Google khiến con người phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm
Con người đang dần bị phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm trực tuyến để nhận thức về thế giới thay vì tự đào sâu tìm hiểu như trước đây.
“Suốt nhiều năm qua, tôi có cảm giác khó chịu rằng có một ai đó, một thứ gì đó đang mày mò trong tâm trí mình, lập trình lại hệ thống nơ ron và bộ nhớ. Tâm trí tôi đang thay đổi. Tôi không còn lối tư duy như trước đây”, Nicholas Carr viết. Cây bút của nhiều tờ báo lớn, như The New York Times, The Wall Street Journal, Wired… kiêm tác giả của nhiều cuốn sách về công nghệ, cho biết, ông cảm nhận rõ sự thay đổi này thông qua khả năng đọc của bản thân.
Trước đây, Nicholas thích đắm chím trong những cuốn sách, bài báo. Ông dễ bị cuốn vào những câu chuyện hay cuộc tranh luận sôi nổi, sẵn sàng dành hàng giờ để nghiền ngẫm chúng. Nhưng hiện tại thì trái ngược hoàn toàn. Tâm trí Nicholas Carr giờ dễ bị phân tán chỉ sau vài ba trang viết. Ông chật vật để kéo não mình trở lại những dòng văn bản thay vì thơ thẩn đi tìm việc gì khác để làm. Việc đọc sâu giờ chẳng khác nào cực hình.
Nicholas không phải trường hợp duy nhất. Bruce Friedman, blogger chuyên viết về việc sử dụng máy tính trong ngành dược, cho biết, anh giờ không thể đọc những bài viết dài trên web hay báo in. Thậm chí, những bài viết chỉ dài ba đến bốn khổ cũng bị coi là “kho dung nạp”. Thay vì nghiền ngẫm ngôn từ, Bruce đọc lướt để lấy thông tin.
Scott Karp, một blogger chuyên viết về phương tiện truyền thông trực tuyến, cũng gặp vấn đề tương tự. Từng là “con nghiện” sách từ hồi đại học nhưng đến giờ, Scott không còn giữ được thói quen đắm mình vào những con chữ nữa. “Chuyện gì đã xảy ra vậy. Liệu việc tôi không còn đọc nhiều khi đang lướt web vì thói quen đọc đã bị thay đổi, hay vì cách tư duy của tôi đã thay đổi?”, blogger đặt vấn đề.
Con người đang phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm trực tuyến.
Theo Nicholas, tất cả là tại Internet. Suốt hơn một thập kỷ qua, ông dành quá nhiều thời gian để lên mạng, tìm kiếm, lướt web và đóng góp nội dung vào các cơ sở dữ liệu. Thay vì bỏ hàng giờ trong thư viện, giờ chỉ cần vài cú click chuột, người dùng sẽ có được những thông tin mình muốn đeo bám. Ngay cả khi không làm việc, họ cũng không thể rời bỏ cõi mạng. Đối với Nicholas cũng như những người dùng nói chung, Internet giống như một “ống dẫn” giúp cho mọi thông tin được chảy vào trí não thông qua tai và mắt. Có quá nhiều việc để làm với chiếc máy tính hay các thiết bị di động, từ viết email, đọc tít báo, các bài viết, xem video, nghe radio trực tuyến cho đến bấm hết từ link này qua link khác.
Nhưng cái gì cũng đều có mặt thuận lợi và hạn chế. Theo quan điểm được đưa ra từ những năm 1960 của nhà lý luận truyền thông Marshall McLuhan, truyền thông không chỉ là những kênh thông tin thụ động. Chúng không những cung cấp “nguyên liệu” làm nên suy nghĩ cho con người mà còn định hình quá trình tư duy. Đối với Nicholas, Internet đang buộc ông phải đánh đổi khả năng tập trung và suy ngẫm để lấy thông tin với độ phủ rộng cùng tốc độ nhanh. “Ngày trước tôi như một thợ lặn trong biển chữ. Giờ thì tôi chỉ giống như một gã lướt mô-tô nước trên khắp mặt nước ấy”.
