Giúp học sinh yêu lịch sử từ giáo dục tích hợp
Trong cuộc thi Tìm hiểu về biên giới và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) do Bộ Tư lệnh BĐBP và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động nhằm hướng tới 60 năm ngày truyền thống BĐBP và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân, cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THPT Bạch Đằng, Quảng Yên (Quảng Ninh) đã xuất sắc đoạt giải Nhì (giải cá nhân).
Hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh gần gũi và được HS trân trọng
Với cô Hạnh, giải thưởng không chỉ là niềm vui, sự tự hào vì tâm huyết, tình cảm dành cho các chiến sĩ quân hàm xanh được ghi nhận mà hơn thế với những kiến thức lịch sử tích lũy được giúp cô có thêm nhiều tư liệu, hiểu biết để truyền tải lồng ghép trong các bài giảng của mình.
Bắt đầu từ tình yêu người lính…
Trong 8 tháng tìm hiểu trên rất nhiều tư liệu về lực lượng biên phòng (BP), cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh đã hoàn thành tác phẩm truyền thống 60 năm BĐBP.
Khi được hỏi, vì sao chỉ trong khoảng thời gian tìm hiểu 8 tháng, công việc của một giáo viên dạy Văn chủ yếu trên lớp và soạn giáo án, đảm nhiệm đầy đủ mọi công việc của người phụ nữ trong gia đình, nhưng vẫn cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao như vậy, cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh khẳng định đây là tâm huyết, tình yêu, sự chia sẻ với người chiến sĩ BP. Xuất phát điểm của tình cảm ấy là bởi cô Hạnh là con của một cựu quân nhân, vợ một chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và là chị gái của một chiến sĩ BP.
Sản phẩm hơn 3.000 trang đánh máy chứa đựng những thông tin về BĐBP được cô Hạnh chắt chiu tìm hiểu thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Khi thì qua Internet, các trang báo của lực lượng BP, báo chí T.Ư viết về BP. Mặt khác, cô còn cất công kết nối với BCH BĐBP Quảng Ninh, Hải đội 2 BP Quảng Ninh… Nơi đâu cô cũng nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện để công việc tìm hiểu đạt hiệu quả cao nhất.
Cô Đỗ Thị Mỹ Hạnh cũng cho biết, khi tham dự vào cuộc thi, có những thuận lợi khó khăn riêng đòi hỏi phải hết sức nỗ lực, để vượt qua.
Thuận lợi là cô đã mang sẵn theo mình tình cảm chung với người chiến sĩ BP, cùng đó là tình cảm riêng đối với những người thân yêu nhất (cha, anh, em trong lực lượng). Mặt khác, với vai trò một giáo viên dạy Văn, có nền tảng về văn học và các vấn đề về lịch sử nên việc bộc lộ cảm xúc của bản thân cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, nguồn tư liệu hỗ trợ cũng vô cùng phong phú… mang lại nhiều cảm xúc và giúp cho cô Hạnh có hiểu biết sâu sắc hơn về lực lượng BP Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cô gặp phải là thời gian tìm hiểu cuộc thi có hạn. Công việc trường lớp, gia đình… cũng lấy đi nhiều thời gian. Trải qua thời gian, có những đơn vị thay đổi tên gọi, tổ chức; có những tấm gương không thể tìm được bất kì thông tin nào; khả năng nghiên cứu, biên soạn hạn chế.
Có những vấn đề muốn tìm hiểu kĩ, sâu cũng không thể tìm thấy tư liệu, minh chứng… Vì vậy, “tôi tham lam với tất cả những gì bản thân tìm kiếm hay xin được. Dù đó có thể là một hình ảnh, một mẩu tin, bài báo, một vài câu chuyện nhỏ có liên quan tôi đều tìm cách đưa vào trong bài thi một cách hợp lý nhất để minh họa cho quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của BĐBP…”, cô Hạnh chia sẻ.
