Gỡ khó giáo viên và cơ sở vật chất khi Tin học là môn bắt buộc
Từ năm học 2022-2023, môn Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn Thanh Hóa vẫn đang loay hoay tìm giải pháp khi thiếu cả giáo viên lẫn cơ sở vật chất phục vụ môn học này.
Nhiều trường tại Thanh Hóa thiếu giáo viên phải thuê hợp đồng.
Thiếu nhân lực lẫn cơ sở vật chất
Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc từ năm học 2022-2023 đang khiến nhiều trường tại Thanh Hóa gặp khó. Tình trạng thiếu nhân lực, cơ sở vật chất không chỉ ở miền núi, vùng sâu vùng xa mà ngay cả nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng cùng cảnh ngộ.
Theo thầy giáo Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), để chuẩn bị dạy môn Tin học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đang gặp 3 khó khăn.
“Thứ nhất là đội ngũ giáo viên, thứ 2 là chưa có phòng bộ môn, trang thiết bị máy tính phục vụ cho việc dạy, thứ 3 là trường có nhiều điểm lẻ. Các điểm lẻ vẫn có học sinh của lớp 3 trở lên. Tuy nhiên, điểm trường lẻ chưa có điện lưới, internet, không có trang thiết bị… nên việc bố trí dạy học ở các điểm lẻ là rất khó khăn”, thầy Dung chia sẻ.
Cũng theo thầy Dung tình trạng ở Trường Tiểu học Quang Chiểu cũng là tình trạng chung của rất nhiều trường trên địa bàn huyện Mường Lát.
Thầy giáo Đặng Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phong 3 (huyện Quảng Xương) cho biết, trên địa bàn huyện Quảng Xương cấp tiểu học hiện nay chỉ có duy nhất 1 giáo viên môn Tin học và trường Tiểu học Tân Phong 3 nằm trong số trường không có giáo viên môn này.
Ngoài ra, tại Trường Tiểu học Tân Phong 3 có 10 máy tính được cấp cách đây gần 10 năm, do thời gian cũng như ít sử dụng nên có khoảng 7 cái hư hỏng, nếu có sửa chữa cũng rất tốn kém.
Hiện nay trang thiết bị để đáp ứng dạy môn Tin học đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương.
Video đang HOT
“Nhà trường cũng đã báo cáo lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do thị trấn Tân Phong có nhiều trường đóng trên địa bàn nên chờ kinh phí từ địa phương là khó. Hiện, chúng tôi đang định hướng phương án xã hội hóa mua máy mới.
Có thể năm đầu thực hiện xã hội hóa 10 máy, năm thứ 2 sẽ là 11 máy thì mới có thể đáp ứng được việc học môn này. Đồng thời, nhà trường cũng cho một cô nhân viên thiết bị thư viện đi học thêm để tiếp thu chương trình, làm sao có thể vào năm học dạy được cho học sinh”, thầy Bình cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại địa bàn thành phố Thanh Hóa, đa số các trường đáp ứng được trang thiết bị tuy nhiên, giáo viên dạy môn học này cũng đang thiếu đáng kể.
Cô giáo Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) cho biết: “Nhà trường đã xã hội hóa được máy tính đáp ứng cho việc học tuy nhiên trường phải thuê giáo viên hợp đồng dạy, việc tìm giáo viên để hợp đồng cũng vô cùng khó khăn”.
Loay hoay tìm giải pháp
Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, tình trạng thiếu giáo viên Tin học cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho môn học này trên địa bàn huyện hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
“Trên địa bàn hiện chỉ có một số trường đạt chuẩn Quốc gia thì mới có máy tính nhưng số này không nhiều. Năm học mới cận kề nhưng hiện rất nhiều trường trên địa bàn không có máy, giáo viên cũng thiếu trầm trọng. Nan giải nhất là các điểm trường lẻ, không điện, không máy, không giáo viên.
Về nhân lực, hiện Phòng đã tham mưu cho huyện tuyển dụng bổ sung trong năm nay còn về máy móc thì chúng tôi đề xuất huyện cho kinh phí. Tuy nhiên, nguồn lực của huyện thì không thể đáp ứng được nên đã đề xuất Sở GD&ĐT hỗ trợ theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng đến hiện tại thì vẫn chưa được cấp”, ông Tuấn cho biết thêm.
