Góc tin vui: Việt Nam góp 2 món ăn vào bộ sưu tập những hình ảnh ẩm thực đẹp nhất các nước trên thế giới
National Geographic chọn ra 28 bức ảnh đẹp nhất về ẩm thực các nước trên thế giới, Việt Nam “góp” 2 món ăn bình dân không ai ngờ tới.
National Geographic là một kênh truyền thông uy tín hàng đầu về nghiên cứu văn hoá, thiên nhiên, khoa học và lịch sử được hiệp hội địa lý Quốc Gia Hoa Kỳ quản lý. Mới đây, trang này đã chọn ra 28 bức ảnh để tạo thành bộ sưu tập những bức ảnh ẩm thực đầy màu sắc từ các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, trong đó có hai bức ảnh về hai món ăn Việt Nam bình dị người nước ngoài ít ai biết đến. Và hai món được chọn ấy là món canh bún trên chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ) và món tương Bần của thị trấn Bần Yên Nhân (Hưng Yên).
Canh bún chợ nổi miền Tây và tương Bần Hưng Yên.
Vậy là thêm một lần nữa, ta có thể thấy nền ẩm thực Việt đang chậm rãi vươn mình ra thế giới. Không chỉ có phở, bánh mì, gỏi cuốn hay những món ăn đã trở nên quá phổ biến mà đến cả những ngõ ngách nhỏ bé bình dị hơn cũng đã dần dà lộ mình.
Xuất hiện ở vị trí thứ hai trong chùm ảnh là món canh bún trên chợ nổi Phong Điền ở Cần Thơ. Các món canh bún, hủ tiếu được bán trên những con đò nhỏ trong các chợ nổi là một nét đặc trưng ẩm thực đẹp của miền Tây sông nước. Ở những tỉnh thành miền Tây với hệ thống sông ngòi chằng chịt, con người đã làm quen và mưu sinh trong điều kiện này trên các chợ nổi. Mặt khác, đây cũng không phải lần đầu tiên những món ăn chợ nổi được các kênh truyền thông nước ngoài tìm đến. Chẳng nói đâu xa mà cách đây không lâu, những gánh bún nhỏ trên chợ này đã có dịp chào đón những bếp trưởng có sao Michelin lẫy lừng trên thế giới như Anthony Bourdain hay Gordon Ramsay. Truyền thông Hàn cũng có lần làm phóng sự về nét văn hoá ẩm thực trôi nổi trên sông của người Việt ở khu vực này.
Hai bếp trưởng lừng danh là Anthony Bourdain và Gordon Ramsay đã từng thử qua hình thức ẩm thực chợ nổi miền Tây.
Không bàn đến hương vị (dù hương vị đã được công nhận bởi hai bếp trưởng danh tiếng rồi), thì nét đặc sắc của những món bún, hủ tiếu được bán trên những con đò nhỏ chính là khả năng “ứng biến” và bản sắc vùng miền mà không nơi nào có được. Bếp trưởng Ramsay từng thổ lộ rằng ông đánh giá cao cái cách mà cô bán bún có thể tạo ra một món ăn đủ đầy hương vị chỉ trong một không gian chật hẹp và chỉ trong một thời gian ngắn. Đây cũng là một đặc trưng ẩm thực Việt Nam, ngoài sự tinh tế trong kết hợp nguyên liệu thì chúng ta vẫn có thể tạo ra những món ăn ngon trong môi trường thiếu thốn hay bất tiện.
Ngoài món canh bún chợ nổi đã được biết đến trước đó thì món thứ hai xuất hiện trong chùm ảnh (số thứ tự thứ hai mươi) là một loại gia vị mà thậm chí đến cả người Việt cũng không phải ai cũng biết. Ấy chính là tương Bần. Tương Bần là loại tương truyền thống và mang tính đặc thù đến mức tìm khắp cả Việt Nam cũng chỉ có một địa điểm sản xuất ra loại tương này, ấy là thị trấn Bần Yên Nhân, Hưng Yên. Tương Bần có vị trí quan trọng trong nhiều phương diện của ẩm thực vùng Bắc Bộ Việt Nam.
Video đang HOT
Tương Bần Hưng Yên.