Video đang HOT
Một nghiên cứu về thói quen tìm kiếm trên mạng kéo dài 5 năm, được thực hiện bởi các học giả của trường University College of London, cho rằng con người đang có nhiều thay đổi về cách đọc và tư duy. Kết luận này được đưa ra sau khi các chuyên gia theo dõi hành vi của những người truy cập vào hai trang tìm kiếm của Thư viện Anh và một tập đoàn giáo dục nước này. Hai trang tìm kiếm được theo dõi cho phép người dùng truy cập vào các bài báo, sách điện tử và nhiều nguồn thông tin dạng văn bản khác. Lý do họ chọn hai trang tìm kiếm này là bởi chúng ngăn hành vi đọc lướt của người dùng, gần như không cho phép họ quay lại các trang từng truy cập nếu đã nhỡ bấm sang nguồn thông tin tham khảo khác.
Tuy vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy dù bị giới hạn hành vi đọc lướt, người dùng hai trang tìm kiếm này vẫn chỉ đọc từ một đến hai trang cuốn sách hoặc bài báo trước khi điều hướng sang nguồn tham khảo khác. Đối với những bài viết dài, họ cũng chỉ thực hiện thêm thao tác “lưu lại” nhưng không có động thái gì đảm bảo sẽ quay lại đọc nốt những gì còn đang dang dở. “Rõ ràng rằng người dùng không đọc thông tin như cách truyền thống khi họ lên mạng. Có một xu hướng đọc mới nổi lên là lướt qua các đề mục, trang nội dung và tóm tắt nhằm nắm thu được thông tin nhanh nhất”, báo cáo viết.
Maryanne Wolf, nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Tufts (Mỹ) kiêm tác giả cuốn sách Proust and the Squid: The Story and Science of the Reading Brain ( Proust và con mực: Câu chuyện và Khoa học về Bộ não biết đọc), cho rằng con người định nghĩa về bản thân qua cách thức đọc của chính họ. Bà lo ngại xu hướng đọc tập trung vào tính hiệu quả và tức thời nổi lên từ Internet sẽ khiến khả năng nghiền ngẫm của con người, vốn được trui rèn từ thời kỳ công nghệ in ấn thống trị trước đây, bị sẽ suy yếu. Theo chuyên gia, đọc thông tin online chỉ giống như việc “giải mã thông tin đơn thuần”. Khi ấy, khả năng lý giải ngôn từ, tạo ra mối liên hệ về tinh thần phú không xuất hiện như khi con người đọc thông tin sâu và tập trung.
Maryanne Wolf cho biết, đọc không phải kỹ năng thuộc về bản năng của con người. Nó không được quy định trong gen giống như ngôn ngữ. Để đọc được, con người phải dạy cho trí não cách dịch các ký tự biểu tượng mình thấy thành thứ ngôn ngữ họ có thể hiểu được. Các công nghệ và phương tiện truyền thông được sử dụng để học tập và rèn luyện cách đọc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mạng lưới nơ ron bên trong bộ não. Các thí nghiệm đã chứng minh rằng người đọc được chữ tượng hình, ví dụ: Trung Quốc, có mạng lưới dây thần kinh để đọc rất khác so với nhóm sử dụng ngôn ngữ viết là chữ Latin. Sự khác nhau ấy được thể hiện trên nhiều phần của bộ não, trong đó có cả những vùng quy định các chức năng thiết yếu như trí nhớ và lý giải các kích thích thị, thính giác. Do đó, việc những người sử dụng Internet để đọc thông tin có mạng lưới thần kinh khác với nhóm đọc sách hoặc các tác phẩm in ấn khác là hoàn toàn có thể.
