Google thất bại trong nỗ lực đảo ngược án phạt hàng trăm triệu USD
Ngày 24/1, Tòa án cấp cao ở thủ đô Seoul ( Hàn Quốc) đã ra phán quyết bác đơn khiếu nại của Tập đoàn công nghệ Google (Mỹ) nhằm đảo ngược án phạt hàng trăm triệu USD liên quan đến cáo buộc chống độc quyền khi hãng này buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải cài đặt hệ điều hành Android OS.
Biểu tượng của Google tại Hội nghị trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Yonhap, hồi năm 2021, Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc đã đưa ra mức phạt 224,93 tỷ won (167,97 triệu USD) đối với Google LLC, Google chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương và Google chi nhánh Hàn Quốc, với cáo buộc công ty này ép buộc công ty Samsung Electronics và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác phải cài đặt các phiên bản hệ điều hành Android riêng trên thiết bị của họ. Các cơ quan điều tra cho rằng Google, công ty vốn thống trị thị trường hệ điều hành di động, đã buộc các nhà sản xuất phải ký thỏa thuận chống phân mảnh (AFA) để đổi lấy việc sử dụng hệ điều hành Android. Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc cho rằng việc ký thỏa thuận AFA đã cản trở sự cạnh tranh công bằng. Sau đó, Google đã nộp đơn khiếu nại yêu cầu hủy bỏ mức phạt trên và lệnh hiệu chỉnh hành vi ép buộc này.
Tuy nhiên, Tòa án cấp cao Seoul đã ra phán quyết, theo đó giữ nguyên quyết định của cơ quan chống độc quyền của Hàn Quốc. Phán quyết của Tòa án cấp cao Seoul nhấn mạnh Google đã lạm dụng sự thống trị của hãng trên thị trường, cho rằng công ty này cố tình hạn chế sự cạnh tranh bằng cách loại trừ các công ty đối thủ. Tòa án nhấn mạnh các hãng Samsung Electronics, LG Electronics và các công ty khác gặp khó khăn trong việc thương mại hóa sản phẩm của họ và phát triển các sản phẩm độc đáo. Bên cạnh đó, những công ty này cũng phản ánh rằng sự đổi mới và cải tiến sản phẩm đang bị cản trở do yêu cầu của Google.
Google đang phải đối mặt với nhiều hành động pháp lý của nhiều nước liên quan đến cáo buộc chống độc quyền. Mới đây, Google đã thất bại trong nỗ lực lật ngược khoản tiền phạt 2,4 tỷ euro (2,6 tỷ USD) mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hồi năm 2017.
Khi đó, EC cho rằng Google đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, bằng cách làm cho dịch vụ Google Mua sắm (Google Shopping) xuất hiện phổ biến trong các kết quả tìm kiếm. Tòa sơ thẩm châu Âu mở phiên xét xử đầu tiên về vụ việc này vào năm 2021, trong đó Google thua kiện.
Nhật Bản: Điều tra chống độc quyền đối với Google
Hãng tin Kyodo ngày 23/10 đưa tin Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản thông báo bắt đầu mở cuộc điều tra tập đoàn công nghệ Google liên quan cáo buộc tập đoàn này gây sức ép với các nhà sản xuất điện thoại thông minh.
Biểu tượng Google. Ảnh: AFP/TTXVN
Google bị nghi ngờ ép buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh tích hợp ứng dụng tìm kiếm của hãng này đồng thời đặt biểu tượng của hãng ở những vị trí cụ thể trên điện thoại.
Google cũng ký hợp đồng với nhà sản xuất thiết bị Android để không tích hợp các ứng dụng tìm kiếm của đối thủ trên thiết bị. Đổi lại phía nhà sản xuất sẽ được chia phần lợi nhuận thu về từ quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm của Google. Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản sẽ lấy ý kiến của công chúng về vấn đề này đến hết ngày 22/11.
Trước đó, nhà chức trách Mỹ và châu Âu cũng đã thắt chặt các quy định liên quan đến Google - tập đoàn được cho là chiếm tới 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến toàn cầu. Trong năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật ngăn chặn các công ty công nghệ lớn ưu tiên các sản phẩm của riêng họ.
Trong khi đó, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số do Liên minh châu Âu (EU) ban hành cùng năm cũng siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tạo điều kiện cho các công ty mới gia nhập thị trường, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.
Chuyên gia bảo vệ việc Google chi hàng tỷ USD để duy trì vị thế Một chuyên gia được Google mời ra làm chứng đã lập luận khoản tiền lên tới hàng tỷ USD mà công ty thanh toán cho Apple, các nhà mạng không dây và các nhà cung cấp dịch vụ khác là hành vi cạnh tranh bình thường, không phải lạm dụng vị thế độc quyền. Trụ sở của Google ở New York, Mỹ. Ảnh...