Gông cổ một tháng, đánh 100 roi nếu mang tài liệu vào phòng thi
Dưới thời phong kiến, những quy chế thi cử thường hết sức ngặt nghèo. Thí sinh có thể bị gông cổ, đánh trượng, bỏ tù nếu phạm trường quy.
Ảnh minh họa
Khoa cử là một trong những hình thức cơ bản để tuyển dụng nhân tài, phục vụ đất nước ngày xưa.
Ở nước ta nền khoa cử ra đời tương đối sớm. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, các triều đại phong kiến Việt Nam như Ngô, Đinh, Tiền Lê đã ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng và củng cố chính quyền.
Đến thời Lý (1009-1225) bộ máy nhà nước phong kiến về căn bản đã được hoàn thiện. Để có thể tuyển dụng nhân tài phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhà Lý bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền giáo dục nước nhà.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1070, vua Lý Nhân Tông cho thành lập Văn Miếu, một năm sau cho thành lập Quốc Tử Giám (trường học đầu tiên của quốc gia).
Tiếp theo đó, năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho tổ chức kỳ thi tuyển chọn người tài đầu tiên, được gọi là kỳ thi Minh kinh bác học. Kể từ đây, nền khoa cử Việt Nam chính thức ra đời.
Sau thời Lý, các triều đại phong kiến tiếp tục hoàn thiện nền giáo dục nước nhà. Phần lớn các triều đại đều có một số cải cách về nội dung giáo dục và thi cử để phù hợp hơn.
Tuy nhiên, điểm chung là: dù dưới bất cứ triều đại nào, thì việc giáo dục và thi cử dưới thời phong kiến vẫn luôn tồn tại những quy định hết sức ngặt nghèo, bắt buộc học sinh phải vượt qua.
Theo sách Đại Nam Hội điển sự lệ, triều Nguyễn quy định, thí sinh không được mang tài liệu vào trường thi, không được nói chuyện ồn ào, lộn xộn, phải đóng dấu “nhật trung” (dấu xác định bài thi được làm tại trường thi), cấm ngồi không đúng chỗ quy định, tự ý vứt bỏ hoặc sửa chữa bảng tên, cấm kê khai gian lận tên tuổi, cấm nộp bài trễ hạn. Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Ngoài ra, hình phạt đối với người vi phạm thì rất nghiêm khắc. Nếu bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị gông (cùm) một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Nói chuyện ồn ào thì truy tội cả thí sinh lẫn các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương có thí sinh vi phạm.
Trong bài thi lại có những quy định khác, rắc rối và ngặt nghèo hơn, chủ yếu là những lỗi về hình thức mà thí sinh phải tránh. Đầu tiên là lỗi khiếm tị (phải biết tránh chữ húy). Chữ “húy” ở đây chính là tên của tất cả các đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua, tên lăng, miếu, cung, điện, làng quê của vua, con vua, vợ vua…nếu bài phạm húy, chắc chắn sẽ bị đánh hỏng.
Sau lỗi khiếm tị là lỗi khiếm trang và khiếm đài. Khiếm trang nghĩa là bài thi thiếu phần tao nhã, dùng những từ thô tục về ngữ nghĩa và âm luật, thiếu tôn kính với các từ tôn nghiêm. Đang hành văn mà gặp những từ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu… thì phải tự động sang hàng và đài (nâng cao lên trong dòng chữ), nếu không sẽ mắc lỗi khiếm đài.
Bài thi phải viết loại chữ chân phương, thiếu một nét, một chấm xem như mắc lỗi, phạm luật. Khi làm xong bài, cuối quyển thi phải ghi rõ số chữ đã xóa, bỏ sót, sửa chữa.
Video đang HOT
Trước thời gian thi bốn tháng, những thí sinh muốn dự thi phải ghi danh tại địa phương để xem xét tư cách đạo đức, lý lịch.
