“Góc khuất” phía sau nghề gõ đầu trẻ
Ngoài áp lực của công việc, không phải giáo viên nào cũng may mắn nhận được sự thông cảm từ gia đình. Không có thời gian cho cuộc sống riêng, đời sống thiếu thốn là lý do nhiều người phải lựa chọn công việc hay gia đình.
“Tôi thèm được đón con đi học”
Hơn 25 năm dạy mầm non, trực tiếp chăm sóc hàng chục thế hệ học trò nên khi nghe cô Ái Thanh (GV trường mầm non Tuổi Thơ 7, Q.3, TPHCM) nói khát khao được đưa đón con tới trường nhiều người phải chảy nước mắt.
Như các đồng nghiệp, chị Thanh bắt đầu công việc ở trường từ 6h30 sáng và kết thúc sớm nhất cũng phải gần 6 giờ tối nên đưa đón con là điều quá xa xỉ. Những lúc đón trẻ từ phụ huynh, thấy các bé quấn quýt tạm biệt bố mẹ chị không khỏi mủi lòng. Điều rất bình dị của những người mẹ nhưng với chị không dễ thực hiện mà phải “khoán” cho người giúp việc. “Bây giờ ai hỏi tôi thèm gì nhất, tôi trả lời ngay tôi thèm được đón con đi học”, chị Thanh nói.
Chăm sóc rất nhiều học trò nhưng cô Ái Thanh lại không thể đưa đón con mình đến trường.
Buổi tối ở nhà, chị cũng chẳng thể dành sự quan tâm chăm sóc trọn vọn cho gia đình bởi cả ngày loay hoay với hàng chục trẻ chị “đuối” đến mức nhiều hôm nói không ra hơi, nằm xoải người ngủ lịm đi. Hơn nữa, công việc không phải lúc nào cũng được giải quyết ở trường, hầu hết GV vẫn phải đưa việc về nhà.
Có lần ông xã chị công tác xa, con ở nhà bệnh, người giúp việccũng chỉ dám gọi cho chồng chị Thanh để rồi anh hỏi “Bà xã tôi đâu?”. Nhiều lần con bệnh nhưng công việc ở trường lớp không phải lúc nào chị cũng có thể về với con được ngay.
Lương chị chỉ đủ trả cho người giúp việc, chị may mắn hơn nhiều người khi không phải lo về kinh tế gia đình. Nhiều lần ông xã kêu chị nghỉ việc ở nhà chăm con, chị thấy đề nghị cũng hợp lý nhưng chị từ chối khi mà tình yêu trẻ trong mình còn rất lớn.
Chị Ái Thanh chia sẻ thêm gần đây báo chí đề cập nhiều về đời sống khó khăn của GV, đặc biệt là GV mầm non, chị đều in ra về cho mọi người trong gia đình đọc để thông cảm hơn cho công việc của mình. Thế nhưng theo chị những khó khăn đó chỉ mới là “bề nổi”, còn rất nhiều “phần chìm” do tác động từ nghề mà GV rất ngại đề cập.
Trường hợp của cô L, một GV tâm huyết với nghề nhưng cuối cùng đã phải nghỉ dạy trong nước mắt. Cô L bị hiếm muộn nhưng công việc dạy trẻ cứ cuốn cô đi cho đến gần 10 năm trời, không có thời gian để chữa trị. Đến khi hạnh phúc gia đình đứng bên bờ vực tan vỡ, cô L buộc phải lựa chọn giữa gia đình và công việc.
Ngày chia tay với đồng nghiệp và học trò, cô L nghẹn ngào không nói nổi một lời. Cô phải từ bỏ đam mê của mình để thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ… Cô hiệu trưởng dặn dò nếu sau này cô L muốn đi dạy lại, trường sẽ nhận ngay. Nói vậy nhưng mọi người đều biết thật khó để có ngày đó khi mà không ít GV khác cũng phải bỏ nghề vì thiếu sự cảm thông từ gia đình.
Nước mắt người thầy
Trọng trách “giỏi việc nước, đảm việc nhà” với phụ nữ đã khó thì với chị em làm nghề giáo càng khó hơn. Một GV lâu năm trong nghề chia sẻ, phía sau nụ cười của nhiều thầy cô là nước mắt. Không có thời gian, điều kiện vun vén cho hạnh phúc riêng cũng là lý do nhiều mái ấm gia đình người thầy tan vỡ hoặc họ phải chấp nhận cuộc sống căng thẳng.
