chuyên ngành kỳ dị. Thế hệ sau còn có Hà Huy Tài, Hà Minh Lam và Hà Huy Thái. Đây là một điển hình về truyền thống gia đình hay là một sự ngẫu nhiên tai quái?
GS Hà Huy Khoái: Có thể gia đình chú không có “tỷ lệ trên đầu người làm toán cao nhất Việt Nam” (cũng có một số gia đình tương tự, như gia đình các giáo sư Phan Đình Diệu, Nguyễn Minh Chương,…). Tuy nhiên, chú bỏ qua việc cạnh tranh cái “kỷ lục” này, để trả lời câu hỏi tiếp theo. Đây đúng là một phần của truyền thống gia đình, một phần là kết quả của một sự TẤT NHIÊN tai quái (không phải “ngẫu nhiên”, nhưng vẫn là “tai quái”)! Truyền thống, vì cho đến những đời còn ghi lại được trong gia phả (cũng nhiều thế kỷ rồi), thì hình như các cụ kị của chú chỉ biết mỗi nghề…đi học! Có một số cụ đỗ đạt, nhưng có “làm quan” thì cũng chỉ trông coi việc học, như là Huấn đạo, Đốc học. Thành ra đến đời chú cũng chỉ biết tìm nghề học mà thôi. Vấn đề còn lại chỉ là: học cái gì? Ở phổ thông, chú thích học tất cả các môn: Văn, Toán, Sử, Địa,…, có lẽ chỉ trừ môn Thể dục! Thích nhất là Văn, Sử. Thời đó thì Toán có gì để thích đâu: không học thêm, không sách tham khảo, chỉ có sách giáo khoa thôi, mà hình như giáo khoa thời đó cũng dễ hơn bây giờ. Cho nên Toán chỉ được thích vì dễ! Có thể đó cũng là cái may lớn, vì chưa sợ Toán khi học phổ thông, nên sau này vui vẻ đi theo nghiệp Toán! Còn cái sự tất nhiên tai quái nào dẫn chú đến Toán, mà không phải Văn, thì là vì thời chú học phổ thông cấp 2, 3 (1958-1963) là thời mà sự kiện “nhóm Nhân văn – Giai phẩm” còn ồn ào lắm. Ông cụ thân sinh của chú, là một nhà giáo, khuyên các con theo nghề Toán, vì chắc chắn tránh được những nhóm tương tự! Còn thế hệ tiếp theo (Tài, Lam, Thái) thì có thể là do “quán tính”! Tuy vậy, nếu bây giờ cho chọn lại, chắc chú vẫn chọn nghề Toán!
GS.TSKH Hà Huy Khoái.
Chú đã sống với toán học và khoa học Việt Nam qua những thời kỳ rất khác nhau. Thời kỳ trước thống nhất đất nước, thời kỳ từ 75 đến khi bức tường Berlin sụp đổ, thời kỳ từ 1990 đến nay. Liệu chú có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về những sự biến đổi của khoa học Việt Nam trong từng thời kỳ này không?
Câu hỏi lớn quá, và ngẫu nhiên trùng với một ý định từ lâu của chú là viết một cuốn “Hồi ký toán học”. Nói là “hồi ký” có thể không đúng lắm, nhưng là chú muốn viết về những điều “mắt thấy, tai nghe, đầu nghĩ” của mình về cái giai đoạn đầy biến động đó, mà chú may mắn (có thật là may không?) được chứng kiến. Không hiểu rồi cái “hồi ký” mà chú dự định có thể hoàn thành được không, nhưng nếu cần có câu trả lời (dù nhỏ) cho câu hỏi lớn của cháu, thì chú nghĩ có thể là thế này.
Trong biến động nào cũng có hai phần: tinh thần và vật chất, dĩ nhiên là không độc lập với nhau. Trước 1975, hầu như cả dân tộc Việt Nam sống bằng niềm tin vào ngày thống nhất đất nước. Niềm tin đó giúp người ta vượt qua mọi khó khăn về vật chất. Khoa học Việt Nam, Toán học Việt Nam cũng không nằm ngoài không khí chung đó. Khổ, nhưng thấy học toán, làm toán là một niềm vui lớn. Đặc biệt, những năm đầu tiên bước vào ngành toán chính là những năm để lại nhiều ấn tượng nhất trong cuộc đời làm toán của chú, khi được cùng GS Lê Văn Thiêm và mấy người đàn anh áp dụng phương pháp nổ mìn định hướng vào việc nạo vét Kênh nhà Lê phục vụ giao thông thời chiến. Trong chiến tranh, hình như con người lại “lãng mạn” hơn trong thời bình. Lãng mạn, vì ít tính toán hơn. Cũng có thể không có gì để tính toán. Mà lãng mạn thực sự là điều cần cho những ai đi vào toán học, vì nghề làm toán lại là nghề khó “tính” trước nhất! Có ai dám chắc mình sẽ được kết quả gì trong tương lai.