Về phương án khắc phục tại các điểm lẻ, theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, năm học này sẽ triển khai lý thuyết bằng cách phân công thầy cô dạy môn này đến các điểm trường còn thực hành thì thực sự chưa thể triển khai được.
Ông Nguyễn Tài Toàn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Lặc cho biết, bậc tiểu học trên địa bàn có 2 giáo viên dạy Tin học; THCS có 15 giáo viên. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, năm nay Phòng sẽ bố trí giáo viên dạy liên cấp, đồng thời tham mưu cho huyện tuyển dụng thêm 5 giáo viên nữa hoặc cử 5 giáo viên đi học văn bằng 2 để đảm bảo mỗi xã có 1 giáo viên dạy liên cấp.
Còn theo ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống, hiện nhân lực và trang thiết bị khó có thể đáp ứng đồng bộ trong toàn huyện khi triển khai học môn Tin học bắt buộc từ lớp 3 trở lên.
“Để tháo gỡ những khó khăn này, chúng tôi mong muốn tỉnh cho chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên Tin học, đồng thời cấp bổ sung nguồn kinh phí hàng năm để chi cho việc hợp đồng giáo viên. Bên cạnh đó, cho phép các địa phương làm thủ tục mua sắm trang thiết bị một cách đơn giản và gọn nhẹ nhất trên cơ sở đúng quy định của pháp luật” – ông Xuân cho biết.
Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có 600 trường Tiểu học nhưng chỉ có 175 giáo viên Tin học. Nếu bố trí mỗi trường Tiểu học một giáo viên Tin học, thì toàn tỉnh đang thiếu khoảng 420 giáo viên.
Ưu tiên môn tiếng Anh, Tin học, trường phải bố trí phòng học tạm các môn khác
Từ năm học 2022-2023, tiếng Anh, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học ở huyện biên giới Nậm Nhùn vẫn thiếu giáo viên.
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, , Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc áp dụng từ lớp 3. Tuy nhiên, hiện các trường học đang thiếu giáo viên, thậm chí nhiều địa phương chưa có giáo viên Tin học, tiếng Anh ở bậc tiểu học đặc biệt là các huyện vùng biên giới. Điều này gây khó khăn trong việc tổ chức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà (Nậm Nhùn, Lai Châu) cho biết, kế hoạch giảng dạy môn tiếng Anh và cho học sinh lớp 3 trong năm học 2022 - 2023 đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo phổ biến về các nhà trường từ cuối năm học trước. Vì vậy, nhà trường cũng có sự chuẩn bị tuy nhiên vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.
"Nhà trường có 1 điểm trường trung tâm và 6 điểm trường lẻ, trong năm học tới trường có 128 học sinh lớp 3 và dự kiến tổ chức 4 lớp.
Về cơ bản, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà đã bố trí được phòng để học tiếng Anh và Tin học. Tuy nhiên, vì phải ưu tiên phòng học cho môn đặc thù nên đối với những môn học khác nhà trường phải bố trí thêm phòng học tạm, đây là phòng học chưa đảm bảo được về việc dạy và học.
Không chỉ phòng học tạm mà kể cả nhà ăn, nhà bếp, nhà ở bán trú của các em học sinh cũng là phòng tạm. Khi số lượng học sinh đông lên thì các phòng ở bán trú trở nên chật chội, khó đảm bảo được.
Hiện tại, nhà trường chưa có giáo viên môn tiếng Anh và Tin học. Nếu từ giờ đến đầu năm học mới chưa có giáo viên thì nhà trường sẽ phải bố trí cho các em học sinh học trực tuyến tại phòng máy", thầy Lê Đình Chuyền nói.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà. Ảnh: NVCC
Ngoài thiếu giáo viên chuyên môn thì Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà cũng cho biết thêm, nhà trường không có và nhân viên thư viện.
"Hiện tại, một giáo viên của nhà trường đang kiêm nhiệm thêm vị trí nhân viên thư viện còn về y tế thì trường hoàn toàn không có nhân sự. Nhà trường có phần thuận lợi khi có một bảo vệ từng học qua lớp trung cấp y nên chúng tôi đã động viên để họ giúp đỡ trường trong công tác y tế học đường.