Không chỉ nữ GV mà nam GV cũng gánh nhiều áp lực. Nghề sư phạm với người được xem trụ cột trong gia đình rất chông chênh. Áp lực về kinh tế đổ lên đầu, nhiều thầy phải làm thêm hoặc nghỉ dạy tìm việc khác có thu nhập hơn. Nhiều thầy có vợ kiếm ra tiền, may mắn không phải lo kinh tế cũng không có nghĩa là có thể dành tâm huyết cho nghề nếu không được vợ hiểu và thông cảm. “Công việc không còn “sang”, chỉ kiếm được vài đồng lẻ mà không có thời gian cho gia đình, con cái… thì cuộc sống gia đình đúng là không dễ bình yên.
Thầy Ng, một GV cấp 2 đã nghỉ việc cho biết nếu chỉ áp lực công việc thầy cô đã xác định theo nghề đều cố gắng để vượt qua. Nhưng thực tế nhiều thầy cô gặp rất nhiều áp lực “chìm” mà ít người thấy. Bản thân thầy Ng, khi gia đình vượt qua được cuộc sống vất vả nhờ bàn tay vợ thì thầy gánh dần việc nhà cửa, con cái… vì không làm ra tiền. Thầy cố gắng đến trường từng nào thì việc nhà rối rắm đến đó. Cuối cùng thầy Ng đành nghỉ việc.
Trong một buổi tập huấn tư vấn học đường cho GV tại TPHCM, TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) chia sẻ hiện nay GV bị quá tải, điều kiện sống khó khăn, cuộc sống đối mặt với rất nhiều áp lực từ công việc, gia đình nên hầu hết thầy cô bị mệt mỏi, căng thẳng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thầy cô dễ gặp sai sót hay có những hành động, thái độ kỳ quặc trong việc dạy học. Bà Hồng nhấn mạnh, không riêng gì học sinh mà GV cũng rất cần được tư vấn tâm lý, được giải tỏa kịp thời những căng thẳng của mình.
Theo DT
Người làm đỉnh của ba "tam giác"!
Khi tôi còn lơ ngơ trước "cổng làng" văn nghệ Thái Bình, Trọng Khánh đã là người nổi tiếng. Anh nổi tiếng đến mức khi anh xuất hiện ở bất cứ một đám đông nào sẽ có không dưới một nửa số người ở đó vồn vã và lễ độ chào anh.
Những người vồn vã thường là những người lớn tuổi, bạn bè hoặc các vị chức sắc của tỉnh còn những người lễ độ là học trò hoặc phụ huynh của các học sinh theo học Thầy giáo Khánh. Hơn tôi 10 tuổi, anh là bạn văn chương thân thiết của tôi ở chốn quê nhà.
Trong con mắt người dân Thành phố Thái Bình quê tôi có tới ba ông Trọng Khánh. Một là Thầy giáo Trọng Khánh. Hai là Nhà thơ Trọng Khánh và ba là một lãng tử Trọng Khánh.
Nhà giáo, nhà thơ Trọng Khánh.
Nhà giáo ưu tú trong "tam giác" ông đồ
Hình như thượng đế sinh ra Trọng Khánh để làm nghề dạy học. Anh chỉ làm một nghề ấy và cũng chỉ biết mỗi việc ấy. Giả sử như trên thế gian này không có cái nghề tên là nhà giáo, Trọng Khánh sẽ... chết đói bởi anh chẳng biết làm nghề gì khác. Cũng do chỉ biết có nghề dạy học, chỉ làm một nghề dạy học nên anh thuộc hàng "võ lâm cao thủ". Được theo học thầy Khánh hóa là niềm mơ ước của nhiều thế hệ học sinh. Ở thời điểm trước đây, việc học thêm, dạy thêm trong sáng nên còn được động viên, khuyến khích thì cái bộ ba ôn thi đại học gồm Thầy Nhỉ toán, Thầy Phúc lý và Thầy Khánh hóa tạo thành một đội hình luyện thi khổi A hoàn hảo, tỉ lệ đỗ đại học thường 70-80%. Vì vậy, việc được học Thầy Khánh hóa dù chỉ là học thêm cũng là một "cơ hội đổi đời" của không ít người. Sau này, khi việc dạy thêm, học thêm biến tướng, thầy Khánh tập trung toàn bộ sức lực để luyện cho Đội tuyển Hóa của tỉnh Thái Bình. Đội tuyển đã đem về gần một trăm giải thưởng quốc gia và một Huy chương Bạc Hóa học quốc tế 2004 tại Đức. Năm 2008, Trọng Khánh vinh dự được phong Nhà giáo ưu tú.
