Giúp giáo viên thực hiện tốt dạy học phân hóa
Dạy học phân hóa là dạy theo từng loại đối tượng, phù hợp với tâm sinh lý, khả năng, nhu cầu và hứng thú của người học nhằm phát triển tối đa tiềm năng riêng vốn có.
Đặc điểm của dạy học phân hóa (DHPH) là phát hiện và bù đắp lỗ hổng kiến thức, tạo động lực thúc đẩy học tập.
Theo giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Linh và Trần Thị Nâu (ĐH sư phạm TP Hồ Chí Minh), dạy học phân hóa được tổ chức dưới các hình thức như:
Phân hóa theo hứng thú, phân hóa theo sự nhận thức, phân hóa giờ học theo học lực, phân hóa giờ học theo động cơ, lợi ích học tập của người học.
Vì vậy, dạy học phân hóa phải tạo dựng môi trường từ lớp dưới để những học sinh có năng khiếu nào thì có cơ hội phát triển năng khiếu, sở trường đó.
Hai giảng viên cho rằng, đối với dạy học phân hóa, giáo viên cần hiểu rõ đối tượng giáo dục. Từ năng lực hiểu đối tượng giáo dục, giáo viên cần có một năng lực quan trọng là thiết kế công cụ dạy học. Đó là hệ thống câu hỏi, phiếu bài tập, bài kiểm tra .. phù hợp với từng đối tượng học sinh và thể hiện được sự phân hóa.
Những công cụ ấy phải vừa đảm bảo được mục đích chung là giúp học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản vừa phù hợp với nhận thức và học lực của từng đối tượng học sinh để góp phần phân hóa được đối tượng học sinh.
Năng lực thiết kế công cụ dạy học đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức chuyên môn vững, hiểu sâu đối tượng học sinh. Đồng thời, giáo viên cần dành nhiều thời gian, công sức đầu tư trong việc lựa chọn và thiết kế công cụ dạy học.
Năng lực thứ hai giáo viên cần có trong dạy học phân hóa là năng lực sáng tạo. Sáng tạo trong cách dạy, sáng tạo trong lựa chọn phương pháp, công cụ, tổ chức hoạt động, sáng tạo trong cách đánh giá… là một trong những năng lực quan trọng của người giáo viên.
Video đang HOT
Cùng một phương pháp dạy học, nội dung dạy học nhưng giáo viên cần có sự tổ chức hợp lý để đạt được mục đích phân hóa đối tượng học sinh mà không làm học sinh yếu kém phải tự ti, mặc cảm hay học sinh khá giỏi trở nên tự cao, tự đại. Đó là nghệ thuật giảng dạy của giáo viên.
Như vậy, dạy học phân hóa đòi hỏi giáo viên phải có tâm và phải phát hiện được năng khiếu của mọi học sinh. Để tổ chức dạy học phân hóa thành công, giáo viên cần tạo mối quan hệ dân chủ giữa thầy và trò, giữa trò và trò để giúp học sinh cởi mở, tự tin hơn.
Trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, đặc biệt là giáo dục, con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả đạt được. Vì vậy, để dạy học phân hóa cũng như dạy học tích hợp đạt hiệu quả cao, giáo viên cần phải nhạy bén, năng động, sáng tạo, có ý chí, nghị lực và không ngừng phấn đấu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học mà ngành giáo dục đặt ra.
Năng lực của giáo viên phải phát triển tỉ lệ thuận với quá trình phát triển của xã hội, có như thế chất lượng của nền giáo dục nước ta mới ngày càng nâng cao.
Theo Hải Bình/Giáo dục & Thời đại
'Giành' học sinh dạy... miễn phí
Sáng chủ nhật nhưng toàn trường không còn phòng học trống, cả nghìn học sinh học bài say sưa. Trên ghế đá, thảm cỏ dưới sân trường, học sinh, giáo viên tổ chức ôn bài.
Có những nữ giáo viên trẻ, tay ẵm con nhỏ, tay chỉ bài cho học trò với ánh mắt đầy trìu mến.