Những người đang chịu tang cha hoặc mẹ, đang chịu tang ông bà nội mà đương sự là người phải lo việc thờ phụng không được tham gia kỳ thi. Những người bất hiếu, không hòa thuận với anh em, tàn bạo… cũng không được thi. Những người thân thuộc với những người phạm tội đã bị chém, giảo (thắt cổ), đi đày, sung quân (dù những người này đã được tha về)… cũng không thi.
Những người chức tước cao nhất, không kể đã bị xét xử hay chưa, dù đã chết hay đã ra đầu thú được khoan dung, thì từ con cho đến cháu, chắt cùng những người chịu tang từ chín tháng trở lên đều không được dự thi.
Nếu là kẻ tòng phạm theo giặc nhưng không có chức tước, hoặc nhỏ thì con cháu không được đi thi. Nếu đã ra đầu thú, lập công được giảm án thì cháu được đi thi. Nếu là kẻ tòng phạm nhưng bị giặc ức hiếp phải theo chẳng có chức tước gì thì con không được.
Nguyễn Thanh Điệp
Theo vietnamnet.vn
4 nữ sinh Hà Tĩnh được đại học Mỹ cấp học bổng lớn năm 2018
Mùa tuyển sinh năm nay, Hà Tĩnh có những gương mặt học sinh học giỏi, năng động đỗ các trường đại học Mỹ, tô thắm thêm truyền thống học hành và khoa cử đáng ngưỡng mộ của mảnh đất Hồng Lam.
Nguyễn Ngọc Phương Linh - học bổng 5,5 tỷ đồng Đại học Dickinson
Em Nguyễn Ngọc Phương Linh (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) vừa giành được học bổng trị giá 5,5 tỷ đồng tại trường Đại học Dickinson. Ngoài ra, Linh còn giành suất học bổng 5 tỷ đồng từ trường Đại học Duke Kunshan (chi nhánh của Đại học Duke, Mỹ).
Nữ sinh Hà Tĩnh có điểm số ấn tượng: Điểm ACT 35/36, SAT II Maths 800/800, SAT II Physics 800/800, TOEFL 110/120. Tháng 8-2018, Phương Linh bắt đầu rời Hà Tĩnh, hành trình du học ở Trường Đại học Dickinson.
Nguyễn Ngọc Phương Linh (giữa) giành được học bổng trị giá 5,5 tỉ đồng tại trường Đại học Dickinson.
Khi được hỏi về bài luận giúp cô giành học bổng 5,5 tỷ đồng, Phương Linh chia sẻ: "Bài luận chính của em viết về những ngày em làm trang phục phục vụ buổi trình diễn thời trang, gây quỹ từ thiện tại làng trẻ em SOS Hà Tĩnh.
Khi đó, em cùng các bạn tự làm những bộ trang phục bằng giấy. Ban đầu, rất khó làm vì chưa quen, chưa thông thạo. Tuy nhiên, khi chúng em cùng nhau tìm ra hướng giải quyết hợp lý, tham khảo ý kiến của nhau nên thấy được hiệu quả của làm việc nhóm".
"Em nghĩ, lúc đó còn nhỏ nên không kiểm soát được cảm xúc. Nhưng sau đó, em lại nhận ra giá trị của đồng đội trong công việc chung", cô gái Hà Tĩnh cho hay.
Còn bài luận phụ khi nộp vào trường Đại học Dickinson, Phương Linh đã viết về niềm yêu thích nhạc cổ điển. Ngoài ra, cô còn viết về sinh viên Dickinson cùng tham gia học thể loại nhạc này. Chính điều này khiến cô thấy rằng, sinh viên Dickinson được phát triển toàn diện và gần gũi với nhau.
Ngoài ra, trong bài luận phụ, Linh còn viết về những chiếc ghế đỏ được nhà trường đặt trên sân thể hiện sự thân thiện và quan tâm sinh viên.