Ở nghề dạy học, Trọng Khánh là một trong tam giác "thầy đồ" Khánh - Phúc - Nhỉ.
Nhà thơ của "tam giác" văn chương
Nếu thượng đế ưu ái với Nguyễn Trọng Khánh khi cho anh làm nghề thầy giáo thì lại "đầy đọa" bằng việc ban cho anh cái khiếu làm thơ. Mà ở đời, con người ta làm gì cũng có chính, có phụ. Có người là nhà giáo làm thơ và có người là nhà thơ đi dạy học. Khổ nỗi Trọng Khánh lại là cả hai. Anh là nhà giáo làm thơ đồng thời cũng là nhà thơ đi dạy học. Lại "khổ nỗi" là ở cả hai lĩnh vực này, anh đều say đắm.
Kể từ tập thơ đầu tiên, tính đến nay Trọng Khánh đã in 8 tập thơ. Đó là Bụi phấn - NXB Thanh niên 1990, Huyền thoại Đền Đồng bằng - Hội VHNT - TB 1993, Mưa - NXB Văn học 1995 và 5 tập còn lại đều in ở NXB Hội Nhà văn: Nắng vào thu - 2003, Hoa đồng tiền đêm - 2005, Bụi phấn ném vào đêm - 2008, Trăng buộc gốc trầu không - 2011.
Video đang HOT
Trọng Khánh cũng là người rất có duyên với ngôi "trạng nguyên" trong các cuộc thi. Năm 1985, bài thơ Người đánh trống trường tôi đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ của báo Giáo dục & Thời đại. Năm 1990, đoạt Giải thưởng Lê Quý Đôn lần thứ II. Năm 1995, Trọng Khánh tiếp tục là trạng nguyên trong cuộc thi sáng tác văn học viết cho thiếu nhi. Cách đây ít lâu, anh lại đoạt Giải Nhất cuộc thi Thơ của báo Gia đình & Xã hội. Điều lạ là Trọng Khánh cứ thi là được giải mà lại toàn là giải cao.
Trong cái nghiệp văn chương, có người làm thơ không bài nào dở nhưng cũng chẳng bài nào thật hay thì có người làm thơ nhìn chung là không hay nhưng lại có những bài xuất sắc. Trọng Khánh thuộc dạng thứ hai. Thơ anh có những bài xuất thần mà đỉnh điểm là Miền quê tháng sáu, Người đánh trống trường tôi và hai bài đều bắt đầu từ chữ "Đêm". Đó là Đêm cuối năm và Đêm bệnh viện. Miền quê tháng sáu, có thể coi là một "tuyệt bút" (chữ của Nguyễn Trọng Tạo) viết về đồng bằng Bắc Bộ. Cách đây ít lâu, khi Trọng Khánh đang điều trị tại bệnh viện, bài thơ được đăng trên BLOG Người yêu thơ của báo điện tử Dân trí, hơn ba mươi ngàn lượt người đã truy cập và gần một trăm comment gửi về tòa soạn.
Trong comment, Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi cám ơn tình cảm của Dân trí đã dành cho Nhà thơ - Thầy giáo Nguyễn Trọng Khánh, một người con yêu quý của quê hương Thái Bình kèm với lời nhận xét:
"Miền quê tháng sáu là thơ viết về phong cảnh quê, tình cảm người quê lúc thời gian mùa vụ... Chốn nhà quê, cuộc sống bao đời của người dân quê vốn chịu nhiều vất vả, khó nghèo, thua thiệt. Cái không gian quê truyền thống đó không thể không ám ảnh, chi phối tâm tư con người thời nay, nhất là tâm tư của nhà thơ. Hơn nữa, làng trong hiện thời cũng còn lam lũ, vất vả lắm. Bởi vậy, không gian sinh hoạt làng quê trong thơ có lúc đang hiện ra tươi tắn, vui vẻ, mà thoáng cái đã thấy chùng xuống với những mặn mòi, day trở, u trầm... Nhân vật, cảnh vật xuất hiện trong Miền quê tháng sáu là nhân vật, cảnh vật của chốn quê mùa truyền thống. Nhưng bút pháp, cách lập ý, dựng cảnh thì là nghệ thuật của thơ hiện đại... Thành công của Miền quê tháng sáu còn ở phương diện văn hoá, phong hoá làng - của một vùng đất".
Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết: "Miền quê tháng sáu thật đẹp, thật thương, thật bay, thật sáng. Cái miền quê Thái Bình - miền quê đặc sắc của Việt Nam cứ hiện dần lên theo những nhịp thơ khi tung tẩy rộn ràng, khi dồn nén trầm vang cùng những hình ảnh xưa và nay trộn lẫn đan cài như một tấm thảm ngũ sắc bay vào hiện tại với những "nón không quai", với "đôi vỉ quài", với "toàn những chuyện thần tiên/ Làng xưa vẫn đấy nhưng tên khác rồi". Và đột ngột là những hình ảnh đứng chen nhau vừa nén lại vừa mở ra như không hết âm vang: "Người đi chợ ăn đứng/ Người đi cấy ăn ngồi/ Con cò áo trắng, con người áo nâu/ Lại con trâu/ Vẫn con trâu/ Đời mày kéo cả đời tao trên đồng"... Chữ "lại" và chữ "vẫn" tưởng lặp mà hóa ra vô cùng đắc địa. Cái sự níu kéo và chấp nhận đã đến độ "tự nhiên" như vậy thì chỉ có ở Trọng Khánh mà thôi. Và bài thơ được kết bằng khổ thơ không thể thay được chữ nào, ngỡ như tự nhiên nó đã được sinh ra như vậy. "Tháng sáu ngày xưa - Tháng sáu bây giờ - Đợi nhau bóng nắng tròn vo chân ngày - Em nhìn vào hai bàn tay - Cơn mưa thuở ấy còn đầy lòng nhau - Anh nâng cánh áo bạc màu - Vải diềm bâu nhuộm nước nâu quê mình". Có thể nói "Miền quê tháng sáu" là một bài thơ tuyệt bút về miền quê Đồng bằng Bắc Bộ".
Từ Hải Phòng, Nhà thơ Tô Ngọc Thạch gửi đến bạn thơ: "Nói đến Trọng Khánh là nói đến bài thơ Miền quê tháng sáu. Đây là bài thơ hay tiêu biểu của anh".
Cùng với những lời bình của các nhà thơ nổi tiếng trên, BLOG Người yêu thơ còn nhận được nhiều, rất nhiều những tình cảm của bạn đọc và học trò cũ của Thầy Trọng Khánh gửi về với tình cảm yêu thương, kính trọng, biết ơn.
Trong các nhà văn, nhà thơ của Thái Bình thì Kim Chuông, Trọng Khánh và tôi (Bùi Hoàng Tám) tạo thành bộ ba thân thiết và gắn bó. Cả hai anh đều coi tôi như một đứa em út, quý trọng và cưng chiều. Do vậy, tôi được "lạc" vào cái "tam giác" văn chương Chuông - Khánh - Tám mang tính tình cảm hơn là ở góc độ tài năng và cống hiến.
Người bạn thủy chung trong "tam giác" tài hoa lãng tử
Nếu trên bục giảng anh nghiêm khắc, cẩn trọng bao nhiêu thì trong đời thường, anh lại nghệ sĩ và lãng tử bấy nhiêu. Nhà thơ Trọng Khánh, Họa sĩ Trần Dậu và Nhà giáo Ngọc Long là bộ ba của đường phố và các cuộc vui. Đã hàng ngàn, hàng vạn đêm người ta thấy Trọng Khánh cùng với những người bạn của mình lang thang dọc các con phố nhỏ. Đã có hàng trăm những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng nhưng điều kỳ lạ là cứ ra khỏi cuộc chơi, Trọng Khánh lại trở về đúng với chức vị nhà giáo mẫu mực của mình, không bao giờ lệch lạc hay đi quá giới hạn.
Bi kịch thay, cái bộ ba tài hoa, lãng tử của Thái Bình ấy sớm chia lìa. Năm 1986, Nhà giáo Ngọc Long đột ngột qua đời. Bốn năm sau, đến lượt Họa sĩ Trần Dậu cũng vĩnh viễn ra đi. Có bao nhiêu ngày Trần Dậu nằm trên giường bệnh là có bấy nhiêu ngày có mặt Trọng Khánh. Gác lại tất cả những thú vui, hết giờ lên lớp là anh lại lao đến bệnh viện. Và trong cái đêm bạn mình mãi mãi ra đi ấy, Trọng Khánh đã viết bài thơ Đêm bệnh viện đầy xúc động. Đó chính là bài thơ đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi thơ của báo Gia đình & Xã hội vừa qua.
