GS Hà Huy Khoái: ‘Giỏi toán không phải là giải được nhiều bài tập khó’
Nguyên Viện trưởng Viện Toán học cho rằng toán không phức tạp mà đơn giản tận cùng và chính điều đó mới mang lại hạnh phúc cho người học.
Ngày 9/12, tại Ngày hội Toán học mở TP HCM, GS Hà Huy Khoái (nguyên Viện trưởng Viện Toán học) chia sẻ, với bất cứ một môn học nào nói chung và Toán nói riêng, câu hỏi “học để làm gì” với ý thực dụng sẽ làm chết sự ham học. Bởi, học phải là nhu cầu của con người được khám phá thế giới.
Thế giới không chia rành mạch các lĩnh vực Toán học, Lịch sử, Văn học mà nó là khối tổng hòa chung. Con người phân chia các lĩnh vực để lĩnh hội các kiến thức đó, mà toán là một công cụ cần thiết để hiểu biết chúng.
GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Tùng.
GS Khoái kể, thời còn trẻ ông thích học văn, sử hơn là học toán bởi các môn học này thú vị, hấp dẫn hơn. Song sau đó ông lại chọn toán, bởi “nó đem lại cho tôi niềm hạnh phúc từ sự đơn giản đến tận cùng”.
Ông nói quan niệm của nhiều người rằng giỏi toán là giải đúng được nhiều bài tập khó là sai lầm. Giỏi toán, theo ông, phải là hiểu được bản chất của toán học và thực tế, những người giỏi toán lại rất giỏi ở nhiều môn học khác.
“Ở thời buổi hiện đại không cần phải quá giỏi toán, chỉ cần hiểu khái niệm và biết dùng thôi, vì còn rất nhiều công cụ hỗ trợ. Học toán sẽ mở ra rất nhiều cơ hội về công ăn việc làm trong tương lai”, ông Khoái chia sẻ.
Liên quan đến chủ đề Toán học, theo GS Khoái, nhiều ý kiến cho rằng chương trình toán trong sách giáo khoa hiện hành của Việt Nam quá nặng so với thế giới nhưng thực tế khi so sánh thì ngược lại. Chương trình Việt Nam thua họ nhưng trở thành nỗi sợ với học sinh khi bài tập quá nặng.
“Với cách học như hiện nay, học sinh chỉ biết về mẹo để giải toán nhanh chứ không hiểu sâu bản chất. Cần có nhiều phương pháp học toán tiếp cận dễ dàng hơn và khiến học sinh ham thích học toán hơn”, ông nói.
Video đang HOT
Đồng tình với quan điểm trên, GS Toán học Nguyễn Khắc Minh nói, thực tế toán len lỏi vào thực tế đời sống, thiết thực với mọi người. Điều quan trọng là phải thay đổi cách dạy, học và đánh giá.
Lý do khiến nhiều học sinh ngán học toán bởi việc học hiện nay chỉ để thi, giải bài tập bằng mẹo mực. Sau mỗi kỳ thi với lượng kiến thức khổng lồ, ai cũng thấy sợ môn toán chứ không còn ham thích.
“Một người bạn làm thẩm phán đã hỏi thầy tôi rằng, học luật thì có cần giỏi toán hay không? Thầy tôi hỏi lại có phải ngày trước suốt ngày các em phải làm vài bài tập chứng minh cặp tam giác bằng nhau đúng không? Việc làm ấy để các em hiểu rằng, trước khi kết luận bất cứ vấn đề phải hiểu rõ bản chất, phải đủ chứng cứ”, ông Minh kể lại một câu chuyện thực tế.
Theo GS Minh, thay vì dạy toán cho người làm toán, hãy chuyển sang dạy cho người dùng môn học này. Học toán phải tự nhiên trở thành một nhu cầu của con người trong xã hội.
Giỏi toán sẽ có nhiều cơ hội việc làm
GS Hồ Tú Bảo (Giám đốc Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng một người thích học và biết dùng toán sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
“Chúng ta đang sống trong thời chuyển đổi số, khái niệm trí tuệ nhân tạo hiện được người ta nhìn nhận rộng hơn. Lượng công việc liên quan đến việc dùng được toán rất lớn, đó là việc làm của tương lai”, ông phân tích.
GS Bảo đưa ra dẫn chứng, hiện nhân lực về khoa học dữ liệu được đào tạo ở Việt Nam còn hạn chế (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội chỉ 40 người, Đại học Công nghệ thông tin TP HCM 50 người, Đại học Bách khoa Hà Nội 15 người). Trong khi đó, Hàn Quốc có chiến lược để 5 năm tới có 5.000 người được đào tạo về lĩnh vực này.
Theo ông Bảo, cần dạy toán đơn giản, tìm cách để nó gắn với chặt với thực tế, sử dụng nó thuần thục “như người nông dân dùng cái cày bừa”. “Hiện nay, học sinh giải toán ra nhiều nhưng không hiểu ý nghĩa của các bài toán. Thay đổi cách dạy, học và dùng toán thì người ta sẽ không sợ toán nữa”, ông chia sẻ.
Học sinh tìm hiểu triển lãm về mô hình Toán học tại Ngày hội Toán học mở. Ảnh: Mạnh Tùng.
GS Nguyễn Hùng Sơn (Khoa Toán – Tin – Cơ, Đại học Warsza, Ba Lan) trong bài giảng “Toán học trong trí tuệ nhân tạo” tại ngày hội cho biết, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu không chỉ trang bị kiến thức một ngành mà đa ngành. Muốn lĩnh hội được lĩnh vực này, cần có kiến thức tốt về Tin học, Toán học, thậm chí cả Vật lý và Hóa học.