Tích hợp kiến thức vào bài giảng
Video đang HOT
Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh và tác phẩm dự thi tìm hiểu về lực lượng BĐBP
Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh khẳng định: Quá trình tìm hiểu tham dự cuộc thi đã giúp cô hiểu sâu sắc hơn về sự hình thành phát triển của BĐBP, về công việc, các anh đã làm ngoài biên giới, về những hy sinh thầm lặng của người lính BP cho nhân dân, đất nước… Từ sự thấu hiểu ấy bản thân cô có sự sẻ chia nhiều hơn cùng người lính và truyền đến HS tình yêu, sự biết ơn với người lính BP.
Đặc biệt, kiến thức từ cuộc thi sẽ hỗ trợ tích cực vào công tác giảng dạy của cô trên lớp. Cụ thể, cô có thể đưa vào tích hợp giáo dục truyền thống BĐBP qua mỗi bài giảng liên quan, tạo hứng thú và truyền lửa cho học sinh giúp các em hình thành và củng cố niềm tự hào ngưỡng mộ với lực lượng BP. Từ ý thức tình cảm đó sẽ hình thành trong mỗi HS tính kế thừa, nối nghiệp người lính mang quân hàm xanh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cô Đỗ Thị Mỹ Hạnh cũng cho rằng: Vấn đề về chiến tranh và quân đội có sự “cứng nhắc” nhất định khi mang vào giáo dục, chính bởi vậy bản thân cô phải đổi mới nhiều phương pháp để làm vấn đề trở nên mềm mại và hấp dẫn. Ví dụ, cô có thể cho HS nghe những bài hát về lực lượng BĐBP (thực tế lực lượng BĐBP có rất nhiều ca khúc hay) trước một bài giảng để khởi động, cho HS cảm thụ trước về vấn đề.
Ngoài ra có thể đưa vào trong bài giảng hình ảnh người lính BP; thầy giáo quân hàm xanh; thầy thuốc quân hàm xanh; đưa những tấm gương tiêu biểu trong chiến tranh bảo vệ biên giới trong quá khứ cũng như những tấm gương trong lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thời bình (thông qua bài giảng có hỗ trợ công nghệ thông tin).
Từ cuộc thi này, nhà trường và cô Đỗ Thị Mỹ Hạnh đã liên kết với các đơn vị BĐBP để HS đi thăm các chú bộ đội ngoài hải đảo thông qua lịch trình của Hải đội 2; đưa HS đến với biên giới Bình Liêu để các em được chạm tay vào cột mốc; tổ chức cho HS hát Quốc ca tại cột mốc… từ đó các em có ý thức thiêng liêng hơn về chủ quyền của dân tộc. Sau hoạt động giáo dục trải nghiệm các em biết trân trọng những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, biết ơn những gì mà các em đã và đang được thụ hưởng ở cuộc sống hòa bình hôm nay.
Từ một cuộc thi ý nghĩa và sự tích lũy của bản thân thông qua quá trình tìm hiểu tham dự cuộc thi về lực lượng BP, cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh đã giúp HS đi từ cảm thụ đến thay đổi nhận thức; có ý thức trách nhiệm, nhìn nhận khách quan về vấn đề mà các em luôn nhận định khó khăn và cứng nhắc. Từ học tập bị động, HS chuyển sang học tập chủ động, háo hức với kiến thức văn học, lịch sử…
Đức Trí
Theo giaoducthoidai
Người thầy đáng kính đã ra đi...
Ngày 21/9, thầy giáo Huỳnh Văn Thế - Mang Thít, Vĩnh Long, được bệnh viện trả về gia đình với hy vọng có thể nhìn con gái lần cuối. Rồi học trò báo tin: Thầy đi rồi! Nhiều người không dám tin, bởi chỉ cách đây vài hôm thôi, giữa chiến đấu với bệnh tật, thầy vẫn tất tả với việc "bòn sách" cho học sinh.
