Gỏi tép Sơn Hào – món ngon khó quên
Nhiều người vẫn cho rằng, món ngon khó quên không nhất thiết phải là đặc sản hay cao lương mỹ vị trong nhà hàng sang trọng.
Đôi khi, đó chỉ là những món ăn dân dã, được chế biến theo cách đơn giản, đậm chất “biển” mà vẫn giữ nguyên được hương vị của thực phẩm. Một trong những món được thực khách nhớ lâu chính là gỏi tép Sơn Hào ( Quan Lạn).
Hấp dẫn tép tươi cuốn gỏi.
Còn nhớ, lần đầu tôi được thưởng thức món gỏi tép đặc biệt này là trong chuyến công tác tại xã đảo Quan Lạn vào trung tuần tháng 8. Kết thúc chuyến công tác 2 ngày, sáng hôm đó, chúng tôi lục tục chuẩn bị đồ lên đường về thì được tin bão về, gió to nên cấm tàu. Thế là chúng tôi bị “kẹt” lại đảo.
Để giết thời gian, anh bạn người địa phương đóng vai hướng dẫn viên bất đắc dĩ dẫn chúng tôi xuống Khu du lịch sinh thái tham quan bãi biển Sơn Hào. Đang dạo trên bờ, chúng tôi bỗng thấy vài người hô lớn, chạy rào rào ra bãi biển: Mú xuất hiện kìa, rất lớn bà con ơi!
Video đang HOT
Ngạc nhiên, chúng tôi cũng chạy theo ra biển, nhìn về phía xa, người dân quây lại là một mảng lớn màu đỏ au trên biển, thi nhau xúc. Anh bạn hướng dẫn viên người bản địa giải thích: Đó là tép biển đấy. Giống này thường đi theo đàn lớn mà người dân Quan Lạn hay gọi là “mú”. “Mú” thường xuất hiện sáng sớm, chiều và đặc biệt trước những ngày “trở trời”, trước ngày mưa bão lớn là khi biển thường ít gió, lặng sóng, tép tụ lại thành đàn, bơi vào bờ, người dân chỉ việc ra vớt. “Mú” tép có khi to bằng cái mẹt, thậm chí cái chiếu hoặc cả gian nhà, khi thu về được vài cân, có “mú” lớn được vài chục cân thậm chí là cả tạ tép.
Theo ngư dân giàu kinh nghiệm ở Sơn Hào kể, mùa tép thường kéo dài từ tháng 6-9 hàng năm, có năm kéo dài tới tháng 10. Tuy nhiên, tép nhiều, béo và ngon nhất là vào tháng 8. Bởi vùng biển Quan Lạn cách xa bờ, biển sạch, nước trong veo nên tép sạch, con nào con ấy béo tròn, trong vắt và rất ngọt thịt. Vào mùa, đôi khi những “mú” tép theo đàn vào sát bãi biển, chỉ cách mép nước vài bước chân, đi dạo trên biển cũng gặp, chỉ việc ra xúc mang về.
“Tép biển tươi đúng mùa ăn gỏi là ngon nhất” – anh bạn hướng dẫn viên bản địa ngỏ ý mời chúng tôi thưởng thức gỏi tép. Quả thật, chúng tôi may mắn khi gặp đúng ngày đánh được mẻ tép to. Từng rổ tép được vớt lên, tép vẫn còn tươi sống, trong vắt. Thế là chúng tôi có duyên thưởng thức món ăn được chế biến theo đúng phong cách ngư dân Quan Lạn.
Thì ra, gỏi tép chế biến không quá khó. Tép vừa được vớt về chọn phần ngon, tươi nhất, đãi sạch làm gỏi. Gỏi tép Quan Lạn thường được chế biến theo hai cách, tùy khẩu vị của thực khách. Với người “bạo ăn”, tép đãi sạch để sống trên đĩa, còn nhảy tanh tách, được gói bánh đa nem, vắt chanh, ăn kèm rau thơm lạc rang giã nhỏ. Gỏi được vắt chanh rồi chấm nước mắm cốt, ăn luôn khi tép còn nhảy. Gỏi tép kiểu này là món ăn được chế biến “mộc” nhất, theo đúng phong cách dân chài xứ đảo.
Tép tươi trong vắt, vớt lên đĩa còn nhảy là nguyên liệu tuyệt vời cho món gỏi tép.
Cách khác, dễ ăn hơn với nhiều người. Đó là tép tươi được nhúng nhanh vào bát nước sôi để sẵn trên bàn rồi mới cuốn gỏi, chấm cùng mắm chắt hoặc xì dầu, mù tạt và các loại rau, gia vị khác. Quả thật gỏi tép ngon tuyệt vời, vị ngọt của tép tươi cùng vị thơm bùi của lạc, chua chát của các loại rau gia vị hòa một. Vị ngọt lịm lẫn vị mặn mòi của biển với vị cay lên tận đỉnh đầu của mù tạt khiến món ăn để lại cho chúng tôi ấn tượng vô cùng khó quên.