Trí tuệ nhân tạo hay tương lai của nhân loại không có gì khác hơn là mô phỏng hoạt động của não người – mạng neural, đều dựa trên cơ sở các thuật toán. “Toán như con bạch tuộc, nó chạm vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và là nền tảng của tất cả các môn khoa học khác”, GS Sơn so sánh.
Ngày hội Toán học mở – nằm trong chuỗi chương trình về toán dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh và những người quan tâm lần đầu đến với TP HCM, sau nhiều lần tổ chức ở Hà Nội.
Mạnh Tùng
Theo VNE
TP.HCM lần đầu tổ chức 'Ngày hội Toán học mở'
Ngày hội Toán học mở (MOD) diễn ra với một loạt chương trình dành cho người yêu toán, trong đó điểm nhấn của ngày hội chính là buổi tọa đàm "Học toán để làm gì?" với sự tham gia của bốn vị khách mời: GS Hà Huy Khoái, GS Hồ Tú Bảo, TS Nguyễn Thành Nam và Nhà báo Phạm Hy Hưng...
MOD nằm trong chuỗi chương trình về toán dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh và những người quan tâm - sẽ khai mạc lúc 7h30 ngày 9.12 tại Đại học Sài Gòn với ba hoạt động chính, gồm: Triển lãm "Những ô cửa toán học" - là các mô hình toán học được in bằng máy in 3D, vừa là trực quan toán học, vừa như tác phẩm nghệ thuật dành cho học sinh, phụ huynh.
Nội dung thứ hai là các gian hàng của các đơn vị về giáo dục toán (Toán IQ, toán cho trẻ em, toán tiếng Anh, toán cho học sinh, toán cho sinh viên), về STEM (Robotics, American Stem, mô hình CLB Stem), các đơn vị xuất bản sách.
Nội dung thứ ba, với chủ đề chính "Toán học không xa cách" sau phần khai mạc là bài giảng đại chúng "Toán học trong Trí tuệ nhân tạo" của GS Nguyễn Hùng Sơn (Đại học Warsaw). Cuối cùng là tọa đàm "Học toán để làm gì?" với sự tham gia của bốn khách mời: GS Hà Huy Khoái, GS Hồ Tú Bảo, TS Nguyễn Thành Nam và Nhà báo Phạm Hy Hưng.
Các diễn giả tại cuộc toạ đàm "Học toán để làm gì" - một chương trình của "Ngày hội Toán học nhỏ" tổ chức ngày tại TP.HCM 17.9.2017. Từ trái qua: TS Trân Nam Dung - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu-ĐHQG TP.HCM ; nha bao Pham Hy Hưng - nguyên Pho Tông biên tâp bao Sai Gon Tiêp Thi; GS Vu Ha Văn - ĐH Yale (Hoa Kỳ). Ảnh: Trung Dũng
TS Trần Nam Dũng - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu-ĐHQG TP.HCM và là thành viên ban tổ chức MOD 2018, cho biết đây là lần đầu tiên ngày hội đến với TP.HCM, sau nhiều lần tổ chức ở Hà Nội: "Tôi đã tham gia đủ bốn Ngày hội toán học mở tại Hà Nội, trong đó năm 2016 tôi có tham gia tọa đàm. Dự các ngày hội Toán học mở, chúng tôi thấy các em học sinh ở Hà Nội và các tỉnh lân cận (thậm chí ở khá xa như Hà Tĩnh, Quảng Bình) hạnh phúc khi được tham gia một ngày hội có nội dung tốt và không khí thật tuyệt như vậy.
MOD tạo hứng khởi cho thầy cô giáo, cho học sinh, giúp họ có động cơ học tập tốt hơn, học với nhiều cảm xúc hơn. Các bạn học sinh miền Nam rõ ràng là bị thiệt thòi, vì không phải ai cũng đủ sức mua vé máy bay để ra dự, trừ một số ít. Vì thế, từ lâu chúng tôi đã muốn tổ chức MOD ở TP.HCM. Năm ngoái, thậm chí chúng tôi còn mạnh dạn Ngày hội toán học mở nhỏ (MODs 2017) với 200 người tham dự".
Chia sẻ về tinh thần của MOD 2018, TS Trần Nam Dũng cho biết có hai thông điệp: "Một là, làm gì cũng phải có động cơ rõ ràng. Học toán cũng vậy. Vì thế trước khi bắt tay vào học, chúng ta phải trả lời rõ câu hỏi: Học toán để làm gì? Chú ý là câu trả lời của mỗi người sẽ mỗi khác, từ đó mà các bước tiếp theo của mỗi người mỗi khác. Việc dạy kiểu dàn hàng ngang, kiểu mậu dịch quốc doanh vì thế sẽ không đem lại hiệu quả tốt, dù vẫn đem lại thành tựu nhất định.
Hai là, việc tổ chức thành công MOD tại TP.HCM sẽ cho chúng ta thấy sức mạnh của tinh thần tình nguyện. Chỉ cần làm việc tốt, chúng ta sẽ được ủng hộ. Và có thể làm được những việc lớn lao."
Ban tổ chức MOD 2018 gồm: PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM); PGS.TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn; TS Huỳnh Quang Vũ - Trưởng khoa Toán-Tin học trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM); TS Trần Nam Dũng - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM), chủ nhiệm chương trình "Đem toán đến cho mọi người" (BM2E).
T.Dũng
Theo nguoidothi
Sôi nổi ngày hội Toán học mở lần đầu tiên phía Nam Sáng ngày 9/12, Ngày hội Toán học mở (MOD) khai mạc tại trường ĐH Sài Gòn đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham dự. Đây là lần đầu tiên MOD có mặt tại TPHCM sau nhiều lần tổ chức tại Hà Nội. MOD là chuỗi các chương trình về toán nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh...