Grasse – Nơi nước hoa làm nên di sản
Làng Grasse, thuộc vùng Côte d’Azur ở Đông Nam nước Pháp, được mệnh danh là chiếc nôi của nghề sản xuất nước hoa từ nhiều thế kỷ trước.
Nghệ thuật tạo ra các mùi hương của miền đất này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thu hút khách thập phương đến với ngôi làng nhỏ bé, chỉ cách Cannes 20 km.
Những cánh đồng hoa Oải hương được trồng nhiều ở miền Nam nước Pháp để lấy nguyên liệu sản xuất tinh dầu nước hoa.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Grasse là một ngôi làng nhỏ ở miền Nam nước Pháp, trải dài trên sườn một ngọn đồi nhìn ra biển Địa Trung Hải. Nơi đây nổi tiếng với nghề sản xuất nước hoa thủ công nhưng ít ai biết rằng, vào thời Trung cổ, Grasse lại là một địa phương chuyên nghề thuộc da. Để khắc phục mùi hôi nồng nặc của da thú, một người thợ có tên là Galimard đã nảy ra ý tưởng ướp tinh dầu chiết xuất từ hoa để tạo ra những chiếc găng tay da có mùi thơm. Ông đã tặng một đôi găng tay như vậy cho Hoàng hậu Catherine de Médicis và rất nhanh chóng, mốt mới này đã lan rộng trong triều đình trước khi lan ra khắp xã hội thượng lưu Pháp. Đơn đặt hàng đổ về Grasse nhiều đến độ nó đã khiến những người thợ thuộc da quyết định chuyển thành nhà sản xuất găng tay nước hoa. Dần dần, nghề thuộc da được thay thế bằng việc sản xuất nước hoa.
Xưởng sản xuất nước hoa Fragonard ở Grasse.
Những người thợ địa phương đã nghiên cứu để chiết xuất tinh dầu từ các loài cỏ, cây, hoa, lá, qua đó tạo ra các loại hương liệu và nước hoa, không chỉ để tẩm ướp vào những chiếc găng tay da mà còn để xức lên người và làm nến thơm, xà phòng hoặc tinh dầu xông phòng.
Ngành công nghiệp nước hoa thực sự bắt đầu phát triển ở Grasse vào thế kỷ 17 và được duy trì cho đến ngày nay. Năm 2018, UNESCO đã đưa bí quyết sản xuất nước hoa vùng Grasse vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Video đang HOT
Theo người dân địa phương, điều kiện khí hậu đặc biệt và chất lượng đất đai nơi đây đã tạo điều kiện cho việc trồng các loài hoa quý như hoa nhài, hoa hồng, huệ tây, oải hương…, làm nên những nguyên liệu đặc trưng của nước hoa Grasse. Các tinh chất quý này được sử dụng trong những loại nước hoa danh giá nhất như Rochas, Dior, Chanel… Thậm chí, các thương hiệu lớn như Chanel đã phát triển các đồn điền hoa hồng và hoa nhài riêng ở vùng Grasse, chỉ để phục vụ các xưởng sản xuất tinh dầu của họ. Đặc biệt, hoa nhài đã trở thành biểu tượng của địa phương này.
Cho đến ngày nay, Grasse vẫn là trung tâm then chốt của ngành công nghiệp nước hoa thế giới. Các hãng nước hoa lớn nhất của Pháp như Fragonard, Molinard hay Galimard vẫn duy trì các cơ sở sản xuất và nghiên cứu tại đây. Những nhà chế tạo nước hoa tài năng nhất đều thành công và tỏa sáng từ Grasse. Thành phố cũng là nơi đặt Bảo tàng nước hoa quốc tế, Viện Đào tạo các chuyên gia thẩm định nước hoa đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đến với Grasse, khách du lịch vừa được khám phá lịch sử phát triển của ngành nước hoa, vừa được trải nghiệm việc thử nước hoa.
Giới thiệu với phóng viên TTXVN tại Pháp Bảo tàng nước hoa của hãng Fragonard tại Grasse, bà Mélanie Pichet – phụ trách bán hàng – cho biết nơi này từng là trụ sở chính của hãng khi mở cửa vào năm 1926. Fragonard còn có 2 cơ sở sản xuất ở gần đó. Một cơ sở nằm trên tuyến đường đến Cannes và một nhà máy khác gần Monaco. Ngày nay, doanh nghiệp này vẫn duy trì phương pháp sản xuất thủ công truyền thống với một đội ngũ nhân viên khoảng 350 – 400 người.