Nếu có dịp đi Quan Lạn hoặc một sớm mai thức dậy, đi dạo trên bãi cát Sơn Hào (Quan Lạn), rất có thể bạn sẽ được thấy ngư dân đánh tép và nhiệt tình mời thưởng thức món gỏi tép đặc biệt…
Nem Ninh Hòa - dân dã mà đậm vị quê hương
Bất kỳ ai khi đã đặt chân đến vùng đất Ninh Hòa (Khánh Hòa) đều muốn thưởng thức một món ăn dân dã nhưng lại nức tiếng gần xa, đó là nem Ninh Hòa.
Nem Ninh Hòa nổi tiếng khắp gần xa do chính những người địa phương sản xuất, có bề dày truyền thống kiểu "cha truyền, con nối" cách đây hơn trăm năm. Anh Nguyễn Ngọc Đăng Quang - chủ quán nem thương hiệu Bà Năm nổi tiếng phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa cho hay: "Nghề làm nem có từ thời bà ngoại tôi truyền lại cho mẹ tôi và bây giờ tôi kế nghiệp".
Nem Ninh Hòa có 2 loại, nem chua và nem nướng. Cả hai loại này đều có nguyên liệu chính là thịt nạc heo. Tuy vậy, để có cái nem ngon, đậm vị quê hương thì phần nguyên liệu phải đạt chuẩn. Theo chia sẻ của anh Quang, thịt heo để làm nem phải là loại mới mổ, còn nóng hổi và chỉ lấy phần đùi, vai. Sau khi tẩm các loại gia vị theo một tỷ lệ gia truyền, thịt sẽ được đưa vào cối quết nhuyễn bằng tay hoặc xay nhuyễn bằng máy. Đối với nem chua, phần thịt nhuyễn ấy sẽ được lót bằng một lớp lá chùm ruột, sau đó bọc lá chuối, hoặc lá chuối hột thì càng tốt, để trong chỗ mát 2 - 3 ngày. Khi nem chín, chính lớp vỏ ngoài sẽ làm cuốn nem có chút vị chát khiến mùi vị nem đặc biệt hơn. Đối với nem nướng, đây là loại ăn liền nên phần thịt ướp, xay nhuyễn sẽ được viên lại trên các que xiên rồi đưa lên lò nướng. Các nguyên liệu không thể thiếu ăn kèm với nem nướng gồm: bánh tráng cuốn, rau sống (xà lách, hẹ, chuối chát, xoài, dưa leo, diếp cá...), rau chua (cà rốt ngâm giấm).
Thực khách thưởng thức món nem nướng tại Nhà hàng nem Bà Năm Ninh Hòa.
Tuy nhiên, yếu tố để nâng tầm món nem Ninh Hòa lại là món nước chấm. Theo anh Quang, món nước chấm ngon sẽ khiến cho cuốn nem nướng dậy mùi, tuy vậy mỗi nơi sẽ có bí quyết riêng làm món nước chấm để "giữ" khách. Đối với nhà hàng nem Bà Năm Ninh Hòa, món nước chấm được làm với các nguyên liệu như: thịt băm, nếp, tôm, đậu phộng... được giã nhuyễn, ninh nhừ từ 5 - 6 giờ rồi sau đó khuấy đều tay để đạt được độ sánh. Hương vị hòa trộn của các loại gia vị trong món nước chấm sẽ làm dậy lên vị đặc biệt của cuốn nem Ninh Hòa. Để khi thực khách đã nếm thử rồi sẽ không khỏi xuýt xoa trước hương vị đặc biệt của món ăn này.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, nem Ninh Hòa giờ đây không chỉ là món ăn quen thuộc, yêu thích của người dân xứ Trầm mà trở thành món đặc sản được nhiều du khách chọn làm món quà Tết ý nghĩa trong những bữa ăn gia đình Việt. Chẳng thế mà người ta có câu: "Đi đâu cũng nhớ Khánh Hòa, nhớ Nha Trang gió mát, nhớ Ninh Hòa nhiều nem", như là một cách ghi nhớ món quà quê dân dã mà đậm đà nổi tiếng của vùng đất này.
Đậm đà món cháo lươn dân dã Hồi nhỏ, một hôm tôi bị cha đánh roi vì tội ham chơi. Chú Bảy hàng xóm hỏi tôi: "Bữa nay con được ăn cháo lươn phải không?". Tôi thật thà: "Dạ đâu có!". Chú Bảy nói tôi xoay lưng lại, kéo quần xuống cho chú coi. Chú chỉ vào mấy lằn roi, nói: "Đây nè, lươn đây con". Rồi chú lấy dầu...