Góc nhìn chiến lược quốc phòng Ấn Độ
Trong những năm gần đây, chiến lược quốc phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách an ninh quốc gia của Ấn Độ.
Những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược quốc phòng hiện nay của Ấn Độ cơ bản có thể xác định gồm chính sách và khả năng của các cường quốc cũng như định hướng quyền lực của các nước này trong khu vực lân cận Ấn Độ; môi trường an ninh khu vực ở Nam Á (và có thể là quốc tế); tiềm lực, chính sách và chiến lược quân sự của các nước láng giềng cũng như các mối liên kết quân sự với bên ngoài; tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ quân sự; những nguy cơ về vũ khí hủy diệt hàng loạt; và ở góc độ nội tại, đó là môi trường an ninh nội bộ và cả những hạn chế về ngân sách chi cho quốc phòng.
Nền tảng được định hình
Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi định hình những quan điểm mang tính trụ cột nhằm đảm bảo quyền tự chủ chiến lược và tạo ra các lựa chọn phát triển để xử lý các thách thức địa chính trị. Cụ thể đó là những chiến lược đậm màu sắc “Trung đạo”, với tinh thần trung dung, cởi mở theo những lời dạy của Phật giáo. Nói cách khác, Ấn Độ có xu hướng tránh xa các hành vi chính trị và chiến lược quá quyết đoán. Thứ hai, Ấn Độ ủng hộ đa cực, đa diện, “Hành động hướng Đông” nhưng cũng “Nghĩ về hướng Tây”. Thứ ba, Ấn Độ hiện đại tích cực đóng vai trò quốc tế và hướng đến là nhà lãnh đạo toàn cầu. Những yếu tố này có thể thấy trong nỗ lực và thành quả nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm 2023 của Ấn Độ với chủ đề “Một Trái Đất, Một Gia đình, Một Tương lai”.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và được thừa nhận là một nền dân chủ ngày càng có sức ảnh hưởng trên chính trường quốc tế với tiếng nói có trọng lực trong các vấn đề toàn cầu. Chiến lược an ninh quốc phòng của Ấn Độ phản ánh nguyện vọng, mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, với những khía cạnh nổi bật như ưu tiên láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược trong khu vực, coi trọng các cơ chế hợp tác an ninh và quốc phòng đa phương cũng như tự chủ tự cường, phản ánh nhận thức về mối quan hệ với các cường quốc và cả các đối thủ trong, ngoài khu vực.
Ấn Độ đang tập trung đầu tư mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng.
Những ưu tiên về đa liên kết
Chiến lược an ninh, quốc phòng của Ấn Độ trước hết hướng tới các nước láng giềng thân cận. Điều này có thể thấy được phần nào qua một số chính sách như “Láng giềng trên hết” hay “Hướng Đông” nhằm tìm cách cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và phần còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ấn Độ luôn tuyên bố mục tiêu bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển trong khu vực này luôn rộng mở.
Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, Ấn Độ thực hiện chiến lược thể hiện bản thân là một quốc gia trỗi dậy hòa bình và ôn hòa, đóng vai trò cân bằng quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vai trò cân bằng của Ấn Độ ở khu vực được thể hiện thông qua các cuộc tập trận quân sự, tuần tra, các chuyến thăm viếng, các nhiệm vụ tuần tra chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo. Ấn Độ uy tín và ảnh hưởng nhất định đối với các quốc gia đang có mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ về chủ quyền biển, đảo…
Chiến lược quốc phòng đa liên kết này nhằm tối đa hóa sức mạnh quốc gia. Ấn Độ tham gia Nhóm Bộ tứ – cùng Mỹ, Nhật Bản, Australia, trong khi đồng thời là nhân tố quan trọng của bộ ba Nga-Trung-Ấn (RCI). Nếu Bộ tứ ngăn chặn nguy cơ thiết lập trật tự bá quyền ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì RCI tìm cách thúc đẩy trật tự đa phương ở khu vực.
Ấn Độ cũng vận dụng hiệu quả chiến lược quốc phòng đa liên kết để thúc đẩy chương trình nghị sự chống khủng bố tại địa bàn Âu-Á quan trọng cùng nhóm BRICS, RIC và cả Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), với những điều chỉnh chính sách linh hoạt và phù hợp tùy từng bối cảnh. Lợi ích chiến lược cơ bản của Ấn Độ là khuyến khích chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế để duy trì sự cân bằng chiến lược. Bởi lẽ đó, một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Ấn Độ là duy trì các mối quan hệ với nhiều đối tác theo hình thức đa liên kết. Yếu tố cơ bản trong chiến lược này là duy trì quan hệ với các quốc gia khác nhau trong các tổ chức quốc tế khác nhau một cách hài hòa để tận dụng những khác biệt nhằm thúc đẩy ưu tiên chính sách mà không phải có các cam kết hay ràng buộc quá chặt chẽ.
