Gọi xe máy qua ứng dụng nở rộ tại Đông Nam Á
Tại những thị trường như Indonesia, Việt Nam, dịch vụ đặt xe như GrabBike tỏ ra phù hợp nhờ tính linh động và mức giá rẻ.
“Trong thời tiết nóng và ẩm ướt, tôi bị chết gí trong chiếc xe khoảng gần một giờ đồng hồ vì taxi không thể thoát khỏi khu vực tắc đường từ sân bay về khách sạn ở Jakarta. Khoảng một giờ 40 phút sau, tôi cuối cùng đã vượt qua 32 km để về được khách sạn”, Aloyslus Low – biên tập viên của Cnet – chia sẻ về chuyến thăm Indonesia gần nhất.
“Tôi mất một khoảng thời gian tương tự để bay khoảng cách 900 km từ Singapore đến thủ đô Indonesia, bao gồm cả thời gian làm thủ tục nhập cảnh”, Low cho biết thêm.
Jakarta là một trong những thành phố có giao thông tệ nhất thế giới. Nếu người Mỹ coi giao thông tại Los Angeles là tệ hại, nó vẫn không là gì so với những nơi như Bangkok hay Mexico City, càng không thể so với Jakarta, theo nghiên cứu của Castrol.
Tình trạng giao thông tệ hại này mở ra cơ hội cho các dịch vụ chia sẻ phương tiện. Đối thủ của Uber tại Indonesia là Grab đã tận dụng lợi thế địa phương với dịch vụ “xe ôm” có tên gọi ojek.
Luôn có những con đường tắt mà chỉ người đi xe máy mới sử dụng được. Ảnh: Cnet.
Nhanh chóng và tiện lợi, GrabBike vượt qua các chướng ngại, len lỏi giữa những hàng dài ôtô để đưa khách đến đích một cách nhanh chóng. Một lái xe Grab nói nếu đi xe hơi mất một giờ, họ chỉ mất 15 phút để đến nơi.
Giá của dịch vụ này cũng siêu rẻ so với chuẩn phương Tây. Với quãng đường 8 km, khách phải bỏ ra 12.000 rupiah (chưa đến 1 USD). Một lái xe chăm chỉ có thể kiếm khoảng 525 USD/tháng nhờ GrabBike, cao gấp đôi so với thu nhập bình quân tại Jakarta.
Grab – mở cửa dịch vụ chia sẻ xe máy từ tháng 5/2015 – không phải đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ tương tự. Họ phải cạnh tranh với startup có tên Go-Jek (cung cấp dịch vụ từ 1/2015) và Uber với UberMotor (tháng 4/2016). Cả 3 dịch vụ này nhắm đến các chủ xe máy để vận hành, với con số ước tính khoảng 77 triệu (năm 2012).
Hiện không rõ công ty nào nắm thị phần lớn nhất. Go-Jek cho biết họ chiếm 60% thị phần thị trường chia sẻ môtô và ôtô. Grab cũng đưa ra con số tương tự với 50% thị phần trong khi Uber từ chối bình luận.
GrabBike không chỉ xuất hiện tại Jakarta. Họ cung cấp dịch vụ ở Bali, 2 thành phố lớn của Việt Nam và sẽ sớm có mặt tại Bangkok.
Video đang HOT
Đối thủ của Uber có kế hoạch lớn cho thị trường Đông Nam Á, một trong số đó là mở 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Ấn Độ và Việt Nam. Go-Jek, trong khi đó, chưa có kế hoạch mở rộng mạng lưới. Họ muốn tập trung vào thị trường nội địa, cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á.
Có đủ an toàn?
Jakarta không phải nơi an toàn để đi xe máy. Lề đường thường trở thành một làn đường riêng cho những lái xe thiếu kiên nhẫn. Mặc dù tỷ lệ tai nạn giao thông giảm, vẫn có khoảng 7.400 vụ tai nạn làm gần 700 người thiệt mạng, theo số liệu của cảnh sát giao thông Jakarta năm 2016.
Tuy nhiên, nếu ở nội thành Jakarta và muốn di chuyển nhanh chóng, xe máy là giải pháp nhanh nhất, rẻ nhất và dễ dàng nhất.
“Thư giãn và đặt tay lên đùi của bạn”, tài xế GrabBike nói với Low khi cảm nhận thấy sự e ngại của anh này.
Tài xế đỗ xe tại trung tâm huấn luyện của Grab để chờ thi sát hạch. Ảnh: Cnet.
Trước khi trở thành tài xế của GrabBike, họ phải tham dự một buổi thuyết trình dạy cách sử dụng ứng dụng cũng như vượt qua các bài kiểm tra về lái xe an toàn.
GrabBike cho biết lái xe được yêu cầu không vượt quá tốc độ 60 km/h. Họ sẽ bị nhắc nhở nếu vượt quá tốc độ này.
Với Go-Jek, quy trình tuyển lái xe có nhiều điểm tương đồng.
Mặc dù vậy, tai nạn là điều không thể tránh khỏi. Grab từ chối tiết lộ con số cụ thể nhưng khẳng định tỷ lệ tai nạn giảm khoảng 10% mỗi tháng kể từ khi họ giới thiệu quy trình chuẩn vào tháng 3/2016. Tốc độ của các tài xế cũng giảm 35% sau khi ứng dụng có tính năng theo dõi tốc độ.
