Gỡ bỏ mọi game xuyên biên giới chưa cấp phép, vi phạm quy định
Các game online xuyên biên giới muốn hoạt động tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, được cấp phép trước khi phát hành.
Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp với các công ty như Facebook, Google, Apple gỡ bỏ nhiều game online xuyên biên giới trái quy định phát hành tại thị trường Việt Nam. Chỉ riêng từ năm 2017 đến nay, đã có đến 142 game không phép đã bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng tại thị trường Việt Nam.
Sai phạm của các game online phát hành xuyên biên giới
Thị trường game Việt Nam có rất nhiều game do các công ty nước ngoài phát triển. Riêng trong năm 2018 Bộ TTTT đã cấp phép 175 game, tỉ lệ cấp phép tăng đều theo các năm. Tuy nhiên, có một số sai phạm chủ yếu khiến cơ quan quản lý phải yêu cầu gỡ bỏ, dừng phát hành game.
Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp game xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, đại diện Bộ TTTT đã chia sẻ những sai phạm chủ yếu của các game được phát hành tại Việt Nam.
Vào đầu tháng 7, nhiều game của nhà phát hành Supercell như Clash of Clans, Clash Royale đã bị xóa khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam.
Cụ thể, các game sai phạm bao gồm game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng; game có nội dung bạo lực, dung tục; game xuyên tạc và vi phạm lịch sử của Việt Nam; và game không phép.
Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình, trong số 142 game bị gỡ bỏ tại Việt Nam có 104 game cờ bạc, đổi thưởng, và 38 game có nội dung bạo lực, dung tục. Những nhà phát hành game chưa được cấp phép đã phải rút khỏi thị trường Việt Nam như Supercell, công ty sở hữu game “Clash of Clans” và “Clash Royale”.
“Chúng tôi đã làm việc và thiết lập được mối quan hệ rất chặt chẽ với Google và Apple. Trong khoảng một năm trở lại đây chúng tôi đã liên tục yêu cầu Google và Apple chặn trên kho ứng dụng những game không phép hoặc những game có phép mà vi phạm pháp luật Việt Nam”, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ TTTT cho biết.
Trong đó, ông Lê Quang Tự Do lưu ý game cờ bạc tuyệt đối bị cấm tại Việt Nam. Ngoài ra, những nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục như bạo lực cũng bị cấm phát hành. Dạng game thứ 3 không được cho phép là các game có nội dung, kịch bản không đúng với quan điểm chính thống về lịch sử Việt Nam.
“Chúng tôi quan điểm game online thì đối tượng hưởng thụ và chịu tác động chính là giới trẻ, mà giới trẻ cần bảo vệ chặt chẽ hơn”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Video đang HOT
Theo chia sẻ của cơ quan quản lý, lý do Supercell không được tiếp tục phát hành game trong lãnh thổ Việt Nam là do công ty này chưa xin cấp phép phát hành game.
Để đảm bảo các game phát hành tại Việt Nam đều đảm bảo quy định của pháp luật và phù hợp về văn hóa, cơ quan quản lý yêu cầu các game đều phải được cấp phép.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1) phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ và quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản mới được phát hành tại Việt Nam.
“Tất cả game online hoạt động tại Việt Nam đều phải được cấp phép. Chúng tôi không có khái niệm game online xuyên biên giới vào Việt Nam, thu tiền và phát sinh doanh thu mà không cấp phép. Tất cả game xuyên biên giới muốn hoạt động được tại Việt Nam thì phải hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam để làm các thủ tục cấp phép theo quy định”, ông Tự Do nhấn mạnh.
Phải hợp tác thực sự với doanh nghiệp Việt Nam, cấm doanh nghiệp vỏ bọc
Theo cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nước ngoài có 2 cách để xin cấp phép game tại thị trường Việt Nam. Cách đầu tiên là hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam, và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến hành xin cấp phép theo quy định. Cách thứ hai là đặt văn phòng đại diện hoặc thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khi hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp trong nước phải sở hữu, quản lý kho cơ sở dữ liệu của người chơi game, phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi có yêu cầu từ phía cơ quan quản lý thì phải chỉnh sửa về nội dung, hình ảnh theo yêu cầu.