Cách đây năm 5 năm, thầy lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trên báo Dân trí với bài phát biểu gây ấn tượng mạnh tại hội thảo về năng lực tự học, tự học nghiên của giáo viên. Với nội dung báo cáo dày dặn, phân tích cụ thể và dám nói thẳng những vấn đề nhiều người né tránh, thầy đã chỉ ra những lý do giáo viên ngày nay lười học.
Thầy giáo Huỳnh Văn Thế
Ít ai biết, thầy là một thầy giáo làng ở dạy tận Mang Thít, Vĩnh Long, lặn lội đi xe đò từ sáng sớm đến dự hội thảo cách gần 150 cây số rồi trưa lên xe vòng về để kịp tiết dạy buổi chiều.
Thầy là giáo viên dạy Văn, sau các kỳ thi quốc gia, thầy luôn có những đánh giá, nhận định sâu sát về đề thi Văn. Như năm 2017, khi nhiều người đánh giá đề Văn dễ, thầy Huỳnh Văn Thế đã chia sẻ: "Đề dễ ư? Chúng ta hãy ngồi làm xem chưa chắc nổi 6 điểm chứ khoan nói đến các em học sinh. Đề thi cho hơn 860 ngàn học sinh chứ không phải chỉ cho một số người". Đúng như nhận định của thầy, năm đó điểm Văn gây bất ngờ cho mọi người... "vì đề dễ mà điểm không cao".
Rất nhiều đổi mới, quyết sách về giáo dục, thầy Huỳnh Văn Thế không ngại đưa ra các ý kiến, góp ý hết sức tâm huyết. Nhưng đến một ngày, thầy nói với tôi: Thầy không muốn nêu ý kiến nhiều nữa, giống như muối bỏ bể. Giờ thầy tập trung làm những gì có thể làm cho học trò...
Nhiều năm qua, mọi người xung quanh đều nhìn thấy sự miệt mài của thầy trong việc đưa sách về học trò. Có lẽ trong cả nước, duy nhất ở Mang Thít, hàng năm có một ngày hội Tết sách cho học trò. Ở đó, các em có những hoạt động về sách, đọc sách, tặng sách, mời các chuyên gia về nói chuyện về sách... xôm tụ đến nỗi, không chỉ học trò mà người dân quanh đó cùng đổ xô đến tham gia.
Nhiều năm qua, mọi người xung quanh đều nhìn thấy sự miệt mài của thầy trong việc đưa sách về học trò.
Để tổ chức ngày Tết, thầy đi xin sách ở khắp mọi nơi có thể từ phụ huynh, từ các nhà văn cho đến các nhà sách... Thầy dạy kèm học sinh, phụ huynh đến nhà lén để tiền lại, thầy viết thư xin phép phụ huynh dùng số tiền đó mua sách cho học trò. Thầy nói, chỉ có sách mới có thể giúp học sinh và tất cả mọi người có thói quen tự học suốt đời, để không quá phụ thuộc vào việc học trong nhà trường, ở thầy cô giáo.
Nhiều năm qua, mỗi tháng một lần, thầy đều tổ chức ngày hội về sách, để cùng học trò trò chuyện, trao đổi về những cuốn sách hay... Có lần, tôi về tham dự tọa đàm của thầy trò ở trường THPT Mang Thít. Thầy Thế đứng đón từ đầu làng, thầy nói: Mỗi khách mời về là tiếp thêm niềm tin vào việc đọc sách với học trò! Và đó cũng là lần cuối tôi gặp thầy dù vẫn trao đổi qua tin nhắn thường xuyên...
Thầy không từ một cơ hội nào để xin sách, để đưa kiến thức về cho học trò. Tâm huyết và miệt mài của thầy đã kết nối thầy với rất nhiều nhà giáo dục, học giả, tác giả, nhà văn... ở khắp cả nước. Gần như ai cũng biết thầy, một người thầy... ham học hỏi và chuyên đi xin sách và họ luôn sẵn sàng chung tay với thầy, chung tay với một tâm huyết đặc biệt.