Trong thực tế thì nhiều vùng khác cũng có thể làm ra loại tương tương tự, tuy nhiên chỉ có nguyên liệu làm tương được trồng ở đất làng Bần mới được người sành ăn đánh giá là “chính tông” và “chuẩn vị”. Tương Bần nghe có vẻ bình dân nhưng thực chất lại là món ăn được chế biến phức tạp. Nguyên liệu làm tương Bần bao gồm gạo nếp, đậu tương và muối. Trong đó gạo vo kỹ được đồ thành xôi rồi mang phơi. Phần xôi sẽ có màu vàng ươm và đem trộn cùng với đỗ tương. Đỗ tương trước đó được rang cho chín giòn rồi ngâm nước sạch trong khoảng một tuần.
Người làng Bần ngâm tương trong những chiếc chum, vại bằng sành rồi phơi ngoài nắng. Sành giữ nhiệt tốt, hứng nắng mặt trời làm chín tương nhanh. Một vại tương có thể được phơi nắng ít nhất hai tháng, những vại lâu nhất có thể được phơi từ hai đến ba năm. Tương Bần là nguyên liệu quen thuộc trong rất nhiều các món ăn thường ngày của đồng bào Bắc Bộ như canh dưa chua, lạc dầm, củ sen xào tương, các loại rau củ kho tương. Ngoài ra thì tương bần cũng được ăn kèm với các loại bánh cuốn, bún, bánh đa chần. Tuy nhiên, tương Bần cũng không thực sự là một món ăn quá phổ biến ngay cả với người Việt cả nước nên việc món này xuất hiện trên National Geohgraphic cũng đã nói lên một điều. Ấy chính là những mảng kém phổ biến hơn của ẩm thực Việt Nam đã bắt đầu vươn ra quốc tế và đây là một tín hiệu tốt cho việc truyền bá văn hoá, nét đẹp đất nước.
Tương Bần trong các món ăn dân dã hằng ngày.
Có thể thấy, nền ẩm thực Việt đúng là “hữu xạ tự nhiên hương” khi mà được rất nhiều những kênh truyền thông nước ngoài tìm đến mà chẳng mất nhiều công sức quảng bá. Thử tưởng tượng nếu những nét đẹp này được tích cực tìm hiểu và lưu truyền bởi giới trẻ thì còn “phủ sóng” đến mức độ nào nữa đây? Vậy thì chúng ta, với vai trò là giới trẻ nước nhà cũng nên “góp sức” bằng cách tìm hiểu thêm về các nét đẹp này để còn giới thiệu cho bạn bè quốc tế đấy. Bạn nghĩ sao?
Theo Trí Thức Trẻ
Sau những ngày bơi trong bánh tét và thịt kho, đây là những món ăn được nhiều người Sài Gòn săn lùng
Mùng 4 là dịp nhiều hàng ăn mở cửa sau khoảng thời gian nghỉ Tết, cũng là thời điểm lí tưởng để "giải cứu" khẩu vị bị ngấy bởi bánh chưng, bánh tét, thịt kho... đấy.
Hãy cùng điểm qua một số món ăn được người Sài Gòn hỏi nhau trong mấy ngày nay nhé:
Mì Tàu
Người Sài Gòn thật sự rất thích các loại mì của người Hoa, và những xe mì Tàu này có thể được tìm thấy ở hầu hết các quận trong thành phố. Mì người Hoa là sợi mì trứng, thường là mì tươi, sợi dai dai và không có vị béo. Các loại thịt cũng thường là thịt nạc xá xíu hoặc luộc, không có mỡ, rất thích hợp để đổi khẩu vị sau Tết.
Một số địa chỉ mì ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:
Địa chỉ 1: 66/5 Lê Đại Hành, Q11.
Địa chỉ 2: 52 Calmette, Nguyễn Thái Bình, Q1.
Địa chỉ 3: 11 Lê Thạch, phường 12, Q4.