Hỏi thầy hiệu trưởng: Trường mình dạy thêm ngày nghỉ quy mô vậy sao? Câu trả lời của thầy kèm theo nụ cười hiền khiến tôi ngạc nhiên không kém cảnh tượng mình nhìn thấy: "Không đâu cô, các thầy giáo, cô giáo dạy phụ đạo cho học sinh hoàn toàn miễn phí đó!".
Học sinh ôn bài.
Vẫn biết, trường THPT Tháp Mười là đơn vị có phong trào rất mạnh về dạy phụ đạo của Đồng Tháp, nhưng chỉ khi trực tiếp chứng kiến các thầy cô chẳng quản ngày nghỉ, không ngại mưa nắng, đến trường mà không nhận bất kỳ khoản phí nào, có người ròng rã hàng chục năm như vậy, mới thấy sự hy sinh thật lớn lao.
Vất vả là thế, lạ thay, có giáo viên còn "giành" học sinh yếu để dạy phụ đạo. Chuyện "khó xử" này được thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng nhà trường - kể lại đầy xúc động: Có lần, một giáo viên đến đề nghị tôi can thiệp vì giáo viên bộ môn khác "giành" hết học sinh yếu để dạy phụ đạo, trong khi ngày thi đã cận kề.
Dù lúng túng nhưng tôi cũng kịp đưa ra một quyết định ôn hòa là: Mời hai người đến để cùng thương lượng, thống nhất lịch phụ đạo mỗi môn. Hiệu trưởng có quyền nhưng không thể ra lệnh trong tình huống như thế".
Người viết đã từng được nghe tâm tư của nhiều vị hiệu trưởng: Khuyến khích giáo viên bộ môn dạy phụ đạo tự nguyện, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn là việc làm cần, rất cần, nhưng không hề dễ dàng. Điều này dễ hiểu, bởi người giáo viên ngoài việc trường lớp, tối về vẫn phải soạn bài, chấm bài còn là bề bộn nỗi lo gia đình, cuộc sống...
Thế nên, mới giật mình khi nghe con số thống kê từ thầy Nguyễn Văn Định: Trong năm học 2012-2013, các thầy cô giáo trường Tháp Mười đã dạy phụ đạo lên tới 2.550 tiết. Con số này tăng lên theo từng năm: Năm học 2013-2014 là 2.890 tiết, năm học 2014-2015 đạt 3.124 tiết và học kỳ 1 năm học 2015 - 2016, số tiết dạy phụ đạo đạt 1.375 tiết.
Hầu hết giáo viên của trường đều tham gia giúp đỡ học sinh yếu kém với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, nhiều cặp vợ chồng là đồng nghiệp đều tham gia phụ đạo, không ít giáo viên dạy hàng trăm tiết trong một năm học...
Theo cha mẹ đến trường ngày nghỉ
Ở trường THPT Tháp Mười, có không ít cặp vợ chồng là đồng nghiệp. Vậy nên, ngày nghỉ mới thấy cảnh sáng sớm, những chiếc xe máy chở 4 người vào cổng trường với ríu ran tiếng nói cười. Với các thầy cô, đó chẳng phải là nỗi niềm, là vất vả.
Hơn 13 năm giảng dạy là từng ấy năm cô Trần Thị Thúy Loan tham gia dạy phụ đạo. Gia cảnh đơn chiếc, mẹ già, con nhỏ, nhưng băn khoăn của cô lại hướng về những học sinh của mình: Nhiều em tội lắm, ngày nghỉ, các em thường phải ở nhà giúp cha mẹ nên không dễ tập trung 100% học sinh yếu kém học bồi dưỡng.
Chỉ mong tiết học nào các em cũng đi học đều, tích cực lắng nghe, ôn bài, tiến bộ - giản dị vậy thôi, nhưng đó chính là niềm vui lớn nhất của chúng tôi.
Là gương mặt đi đầu trong công tác bồi dưỡng học sinh yếu kém, cô Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ rất thật: Dạy phụ đạo, không đơn giản chỉ là thời gian từng ấy tiết học, vì đối tượng học sinh này cần tài liệu riêng và thông thường giáo viên tự mình điều tiết nên mất thời gian vô cùng.