Thời kỳ đầu sau 1975 là thời mà toán học Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Rất nhiều người được cử đi học tập ở nước ngoài, kể cả ở các nước phương Tây. Nhưng rồi những thuận lợi đó nhanh chóng qua đi, khi vào khoảng 1985 kinh tế Việt Nam bộc lộ những khủng hoảng trầm trọng của cái thời mà ta gọi là “tập trung, quan liêu, bao cấp”. Không thể sống bằng nghề làm toán với đồng lương ít ỏi, một số phải đi dạy học ở châu Phi, số khác tìm những nghề “tay trái” (nhưng thu nhập hơn nhiều lần “tay phải”), một số khác may mắn hơn thì tìm kiếm được những học bổng để đi nước ngoài. Ngành toán Việt Nam vượt qua được giai đoạn gay go đó trước hết nhờ vẫn còn có những người chịu “sinh nghề, tử nghiệp” với toán, và cả những người “may mắn” nhận được học bổng nước ngoài để sống và tiếp tục làm toán.
Sau 1990, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới. Toán học Việt Nam cũng đứng trước thách thức hoàn toàn mới. Có lẽ lần đầu tiên, những người làm toán ở Việt Nam phải tự đặt câu hỏi: tại sao lại làm toán, mà không làm nghề khác (có thể kiếm nhiều tiền hơn)? Cái thời mà làm việc gì cũng nghèo như nhau, thì ai thích toán cứ làm toán. Bây giờ, thích toán nhưng cần tiền, có làm toán nữa không? Cái chất “lãng mạn” mà toán học rất cần đã không còn, hay là còn rất ít đất sống. Ông Frédéric Pham đã từng đặt câu hỏi “Y-aura-t-il toujours des mathematiciens au Vietnam l’an 2000″ (Gazete de mathematiques, vol. 64, pp. 61-63, 1995). Nhưng toán học Việt Nam, năm 2000, vẫn tồn tại qua thời khủng hoảng. Có thể là do kinh tế Việt Nam cũng đã bước qua khủng hoảng. Cũng có thể do những ai đã chọn toán làm nghề nghiệp của mình thì cũng không đòi hỏi quá nhiều về vật chất, nên họ dễ tự bằng lòng với cuộc sống không cần quá nhiều tiền của mình! Có ai đó nói: “Không nên lãng mạn hóa cái nghèo”, đúng lắm, nhưng cũng đừng để cái nghèo giết chết lãng mạn. Không còn lãng mạn sẽ không còn âm nhạc, thơ ca, không còn toán học.
Video đang HOT
GS Ngô Bảo Châu.
Chú nghĩ như thế nào về tương lai của toán học Việt Nam?
Cháu hỏi chú nghĩ gì về tương lai? Để tồn tại, có lẽ toán học Việt Nam đã qua cái thời khó khăn nhất. Còn để phát triển lên một bước mới: chắc vẫn đang ở thời kỳ khó khăn nhất. Xã hội Việt Nam đang trong cái thời kỳ đầu của “kinh tế thị trường”, cái thời mà chuẩn mực của sự “thành đạt” nhiều khi được đo bằng tiền. Mà tiền chính là cái các nhà toán học có ít nhất! Vậy nên, chỉ những người có quan niệm khác về “thành đạt” mới có thể chọn toán làm nghề nghiệp của mình. Về tương lai của toán học Việt Nam, chú trông chờ hai điều: 1/ nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển để đến khi các nhà doanh nghiệp Việt Nam không còn tự hài lòng với việc giàu lên do làm người bán hàng cho nước ngoài, hoặc người bán nguyên liệu của nước mình cho nước ngoài. Đến khi họ không muốn và không thể tiếp tục làm giàu theo cách đó, họ sẽ cần đến khoa học công nghệ. Khi đó, khoa học cơ bản, toán học sẽ có tiếng nói của mình. 2/ các nhà lãnh đạo thấy rõ đầu tư cho khoa học cơ bản – cũng có thể xem là một phần của việc đầu tư cho giáo dục – là việc làm lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, là việc của Nhà nước. Nói cách khác, những nhà lãnh đạo cũng cần phải “lãng mạn”, để nhìn được tương lai xa hơn những lợi ích trước mắt có thể “cân đo đong đếm” dễ dàng.
