Gợi ý sử dụng Atlat địa lý Việt Nam khi làm bài thi
(GDVN) – Atlat có vai trò quan trọng trong hoạt động dạy học. Tuy nhiên, học sinh còn gặp nhiều khó khăn, hoặc chưa phát huy hết hiệu quả vốn có của nó.
LTS: Còn ít ngày nữa là đến kỳ thi quốc gia lần đầu tiên, nhà giáo Minh Xuân đã viết bài báo này, hướng dẫn học trò thi môn địa lý.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Atlat địa lý Việt Nam được coi là “tài liệu” duy nhất mà học sinh được sử dụng trong tất cả các kỳ thi: thi học kỳ, thi học sinh giỏi các cấp, thi tuyển vào lớp 10, thi Tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Atlat địa lý Việt Nam được xây dựng dựa trên chương trình địa lý Việt Nam,
nó diễn giải các vấn đề địa lý đi từ cái chung đến cái riêng, từ tự nhiên đến kinh tế xã hội, từ tổng thể đến các bộ phận.
Có thể nói rằng Atlat vừa là nguồn cung cấp kiến thức, thông tin tổng hợp; là phương tiện để học tập, rèn luyện các kỹ năng cũng như hỗ trợ rất lớn trong các kỳ thi môn Địa Lý.
Atlat địa lý Việt Nam được phép mang vào phòng thi trong tất cả các kỳ thi (Ảnh: baodongnai.com.vn)
Tuy nhiên trong thực tế, việc sử dụng Atlat của học sinh còn gặp nhiều khó khăn, hoặc chưa phát huy hết hiệu quả vốn có của nó.
Nguyên nhân là do học sinh mới chỉ được trang bị cuốn Atlat chứ chưa được hướng dẫn sử dụng một cách chi tiết hoặc nếu có thì cũng chỉ được hướng dẫn qua loa.
Chính vì vậy, dù trong các kì thi Bộ GD&ĐT quy định học sinh được sử dụng Atlat nhưng chỉ có số ít các em phát huy tối đa được tác dụng của nguồn “tài liệu” quý giá này.
Video đang HOT
Bài viết này tôi xin gợi ý cách sử dụng Atlat địa lý Việt Nam khi làm bài thi, đặc biệt đối với các em học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2014- 2015:
Các kĩ năng chủ yếu:
- Nhớ, thuộc kí hiệu.
- Kĩ năng tính toán, đo đạc, so sánh, xác định vị trí địa lý, xác định các mối liên hệ tương – hỗ, phân tích các mối liên hệ nhân – quả.
- Kĩ năng sử dụng lát cắt địa hình, biểu đồ, bảng số liệu.
- Kĩ năng trình bày, giải thích, viết báo cáo từ các kiến thức khai thác ở Atlat.
Cách thức sử dụng:
- Học thuộc, ghi nhớ và sử dụng được trang Mở đầu của Atlat (thuộc được các kí hiệu và chú giải của Atlat để vận dụng đọc được các trang bản đồ).
- Đọc từng trang
- Đọc nhiều trang Atlat (Khi đề bài không yêu cầu sử dụng trang cụ thể nào, nhưng để giải quyết câu hỏi thí sinh phải kết hợp nhiều trang Atlat khác nhau).
Một số yêu cầu thường gặp khi gặp khi khai thác kiến thức từ Atlat:
- Nhận biết, chỉ, đọc tên các đối tượng địa lý trên bản đồ
- Xác định phương hướng, khoảng cách, vĩ độ, kinh độ, tọa độ địa lý, kích thước, hình thái các đối tượng địa lý trên lãnh thổ.
- Xác định vị trí địa lý của một đối tượng địa lý.
- Trình bày đặc điểm đối tượng trên bản đồ.
- Xác định các mối liên hệ không gian trên bản đồ.
- Xác định các quan hệ tương – hỗ, nhân – quả trên bản đồ.
- Trình bày tổng hợp một số khu vực, bộ phận lãnh thổ.