Khi đó, tôi đã viết bài "Nghẹn ngào thầy giáo viên thư xin sách cho học trò"... gây xúc động cho bao người về một nhân cách, lý tưởng của người thầy đang mang trọng bệnh.
Một lãnh đạo trong ngành giáo dục ở Vĩnh Long từng nói rằng, nếu để tìm ra một người thầy có tinh thần tự học cao nhất - thì đó chính là thầy Thế.
Thầy Huỳnh Văn Thế trong các buổi giới thiệu sách với học trò
Nhiều năm qua, thầy lên Sài Gòn nhiều hơn. Không chỉ đi xin sách, đi để nghe trò chuyện về sách... thầy còn lên để chữa bệnh. Ai cũng biết, thầy có bệnh, người ốm xanh đi thấy rõ nhưng hỏi thầy đều không nhắc đến. Mới đây thôi, thầy còn lên kế hoạch, trao đổi kế hoạch để làm tọa đàm sách tháng 9....
Nhưng không kịp nữa rồi!
Thầy an nghỉ thầy nhé. Thầy đã sống không hoài phí! Những gì thầy làm trong những năm qua có thể là ngắn so với một đời người nhưng đó là một hành trình tuyệt vời, tiếp rất nhiều sức lực, niềm tin cho những thế hệ học trò.
Tôi biết, thầy Huỳnh Văn Thế còn đi bán hương lấy tiền lãi mua sách, cổ vũ các em đọc sách, tổ chức sự kiện về sách... Trong lần gặp đầu tiên và cũng là lần găp cuối cùng khi tôi và NXB phụ nữ vào Mang Thít giao lưu, thầy ho nhiều, tay run, nhiều mồ hôi và mệt nhưng tinh thần vẫn rất cứng cáp và nhiệt tình.
Qua nhiều người tôi biết, gia cảnh thầy cũng không có gì là dư dả. Thầy là lao động chính trong gia đình, vợ thầy lao động tại nhà và thầy có một cô gái nhỏ đang học tiểu học.
Vượt qua những thứ đó để nghĩ và làm được như thầy mấy ai? Bao nhiêu người dành một chút thời gian để nghĩ những gì ngoài những nhỏ nhen, bí bách và toan tính của đời thường.
TS Nguyễn Quốc Vương
Thầy Thế hẹn tôi ở Mang Thít - Vĩnh Long của thầy để nói chuyện về sách, rồi thầy chat với tôi và nói "Em đang ở bệnh viện, mong sao bình phục để về tổ chức buổi nói chuyện của anh về giáo dục, về sự đọc...". Thế mà không kịp nữa rồi, giờ đã nghe tin Thầy đã ra đi, bỏ lại chúng tôi, bỏ lại các em học trò quê nghèo... Tiếc thương một thầy giáo có tấm lòng!
TS Nguyễn Khánh Trung
Có ai nghĩ anh dầm những cơn mưa thật to để giao những đòn bánh tét mong đủ tiền mua sách cho học sinh. Có ai nghĩ anh đã thức đến tận sáng để đọc xong mấy quyển sách mong kịp giờ giới thiệu cho học sinh....
Rồi có ai nghĩ sáng 21/9, anh đã ra đi và mãi mãi. Tôi như chết lặng khi nghe điện thọai báo anh không còn nữa... Một cuộc đời sống vì người. Một cuộc đời sống vì xã hội. Chưa bao giờ tôi thấy anh sống vì chính mình, Ôi! một người anh cao đẹp, một người thầy đáng kính....
Một người em quen thầy Thế qua các hoạt động giao lưu về sách
Hoài Nam
Theo Dân trí
Sinh viên RMIT: Vững phần cứng, thạo phần mềm Năm qua, một lần nữa tiêu chí hoạt động của RMIT Việt Nam - đào tạo ra những sinh viên vững kiến thức, giỏi chuyên môn, thông thạo các kỹ năng mềm và luôn hướng đến xã hội, càng được củng cố vững chắc qua thành tích xuất sắc của các bạn sinh viên và cựu sinh viên. Lưu dấu ấn 2018 là...