Giúp phụ huynh an tâm khi con đến trường
Đột phá trong cách nghĩ, cách làm, từ 2 năm qua, ngành giáo dục quận 3 (TPHCM) đã định hướng cho các trường tiểu học trên địa bàn thử nghiệm các tiết dạy có phụ huynh học sinh tham gia cùng giáo viên, nhằm tìm ra tiếng nói chung trong việc phối hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình.
Ảnh minh họa
Mới đây, nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền được nhà trường mời tham dự tiết học tại lớp cùng con em mình để hiểu hơn về phương pháp giảng dạy của giáo viên, từ đó có sự chia sẻ, ủng hộ đối với hoạt động dạy và học, tạo cầu nối giữa nhà trường và gia đình, thực hiện tốt xã hội hóa trong việc dạy và học.
Đến tham dự lớp học cùng con, phụ huynh đã hiểu được nỗi vất vả, sự dày công đầu tư cho một bài giảng của thầy cô giáo. Trước đó một tuần, cô giáo đã phải lên kế hoạch chuẩn bị thật kỹ. Đầu tiết, cô giáo giới thiệu với lớp về sự có mặt của các phụ huynh đến tham dự, cả lớp vỗ tay chào và hát một bài để chào đón. Cô ôn lại bài cũ, sau đó vô chủ đề bài mới. Trong quá trình học, học sinh được tương tác với thiết bị và đồ dùng dạy học; cô giáo đặt nhiều câu hỏi gợi mở và cho thảo luận nhóm, mời phụ huynh trực tiếp lên từng nhóm xem các học sinh thảo luận như thế nào. Cuối tiết, cô ôn lại kiến thức bài giảng và cho học sinh tham gia trò chơi giải ô chữ, với nội dung các ô cần giải mã là một từ khóa nằm trong bài vừa học. Kết thúc buổi học, phụ huynh lên tặng hoa và chụp hình lưu niệm với cô tại lớp.
Chị Mỹ Dung, phụ huynh học sinh lớp 2C, nhận xét về tiết dạy của cô giáo: “Cô đầu tư rất kỹ về bài giảng và sử dụng thiết bị máy chiếu, bảng tương tác, dụng cụ hỗ trợ học tập, nên tiết học rất sinh động. Qua tiết học, chúng tôi thấy được bản lĩnh, năng lực cũng như sự tận tụy của giáo viên, đồng thời an tâm hơn khi hiểu được tình hình con mình học tập trên lớp như thế nào”.
Thầy Nguyễn Hoàng Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, cho biết: “Qua tham dự tiết học, phụ huynh thấy rằng giáo viên chủ nhiệm đã đầu tư rất kỹ lưỡng về kiến thức, thái độ chăm sóc học sinh tận tâm nên cảm thấy an tâm hơn khi con em mình đến trường”.
Video đang HOT
PHẠM ANH THƯ
Theo SGGP
Vì sao mô hình trường tiểu học tiên tiến tại TPHCM khó triển khai?
Nhằm tiếp cận mục tiêu hội nhập giáo dục khu vực và quốc tế, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và mở rộng mô hình giáo dục tiên tiến hội nhập ở các bậc học. Tuy nhiên, mô hình trường tiểu học tiên tiến khó triển khai mở rộng.
Một tiết học theo mô hình trường học tiên tiến tại Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú).
Từ năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT TPHCM chính thức triển khai mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế theo Quyết định số 3968/QĐ-UBND (ban hành ngày 13/8/2015) của UBND TPHCM. Theo đó, trường được tổ chức trên cơ sở tài chính là kết hợp giữa ngân sách nhà nước bố trí theo định mức đầu tư/học sinh và xây dựng mức thu theo thỏa thuận với phụ huynh để trang trải chi phí đào tạo, nhưng không được quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng.
Về chương trình học, tham gia mô hình trường tiên tiến hội nhập này, các trường vẫn bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng tăng tiết học phát triển năng khiếu, kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, ở bậc mầm non, mỗi tuần các bé có thêm 2 buổi học với 10 kỹ năng vận động, 2 buổi học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, kèm các buổi dã ngoại trong năm để rèn luyện kỹ năng sống. Còn ở bậc tiểu học, ngoài chương trình chính khóa buổi sáng, các em được học và rèn nhiều về năng khiếu, kỹ năng sống, tham gia các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường... vào buổi chiều hoặc ngoài giờ.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, các trường muốn thực hiện mô hình này phải đáp ứng tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế của UBND TPHCM. Ở từng bậc học, các trường phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, có điều kiện đảm bảo để học sinh phát triển toàn diện, nhất là các kỹ năng mềm, năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế...