Tuy nhiên, về lâu dài, vì trường có rất nhiều học sinh ở bán trú khi đến học tại điểm trường trung tâm nên rất cần nhân viên y tế học đường có chuyên môn để tiện theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh", thầy Chuyền nói.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) cho hay, hiện tại trường có một phòng dạy cả hai môn tiếng Anh và Tin học. Dù rất muốn bố trí hai phòng riêng nhưng điều kiện không cho phép nên trường gộp lại thành một phòng. Về đội ngũ giáo viên hai bộ môn này, đến thời điểm hiện tại, trường chưa có giáo viên nên phần lớn sẽ phải tổ chức cho học sinh học trực tuyến và bố trí giáo viên trợ giảng.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh có 1 điểm trường trung tâm và 3 điểm lẻ. Lớp 3 trong năm học tới, nhà trường có 99 học sinh được chia thành 3 lớp. Trường có tổng 13 phòng thì ưu tiên 1 phòng cho phòng máy nên 1 lớp học sẽ phải học ở phòng tạm. Phòng tạm làm bằng tôn nên rất nóng đặc biệt là vào mùa hè, tình trạng phòng học như vậy có thể sẽ kéo dài khoảng 2-3 năm nữa mới được xây dựng.
"Vì thiếu giáo viên nên sẽ phải dạy học trực tuyến, đây cũng là điều tôi lo ngại nhất vì là trường vùng sâu, vùng xa nên đường truyền mạng hay gặp trục trặc và rất khó để đảm bảo", thầy Bảo bày tỏ.
Một tiết học dùng máy chiếu tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, thầy Phạm Quốc Bảo cũng nhấn mạnh: "Một trong những nhân sự cần thiết ở cấp tiểu học đó là nhân viên y tế học đường. Vì đối tượng học sinh còn nhỏ, số lượng học sinh nhiều, quản lí vấn đề bán trú sẽ vất vả hơn nên vai trò của nhân viên y tế rất quan trọng.
Trước đây, khi học sinh gặp vấn đề về sức khỏe thì trường sẽ đưa các em sang trung tâm y tế xã tuy nhiên họ cũng bận nên khó có thể lo được cho tất cả. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi đề nghị cấp trên tuyển nhân viên y tế riêng. Nếu không được thì đề nghị nhân viên y tế cấp trung học cơ sở có thể phụ trách thêm khối tiểu học".
Trước thực trạng trên, ông Trần Quang Tráng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết, để không bị động trước khi bước vào năm học mới, Phòng Giáo dục đã sớm chỉ đạo các trường bố trí, sắp xếp phòng học riêng cho môn tiếng Anh, Tin học để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Sở đã trang bị hệ thống máy cho 19 phòng học tiếng Anh, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chuyển cho các đơn vị trường để nhà trường lắp đặt. Riêng về phòng môn Tin học thì trường nào đã được cấp phòng Tin từ trước thì các trường tiếp tục sử dụng còn với các trường chưa có sẽ đề xuất với cấp trên sử dụng nguồn ngân sách, ngoài ra cũng có thêm nguồn xã hội hóa hỗ trợ, tu sửa nhằm đảm bảo trong tháng 8 này các đơn vị trường sẽ có đầy đủ phòng học phục vụ năm học mới.
Về đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học thì tình trạng chung trên toàn tỉnh đều thiếu, huyện Nậm Nhùn cũng thiếu rất nhiều. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn cũng đưa ra phương án để giáo viên dạy liên cấp, liên trường. Nếu vẫn không sắp xếp đủ thì sẽ cho học sinh học trực tuyến. Bên cạnh đó, Phòng cũng sẽ tham mưu hợp đồng giáo viên.
Về biện pháp lâu dài, Phòng Giáo dục đã đề xuất cử tuyển giáo viên tiếng Anh, Tin học để có nguồn tuyển bền vững tại địa phương", ông Trần Quang Tráng cho hay.
Ngoài ra, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn cũng chia sẻ thêm, mặc dù hiểu rõ vai trò của y tế học đường rất quan trọng nhưng mới chỉ có 7/19 trường học ở huyện có nhân viên y tế. Hiện nay, cách giải quyết đối với y tế học đường là nhà trường phối hợp với các trạm y tế cơ sở, trung tâm y tế trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Nói thật cử nhân Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật giỏi họ không chọn làm giáo viên đâu Một giáo viên Âm nhạc giỏi, chỉ cần chơi đàn cho một đám cưới, một buổi sinh nhật, một sự kiện ở bên ngoài cũng có thể bằng 1 tháng lương, thậm chí là nhiều hơn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2021 tới đây và điều...