Tự lực tự cường
New Delhi đang từng bước tiến gần tới các mục tiêu tự lực tự cường thông qua sáng kiến “sản xuất tại Ấn Độ, sản xuất cho thế giới” được đưa ra vào năm 2020, và bằng cách xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với các đối tác khác, tăng cường xuất khẩu vũ khí sang một số địa bàn như châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á…
Một sự kiện có tính biểu tượng cho quyết tâm thúc đẩy chiến lược quốc phòng tự lực tự cường của Ấn Độ là việc Thủ tướng Modi ngày 25/11 đăng trên mạng xã hội X hình ảnh ông mặc đồng phục phi công và mũ bảo hộ, ngồi ở ghế phi công phụ trên chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas, kèm theo thông điệp ủng hộ nền công nghiệp quốc phòng nội địa. Các máy bay chiến đấu đa chức năng Tejas được Ấn Độ thiết kế để thay thế phi đội MiG-21 – trụ cột của lực lượng không quân trong nhiều thập kỷ. Cùng với việc phát triển máy bay Tejas Mark 1 và Mark 2, Ấn Độ cũng đang tiến hành chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm – máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến HAL (AMCA) – với mục tiêu cạnh tranh với F-35 của Mỹ.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn, với các loại vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay chiến đấu và cả đạn pháo, tên lửa. Những năm qua, Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng lớn để mua vũ khí, trang bị và thường kèm điều khoản bán giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ chế tạo. Đây là một định hướng nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sở hữu các công nghệ cốt lõi, từ đó dần tự phát triển các vũ khí cho riêng mình. Theo đà này, việc giảm phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, tăng cường năng lực sản xuất vũ khí nội địa vừa giúp Ấn Độ tiết kiệm ngân sách vừa đáp ứng được nhu cầu nâng cao năng lực phòng thủ. Đây cũng được xem là bước đi phù hợp với mục tiêu “tự lực, tự cường” mà chính phủ nước này hướng tới.
Đầu tháng 2/2023, Ấn Độ khánh thành nhà máy sản xuất máy bay trực thăng lớn nhất châu Á, có thể sản xuất ít nhất 1.000 chiếc/năm. Đầu tháng 3/2023, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ký các hợp đồng mua 70 máy bay huấn luyện với Tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited và 3 tàu huấn luyện với Tập đoàn Larsen & Toubro. Cũng trong tháng 3, Hội đồng mua sắm quốc phòng của nước này đã phê duyệt các đơn đặt hàng vũ khí mới trị giá hơn 8,5 tỷ USD cho quân đội, với những điểm nhấn là 225 tên lửa BrahMos, 60 máy bay trực thăng đa nhiệm cùng các hệ thống tác chiến điện tử cho lực lượng hải quân Ấn Độ. Điều đáng nói là các đơn hàng mua sắm quốc phòng mới đều do các công ty trong nước thực hiện.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ mức 49% lên 74% và cấm nhập khẩu tới hơn 400 loại vũ khí do nước ngoài sản xuất.
Chiếc máy bay chiến đấu nội địa của Ấn Độ.
Tương quan chiến lược
Những căng thẳng ở phía Bắc, giáp Trung Quốc và nguy cơ luôn tiềm ẩn ở biên giới phía Tây với Pakistan cùng các động thái và chiến lược quân sự của 2 quốc gia này là những yếu tố mà New Delhi không thể bỏ qua khi xây dựng chiến lược quốc phòng để thích ứng và có sự chuẩn bị tốt cho những tình huống có thể nảy sinh – tồi tệ nhất là cùng lúc – ở hai “mặt trận” này.
Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan từ lâu đã vướng vào một cuộc cạnh tranh hạt nhân ba bên, phát triển trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động mà quan trọng nhất hiện nay được cho là sự trỗi dậy và quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Sự so kè trong các chương trình hạt nhân của 3 nước đã diễn ra ngay từ những năm 1970 song bước ngoặt lớn là khi Ấn Độ cùng Pakistan liên tục ganh đua với các cuộc thử nghiệm hạt nhân hồi năm 1998. Cuộc cạnh tranh hạt nhân càng gia tăng trong khu vực suốt những năm qua, khi hai nước đều hiện đại hóa kho vũ khí để có được những khả năng mới, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đặt trong hoàn cảnh ấy, Ấn Độ xây dựng chiến lược quốc phòng theo hướng trở thành cường quốc về quân sự với việc sở hữu vũ khí hạt nhân, tên lửa liên lục địa, và tàu sân bay thế hệ mới là điều tất yếu.
Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đã trở thành tâm điểm chính trong học thuyết phát triển, đối ngoại và tất nhiên là cả an ninh quốc phòng của Ấn Độ. Ấn Độ duy trì học thuyết không chủ động sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong bất cứ cuộc xung đột nào, vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng khó có nguy cơ nảy sinh chiến tranh hạt nhân trong các cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và 2 láng giềng có hạt nhân. Trong quan điểm của giới lãnh đạo Ấn Độ, chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ vừa là phương tiện phòng thủ, vừa là công cụ đảm bảo nước này có một vị thế ngang hàng với Trung Quốc – quốc gia cũng như Ấn Độ, được định sẵn là những cường quốc có trách nhiệm bảo đảm tình hình an ninh châu Á.
Thủ tướng Ấn Độ bay trên chiến đấu cơ nội địa
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến bay trên chiến đấu cơ nội địa Tejas trong động thái nhằm ủng hộ ngành sản xuất quốc phòng của quốc gia Nam Á.
Hãng Bloomberg đưa tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thăm cơ sở của hãng Hindustan Aeronautics (HAL) sản xuất chiến đấu cơ Tejas tại thành phố Bengaluru, bang Karnataka vào ngày 25.11.
Thủ tướng Narendra Modi đứng trước chiến đấu cơ Tejas tại Bengaluru ngày 25.11 . Ảnh ANI
Nhà lãnh đạo đăng các bức ảnh và video lên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) cho thấy ông mặc đồ bay và đeo kính phi công với dòng chia sẻ rằng ông cảm nhận "cảm giác tự hào và lạc quan mới về tiềm năng của quốc gia".
Sau khi leo lên ghế sau của chiến đấu cơ, chiếc Tejas chở ông Modi cất cánh. Khi bay trên trời, nhà lãnh đạo vẫy tay chào phi công của một chiếc máy bay hộ tống ông.
Chiếc máy bay chở ông Modi cất cánh . Ảnh ANI
"Một chuyến bay đáng nhớ. Tejas là niềm tự hào của Ấn Độ, là biểu hiện của sức mạnh và kỹ năng của 1,4 tỉ người Ấn Độ", Thủ tướng Ấn Độ viết trên X.
Các bức ảnh thu hút chú ý trên mạng xã hội vào thời điểm cuộc bỏ phiếu tại bang Rajasthan diễn ra, sự kiện được coi là phép thử cho mức độ ủng hộ dành cho Thủ tướng Modi trước kỳ bầu cử quốc gia vào năm 2024.
Thủ tướng Modi ngồi ở ghế sau trong chiếc Tejas, bên cạnh có máy bay hộ tống. Ảnh ANI
Tejas là máy bay chiến đấu hạng nhẹ do công ty Ấn Độ phát triển. Hồi tháng 6, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Modi đến Mỹ, HAL và hãng General Electric (Mỹ) đồng ý hợp tác sản xuất động cơ cho dòng chiến đấu cơ này. Một đơn vị công ở Ấn Độ đã đặt mua 123 chiếc Tejas sau khi nước này hủy kế hoạch mua chiến đấu cơ nước ngoài hồi năm 2020.
Thủ tướng Modi (phải) gọi Tejas là niềm tự hào của Ấn Độ . Ảnh ANI
Nhà lãnh đạo giơ ngón tay cái sau chuyến bay . Ảnh ANI
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 26 tỉ USD trong ngành sản xuất quốc phòng và không gian vũ trụ đến năm 2025, 1/5 trong đó từ việc xuất khẩu. Con số này gấp đôi mức sản xuất quốc phòng trong tài khóa gần nhất đã kết thúc hồi tháng 3.
Cho MiG-21 "về hưu", không quân Ấn Độ thay bằng máy bay gì?
Hội nghị G20: Tin tưởng là chìa khóa cho mọi kết nối Ấn Độ khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2023 với thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến. Diễn ra trong thời điểm thế giới đang chứng kiến những mâu thuẫn nghiêm trọng, hội nghị không chỉ hiện thực hóa cam kết...