GS Hà Huy Khoái
Cháu cũng thấy thật đáng sợ khi người ta lấy đồng tiền làm thước đo cho mọi thứ. Trong cuộc sống, mình vẫn phải tính toán thiệt hơn, nhưng không thể đem cái tính toán thiệt hơn ra làm nền tảng xã hội. Dù sao thì cháu vẫn tin đến lúc nào đó thì chúng ta sẽ tỉnh lại, vì cái căn của con người Việt Nam vẫn là sự tử tế.
Người làm toán bao giờ cũng gặp mâu thuẫn giữa ý muốn làm được cái gì thật hay với việc phải “sản xuất đều đều công trình” (nhất là khi phải xin tài trợ). Theo cháu làm thế nào để sống yên ổn cùng một lúc với hai ý muốn đó?
Theo cháu, mỗi người làm toán nên giữ riêng cho mình một câu hỏi lớn. Có thể không trả lời được ngay, có thể sẽ không trả lời được trong phạm vi hữu hạn của cuộc sống mình có. Nhưng nó sẽ là một cái đích để mọi việc mình làm trở nên logic chứ không ngẫu nhiên và không bị chi phối bởi những gì ầm ĩ nhất thời. Ngược lại, trong mỗi việc cụ thể mình làm thì lại không nên câu nệ xem đây là bài toán to hay nhỏ, mà bản thân mình thấy hay là được. Có điều mình phải luôn tự nhủ phải trung thực với bản thân. Chú có biết cái câu thơ này của ông Bảo Sinh không:
Tự do là sướng nhất đời
Tự lừa còn sướng bằng mười tự do.
Người làm toán nào cũng ít nhiều thích “nổi tiếng”, nhưng khi quá nổi tiếng (chẳng hạn được Fields) thì hình như sự nổi tiếng lại thành gánh nặng. Cháu có lời khuyên thế nào với các bạn trẻ?
Cháu nghĩ ai cũng cần sự công nhận, sự tôn trọng từ những người khác. Trường hợp ông Perelman là rất ngoại lệ. Còn sự nổi tiếng theo kiểu tài tử xi nê thì thực ra rất là bất tiện. Chỉ có điều trong trường hợp của cháu, mình không có cách nào khác ngoài chấp nhận nó, rồi cố gắng hướng nó vào những việc có ý nghĩa.
Khi tiếp xúc với những nhà toán học nước ngoài, chú có cảm giác nói chung họ biết nhiều hơn (về những thứ “không toán”, hay có thể gọi chung là “văn hóa”) so với những người làm toán ở nước ta. Cháu có thấy thế không? Có thể giải thích thế nào về hiện tượng này, và nó ảnh hưởng thế nào đến chính việc làm toán của “họ” và “ta”?
Cháu lại thấy các nhà khoa học phương Tây hay thắc mắc làm sao mà người phương Đông, không chỉ riêng các nhà khoa học, ai cũng là triết gia. Có thể là cái phông văn hóa phương Đông và phương Tây rất khác nhau, nên ai cũng thấy người kia biết những thứ mà mình mù tịt. Nhưng đúng là cái phông văn hóa có chi phối hoạt động khoa học. Ở phương Đông cháu thấy người ta thích cái kiểu tầm chương trích cú quá.
– GS Ngô Bảo Châu
Có một cái các nhà khoa học phương Tây, tính cả Ấn Độ, hiểu biết hơn hẳn các nhà khoa học phương Đông, đó là âm nhạc, nói rộng ra là khả năng cảm thụ thẩm mỹ. Theo cháu cái khả năng này là một phẩm chất không thể thiếu của người làm toán.
Là một người gắn bó với khoa học Việt Nam gần như từ lúc khai sinh, chú Khoái có thể nói một vài lời cho những bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân vào con đường khoa học không?
Chú không thích lắm cái chữ “dấn thân”. Nó làm cho người đi vào khoa học có vẻ như ra chiến trường, có vẻ như sẵn sàng hy sinh vì người khác. Thực ra đi vào khoa học cũng không phải “hy sinh” cái gì hết. Ta làm khoa học vì ta thích hiểu biết, thích sáng tạo. Làm khoa học thì được đọc nhiều, tức là được thụ hưởng hơn người khác cái kho tàng tri thức vô giá của nhân loại. Mà đã thụ hưởng thì có nghĩa vụ đền đáp, tức là phải cố gắng góp được cái gì đó, dù nhỏ. Cuộc sống bao giờ cũng sòng phẳng. Nếu mình đã được làm cái mình thích thì cũng không nên đòi hỏi cuộc đời cho lại đầy đủ mọi thứ như người khác. Thích hiểu biết (thực chất cũng là một thứ hưởng thụ) mà lại vẫn mong có rất nhiều tiền; thích tự do làm cái mình muốn mà vẫn mong có nhiều quyền; thích được yên tĩnh để đắm mình vào suy tư riêng mà vẫn mong cái sự nổi tiếng – đó là những mâu thuẫn mà nếu không nhận thức ra thì cứ tưởng mình đang phải hy sinh, đang “dấn thân”! Làm khoa học cũng là một nghề, như mọi nghề khác. Nếu thích giàu thì nên đi buôn, thích quyền thì nên đi làm chính trị, thích hiểu biết, thích tự do thì nên đi vào khoa học. Nghề nào cũng có cái “được” và “mất”. Quan trọng nhất là hiểu cho được mình thực sự cần cái gì. Điều này không dễ, nhất là khi người ta còn trẻ.