Hủ Tiếu
Sài Gòn là nơi nổi tiếng với các loại hủ tiếu, nhưng nếu phải nhắc đến loại hủ tiếu giải ngấy hiệu quả nhất thì đó là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Nam Vang đúng chuẩn có nước lèo vị thanh và trong, có hơi chua nhẹ, khi ăn vắt thêm miếng chanh kích thích vị giác. Sợi hủ tiếu mềm, dai và có hương vị nhẹ, không ngầy ngậy như các loại nếp. Các phần thịt cũng chỉ có tôm, trứng cút và ít thịt băm, thịt nạc, ăn cùng rau giá trụng sơ. Và trong thực tế thì chưa cần chờ đến mùng 4, trong Tết khoảng mùng 1, 2 vẫn có người đi ăn hủ tiếu rồi vì đây là món ăn rất được lòng người Sài Gòn.
Một số địa chỉ hủ tiếu mở xuyên Tết hoặc mở cửa mùng 4 cho bạn:
Địa chỉ 1: 25 Cô Bắc, Q1.
Địa chỉ 2: 178/13 Cô Giang, Q1.
Bún riêu, canh bún
Có một sự thật là các món hơi có vị chua, thanh nhẹ một chút thì giúp giải ngấy tốt hơn, và bún riêu với canh bún là "ứng cử viên" sáng giá cho vai trò này. Bún riêu thường đi đôi với canh bún, một cái có sợi bún nhỏ, cái còn lại là sợi lớn hơn. Nhiều người thích ăn bún cho có cảm giác ít tinh bột hơn nhưng nếu ai thích sợi bún dai dai để nhai được lâu một chút thì nên ăn canh bún. Bún riêu ở Sài Gòn có khá nhiều thịt thà, song cũng chỉ giới hạn trong ít huyết, ít thịt, ốc và chút riêu cua hoặc một ít chả. Nước bún với vị chua nhẹ sẽ giúp "thanh lọc" khẩu vị đã bị "đơ" bởi bánh tét, bánh chưng ngày Tết.
Một số địa chỉ bún riêu, canh bún:
Địa chỉ 1: 55 Cô Giang, Q1.
Địa chỉ 2: 495/2 Tô Hiến Thành, phường 4, Q10.
Mì hến
Mì Hến là một đặc sản "sinh sau đẻ muộn" của Sài Gòn, nhưng cũng không có nghĩa là nó thua kém những món khác. Mì hến không ngồn ngộn như những món mì khác, thích hợp để ăn nhẹ. Thịt hến thanh đạm và ít béo ít ngậy hơn các loại thịt khác, ăn cùng rau răm, mì gói cay cay một chút sẽ giúp giải ngấy rất tốt. Mì hến khá hiếm trong dịp Tết nhưng vẫn có một địa chỉ mở cửa ấy là đối diện 31A Số 17, Tân Quy, Quận 7.
Bánh canh cua, ghẹ
Bánh canh cua thực ra là món ăn "thịt thà" nhiều topping, tuy nhiên bánh canh cua có vị ngọt từ thịt cua, nước dùng thanh chứ không có thịt mỡ gì. Sợi bánh canh làm từ bột gạo pha bột sắn nên dai dai, ít mùi gạo và ít ngậy. Ngoài ra thì thịt cua, ghẹ và một số topping hải sản ăn kèm sẽ thích hợp để thay thế cho các món ăn làm từ thịt heo, khiến bạn tạm thời "xa rời" dư vị thịt kho hột vịt.
Một vài địa chỉ bánh canh cua cho bạn, tuy nhiên vì đang dịp Tết nên các quán có thể sẽ mở cửa hơi trễ, tầm 14h - 15h chiều, bạn chú ý đừng đến sớm quá kẻo bị "hố" nhé.
Địa chỉ 1: 484 Vĩnh Viễn, Phường 8, Q10.
Địa chỉ 2: 484 Nguyễn Tri Phương, Phường 9, Q10.
Theo Trí Thức Trẻ
Loạt món ăn ấm sực, thơm nức mùi cua cho ngày lạnh tê người ở Hà Nội Dù có thịt cua đậm đà hay gạch cua chưng thơm phức, những món cua nóng hổi vẫn khiến người ta không khỏi lưu luyến ngày Hà Nội rét mướt. Để bù lại những ngày "đi muộn" hồi đầu mùa, mùa đông năm nay dường như có nhiều hơn những đợt lạnh tê cóng đôi bàn tay. Nếu đã ăn quá nhiều lẩu...