Gọi tên trách nhiệm
Vào cữ này mọi năm, học sinh đã chuẩn bị bước vào những ngày hè. Nhưng năm nay đại dịch Covid-19 làm mọi việc bị đảo lộn. Và phượng vốn là loài hoa biểu tượng cho sự thân thương của mùa hè học trò, bước vào mùa hè đặc biệt mà năm học chưa kết thúc này đã trở thành một nỗi buồn, phải trả giá bằng tính mạng một học trò.
Hoa phượng gắn liền với tuổi học trò. (Ảnh minh họa).
Phượng có lỗi không? Đương nhiên là không. Thầy hiệu trưởng của Trường THCS Bạch Đằng – nơi có cây phượng đổ khiến 1 em học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương – đã nhận lỗi cây đổ là sự cố đáng tiếc mà nhà trường không mong muốn nhưng thầy vẫn nhận trách nhiệm về mình. Và từ lúc sự cố đáng tiếc xảy ra xuất hiện trên nhiều cơ quan truyền thông, nhiều diễn đàn người ta bắt đầu vạch vòi về đặc tính của cây phượng, rằng rễ nông rễ sâu, rằng đáng lẽ phải thế nọ thế kia, ví như là tỉa cành cắt lá…
Phải nói cho công bằng rằng trên đời có những sự cố mà ngay cả ngồi trong nhà có khi người ta vẫn có thể gặp phải. Bất trắc thì cuộc đời này nhiều lắm, không tránh khỏi. Nhưng ai trong chúng ta khi đưa con đến trường học, đều cũng nghĩ rằng đang gửi con đến một môi trường an toàn, lành mạnh. Một cháu bé bị bỏ quên trên xe bus dẫn đến tử vong hay những đứa trẻ bị cây phượng bật gốc đè lên đều trở thành một nỗi ám ảnh, rất lớn, với toàn xã hội, rằng có thể ngay cả trong lúc đến trường, thậm chí đã ở trong sân trường, hiểm họa cũng có thể rình rập con em mình.
Bởi vậy, sẽ còn có thể có bất trắc xảy ra nếu mỗi khi có sự cố, trách nhiệm không được gọi tên cụ thể. Đành rằng có những việc chúng ta không lường được. Không cần nói ở trong sân trường, mà nói chung ở ngoài đường, trong điều kiện thời tiết bình thường một người dân đang đi mà bị cây đổ vào người thì trách nhiệm đó thuộc về ai. Để một cái cây đổ, để một cái giàn giáo bị sập, để một đứa trẻ bị bỏ quên… tất cả những trách nhiệm để xảy ra sự cố đều phải gọi được tên người chịu trách nhiệm để xử lý, thậm chí là truy tố trước pháp luật.
Có những ai phải chịu trách nhiệm trong một vụ việc là cây phượng đổ trong sân trường. Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý học sinh trong thời gian ở trường. Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cái cây trong trường cũng do trường quản lý. Đã có việc thầy hiệu trưởng nhận trách nhiệm về mình.
Vừa quản lý học sinh vừa quản lý cây phượng, nghĩa là trong vụ việc cây phượng đổ, có vẻ như rất dễ để xác định trách nhiệm thuộc về đâu. Nhưng đó không phải là một trách nhiệm chung chung. Bấy lâu nay có quá nhiều trách nhiệm chung chung. Và đó là nguyên nhân khiến sau mỗi sự cố thì trách nhiệm hòa cả làng. Mà tính mạng con người thì không thể chung chung được. Có một đứa trẻ một ngày đi học đã không trở về nhà. Cây phượng thân thương đã trở thành phượng buồn đối với gia đình, thầy cô và bè bạn.
Video đang HOT
Rồi rất có thể sau sự cố này người ta sẽ rà soát cây xanh trong sân trường, để cho an toàn người ta sẽ cắt bớt cây xanh. Mất bò mới lo làm chuồng là tâm lý dễ hiểu.
Nhưng nhân việc một cái cây bật gốc, việc quan trọng không kém việc xác định trách nhiệm thuộc về ai là nhìn lại việc chúng ta đã chăm lo cho trẻ em thế nào, để mỗi ngày đến trường không trở thành một nỗi phấp phỏng. Đang có nhiều tranh luận trong vụ việc một học sinh khác ở Hải Phòng, việc để cháu đứng ngoài nắng là lỗi của nhà trường hay lỗi của phụ huynh. Nhưng người lớn mải mê ăn thua với nhau, quên rằng rồi đứa bé sẽ lớn lên thế nào. Ưu tiên lớn nhất bao giờ cũng thuộc về trẻ em, để các em chịu bất cứ thiệt thòi nào, lỗi cũng thuộc về người lớn.
Một đứa trẻ đứng ngoài nắng hay một đứa trẻ bị cây bật gốc đổ vào người trách nhiệm đều là của người lớn, chúng ta phải gọi tên trách nhiệm ấy ra, một cách cụ thể, mới mong hạn chế tối đa bất trắc. Bởi vì trong rất nhiều trường hợp, chính sự vô cảm và vô trách nhiệm, bởi vì trách nhiệm không bao giờ được gọi tên cụ thể, đã là mầm mống của tai họa.
Khi bất kỳ sự cố nào cũng có người phải chịu trách nhiệm về nó, phải trả giá vì nó, thì sự cố mới hạn chế xảy ra. Chỉ có sự chịu trách nhiệm rõ ràng, cụ thể mới nâng cao trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Ví dụ khi một cái cây đổ trên đường, trong sân trường hay bất kỳ đâu, dù khiến chết người hay không chết người, cũng có trách nhiệm rất cụ thể của một ai đó, thì lần sau tất không còn cây vô cớ đổ…
Một đứa trẻ đã không trở về nhà sau một ngày đi học. Trường học đã trở thành nỗi phấp phỏng của cha mẹ lúc đưa con đến trường. Chúng ta sẽ đảm bảo thế nào về một môi trường an toàn cho con trẻ khi mà mỗi khi có một sự cố cây đổ thì không có một trách nhiệm thật cụ thể.
Cây xanh ngã đè chết học sinh: Nhiều hiểm nguy rình rập học sinh trong trường học
Cây xanh ngã, tủ đựng đồ bật đổ, quạt trần rơi, điện giật... là những nguy cơ học sinh có thể gặp phải ở trường học. Trong đó, có những điều trường có thể lường trước để phòng tránh, nhưng cũng có những tai nạn bất ngờ.
Học sinh tiểu học chơi dưới tán cây xanh cũng là một trong những mối lo của các trường, đặc biệt trong mùa mưa - NGUYỄN LOAN
Trước thông tin một học sinh (HS) lớp 6 ở Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị cây phượng bật gốc đè trúng gây tử vong, nhiều phụ huynh, HS không khỏi lo lắng hoang mang về an toàn ở trường học.
Vô số nguy cơ tai nạn từ trường học
Chia sẻ về những nguy cơ HS có thể gặp phải trong trường học, ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), cho biết dù cây xanh trong trường không nhiều, nhưng phần lớn là cây me thuộc dạng "cổ thụ" vì đã được trồng từ rất lâu. Để đảm bảo an toàn, hằng năm trường đều thuê dịch vụ mé nhánh, cắt bớt những cành lớn. Còn việc kiểm tra rễ hay phần thân bên trong thì nhờ bộ phận kỹ thuật của các công ty dịch vụ cây xanh làm.
Ông Tuyển nói thêm: "Ở lứa tuổi HS, các em còn rất ham chơi, hiếu động, nhiều em còn ngồi lên cầu thang để trượt xuống. Các sân tập, sân đá bóng, cầu lông... cũng đều có cột trụ như cột trụ bóng rổ, cột đèn... nếu không làm chắc chắn đều có thể đổ xuống trúng HS. Trong phòng học, các em cũng có thể gặp nhiều nguy cơ khác như: quạt trần rơi, cửa kính bị vỡ, bị gió đập văng vào người, chập cháy ổ điện, cầu dao, nổ bóng đèn. Ở lứa tuổi nhỏ hơn các trường còn thường trang bị tủ đựng đồ trong phòng học và đã có nhiều trường hợp tủ đổ xuống đè lên HS".
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cũng thống kê hàng loạt những hiểm nguy có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của HS nếu không có sự theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục. Ngoài nhánh cây gãy còn mái tôn bay, chập điện, cống nghẹt ứ nước sinh muỗi gây bệnh, chuột, thùng rác gây ô nhiễm môi trường, kệ cục nóng máy lạnh lâu ngày gỉ sét, trần nhà, bình PCCC...
Đảm bảo an toàn cho học sinh
Để hạn chế những nguy cơ, theo ông Nguyễn Duy Tuyển các trường phải thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị, cây xanh trong trường học, đồng thời liên tục nhắc nhở HS giữ an toàn cho bản thân.
Các phòng học không nên để tủ quá cao, quạt treo tường hay quạt trần khi quay nhiều thường sẽ mòn ốc, quạt dễ bị rơi ra nên trường cũng phải thường xuyên kiểm tra. Về đường dây điện, thường những trường cũ, đã xây dựng lâu dễ bị quá tải đường điện cũng dễ gây cháy nổ. Trường nào sử dụng cửa kính thì nên chọn loại kính cường lực, cột cửa cẩn thận khi có mưa gió.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mê Linh (Q.3, TP.HCM), thì cho rằng khi trồng cây hầu hết các trường đều nhờ các công ty cây xanh tư vấn, nhưng bản thân những người quản lý trường cũng phải có những hiểu biết cơ bản về cây xanh để lựa chọn và quản lý cây phù hợp cũng như phòng ngừa những tai nạn có thể xảy ra.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng khi thiết kế phòng học các trường cũng phải làm cho góc cạnh ở bàn ghế cong, tròn tránh trường hợp HS nô đùa, té đập đầu vào sẽ nguy hiểm. Khi trời mưa, sân trường rất dễ trơn trượt, nên phải dặn HS hạn chế chạy nhảy, đùa giỡn khi sân ướt.
Tủ đựng đồ nên thiết kế theo chiều rộng, hạn chế chiều cao. Tủ nên lắp đặt vào sát góc tường và bắt buộc phải nẹp đinh ốc kiên cố vào tường. "Người phụ trách cơ sở vật chất của trường phải có hiểu biết về những thiết bị lắp đặt, xây dựng trong trường và phải thường xuyên kiểm tra, nếu có lỗi hay nguy cơ xảy ra tai nạn thì phải cho sửa chữa, thay đổi ngay", ông Hùng nói.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cho rằng các trường cần tập huấn, hướng dẫn HS kỹ năng tự vệ, khả năng quan sát... để phát hiện dấu hiệu bất thường báo ngay với các thầy cô.
Nhằm tăng cường an toàn cho HS trong trường học, đặc biệt sau vụ cây phượng ngã khiến một HS Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) tử vong, trong ngày hôm qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã gửi công văn khẩn đến các trường học yêu cầu tăng cường công tác an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích. Trong đó chỉ rõ những nội dung cần thực hiện như kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lý hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên, kiểm tra hệ thống điện, quản lý dụng cụ giảng dạy bộ môn an ninh quốc phòng, phòng thí nghiệm, thực hành...
TP.HCM tổng rà soát cây xanh
Sau sự cố cây phượng bật gốc đè chết một học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (P.14, Q.3), ngày 27.5, Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản đề nghị UBND 24 quận, huyện trên địa bàn rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ cây xanh đang được phân cấp quản lý, kể cả cây xanh nằm trong cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện.
Sở Xây dựng cũng đề nghị kiểm tra về quy trình chăm sóc, duy tu định kỳ cây xanh cũng như lý lịch cây, lịch sử trồng, năng lực đơn vị duy tu... Nếu cần hỗ trợ kỹ thuật, các địa phương liên hệ Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật hoặc Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM. - Sỹ Đông
Mất an toàn trường học: Mối lo không chỉ riêng ai Vấn đề an toàn cho trường học chưa bao giờ hết nóng. Mỗi ngày đi học của con là một ngày vui mà cũng là một ngày lo của các bậc phụ huynh. Tai nạn xảy đến với học sinh không chỉ do những nguyên nhân khách quan mà còn phụ thuộc rất lớn vào việc thiếu quan tâm phòng ngừa của các...