Bà Pichet chia sẻ: “Chúng tôi mua nguyên liệu thô từ các cánh đồng hoa ở Grasse và vùng lân cận, có rất nhiều loại hoa được trồng để làm nước hoa như hoa hồng, hoa nhài, hoa oải hương hay mimosa. Tại Fragonard, chúng tôi không chỉ sản xuất nước hoa mà còn sản xuất các loại hương liệu dùng trong không gian sống như nến thơm, tinh dầu khuếch tán và cả mỹ phẩm, bao gồm các sản phẩm chăm sóc cơ thể, sữa dưỡng thể, kem chăm sóc tóc và da mặt”.
Tự hào với truyền thống của doanh nghiệp, bà cho biết Fragonard đón tiếp rất nhiều khách tham quan hằng năm. Năm 2007, công ty của bà là đơn vị tư nhân tại Pháp đón lượng khách tham quan lớn nhất, với hơn 1 triệu lượt người. Công ty này cũng đã xuất khẩu các sản phẩm riêng từ những năm 1990. Hiện nay cửa hàng trực tuyến của họ phục vụ khách hàng 24/7 trên toàn thế giới để họ có thể đặt mua và nhận các sản phẩm nước hoa của Fragonard ngay tại nhà.
Bà Lynne de R., chủ tiệm nước hoa mang thương hiệu của tên mình giới thiệu bộ sưu tập hơn 100 loại nước hoa của bà.
Mặc dù nước hoa đã phát triển thành ngành công nghiệp tại Grasse, nhiều nghệ nhân vẫn giữ thói quen sản xuất thủ công với những bí quyết và cả những bí mật được lưu giữ độc quyền, truyền từ đời này sang đời khác. Gắn bó với nghề truyền thống của gia đình từ 35 năm nay, bà Lynne de R., chủ tiệm nước hoa mang thương hiệu của tên mình đã tạo ra khoảng 100 loại nước hoa “ thời trang cao cấp”. Ẩn mình khiêm tốn trong một khu phố cổ nhỏ hẹp, nhưng cửa hàng của bà luôn đông khách. Sinh ra và lớn lên trong sự đam mê về hoa và nước hoa, bà là đại diện cho nghệ thuật và lịch sử của ngành chế tạo nước hoa thủ công đã có từ rất lâu đời.
Chia sẻ về cuộc đời và đam mê của mình, bà chủ thương hiệu nước hoa Lynne de R. tâm sự : “Tôi đã theo đuổi nghề sáng tạo nước hoa từ 35 năm. Chúng tôi tự tạo ra những hương nước hoa của riêng mình, với những công thức pha chế độc quyền. Tại nơi làm việc của tôi có tới hàng trăm mùi hương khác nhau được phát triển trong hơn 30 năm qua, và chúng tôi vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm mới. Cứ mỗi 2-3 năm, chúng tôi lại tạo ra những hương thơm mới đầy ấn tượng”.
Nói về nguồn nguyên liệu, bà Lynne de R. cho biết ngoài các tinh chất mua tại địa phương như tinh chất hoa hồng, hoa nhài, hoa huệ, hoa oải hương, hoa mimosa, hoa cam và cả rễ cây iris, bà còn sử dụng các nguyên liệu nhập từ nước ngoài như hoa ilang-ilang của Madagascar hay cỏ hương của Haiti… Tất cả những loài hoa này đều được chưng cất tại chỗ và sau đó được chuyển đến Grasse.
Một số thiết bị chưng cất nước hoa từ thế kỷ 17-18 được lưu giữ cho đến ngày nay.