Bởi vậy, nhiều khi cũng chạnh lòng khi nghe học trò hỏi: "Sao chủ nhật mà vẫn phải học vậy cô?"; hoặc cho rằng: "Thầy cô dạy phụ đạo để đạt tỉ lệ thi đua cho chính mình"...
Thậm chí, nhiều phụ huynh mặc nhiên xem việc phụ đạo là trách nhiệm của trường và của giáo viên. Nhưng không người giáo viên tâm huyết nào đi tìm niềm vui ở việc để học sinh, hay phụ huynh phải cảm ơn, hay biết ơn. Đó là điều tôi dám chắc chắn.
Dạy phụ đạo, không áp chỉ tiêu cũng chẳng vì thành tích, nhưng ai đã nhận đều dốc hết sức mình - đó là tâm sự của cặp vợ chồng giáo viên môn Lịch sử Phan Văn Thảnh - Võ Thị Giúp. Đau đáu nỗi niềm với môn Lịch sử, thầy cô đã bền bỉ, sáng tạo rất nhiều hình thức phong phú. Mỗi bài dạy, thậm chí mỗi đề kiểm tra của thầy cô đều ăm ắp nhiệt huyết và sáng tạo.
"Chúng tôi trăn trở mỗi khi đọc báo phản ánh về thực trạng dạy học Lịch sử ở trường phổ thông; nhiều học sinh không ham thích học bộ môn. Do đó, công sức của chúng tôi và các thầy cô dạy môn Lịch sử đã không hề uổng phí khi điểm thi môn này của trường THPT Tháp Mười nhiều năm liền dẫn đầu tỉnh" - thầy Phan Văn Thảnh chia sẻ.
Thầy Lê Minh Tường - cũng là giáo viên Lịch sử - cho rằng: Dạy phụ đạo muốn hiệu quả cần có phương pháp thích hợp. Mà muốn có phương pháp thích hợp, không có cách nào khác, người thầy phải thực sự hiểu học trò của mình, biết các em yếu ở đâu, cần bổ sung kiến thức nào. Điều đó không chỉ cần thầy giỏi mà trên hết là tình yêu nghề, là cái "tâm" với học sinh.
Cùng với tâm huyết như vậy, thầy Nguyễn Tiến Nam - người lớn tuổi nhất trường, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến tuổi nghỉ hưu - nhưng tuổi cao, sức khỏe yếu không cản bước thầy đến trường vào mỗi cuối tuần, để say sưa với từng bài giảng.
Thầy chia sẻ lý do giản dị: Có những học sinh bị mất căn bản từ THCS, nhà các em đa phần làm nông, lại xa trường, cha mẹ bận kế sinh nhai đâu có nhiều thời gian quan tâm tới con cái. Thấy hoàn cảnh các em như vậy, tôi mong góp chút sức lực nhỏ bé, giúp học sinh củng cố lại kiến thức.
Vui vì học sinh đã không phụ tâm huyết của thầy cô, nhiều em không chỉ dần lấy lại được kiến thức cơ bản mà còn đuổi kịp tiến độ của những học sinh khá giỏi. Thật ấm áp khi mỗi cuối tuần thời kỳ "cao điểm", thấy học sinh vẫn đến lớp đúng giờ, có em mang theo cả đồ ăn bởi "tự thưởng" thêm ít phút ngủ nướng trong ngày nghỉ nên chưa kịp ăn sáng.
Ban giám hiệu thì tận tay mang nước đến từng phòng cho giáo viên uống. Với người giáo viên, còn niềm vui, hạnh phúc nào hơn thế.
Theo Hiếu Nguyễn/Giáo dục & Thời đại
Nhanh chóng ổn định nền nếp dạy học sau đợt nghỉ rét đậm Ba ngày qua, hàng nghìn học sinh các tỉnh phía Bắc phải nghỉ học do rét đậm. Không chỉ học sinh tiểu học và mầm non, nhiều địa phương, học sinh THPT cũng nghỉ học do nhiệt độ xuống thấp dưới 7 độ C. Những ngày tới, theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ...