Góc nhìn thẳng từ thi giáo viên giỏi
“Việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ là diễn nên tôi không đồng ý. Việc đó chỉ gây áp lực cho giáo viên. Thi đua là tốt, nhưng phải tốt thật chứ không đưa ra để gây áp lực” – chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi đối thoại với giáo viên, CBQL giáo dục tại Yên Bái vừa qua đã thực sự “chạm” đến tâm tư của nhiều thế hệ nhà giáo.
Ngành GD quyết tâm không để các cuộc thi là áp lực đối với giáo viên khi tham gia
Tôi từng nghe nhiều giáo viên trải lòng về những giờ “diễn” khi thi giáo viên dạy giỏi và ám ảnh với câu chuyện của cô Đinh Thị Thanh Tuyền – giáo viên Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ). Cô kể về một đồng nghiệp vừa trở về từ cuộc thi giáo viên giỏi cấp THCS. Con sốt 40 độ. Chị gần như thức trắng đêm. 4 giờ sáng, hai vợ chồng bỏ con cho bà ngoại, chở nhau với lủng củng cặp sách, máy chiếu, vượt quãng đường hơn 50 cây số về huyện dự thi giáo viên giỏi. Thi xong, hai vợ chồng vội vàng về đưa con đi viện.
Bản thân cô Tuyền, với tư cách là Tổ trưởng chuyên môn, cũng đã có lần phải gọi điện làm công tác tư tưởng cho chồng của một đồng nghiệp, để chị có thể đi thi giáo viên giỏi, vì anh ca thán “tối ngày vùi đầu vào bài vở”. Để có được một giờ dạy thi giáo viên giỏi, giáo viên phải bỏ vào đó không chỉ là mồ hôi, công sức…
Nhiều giáo viên từng thi giáo viên dạy giỏi trăn trở: Có phải tiết dạy nào chúng ta cũng đổi mới hăng say như vậy? Có phải học trò nào cũng thực hiện nhiệm vụ tốt như thế? Có phải bài cũ nào cũng được chuẩn bị chu đáo đến vậy? Tất cả được xây dựng theo một “ kịch bản” được xây dựng từ trước đó cả tuần, thậm chí cả tháng mà cả thầy cô giáo lẫn HS đều hiểu rằng mình là “diễn viên”. Vì vậy, không được phép sai “kịch bản”. Thậm chí, “kịch bản” được dựng sẵn còn có cả những đoạn phải sai “kịch bản” để có đất “diễn”. Đó là những câu trả lời HS được chỉ định trả lời thiếu để HS khác có cơ hội bổ sung. Như vậy, giờ dạy sẽ “hoàn hảo” hơn!
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ trưởng khi ông đã lắng nghe và thấu hiểu chúng tôi. Đằng sau phát biểu ấy là sự dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh sự thật – điều mà bất kì thầy cô giáo nào cũng dạy bảo HS hàng ngày, nhưng đôi khi chúng tôi lại chưa làm được như thế”. Lời gửi gắm của cô giáo đến từ Phú Thọ có lẽ cũng là của rất nhiều giáo viên trên khắp mọi miền đất nước, khi thấy mình được thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông, được nói hộ nỗi lòng khó nói.
Khi mà đâu đó, xã hội đang có cái nhìn khắt khe với GD, áp lực trên vai mỗi nhà giáo nặng hơn, thì sự thấu hiểu của người đứng đầu ngành thực sự là động lực giúp thầy cô dành tất cả tình yêu và trách nhiệm của mình để GD học trò, không áp lực, không lo chạy theo thành tích mà bỏ qua nhiều giá trị khác…
Chỉ ra những bất cập của việc thi giáo viên giỏi không phải là “vạch áo cho người xem lưng”, mà là một góc nhìn thẳng và thật của người trong cuộc, để xã hội hiểu rằng chúng ta không bao che cho những khuyết điểm của nhau, không né tránh hạn chế của mình và chúng ta vẫn đang nỗ lực từng ngày để thực hiện sứ mệnh cao cả là GD con người.
Video đang HOT
Nhiều giáo viên thể hiện niềm hy vọng, sau những chuyến đi “thị sát” và hiểu thêm tâm tư của giáo viên, Bộ trưởng sẽ có những hành động thiết thực, quyết liệt để giảm bớt đi những áp lực không đáng có cho giáo viên, tạo ra môi trường nhà trường trong sạch, lành mạnh; giúp việc giáo viên nâng cao trình độ, cố gắng mỗi ngày để có giờ lên lớp hiệu quả là một nhu cầu tự thân. Những nỗ lực đó để nâng cao chất lượng giảng dạy hàng ngày chứ không phải chỉ qua một giờ dạy.
Tâm An
Theo giaoducthoidai
Gánh nặng "vai diễn" khi thi giáo viên giỏi
Giáo viên sẽ giao nhiệm vụ cho các bạn "sắc nhọn" trong lớp về học thuộc lòng, còn những bạn sức học kém hơn, hay mất tập trung, gây ảnh hưởng tới lớp có thể được nghỉ học ngày hôm đó.
Ảnh minh họa/internet
Chia sẻ những trăn trở của mình về thi giáo viên dạy giỏi, cô Đỗ Thị Thu Hà - giáo viên Trường THPT Công nghiệp Việt Trì - kể:
Có một lần, tôi được xem một video clip ghi lại giờ dạy trong Hội thi giáo viên dạy giỏi của cô giáo cấp tiểu học. Lớp học im phăng phắc, giám khảo ngồi xung quanh, các con ngay ngắn đặt tay lên bàn, mắt nhìn thẳng, ngực ưỡn, lưng thẳng, chăm chú không chớp mắt.
