Giữa “tâm điểm” vụ gian lận điểm thi, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La sắp nghỉ hưu
Trong lúc dư luận đang quan tâm đến vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, lại chuẩn bị nghỉ hưu từ ngày 1-7 tới.
Theo nguồn tin ngày 28-5, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức sẽ nghỉ hưu theo chế độ, từ ngày 1-7-2019. Do vậy, ông Đức sẽ không tham gia Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 của tỉnh này.
Theo quy định, Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tại địa phương. Qua sắp xếp vị trí này sẽ do ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, là người vừa được bổ nhiệm vị trí Phó giám đốc Sở, đảm nhận.
Ông Hoàng Tiến Đức
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, đã nâng điểm thi cho 13 thí sinh. Đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen “nhờ vả”. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp, theo lời khai của bị can Yến, do chính giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La “gửi gắm”.
Theo lời khai của ông ông Yến, ngày 28-6-2018, ông Hoàng Tiến Đức đã gọi ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến 2 tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo “đặt hàng”.
Sau đó, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, đã gặp ông Yến tại phòng làm việc và đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Danh sách này có 2 trường hợp trùng với những thí sinh được giám đốc sở nhờ nâng điểm trước đó.
Danh sách 8 thí sinh được nâng điểm là:
1- Thí sinh N.Đ.A., số báo danh 14001279. Điểm thật của thí sinh này chỉ được toán 4,8, lý 6, tiếng Anh 5 nhưng đã nhờ nâng lên thành toán 9,2, lý 9, ngoại ngữ 9,6 để đạt 27,8 điểm. Thí sinh này có bố công tác tại Cục Thuế Sơn La, mẹ làm việc tại Văn phòng Tỉnh uỷ Sơn La.
2- Thí sinh có số báo danh 14001545 là B.T.N. có điểm thật là toán 5,2, sử 7,5 và ngữ văn là 8. Thí sinh này được nâng điểm thành toán 9,6, sử 9,5 và văn vẫn giữ nguyên 8 điểm. Bố của thí sinh này là Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mai Sơn, Sơn La.
3- Thí sinh T.T.M.A., số báo danh 14001293 có điểm thật là toán 7 (được nâng lên thành 9,6), ngoại ngữ 7,2 (được nâng lên thành 9,6). Thí sinh này có bố là Phó Chánh thanh tra tỉnh Sơn La.
4- Thí sinh P.M.H., số báo danh 14001415, điểm thật môn toán là 6,8, vật lý 7,5, hoá học 7,5 nhưng được nâng lên thành 9 điểm mỗi môn để đạt tổng điểm 27. Thí sinh này là con của Chánh thanh tra sở GD-ĐT Sơn La.
5- Thí sinh N.Y.K., số báo danh 14001479 có điểm thực môn toán là 9, được nâng lên thành 9,6. Môn ngoại ngữ của thí sinh này là 7,4, được nâng lên thành 9,6. Thí sinh này có bố là Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Sơn La.
6- Thí sinh số báo danh 14001394 là D.T.T.H. có điểm toán là 6,6, được nâng thành 8,4. Môn ngoại ngữ đạt 6,8, được nâng thành 9. Bố của thí sinh này là Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sơn La.
7- Thí sinh Đ.T.N.K., số báo danh 14001480 có điểm thật môn toán là 7,4, nhờ nâng lên 8,6. Môn lý là 8,5, nhờ nâng thành 9,5 và môn hoá 6,5 nâng lên thành 8,75. Thí sinh này có bố là Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La.
8- Thí sinh N.H.P., số báo danh 14000619. Thí sinh này có điểm công bố lần đầu là toám 9,6, sử 9,5 và văn 8, tổng 27,1 điểm. Điểm thực tế của thí sinh tự do này chỉ là toán 3, sử 3,25 và văn được 5,25.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Sơn La đã chuyển hồ sơ liên quan vụ án gian lận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 đến VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố 8 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong 8 bị can, đáng chú ý nhất là ông Trần Xuân Yến, khi bị khởi tố là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, phụ trách việc tổ chức kỳ thi này tại tỉnh Sơn La. Ông Yến cũng là người có chức vụ, quyền hạn lớn nhất trong số các bị can của vụ án này, tính đến nay.
7 người khác, ngoài ông Đặng Văn Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La) và 2 cán bộ của Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La là nguyên trung tá Đỗ Khắc Hưng và nguyên thiếu tá Đinh Hải Sơn, những người còn lại đều là cán bộ của Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, gồm: Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng Phòng Chính trị – Tư tưởng; Lò Văn Huynh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, cùng phó phòng là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một chuyên viên của phòng này là bà Nguyễn Thị Hồng Nga.
Đây mới chỉ là giai đoạn 1 vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La. Trong giai đoạn này, CQĐT tập trung làm rõ hành vi của 8 bị can trong việc sửa điểm thi trắc nghiệm cho 44 thí sinh và sửa điểm thi tự luận môn văn cho một số thí sinh khác, cũng như sự tiếp tay của 2 cán bộ công an; làm rõ động cơ sửa bài thi, điểm thi; cách thức sửa bài thi, điểm thi; mức độ can dự của từng cá nhân trong đường dây này.
Trong 44 thí sinh được nâng điểm của tỉnh Sơn La, có tới 12 trường hợp là con các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh này. Trong đó có con của các vị phó giám đốc sở, chánh thanh tra, trưởng phòng, hiệu trưởng và giáo viên một số trường trên địa bàn. Mức được sửa là từ 3 điểm đến 17,75 điểm.