Khách du lịch khi đến với Grasse, bên cạnh thú vui khám phá những khu phố nhỏ cổ kính, còn có ấn tượng khó quên với những mùi hương đặc biệt của các loại nước hoa. Bà Maryse Garrigou đến từ Paris đã tranh thủ tuần nghỉ để tham quan Bảo tàng Fragonard và làng nước hoa Grasse. Bà cho biết có nhiều điều bất ngờ thú vị ở nơi này. Dù bà không phải là người quá thích nước hoa nhưng ở đây, mọi thứ đều rất nhẹ nhàng, dễ chịu. Trong khi đó, chồng bà, ông Christian Garrigou, chia sẻ khi bước vào thế giới đầy hương thơm này, ông thấy thích thú vì không những được thử nghiệm sản phẩm, mà còn hiểu thêm về một nghề thủ công lâu đời, khám phá ra nhiều điều mà trước đây chưa từng biết như lịch sử của Grasse, cách mà ngành công nghiệp nước hoa được phát triển qua nhiều thế kỷ.
Tuy sống cách thủ phủ nước hoa Grasse tới hơn 350 km, bà Michèle Noanes cho biết năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm là bà đến Fragonard để mua sắm đồ thơm cho cả gia đình sử dụng cho năm mới và làm quà Noel cho người thân. Mỗi lần đến là một lần khám phá các hương thơm mới và các sản phẩm mới. Bà đặc biệt thích những cây nến thơm vì chúng luôn hấp dẫn cả thị giác lẫn khứu giác. Hương thơm có thể giữ được rất lâu. Đó là điều vô cùng tuyệt vời.
Nước hoa Miss Saigon của Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng nước hoa quốc tế ở Grasse.
Từ một nghề thủ công truyền thống của vùng Grasse, nghề sản xuất nước hoa đã trở thành một ngành công nghiệp thế mạnh của nước Pháp. Và đến nay, làng nghề vẫn phát triển song hành cùng với các nhà máy, trở thành niềm tự hào của đất nước, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Nghề truyền thống này không chỉ mang lại danh tiếng mà cả nguồn thu lớn từ nước hoa và du lịch cho người dân vùng Grasse.
Văn hóa truyền thống của Algeria tỏa sáng trên bản đồ di sản thế giới
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp Quốc (UNESCO) vừa chính thức công nhận nghệ thuật vẽ trên cơ thể Henna và các trang phục nghi lễ "Gandoura" và "Melehfa" của Algeria là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các trang phục nghi lễ "Gandoura" và "Melehfa" của Algeria là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: ich.unesco.org
Theo thông báo được Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Algeria đưa ra ngày 4/12, các di sản văn hóa này đã được đệ trình hồ sơ lên UNESCO từ nhiều tháng trước.
Quyết định của UNESCO được đưa ra trong phiên họp thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Paraguay từ ngày 2 đến ngày 7/12.
Thông báo của UNESCO mô tả Henna là một loại cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, từ lâu đã được người dân Bắc Phi và Trung Đông sử dụng cho nghệ thuật vẽ màu, tạo ra những họa tiết trang trí tinh xảo trên cơ thể. Với ý nghĩa văn hóa sâu sắc, nghệ thuật vẽ Henna đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và các dịp lễ hội của người dân Algeria.
Trong khi đó, các trang phục truyền thống "Gandoura" và "Melehfa" đã chinh phục Ủy ban đánh giá của UNESCO. Với những đường nét tinh xảo, họa tiết thêu tay tỉ mỉ và ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, các bộ trang phục này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một câu chuyện kể về lịch sử, truyền thống và bản sắc của người dân Algeria. Đặc biệt, kỹ thuật thủ công truyền thống như dệt, thêu, nhuộm màu và trang trí bằng hạt cườm, chỉ vàng đã được UNESCO đánh giá cao.
Các trang phục truyền thống "Gandoura" và "Melehfa" thường được phụ nữ ở miền Đông Algeria mặc trong các dịp quan trọng như đám cưới, lễ kỷ niệm và các sự kiện quốc gia, tôn giáo. Việc khoác lên mình trang phục truyền thống trong những dịp này không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa tổ tiên mà còn góp phần củng cố tình đoàn kết và khẳng định bản sắc cộng đồng.
Việc UNESCO công nhận nghệ thuật vẽ Henna và các trang phục truyền thống "Gandoura" và "Melehfa" của Alegria là một cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là một nguồn cảm hứng lớn để cộng đồng quốc tế cùng nhau chung tay bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa đa dạng.
Tết Nguyên đán của Trung Quốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 4/12, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại thủ đô Asunción của Paraguay, "Tết Nguyên đán - tập tục xã hội đón mừng năm mới truyền thống của người Trung Quốc" chính thức...