Hơn 20 năm đã qua nhưng cái tam giác tài hoa lãng tử Dậu - Khánh - Long ấy mãi mãi là biểu tượng cao cả về tình bạn ở TP Thái Bình.
Khi tôi viết những dòng này, Trọng Khánh đang trị xạ tại Bệnh viên K. Đã có hàng trăm bè bạn văn chương, hàng vạn bạn đọc dân trí và học trò của Trọng Khánh đang hướng về anh cùng cầu chúc cho anh mau lành bệnh. Tiến sĩ Phạm Ngọc Ngoạn, Nhà thơ Trần Quang Quý đang đứng ra tổ chức in tập thơ thứ tám cho anh. Vợ anh, cô giáo Bùi Thị Đoan đang ngày đêm túc trực bên giường bệnh... Trọng Khánh ơi, tình yêu thương của gia đình, bè bạn, học trò và những người yêu thơ chắc chắn sẽ là nguồn lực to lớn để anh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này. Một người thầy nhân từ và đức độ. Một người cha, người chồng mẫu mực, thủy chung. Một người bạn sắt son, chung thủy và một Nhà thơ đích thực như anh thì cuộc đời này đâu phải ai cũng có được.
Đêm bệnh viện
Tặng cố Họa sĩ Trần Dậu
Không gì sâu bằng đêm bệnh viện
Thăm thẳm người đi
Thăm thẳm người về
Ai thiếp đi trong cơn mê sảng
Thiếp trong bầu khí quyển ô-xi
Không gì yên bằng đêm bệnh viện
Người chờ người
Ở một phía bên kia
Ai chợt tỉnh
Và ai về vô định
Cây thông già ướt đẫm sương khuya.
Không gì đau bằng đêm bệnh viện
Người yêu người
Giận dỗi bỏ đi
Bồn hoa lặng
Tái tê từng cây lặng
Nhựa đắng truyền giọt giọt trong mưa
Không gì thương bằng đêm bệnh viện
Ngọn đèn xanh hiu hắt từng giờ
Người ra đi
Chưa hề khuất bóng
Chưa hề buồn, hề tủi trong mơ.
Không gì say bằng đêm bệnh viện
Tình con người giằng níu với nhau.
Ánh trăng nhạt
Hay bóng đời hiện vụt
Giọt máu hồng cháy rực cả đời sau.
(Giải nhất cuộc thi của báo Gia đình & Xã hội)
Người đánh trống trường
Tiếng trống vang lên
Không gian nào cũng chật
Và thời gian chìm đi trong khoảnh khắc
Học trò các nơi
Ùa vào lớp học
Mặt trống rung lên
Những dãy nhà
Im phăng phắc
Giọng thầy giáo già
Tiếng khoan tiếng nhặt
Câu dân ca
Dào dạt lòng người
Dùi trống gầy đi
Qua tiếng tùng, tiếng cắc đổ hồi
Cánh hoa phượng nở hồng đầu mùa Hạ
Khi tang trống dục cây thay màu lá
Một bài toán khó giải cho đời
Người đánh trống trường tôi
Gân săn sợi mây
Đuôi mắt cười qua mỗi lần thay mặt trống
Chiếc dăm tre căng phần da mỏng
Để âm thanh cuộc sống chất đầy
Mùa hanh tiếng đanh nhức tay
Mùa nồm tiếng chìm mỏi bắp
Ngày buồn tiếng tròn rõ nhịp
Ngày vui tiếng nổ bung trời
Người đánh trống trường tôi
Tóc bạc, già rồi
Tiếng trống vẫn giòn như thời trai trẻ
Nhịp vẫn đều và âm thanh vẫn khoẻ
Như tiếng cười
Của lứa tuổi mười lăm.
Người đánh trống trường tôi
Cả cuộc đời
Gửi vào âm vang
Như trái tim
Thình thình nhịp đập.
(Giải nhất cuộc thi của báo Giáo dục & Thời đại)
Theo DT
Gặp người VN duy nhất lọt top 30 nhà lãnh đạo GD sáng tạo nhất thế giới Trong top 30 nhà lãnh đạo giáo dục sáng tạo ưu tú nhất thế giới được Microsoft mời tham dự diễn đàn "Giáo dục toàn cầu" vào đầu tháng 11 này, có một người Việt Nam. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, hiện là Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. TS. Nguyễn Văn Long - người Việt Nam duy...