Đại diện của Bộ TTTT làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc cung cấp game tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam không được hợp tác theo dạng vỏ bọc, chỉ là trung gian thu tiền của người chơi trong nước rồi chuyển tiền cho phía đối tác. Bộ TTTT và Bộ Công an đã phát hiện, xử lý một số doanh nghiệp đứng tên xin giấy phép cung cấp dịch vụ game nhưng thực chất chỉ là đại lý phát hành game cho doanh nghiệp nước ngoài.
“Chúng tôi cần sự hợp tác thực sự, chứ không phải sự hợp tác theo dạng bình phong, vỏ bọc”, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình cho biết.
Trong quá trình cấp phép, thẩm định đối với các game đã được phát hành từ trước, cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp phải gỡ bỏ game khỏi kho ứng dụng hoặc website tại Việt Nam và sau khi hoàn tất thẩm định mới được phát hành trở lại.
Theo quy định, việc cấp phép game tiến hành trong 20 ngày, tuy nhiên trong thực tế hội đồng thẩm định thường xuyên phát hiện các sai phạm và yêu cầu chỉnh sửa. Do vậy, thời gian để chờ thẩm định, cấp phép có thể từ 1-1,5 tháng.
“Hội đồng thẩm định game gồm Bộ TTTT, Bộ Công An, Bộ Văn hóa, Đoàn thanh niên cùng tham gia thẩm định. Theo số liệu thống kê của Cục, gần như 100% các game qua hội đồng thẩm định đều phải chỉnh sửa”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Một số ví dụ về yêu cầu chỉnh sửa bao gồm điều chỉnh về trang phục nhân vật trong game, bỏ các yếu tố bạo lực, kinh dị, hoặc một số game đã bỏ tính năng trao đổi bằng giọng nói (voice chat) trong game.
Tại cuộc gặp, đại diện của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an khuyến cáo các doanh nghiệp game hoạt động tại Việt Nam cần tuân thủ theo Luật An ninh mạng Việt Nam, có hiệu lực từ 1/1/2019.
Bên cạnh đó, đại diện Thanh tra bộ TTTT cũng nhắc nhở các doanh nghiệp khi cập nhật, nâng cấp tính năng và nội dung game cần lưu ý thông báo về các thay đổi cho cơ quan quản lý. Các thay đổi cũng cần phải đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam, bám sát các kịch bản, nội dung đã được phê duyệt.
Đại diện các công ty game có mặt tại cuộc gặp như Aligame, Nexon, IGG… đều chia sẻ rất ủng hộ các quy định quản lý game của Việt Nam, cam kết sẽ tuân thủ các yêu cầu từ phía Việt Nam.
Theo zing
Định danh tài khoản YouTube để loại bỏ nội dung xấu độc, Bộ TT&TT cần phối hợp với cả Google và nhà mạng
Theo bà Tú Phượng, CEO MeTub, để định danh được tài khoản YouTube để quản lý nội dung, loại bỏ các nội dung xấu độc, Bộ TT&TT cần phối hợp với Google, YouTube hoặc nhà mạng.
Vì khi người dùng muốn tạo kênh YouTube thì phải có tài khoản email Google và thường Google yêu cầu số điện thoại xác thực.
Bà Hà Thị Tú Phượng, CEO và là nhà sáng lập MeTub Network. Ảnh theo Brand Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có những động thái rất quyết liệt nhằm ngăn chặn các nội dung độc hại trên hai mạng xã hội Facebook và YouTube. Việc ngăn chặn nội dung xấu độc trên các mạng xã hội, trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về hai mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay cả Facebook và YouTube gần như bất lực trong việc quản lý nội dung video xấu độc, nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Khi cơ quan nhà nước yêu cầu gỡ bỏ các nội dung xấu độc, thì chỉ vài ngày sau các video này lại được rất nhiều tài khoản khác đăng lại, mà YouTube, Facebook không thể kiểm soát nổi.
Báo cáo với Bộ TT&TT, YouTube đã đổ lỗi cho chính các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam tạo ra các nội dung rác nhiều nhất, biến Việt Nam trở thành nơi sản xuất ra nhiều nội dung vi phạm nhiều nhất. Theo YouTube hiện nay có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.
Các kênh YouTube tiếng Việt để phát triển nội dung, kiếm tiền quảng cáo thì họ có thể tham gia vào mạng quản lý đa kênh (MCN) là các công ty được YouTube ủy quyền quản lý các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam. Tính đến tháng 5/2019, theo thông báo chính thức của Google cho Bộ TT&TT thì YouTube có 5 MCN tại Việt Nam (Yeah1, POPS, METUB, Điền Quân, BHMedia) quản lý khoảng 6.000 kênh YouTube tiếng Việt. Mới đây, Yeah1 đã bị YouTube rút giấy phép do những vi phạm chính sách của YouTube.