Nhiều người cho rằng bộ não với khoảng 100 tỷ nơ ron sẽ không thay đổi khi con người đạt đến tuổi trưởng thành. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều này không đúng. James Old, giáo sư chuyên nghiên cứu về khoa học tâm thần tại Đại học George Maison (Mỹ), cho biết não người rất “mềm dẻo”. Các tế bào thần kinh thường xuyên phá vỡ kết nối cũ và thành lập các kết nối mới. Theo ông, bộ não có khả năng tự lập trình lại bản thân trong suốt thời gian hoạt động và có thể thay đổi cách thức vận hành một cách linh hoạt.
Internet và tham vọng của Google
Ngày nay, Internet có tác động sâu rộng đến cuộc sống của con người. Nó đứng sau hầu hết các công nghệ trí tuệ khác, từ bản đồ, đồng hồ, báo chí in ấn, máy đánh chữ, máy tính đến điện thoại, radio hay TV. Thậm chí, Internet còn hấp thụ các loại phương tiện truyền thông khác, “bơm” vào chúng những đường link, quảng cáo hay các loại thông tin kỹ thuật số khác nhằm sản sinh ra một hình thái mới hấp dẫn sự chú ý của người dùng. Nó giờ trở thành một cỗ máy xử lý và truyền tải thông tin một cách tự động, hiệu quả nhờ sự trợ giúp của các lập trình viên nhằm tìm ra thuật toán hoàn hảo nhất để vận hành.
Trụ sở của Google ở Mountain View, California (Mỹ), được coi là “thánh đường” của Internet. Eric Schmidt, Giám đốc điều hành của hãng, cho biết Google được thành lập dựa trên nền tảng khoa học về đo lường và họ đang hệ thống hoá mọi thứ mình làm. Bằng việc thu thập hàng terabyte dữ liệu về hành vi của người dùng thông qua công cụ tìm kiếm và các website khác của mình, “người khổng lồ” đã sử dụng những gì có được để cải thiện thuật toán kiểm soát các thông tin được tìm kiếm và tìm ra lời giải thích cho những hoạt động tra cứu này. Theo góc nhìn của Google, thông tin là một loại hàng hoá, tài nguyên có thể khai thác và xử lý hiệu quả nhằm đạt được tính hiệu quả mang tính công nghiệp, tức là vốn bỏ ra ít nhất có thể nhưng vẫn đạt lợi nhuận cao.
Cách đây vài năm, Larry Page, nhà đồng sáng lập của Google, từng nói: “Công cụ tìm kiếm là một thứ gì đó thông minh như con người, thậm chí còn thông minh hơn. Đối với chúng tôi, việc nghiên cứu công nghệ tìm kiếm là cách để phát triển trí tuệ nhân tạo”. Năm ngoái, ông tuyên bố trong một hội thảo khoa học rằng Google đang sẵn sang để xây dựng trí tuệ nhân tạo và áp dụng nó đại trà.
Câu hỏi đặt ra là vì sao những người đứng đầu Google lại muốn dẫn đầu trong cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo?
Theo Nicholas, trong thế giới của Google, con người giống một cỗ máy tính đã hết thời, cần đến một bộ xử lý nhanh hơn và ổ cứng dung lượng lớn hơn. Nhờ đó, con người có thể “đạt hiệu suất cao hơn” khi bước vào thế giới Internet. Họ có thể duyệt nhiều trang web, bấm vào nhiều đường link, đọc nhiều thông tin trên mạng hơn… đồng nghĩa với việc Google cùng các công ty công nghệ khác có thêm nhiều cơ hội để thu thập thông tin người dùng, đưa ra các quảng cáo phù hợp với nhu cầu và cuối cùng là kiếm lời hơn từ đó. Điều những hãng công nghệ này ít mong muốn nhất chính là người dùng đọc thông tin một cách chậm rãi và tập trung – hành vi ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của họ.
Việc đọc và nghiền ngẫm ngôn từ không chỉ mang giá trị về tri thức mà còn đem lại những rung động về mặt trí tuệ. Chúng đem lại những khoảng lặng để tâm trí con người có thể chiêm nghiệm, đúc rút ra những kết luận cho riêng mình. Nếu những khoảng lặng này bị đánh mất, hoặc bị lấp đầy bởi các nội dung gây phân tán khác, con người dễ đánh mất một thứ quan trọng đối với bản thân lẫn văn hoá của chính mình.