Tuy nhiên, theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Phó Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, mô hình trường học tiên tiến tại TPHCM hiện đang gặp những hạn chế như giáo viên tiếng Anh một số trường chưa đạt chứng chỉ B2 ngoại ngữ Anh theo chuẩn quốc tế, còn tình trạng thiếu giáo viên bộ môn, nhân viên. Cơ sở vật chất tại một số trường đã bắt đầu xuống cấp, một số trường vẫn tiếp tục phải chờ được trang bị thêm các thiết bị hiện đại như bảng tương tác, máy lạnh, máy vi tính... Sĩ số học sinh/lớp ở một số đơn vị còn cao, vượt chuẩn so với quy định chung của trường tiên tiến là không quá 30 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học.
Thậm chí, theo bà Trương Diệu Thừa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, ngoài những khó khăn chung khi thực hiện mô hình tiên tiến, trường gặp thực trạng nhiều học sinh không đóng tiền, nợ tiền học. Điều này dẫn đến việc tồn đọng học phí gây khó khăn cho hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường.
Chính vì lẽ đó, qua 4 năm thực hiện, hiện thành phố mới có 12 trường tiểu học trú đóng trên địa bàn 11 quận triển khai mô hình này. Cụ thể, trong năm đầu tiên triển khai ở bậc Tiểu học năm học 2016-2017, thành phố có 8 trường thực hiện. Tuy nhiên, đến năm học 2018-2019 không có thêm trường nào đăng ký thực hiện, năm học này cũng chỉ có thêm một trường đăng ký mới.
Như vậy, chưa đến 50% tổng số quận, huyện trên địa bàn TPHCM thực hiện mô hình do áp lực gia tăng dân số quá lớn. Trong khi đó, TPHCM đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng ở mỗi quận, huyện có ít nhất 3 trường ở mỗi cấp học thực hiện mô hình trường tiên tiến.
Trước tình hình trên, đại diện các trường đang triển khai mô hình trường học tiên tiến đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện mô hình, như: Tạo cơ chế chủ động cho các trường trong tuyển sinh và tuyển dụng giáo viên; tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước để các trường nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình...
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, việc thực hiện mô hình tiên tiến mà để xảy ra việc học sinh nợ tiền học phí thì các trường cần tính toán. Việc tuyển sinh nếu theo tuyến, theo phường thì rất khó để tuyển được theo tiêu chuẩn. Việc tuyển sinh cần được mở rộng trên địa bàn quận, dành cho đối tượng đáp ứng được yêu cầu, bên cạnh việc phải đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn.
Ngoài ra, với những trường đã triên khai mô hình từ những năm học trước, đại diện Sở GD-ĐT lưu ý các đơn vị cố gắng duy trì sĩ số 30 học sinh/lớp để tổ chức tốt các hoạt động, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Riêng đối với những địa phương chưa thực hiện cần nghiên cứu, đưa ra lộ trình và thời gian thực hiện.
Các trường tiểu học tại TPHCM thực hiện mô hình trường tiên tiến:
Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), Tiểu học An Bình (quận 2), Tiểu học Châu Văn Liêm (quận 6), Tiểu học Võ Văn Tần (quận 6), Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 6), Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10), Tiểu học An Lạc 3 (quận Bình Tân), Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình), Tiểu học Bàu Sen (quận 5), Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12), Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú).
Năm học 2019-2020 thêm một trường đăng ký mới: Tiểu học Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Thu Dịu
Theo baohaiquan
Phạt học trò, đừng làm các em phải ấm ức, sợ hãi! Thay vì thay đổi phương pháp giảng dạy và cách quản lý của mình thì một số giáo viên lại lạm dụng hình phạt với học trò một cách vô lý. Trong các lỗi mà học trò hay mắc phải trong giờ học, thường gặp nhất là học sinh hay nói chuyện riêng và chưa tập trung vào lời giảng của thầy cô....