Ngoài 6.000 kênh YouTube do các MCN quản lý, qua rà soát của Cục PTTH&TTĐT, hiện YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng Việt. Cục PTTH&TTĐT cho rằng, sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý. Ví dụ, các kênh có sai phạm đã bị xử lý như Khá Bảnh, Bà Yến Ba Vàng đều là các kênh đăng ký trực tiếp với YouTube.
Để ngăn chặn các nhà sáng tạo nội dung YouTube ngừng đi theo con đường "tà đạo", không sản xuất các nội dung vô bổ, nhảm nhí, xấu độc trên YouTube, Google, Bộ TT&TT đã đề ra giải pháp quản lý các kênh YouTube tiếng Việt bằng cách định danh các tài khoản này.
Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt, yêu cầu có đăng ký đủ thông tin, mã số thuế, tài khoản. Chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã bị Bộ TT&TT thông báo vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ TT&TT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để có biện pháp quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google.
ICTnews đã đặt câu hỏi với bà Hà Thị Tú Phượng, CEO sáng lập MCN MeTub Network, liệu biện pháp quản lý định danh các kênh YouTube tiếng Việt có khả thi hay không, để làm được thì Bộ TT&TT phải có chính sách quản lý cụ thể thế nào?
Bà Tú Phượng cho rằng, việc định danh các kênh YouTube tiếng Việt thì không thể định danh 100% các kênh được, tuy nhiên có thể cải thiện được một phần. Và để định danh được các kênh YouTube, Bộ TT&TT cần phải làm việc với các đơn vị đang làm việc trực tiếp với những người sản xuất nội dung. Tuy nhiên số lượng kênh kiểm soát được sẽ rất nhỏ so với tổng thị trường, và thường chỉ kiểm soát được những nhà sáng tạo đã "lộ mặt", đối tượng này không khó khăn trong việc định danh.
"Đồng thời, Bộ TT&TT cần phối hợp với Google, YouTube hoặc nhà mạng. Vì khi người dùng muốn tạo kênh YouTube thì phải có tài khoản email Google và thường Google yêu cầu số điện thoại xác thực. Vậy nếu có thể định danh toàn bộ số điện thoại người dùng và phối hợp được với Google, YouTube thì cũng có thể là 1 phương pháp tốt để định danh được các tài khoản YouTube", bà Tú Phượng phát biểu.
Bình luận về việc YouTube đang cho rằng, chính các nhà làm nội dung ở Việt Nam là người tạo ra các nội dung rác, nội dung xấu. Và để hạn chế tình trạng này thì việc kiểm duyệt nội dung trên YouTube cần phải làm thế nào, vai trò của YouTube, của các MCN trong việc quản lý nội dung ra sao?
Bà Tú Phượng cho hay: "Theo tôi cũng phải đặt ra câu hỏi, vì sao số lượng nội dung rác, nội dung xấu ở Việt Nam cao hơn hẳn so với các thị trường khác của YouTube. Mình không thể liên tục chờ sai phạm rồi lại đi xử lý được".
Bà Tú Phượng đề xuất, Bộ TT&TT cần có quy định rõ ràng thế nào được coi là nội dung xấu, độc, thế nào là nội dung rác. Việc quy định này giúp các MCN, nhà quảng cáo hay người tạo nội dung chặn ngay từ đầu vào lúc tạo nội dung.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích tạo nội dung có ích, mang tính giáo dục cao. Ví dụ, phối hợp cùng nhà quảng cáo tạo quỹ đầu tư cho việc sản xuất nội dung, trường quay, thiết bị để các bạn trẻ có kỹ năng kiếm tiền trên YouTube có thể sản xuất nội dung sạch, nội dung có ích cho người xem.
Theo ITC News
Cổ phiếu Facebook tăng vọt sau án phạt 5 tỉ USD Ngay sau khi có thông tin về khoản phạt 5 tỉ USD của FTC (Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ) vì các vi phạm về quyền riêng tư, giá cổ phiếu của Facebook đã lập tức tăng vọt. Chính phủ Mỹ đã "mất ăn mất ngủ" nhiều tháng để liệt kê danh sách dài các vi phạm liên quan tới quyền riêng...