Các bước làm bài thi khi gặp câu hỏi về khai thác nội dung trong Atlat:
Bước 1: Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề bài.
Bước 2: Xác định trang hoặc một số trang Atlat cần dụng dụng để giải quyết yêu cầu của đề bài.
Bước 3: Xác định loại kĩ năng làm việc với bản đồ nào cần sử dụng đối với đề bài này (kĩ năng nhận biết, đọc tên các đối tượng địa lý, kĩ năng xác định vị trí, hay kĩ năng xác định mối quan hệ tương hỗ, mối liên hệ không gian….).
Bước 4: Tiến hành khai thác từ Atlat.
Đối với học sinh đã học thuộc kí hiệu thì chỉ cần nhìn vào đối tượng địa lý là có thể đọc được bản đồ, nhưng đối với học sinh chưa thuộc kí hiệu các em cần đối chiếu với kí hiệu ở trang Mở đầu.
Khi khai thác một trang Atlat cần lưu ý khai thác tối đa những nội dung liên quan được thể hiện trong trang đó, gồm nội dung chính (gồm các nội dung thể hiện trong bản đồ hình thể Việt Nam và các nội dung phụ là các biểu đồ bảng số liệu, tranh ảnh xung quanh bản đồ).
Bước 5: Thực hiện tổng hợp nội dung khai thác được từ bản đồ, kết hợp kiến thức đã học để trình bày khoa học đúng trọng tâm vào bài thi.
Ví dụ: Dựa vào Atlat địa lý Việt Nam và kiến thức đã học hãy phân tích hai khu vực tập trung công nghiệp lớn nhất nước ta?
Đối với câu hỏi này trước tiên học sinh cần đọc kĩ đề, xác định yêu cầu của đề bài (dựa vào Atlat và kiến thức đã học để phân tích hai khu vực tập trung công nghiệp lớn nhất nước ta).
Trang Atlat cần sử dụng đối với câu hỏi này là trang Công nghiệp chung.
Kĩ năng cần sử dụng đó là kĩ năng đọc, xác định vị trí địa lý (vị trí và tên hai khu vực tập trung tâm công nghiệp lớn nhất đó là:
Vùng công nghiệp Bắc Bộ (Đồng bằng sông Hồng và các vùng phụ cận) và vùng công nghiệp Nam Bộ (vùng công nghiệp Đông Nam Bộ) nhờ vào kí hiệu và mật độ tập trung các trung tâm công nghiệp có quy mô khác nhau (các hình tròn bên trong thể hiện cơ cấu ngành công nghiệp).
Kĩ năng trình bày đặc điểm của đối tượng địa lý (đặc điểm của hai khu vực tập trung công nghiệp), …
Khi khai thác bản đồ công nghiệp chung cần vận dụng các kĩ năng nói trên, sử dụng tổng hợp các nội dung thể hiện trên trang bản đồ để trình bày được đặc điểm của hai khu vực tập trung công nghiệp như:
Mức độ tập trung công nghiệp cao, dạng lãnh thổ công nghiệp (hình rẻ quạt, dải công nghiệp), tập trung nhiều trung tâm công nghiệp (dẫn chứng)…
Trên đây là một số gợi ý sử dụng Atlat địa lý Việt Nam trong kì thi, tuy nhiên cần lưu ý với các em học sinh rằng, Atlat không phải là tài liệu thay thế cho bất kì nguồn tài liệu địa lý nào khác, nó chỉ có hiệu quả đối với những học sinh có kiến thức và kĩ năng sử dụng
Chính bởi vậy các em phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức địa lý, rèn luyện kĩ năng sử dụng bản đồ để khai thác hiệu quả từ Atlat một cách triệt để.
Cuối cùng, kì thi THPT Quốc gia sắp đến gần, chúc cho các thí sinh ôn tập hiệu quả, có sức khỏe và tinh tình thật tốt và luôn giữ vững phong thái tự tin trước kì thi!
Theo GDVN