Phương Linh, cựu học sinh Chuyên Hà Tĩnh từng được biết đến là Á khoa toàn quốc khối A1, thủ khoa kép khối A1 và D tại Hà Tĩnh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.
Khi đang là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, Phương Linh đã quyết định bỏ ngang để bắt đầu tìm kiếm học bổng du học.
Phan Thị Minh Phương - học bổng trị giá 6,2 tỷ đồng từ trường Đại học Smith
Phan Thị Minh Phương, lớp 12 Anh 1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã xuất sắc chinh phục được gói học bổng trị giá 6,2 tỷ đồng từ trường Đại học Smith College. Được biết, em Phương là thủ khoa đầu vào khối chuyên Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh năm học 2015-2018.
Theo lãnh đạo nhà trường, trong suốt 3 năm học cấp 3, Phương đều là học sinh giỏi toàn diện, đặt biệt có năng khiếu về Tiếng Anh và môn Toán. Từng đạt huy chương vàng IOE quốc gia môn Tiếng Anh năm lớp 11, giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh lớp 12; thi IELTS: 8.0; SAT đạt 1530/1600...
Em Phan Thị Minh Phương - chủ nhân học bổng trị giá 6,2 tỷ đồng từ trường Đại học Smith, Mỹ cùng với mẹ (Ảnh: Báo Hà Tĩnh ).
Không có điều kiện để đến các trung tâm ôn luyện, em phải ở nhà tự học là chủ yếu. Để thi lấy chứng chỉ chuẩn hóa IELTS và SAT, em tự mua sách tham khảo và tìm kiếm thông tin trên mạng internet. Ngoài ra, quá trình ôn luyện đội tuyển quốc gia cũng giúp Minh Phương nhiều trong việc trang bị các kiến thức và kỹ năng.
Theo Minh Phương, để gây ấn tượng tốt với các nhà tuyển sinh của trường đại học Mỹ, ngoài thành tích học tập, bài luận và hoạt động ngoại khóa là những yếu tố rất quan trọng. Bài luận giúp họ biết về con người của thí sinh, hồ sơ hoạt động ngoại khóa giúp họ thấy được tinh thần dấn thân vì cộng đồng của người ứng tuyển.
Từ niềm đam mê đọc sách, em đã viết về những quyển sách mà mình đã đọc để gửi cho các trường đại học. Cả bài luận chính và bài luận phụ gửi Trường Đại học Smith College em đều viết về niềm đam mê này. Phương châm của em là không cần phải cố gắng thay đổi cá tính, thiên hướng của bản thân mà nên đầu tư phát triển thế mạnh cá nhân để tìm kiếm một ngôi trường phù hợp.
Phan Thị Thanh Hà - học bổng 6 tỷ đồng từ ĐH Bryn Mawr
Phan Thị Thanh Hà (sinh năm 1999), cựu học sinh trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh vừa giành được học bổng hơn 6 tỷ đồng từ ĐH Bryn Mawr, Hoa Kỳ. Thanh Hà từng đạt Thủ khoa học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm 2015-2016 và 2016-2017; huy chương bạc IOE tiếng Anh cấp Quốc gia; điểm thi đại học 27,5 khối A1 năm 2017, IELTS 8.0.
"Trong bộ hồ sơ gửi ĐH Bryn Mawr, em đã cố gắng thể hiện chân thật nhất con người của mình: một người không thích cạnh tranh, không tạo áp lực cho bản thân và không ép mình phải toàn diện.
Thay vì vậy, em thể hiện sở thích du lịch đây đó và dành thời gian khám phá bản thân qua bài luận chính của mình", Thanh Hà cho hay. Có thể nói, bước ngoặt du học Mỹ và học bổng lớn đến ngôi trường mơ ước đất Mỹ của Phan Thị Thanh Hà đến từ sở thích du lịch trải nghiệm.