Mỗi câu hỏi cô giáo đặt ra là cả lớp đồng loạt giơ tay đều tăm tắp, sau đó cô gọi một bạn trả lời, sau mỗi câu trả lời là một tràng vỗ tay cổ vũ, khen ngợi. Cô giáo tươi tắn, đi lại trong lớp, giọng nói lên bổng xuống trầm theo từng câu chữ, nhưng những khuôn mặt trẻ thơ thì vô cảm, không một nụ cười.
Các con lần lượt đứng lên, khoanh tay, trả lời to, rõ ràng và ngồi xuống trong tiếng vỗ tay của các bạn, lập trình đều đặn không khác gì những chú rô-bot.
"Bỏ các hội thi không cần thiết, hoặc thay đổi cách thức tổ chức hội thi một cách thiết thực, hiệu quả hơn sẽ góp phần giúp giáo viên giảm bớt áp lực về thành tích trong giảng dạy.
Vấn đề cần làm là làm sao khích lệ động viên được đội ngũ thầy cô hăng say tự học và rèn luyện tay nghề sư phạm để nâng cao chất lượng giảng dạy hàng ngày".
Cô Đỗ Thị Thu Hà
Các con có thể trả lời đúng yêu cầu, nhưng đôi mắt trẻ thơ không biết nói dối, đôi mắt ấy không ánh lên niềm vui, hào hứng, mà tất cả chỉ là sự căng thẳng, cố gồng mình tới nín thở để hoàn thành giờ học.
Tiết học cứ thế diễn ra trong khoảng 15 phút và tôi phải tạm ngừng màn hình bởi không còn gì để xem thêm và cũng không đành lòng để xem tiếp.
Theo cô Hà, câu chuyện trên có lẽ không quá xa lạ. Bởi lẽ, trên thực tế, để tham gia hội thi, giáo viên phải chuẩn bị cả tháng trời, nhiều giáo viên phải "lao tâm khổ tứ" xây dựng kịch bản cho tiết dạy.
Giáo viên sẽ giao nhiệm vụ cho các bạn "sắc nhọn" trong lớp về học thuộc lòng, còn những bạn sức học kém hơn, hay mất tập trung, gây ảnh hưởng tới lớp có thể được nghỉ học ngày hôm đó.
Tổ chức hoạt động nhóm nhiều khi mang tính chất chống đối, chỉ là ghi lại những gì cô cho sẵn, có nhóm còn lôi hẳn tài liệu được phát về học ra chép, sau đó lên báo cáo lại.
Có cô "cao tay" hơn còn cố ý thiết kế các nội dung cho nhóm báo cáo sai sót để các nhóm khác có cơ hội bổ sung, chỉnh sửa cho lớp học thêm phần sôi nổi, tự nhiên. Các ý kiến thảo luận, những cánh tay giơ lên rào rào sau mỗi câu hỏi nhưng tất cả đã có chỉ định từ trước. Cả giờ dạy trở thành một giờ diễn mà cô và trò đều trở thành những diễn viên bất đắc dĩ.
"Có lẽ, những cuộc thi như thế không làm cho giáo viên yêu nghề hơn và chắc chắn không giúp học sinh hứng thú hơn với mỗi giờ học. Cuối cùng, sau cả tháng trời mệt mỏi chuẩn bị, học sinh vẫn không tăng được tính chủ động, sáng tạo trong tiếp nhận kiến thức mà vẫn chỉ là một chú vẹt không hơn không kém.
Gánh nặng kiến thức, gánh nặng "vai diễn" khiến học sinh mất đi niềm vui ngây thơ, hồn nhiên của tuổi học trò và vô hình trung, lối dạy áp đặt, hình thức như thế đã sớm gieo vào các em cách làm việc đối phó, gian lận, giả dối" - cô Hà trăn trở.
Trong chuyến công tác tại Yên Bái vào ngày 17/12/2018 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phát biểu: "Việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ là diễn nên tôi không đồng ý".
Cô Hà cho biết, việc người đứng đầu ngành Giáo dục thẳng thắn chỉ ra và có thái độ kiên quyết trước thực trạng các cuộc thi hiện nay đã đem đến cho mình và rất nhiều giáo viên khác hi vọng vào sự thay đổi, chuyển biến tích cực của Ngành.
"Thiết nghĩ, bỏ các hội thi không cần thiết, hoặc thay đổi cách thức tổ chức hội thi một cách thiết thực, hiệu quả hơn sẽ góp phần giúp giáo viên giảm bớt áp lực về thành tích trong giảng dạy.
Vấn đề cần làm là làm sao khích lệ động viên được đội ngũ thầy cô hăng say tự học và rèn luyện tay nghề sư phạm để nâng cao chất lượng giảng dạy hàng ngày chứ không phải chỉ qua một giờ dạy, có như vậy, việc dạy và học mới đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn" - cô Đỗ Thị Thu Hà chia sẻ.
Hiếu Nguyễn (ghi)
Theo giaoducthoidai
Thiếu, lãng phí thiết bị dạy học ở nhà trường Trang thiết bị và đồ dùng dạy học là yếu tố quan trọng giúp cho việc dạy và học được hiệu quả. Nhưng trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ còn rất nhiều khó khăn và ở một số nơi, việc mua sắm, sử dụng còn nhiều lãng phí, thiếu hiệu quả, nơi thừa, nơi thiếu. Thiếu...