Bởi vậy, nếu định chọn con đường khoa học thì nên tự hỏi: có phải cái mà mình mong muốn nhất là tri thức và tự do không?
Trong cuộc đời, ai cũng có thể mắc sai lầm. Theo cháu, bao giờ thì một người cần nhận ra rằng mình đã sai lầm khi chọn nghề Toán, và nên đổi sang nghề khác?
Cháu thấy có nhiều lý do khiến người ta có thể từ bỏ nghề Toán và chọn một nghề khác. Trong trường hợp không nhìn thấy triển vọng nào để nghề Toán tạo cho gia đình mình một cuộc sống tạm gọi là tươm tất, thì Toán không còn là nghề nữa mà là một dạng nghệ thuật để theo đuổi. Để theo đuổi một nghệ thuật thì cần một tình yêu mãnh liệt lắm. Đấy là nghĩa của từ dấn thân mà cháu sử dụng. Nhưng đo độ mãnh liệt của tình yêu thì không dễ.
Để làm toán, người ta chỉ sử dụng một số khá hạn chế khả năng của con người, nhưng lại sử dụng chúng một cách tối đa. Khi nhận ra rằng mình thiếu một số khả năng để làm nàng Toán hoan hỉ, mà lại thừa những khả năng mà nàng ta lờ đi, thì có khi cũng nên tìm một nghề khác với nghề nghiên cứu Toán. Yêu đơn phương lâu dài thì mệt lắm
Theo Tia Sáng
GS Ngô Bảo Châu: 'Toán học giống như viên kẹo'
Đây là một trong những chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu với hơn 2500 học sinh, sinh viên, giảng viên của TP. HCM trong buổi giao lưu tại hội trường nhà điều hành ĐH Quốc gia ngày 11/3.
Sáng ngày 11/3, từ 7h sáng, hàng ngàn học sinh từ các trường THPT trong thành phố như Lê Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Hồng Phong...và hàng ngàn sinh viên các trường, khoa thuộc ĐH quốc gia Tp. HCM đã tập trung đông đến nỗi hội trường nhà điều hành ĐHQG với sức chứa hơn 1000 người không còn một khoảng trống, khi phải chứa với số lượng gấp đôi. Thậm chí, rất nhiều HS-SV đi trễ phải đứng nhìn qua các ô cửa bên ngoài hội trường. Tất cả đều háo hức chờ đợi tham gia buổi giao lưu với GS Ngô Bảo Châu.
Điều bất ngờ của buổi giao lưu là bài phát biểu đậm tính chất triết học của GS về việc "Tri thức từ đâu sinh ra, phát triển như thế nào? Khi chết sẽ đi về đâu?". Theo giáo sư, tri thức không phải là thứ hữu hình, không phải thứ có thể tự sinh ra, cũng như không tự phát triển hay chuyển từ dạng này sang dạng khác như năng lượng. Mà tri thức do con người học hỏi được, phát triển xuyên suốt trong quá trình sống. Khi con người chết đi, nếu không có sự lưu giữ hữu hình thông qua sách, thư mục... thì tri thức sẽ mất đi cùng người sinh ra và phát triển nó.
GS cho biết, người Ấn Độ, theo triết lý phật giáo đã sớm có 1 bước tiến rất rõ về nhận thức "cái đáng lo, đáng sợ không phải là tìm cách kéo dài cuộc sống đến vô tận, mà cái đáng lo, đáng sợ sự phát triển hối hả của giới hạn cuộc sống". Thế nhưng, sách cũng có nhiều loại. Sách có giá trị, nghĩa là có chứa tri thức, có ích cho con người; sách không có giá trị là những cuốn sách chứa ít trí thức nhưng cũng có loại sách hoàn toàn vô dụng. Giáo sư cũng lý giải đó có thể là một trong hai nguyên nhân khiến hoàng đế Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt tất cả sách. Có thể ông nghĩ tất cả những cuốn sách này đều không có giá trị, cũng có thể ông nhận thức cái cao siêu, cái chân lý trong tri thức con người. Và cũng mục đích tìm kiếm, lưu trữ và phát triển tri thức, con người đã lập ra thu viện lớn nhất lưu trữ tất cả những cuốn sách có giá trị. Bài phát biểu của GS kết thúc với một dấu lửng để người nghe tự tìm câu trả lời cho chính mình.