Công việc chính
Giống như cách Uber tạo ra công việc mới cho các tài xế xe hơi, trở thành một ojek hiện khá dễ dàng.
Với Nurhayati – bà mẹ 2 con, đây là công việc mang đến sự linh động. Chị này từng làm trợ lý tại một ngân hàng nhưng đã bỏ việc để theo nghiệp tài xế trong một năm rưỡi qua. Chị muốn dành nhiều thời gian hơn cho con mình.
Nurhayati là một trong số ít những tài xế nữ kiếm sống bằng GrabBike. Ảnh: Cnet.
Là một lái xe chăm chỉ, chị từng có thời điểm thực hiện 28 chuyến một ngày nhưng hiện tại, số lượng chỉ còn khoảng 10 chuyến.
“Tôi không thực sự quan tâm đến các chế độ cho người lao động. Tôi vui vì trước hết tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho con mình”, chị nói.
Với hơn 80% lái xe của GrabBike là nam, Nurhayati là một trong số ít nữ lái xe trong đội xe của Grab ở quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi. Nurhayati tỏ ra không hề e ngại khi nói về công việc của mình. Cô cũng không sợ tai nạn nhưng không lái xe quá muộn vì những vụ cướp đêm có thể xảy ra.
Thành Duy
Theo Zing
Uber dùng phần mềm 'xe ma' để qua mặt chính quyền Mỹ
Công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải Uber tự nhận là đã dùng một chương trình chạy ngầm nhằm lách luật kinh doanh sau khi bị cấm hoạt động ở nhiều nơi trên nước Mỹ.
Theo New York Times, phần mềm có tên gọi là Greyball truy xuất dữ liệu từ ứng dụng của Uber và dùng nhiều phương pháp khác nhau để nhận diện và ngăn chặn việc xử phạt của cảnh sát đối với các xe của Uber đậu sai nơi quy định hoặc vi phạm luật an toàn giao thông.
Uber đã dùng chính phương pháp này để lách luật ở các thành phố lớn ở Mỹ như Boston, Las Vegas, và ở những nước khác như Australia, Trung Quốc, Italy và Hàn Quốc.
"Những chuyến xe đã được đặt trước bỗng dưng bị hủy bởi tài xế, khi phát hiện ở gần khu vực đó có sự xuất hiện của cảnh sát hay nhân viên chấp pháp của thành phố", một phóng viên của tờ New YorkTimes chia sẻ.
Công cụ này cho phép Uber hiển thị biểu tượng của các xe "ma" trên ứng dụng, hoặc xóa bỏ sự hiện diện của các xe đăng ký qua Uber xung quanh khu vực đó. Greyball bị phát hiện bởi người dùng và các điều tra viên thông qua những chuỗi sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực lên hãng Uber.
Hiện nay phần mềm Greyball vẫn đang được sử dụng mặc dù gặp phải nhiều phản đối từ chính quyền các thành phố ở Mỹ. Ứng dụng được Uber phát triển nhằm bảo vệ tài xế, ngăn chặn sự phá hoại từ các đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, Greyball còn báo động cho tài xế không bị rơi vào bẫy của các nhà làm luật.
Trong số đó, các cáo buộc về hành vi xâm hại tình dục của tài xế Uber với khách hàng đã buộc giới truyền thông mở nhiều cuộc điều tra nội bộ. Hơn nữa, hãng xe Waymo tố cáo Uber đánh cắp mẫu công nghệ thiết kế xe tự động lái. Tuy nhiên, Uber đã phủ nhận cáo buộc này từ đó nảy ra nhiều tranh cãi với các hãng xe khác.
Một khách hàng đang truy cập ứng dụng Uber. Ảnh: Reuters.
Một khi công cụ Greyball được đưa vào sử dụng, các kỹ sư của hãng Uber sẽ tạo ra một danh sách dùng để nhận diện cảnh sát giao thông, nhân viên chấp pháp trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, công cụ còn dò tìm số liên lạc của những chiếc điện thoải rẻ tiền mà họ dùng để gọi cho tài xế Uber để kiểm tra, từ đó cảnh báo cho người lái xe từ tổng đài.
"Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để bảo vệ trật tự an ninh công cộng. Với những bằng chứng trên đây, chúng tôi sẽ tăng cường điều tra hãng Uber, và tạo ra thêm nhiều thay đổi tích cực trong việc quản lý và bảo vệ khách hàng", Dylan Rivera, phát ngôn viên của Cục giao thông vận tải thành phố Portland, tiểu bang Oregon, Mỹ chia sẻ.
Mới đây, Martin O'Rourke người đại diện của Philadenphia Parking Authority, cơ quan điều tiết dịch vụ taxi trong thành phố tiết lộ số tiền phạt mà hãng Uber phải đóng vào năm ngoái do vi phạm điều khoản hợp đồng lên tới 350.000 USD (tương đương với khoảng trên 700 triệu đồng).
Anh Thi
Theo Zing
Quấy rối tình dục ở thung lũng Silicon Một nữ kỹ sư Uber vừa tiết lộ chuyện hậu trường liên quan tới quấy rối tình dục tại công ty này. Thế nhưng, Uber lại không phải trường hợp cá biệt tại Silicon Valley. Tỉ lệ nữ nhân viên bị quấy rối trong ngành công nghệ đang rất cao. Susan J. Fowler, nữ kỹ sư làm việc cho Uber từ tháng 11/2015...