Trong một bài tiểu luận gần đây, nhà viết kịch Richard Foreman nói rằng con người ngày nay đang chịu áp lực về việc bị quá tải thông tin và những công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngay lập tức. Nhân loại dễ có nguy cơ trở nên nông cạn khi chỉ ngày ngày chỉ lướt trên bề mặt mạng lưới thông tin khổng lồ chứ không “lặn ngụp” để tìm hiểu sâu như họ từng làm. Và khi con người phải dựa dẫm vào máy tính như một công cụ trung gian để nhận thức về thế giới, theo Nicholas, chúng ta đã hạ thấp trí tuệ giống loài ngang với trí thông minh nhân tạo.
Truyền thông Australia đòi Google, Facebook chi trả 400 triệu USD/năm
Tháng trước, Australia đã đưa ra các kế hoạch nhằm buộc các công ty công nghệ lớn chia sẻ doanh thu từ quảng cáo trong nội dung tin tức trên các công cụ tìm kiếm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 14/5, tập đoàn truyền thông lớn thứ hai của Australia Nine Entertainment kêu gọi Google và một số "ông lớn" công nghệ khác trả khoảng 400 triệu USD/năm cho các hãng tin tức của nước này theo bộ quy tắc ứng xử bắt buộc do Chính phủ Australia ban hành.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Australian Financial Review, ông Peter Costello, Chủ tịch tập đoàn Nine Entertainment, cho rằng các tập đoàn công nghệ "về bản chất đang sử dụng sản phẩm do các tổ chức tin tức tạo ra mà không trả phí."
Theo ông Costello, Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) đã xác định rằng 10% trong tổng thu nhập của các tập đoàn công nghệ có được từ quảng cáo trong nội dung tin tức.
Tổng thu nhập này ước tính khoảng 6 tỷ AUD/năm (3,9 tỷ USD), do đó ông Costello cho rằng các tập đoàn công nghệ phải trả cho các tổ chức truyền thông của Australia 10% này.
Chính phủ Australia trong nhiều tháng qua đã đàm phán một bộ quy tắc ứng xử nhằm đạt được một thỏa thuận tự nguyện với Google, Facebook và một số hãng khác.
Tháng trước, Australia đã đưa ra các kế hoạch nhằm buộc các công ty công nghệ lớn này chia sẻ doanh thu từ quảng cáo trong nội dung tin tức trên các công cụ tìm kiếm của những hãng này.
Tuy nhiên, cả Google và Facebook đều phản đối và kêu gọi tiếp tục đàm phán. Hai hãng này cho rằng đã đầu tư hàng triệu USD vào các sáng kiến giúp ngành thông tin-truyền thông của Australia tồn tại.
Google và Facebook có tầm ảnh hưởng lớn tới ngành thông tin-truyền thông Australia, doanh thu chiếm hơn 66% số tiền chi cho quảng cáo trực tuyến.
Nhằm ứng phó với tình hình doanh thu giảm sút, các hãng tin tức Australia đã cắt giảm 20% việc làm trong vòng 6 năm qua.
Ngoài ra, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động tiêu cực tới ngành thông tin-truyền thông, khiến một số hãng tin nhỏ buộc phải đóng cửa./.
'Virus đã tạo ra đồng hồ của riêng chúng' Không còn phân định ngày đêm, không cần biết giờ giấc hay thứ mấy, đại dịch Covid-19 đã định nghĩa lại thời gian của chúng ta. Lược dịch bài của tác giả Rielle Pardes từ Wired về khoảng thời gian ở nhà tránh dịch Covid-19. Tôi không treo đồng hồ ở nhà, muốn xem giờ thì sẽ hỏi Google Home. Tôi thường kêu...