Vì bất ngờ "đổi vai" từ một giáo sư toán học thành một triết gia với lý luận, lập luận chặt chẽ, logic nên các câu hỏi đầu tiên học sinh, sinh viên, giảng viên đặt ra cho GS đều liên quan đến các vấn đề triết học. Đặng Xuân Thế, sinh viên khoa Kinh tế, ĐH QG đưa ra tình huống "Có bao giờ giáo sư nghĩ đến việc tóm tắt triết học Cant, hay có ý định tìm một phương pháp học toán có tính chất định luật". GS cho rằng triết học Cant đã cô dặc từng từ nên không thể có việc cô đặc nó hơn nữa và cũng sẽ không có một phương pháp học toán cho tất cả mọi người, bởi sự tiếp nhận của mọi người khác nhau, niềm đam mê cũng khác nhau.
Sau đó, dường như nhận thức mình giao lưu, trò chuyện với một chuyên gia toán hàng đầu thế giới, các câu hỏi bắt đầu xoay quanh chuyên ngành của giáo sư. Có rất nhiều câu hỏi nhưng tất cả đều tựu chung "làm sao để có thể học giỏi toán, làm sao để có thể nuôi dưỡng đam mê toán trong suốt một thời gian dài hay khi gặp thách thức...". GS đã làm mọi người bất ngờ khi trả lời câu hỏi bằng cách chia sẻ sự hình thành đam mê và những vấp trải của mình với toán học. Cụ thể năm học lớp 10, GS vẫn chỉ là 1 học sinh trung bình về toán. Qua năm lớp 11 do một dịp tình cờ, GS phát hiện đam mê của mình với toán và học khá hẳn lên. Thế nhưng năm tiếp theo (lớp 12), ông lại có cảm giác chán nản về toán đến mức phải tìm đến giáo viên của mình để chia sẻ cảm giác cũng như lấy lại đam mê về toán. Từ chính những trải nghiệm của bản thân, GS đã có một sự so sánh thú vị giữa toán học và viên kẹo. Lúc đầu mới ngậm chỉ có vị ngọt nhẹ, nhưng càng ngậm, càng ngọt, toán học cũng vậy, nếu đào sâu nghiên cứu, càng hiểu sâu về nó sẽ thấy nó càng thú vị hơn.
Ngoài chia sẻ cho HS-SV bí quyết học và nghiên cứu toán, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng giới thiệu với học sinh, sinh viên GS Robert Jeffrey Zimmer , hiệu trưởng thứ 13 của ĐH Chicago, ngôi trường giáo sư theo học, nghiên cứu thành công và hiện là một giảng viên của trường. Có rất nhiều thắc mắc được HS-SV đưa ra như như làm thế nào để được theo học tại trường, vấn đề học bổng, hỗ trợ... GS Robert Jeffrey Zimmer đã khẳng định "chỉ cần nộp đơn thì tất cả các sinh viên đều có thể trở thành sinh viên của đại học này. Bởi theo ông, ngôi trường đánh giá sinh viên theo năng lực, khả năng, đóng góp của sinh viên với trường chứ không phải là vấn đề học phí, giàu nghèo hay sinh viên của quốc gia nào.
60 phút giao lưu diễn ra khá ngắn ngủi, hàng trăm câu hỏi của sinh viên vẫn chưa được giáo sư giải đáp. Nhưng buổi gặp gỡ đã diễn ra rất chân tình, ấm áp, cởi mở. Cuối buổi giao lưu, hàng trăm sinh viên, học sinh đã ùa lên bao vây GS Ngô Bảo Châuvà GS Robert Jeffrey Zimmer với hoa, quà và sự ngưỡng mộ.
Huỳnh Hằng
Theo Bưu Điện Việt Nam
Pháp tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu Tối 16/11, lễ tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields 2010 đã diễn ra trọng thể tại hội trường lớn Khoa Toán Trường Đại học Paris 11, ở thành phố Orsay, ngoại ô Paris. Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu tại buổi lễ Trong diễn văn khai mạc lễ tôn vinh, Chủ tịch Đại học Paris 11, ông...