Gỡ rối khi chọn ngành học
Chọn một ngành nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc
Do đó, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất trong việc lựa ngành học sau khi đã hoàn thành bậc phổ thông trung học là chọn ngành học theo tính cách và sức học của bản thân.
Chọn ngành học theo tính cách
Nếu không phải là người có khả năng giao tiếp tốt, bạn không nên bắt đầu sự nghiệp công danh trong vai trò nhà quản lý. Còn nếu có xu hướng sống nội tâm và rất khó bị kích động, những nghề liên quan đến điều khiển như phi công, tài xế, điều phối viên… sẽ là lựa chọn đúng đắn với bạn. Để chọn một công việc phù hợp với mình, trước hết bạn cần phải xác định mình là mẫu người nào, là người hướng ngoại hay hướng nội?
Các em học sinh trường THPT Trần Phú đang theo dõi thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Văn Hiến
Cần kết hợp loại cá tính (hướng nội, hướng ngoại) và mức độ kích thích thần kinh, bạn sẽ chọn ra được cho mình một nghề phù hợp.
Video đang HOT
Nếu là người hướng nội và có mức kích thích thần kinh cao, bạn không nên chọn những nghề có liên quan đến những tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với mọi người như kinh doanh, quản lý, sư phạm, bán hàng… Hãy chọn vị trí đằng sau chiếc bàn viết hay những nơi làm việc theo tính trực quan, ví như nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế, tạo mẫu…
Nếu là người hướng ngoại và có mức kích thích thần kinh cao, sẽ không thỏa đáng nếu bạn chọn các nghề liên quan đến điều khiển như phi công, tài xế, điều phối viên… Khi đó bạn sẽ buồn bực vì ít được giao tiếp với mọi người và dễ gây ra những sai lầm, hỏng hóc. Bạn cũng không nên chọn những nghề liên quan đến sản xuất dây chuyền vốn mang tính đơn điệu.
Nếu là người hướng nội và mức kích thích thần kinh thấp, bạn nên chọn nghề liên quan đến điều khiển nhưng tránh những công việc cần tiếp xúc với nhiều người (như lãnh đạo, quản lý, sư phạm, phóng viên, hoạt động xã hội…)
Nếu là người hướng ngoại và mức kích thích thần kinh thấp, thì những vai trò như quản lý, lãnh đạo, sư phạm, thương gia… rất lý tưởng với bạn. Trong những lĩnh vực yêu cầu mức độ giao tiếp cao với mọi người, bạn sẽ luôn đạt được thành tích tốt.
Dù ở bất kỳ cương vị nào và có tính cách gì, bạn đừng nên vội vàng, cũng đừng nên căng thẳng, không nên hồi hộp trước một sự kiện nào đó xảy ra, mà hãy rèn luyện sự tự tin của bản thân luôn tự đánh giá mình từ vị thế của những người xung quanh, luôn cố gắng kiểm soát được hành vi của mình.
Chọn ngành học theo năng lực học tập
Các bạn vẫn chưa lựa chọn được cho mình một ngành học thì nên lưu ý trước hết là năng lực, khả năng của mình có phù hợp với ngành dự định lựa chọn hay không. Các bạn thích một ngành nhưng ngành đó mình không với tới được vì điểm quá cao thì nên xem lại.
Ông Đào Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, nói: “Định hướng ngành nghề để học sinh chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường là chủ trương và nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục – đào tạo. Hiện nay nhiều thí sinh chọn ngành không theo năng lực khiến khi học ĐH các em không phát huy được thế mạnh của mình. Chọn trường nào, ngành nào để dự thi, học sinh phải nắm được các thông tin cơ bản về ngành nghề, nhu cầu xã hội cũng như năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình”.
Để xác định năng lực học tập của mình, bạn có thể dùng phối hợp một số cách sau:
- Căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học. Tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở trường bạn muốn thi vào trong ba năm liên tiếp, từ đó so sánh với sức học của mình cho phép bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào. Lưu ý bạn rằng cùng một ngành học nhưng có thể thi đầu vào bằng nhiều khối khác nhau. Hãy chọn thi khối nào là sở trường của bạn.
- Giải thử đề thi đại học ba năm gần đây và so sánh điểm chuẩn với ngành học ở trường mà mình định thi vào để ước lượng năng lực, khả năng trúng tuyển của mình.
- Nhờ thầy/cô, người thân, bạn bè đánh giá, nhận xét.
Trên cơ sở đó bạn tự ước lượng và đánh giá năng lực bản thân, từ đó chọn ngành học, trường thi cho phù hợp với năng lực của mình.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, nguyên là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, mỗi học sinh có một năng lực và sở thích riêng. “Thế nên, khi hướng dẫn cho học sinh chọn lựa con đường tương lai của mình, theo tôi, yếu tố cốt yếu là phải dựa vào năng lực, năng khiếu và sở thích của bản thân học sinh”.
Làm bài trắc nghiệm học đường
Theo thầy Vương Thanh Long, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh trường Đại học Văn Hiến, trên thế giới, các chương trình định hướng nghề nghiệp đã tiếp cận với các học sinh từ cấp 2 và những năm đầu cấp 3, trong khi đó ở Việt Nam thì phương pháp này chưa thật sự được phổ biến.
Các bạn Đại sứ Văn Hiến hướng dẫn các em học sinh trường THPT Trần Phú thực hiện trắc nghiệm học đường trên Ipad
Chương trình trắc nghiệm Hướng nghiệp học đường sử dụng bộ câu hỏi của tác giả Katharine Cook Briggs và con gái bà – Isabel Briggs như một công cụ phân loại tính cách một cách chính xác nhất với khoảng 21 ngôn ngữ được dịch ra và được áp dụng rộng rãi trên 60 quốc gia. Cứ mỗi năm lại có hàng triệu người tham gia làm bài trắc nghiệm này. Chương trình hiện đã được dịch sang tiếng Việt và đăng tải tại websitehttp://gochocduong.vhu.edu.vn/trac-nghiem-hoc-duong/. Trắc nghiệm hướng nghiệp học đường giúp bạn tìm ra những khả năng “tiềm ẩn” trong bạn từ đó bạn có thể biết được ngành nào phù hợp với mình nhất.
Theo Vietnamnet