Phan Thị Thanh Hà (trái) giành được học bổng hơn 6 tỷ đồng từ ĐH Bryn Mawr, Hoa Kỳ.
Hà kể về mùa hè năm 2017 và hành trình du lịch xuyên Việt mang tên IM Venture em tham gia. Chuyến đi 12 ngày này đã mang lại cho em rất nhiều: tình yêu với quê hương Việt Nam, hiểu biết về văn hóa địa phương và quan trọng nhất, nó đã mang đến cho em những tình bạn, tình anh chị em hết sức quý báu.
Em viết về việc chuyến đi với 13 người hoàn toàn xa lạ đã dạy cho em cách tôn trọng sự khác biệt, cách tin tưởng và đón nhận lòng tốt của mọi người, đồng thời nhân rộng nó trong bài luận. Từ việc kể về những thay đổi nhỏ như dừng lại chờ mọi người đi trước, học cách lắng nghe, xóa bỏ định kiến về giới tính, cô gái nhỏ đã thể hiện cho hội đồng thấy mình là người biết đón nhận, thay đổi và hoàn thiện bản thân hơn, qua đó cho thấy việc em sẵn sàng đến với một miền đất mới và đón nhận những điều mới mẻ như thế nào.
Nguyễn Đặng Hải An - học bổng 6,5 tỷ đồng từ Đại học Skidmore
Nguyễn Đặng Hải An (sinh năm 1999), cựu học sinh lớp chuyên Anh, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh xuất sắc giành được gói học bổng và hỗ trợ tài chính từ trường Skidmore College, Mỹ trị giá 6,5 tỷ đồng cho 4 năm học đại học. Hải An từng đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh; Huy chương Vàng IOE Tiếng Anh 2016; 8 huy chương vàng, 2 huy chương bạc tại cuộc thi hùng biện World Scholars cấp quốc tế 2017; huy chương danh dự kỳ thi toán Hypatia của đại học Waterloo, Canada.
Nguyễn Đặng Hải An xuất sắc giành được gói học bổng trị giá 6,5 tỷ đồng từ trường Đại học Skidmore, Mỹ.
Đam mê ngoại ngữ; thích sáng tạo khoa học kỹ thuật; mỹ thuật, âm nhạc... ở lĩnh vực nào cô học trò Nguyễn Đặng Hải An (học sinh chuyên Anh, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) đều làm rất tốt. Đặc biệt, năm 2016, Hải An là học sinh lớp 11 duy nhất của Việt Nam giành được học bổng 1,6 tỷ đồng của trường quốc tế Châu Á ISAK (Nhật Bản).
Được biết, từ nhỏ Hải An được gia đình định hướng theo học khối A. Tuy nhiên, không biết tự khi nào, cứ có thời gian rãnh rỗi An lại mở nhạc tiếng Anh, xem phim Anh, Mỹ và nhất là các thể loại hoạt hình, đọc báo mạng... bằng tiếng Anh .
Đến lớp 8, ước mơ đi đến những miền đất mới khiến Hải An thêm có động lực. An cho biết: "Em rất thích đi đây đó khám phá, giao lưu văn hóa. Mà tiếng Anh chính là ngôn ngữ phổ biến, muốn tìm hiểu văn hóa, con người họ cũng như giới thiệu văn hóa của mình ra thế giới thì tiếng Anh chính là phương tiện giúp em làm điều đó".
Lệ Thu (tổng hợp)
Theo Dân trí
Gần 1.000 năm khoa cử Việt Nam qua di sản tư liệu thế giới Qua mộc bản, châu bản triều Nguyễn và 82 bia tiến sĩ, quan điểm về giáo dục, khoa cử của các vương triều được thể hiện rõ. Bản tấu của Bộ Lễ về việc cấp ngựa cho tân tiến sĩ vinh quy năm Tự Đức thứ 4 (1851) trong Châu bản triều Nguyễn - Tự Đức tập 28. Bản tấu này được trưng...