Trong số thí sinh được sửa điểm, có thí sinh trúng tuyển ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội với điểm số 28,4 và lọt tốp 3 thí sinh có điểm cao nhất vào trường. Cụ thể, điểm toán của thí sinh này là 9,4 điểm; điểm hóa: 9,5 và sinh là 9,5 điểm. Tuy nhiên, theo kết quả chấm thẩm định, điểm lần lượt của thí sinh này là toán: 5,6 điểm; hóa: 3,4 điểm; sinh: 4 điểm, tổng điểm 3 môn là 13.
Ng. Hưởng
Theo nguoilaodong
Nông dân ở Sơn La lên tiếng vì con được nâng điểm: Tôi có biết gì đâu
Một phụ huynh có con nằm trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La cho biết, vợ chồng ông bà chỉ là nông dân, không nhờ vả, quen biết ai và không biết tại sao con mình được nâng điểm.
Nâng "khống" tới 18,7 điểm/3 môn
Liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, trong danh sách thí sinh có điểm thi thay đổi sau chấm thẩm định, xuất hiện nhiều thí sinh là con cháu lãnh đạo địa phương, con em trong ngành giáo dục, thuế, kiểm lâm, công an... Đặc biệt, một chi tiết bất ngờ là riêng thị trấn Hát Lót của huyện miền núi Mai Sơn (Sơn La) có tới 9 thí sinh.
Đây là nơi ông Trần Xuân Yến (đối tượng đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ án nâng điểm, sửa bài thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La) từng công tác. Trước khi chuyển lên Sở GDĐT Sơn La và giữ vị trí Phó Giám đốc Sở, ông Yến là Trưởng phòng GDĐT huyện Mai Sơn.
Trong số 9 thí sinh ở Mai Sơn được nâng điểm thi, có những người được nâng tới 18,7 điểm. Đó là trường hợp thí sinh T, có điểm thi ba môn Toán - Vật lý - Ngoại ngữ lần lượt là 9,4 - 9,5 - 9; điểm sau chấm thẩm định còn lại là 4 - 3 - 2,2. Trước đó T đã đỗ thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự.
Hay thí sinh L - có mẹ là giáo viên, bố là cán bộ kiểm lâm ở Mai Sơn - được nâng hai môn Toán và Lịch sử. Trước khi chấm thẩm định, L có điểm khá cao, như Toán 9; Lịch sử 9,75. Sau chấm thẩm định, điểm của L còn lại là: Toán 2,2; Lịch sử 3,75, được nâng tổng cộng 12,8 điểm/2 môn.
Riêng ở huyện Mai Sơn đã có hàng chục thí sinh được nâng điểm.
Xuất hiện con em nông dân được nâng điểm?
Những ngày qua, dư luận đặt nhiều câu hỏi: Tại sao thí sinh được nâng điểm lại rơi vào con cháu lãnh đạo, hoặc gia đình giàu có, mà không phải là con em nông dân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn?
Giáo viên đề nghị cần xử lý cả phụ huynh chạy điểm cho con. Video: Nguyễn Hà
Tuy nhiên, sau khi xác minh thông tin từ một số phụ huynh có con nằm trong danh sách được nâng điểm, có người đã lên tiếng khẳng định với PV là gia đình mình chỉ là nông dân bình thường.
Trong đó có phụ huynh của thí sinh L.T.T (ở Mai Sơn). Sau chấm thẩm định, T có hai môn Toán và Ngoại ngữ bị giảm điểm (Toán từ 9,6 xuống còn 6,4; Ngoại ngữ từ 9,6 giảm xuống còn 5,2) - được nâng 7,6 điểm.
Trao đổi với PV, ông K - bố của thí sinh L.T.T cho biết, hiện gia đình chưa nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc con mình bị giảm điểm sau chấm thẩm định.
Khi PV đặt câu hỏi: "Trước thông tin dư luận cho rằng gia đình mình có tác động tới phía cán bộ trong ngành giáo dục để nâng điểm cho con, thông tin này có đúng không?", ông K cho biết: "Thực tế nhà tôi chả quen biết ai cả. Ngày cháu thi xong, hỏi cháu thì cháu bảo làm được bài.
Rồi sau này có thông báo điểm, giấy báo đỗ đại học thì tôi cho cháu đi học thôi. Nhà tôi đều là nông dân bình thường, hằng ngày buôn bán thêm gà, lợn ngoài chợ, thu nhập chỉ đủ sống, làm gì quen biết ai".
"Sức học của con anh thế nào. Gia đình anh tự tin con mình được điểm cao là nhờ thực lực chứ?" - PV tiếp tục hỏi. Ông K trả lời: "Cháu T nhà tôi học giỏi từ nhỏ. Từ cấp 1 đến cấp 2 đều được học sinh giỏi. Lên cấp 3, chỉ thiếu một tí là được học sinh giỏi rồi".
Khi PV nhắc lại vấn đề, thí sinh T đang nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm, ông K một lần nữa khẳng định: "Tôi có biết con được nâng điểm đâu. Tôi có biết gì đâu. Khi nào có thông báo thì xem xét".
"Ông vẫn khẳng định là không biết chuyện con được nâng điểm đúng không vậy?", ông T một lần nữa nhấn mạnh: "Gia đình nhà tôi chưa biết một chuyện gì, kể cả việc thi cử của cháu đều là cháu tự làm được".
Còn với trường hợp thí sinh được nâng tới 18,7 điểm, theo tìm hiểu của Lao Động, mẹ của thí sinh này làm nghề trồng rừng, bố là lái xe ở địa phương.
Trước thông tin cho rằng mẹ của thí sinh này là chị em ruột với một chuyên viên ở Sở GDĐT Sơn La (người đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ án nâng sửa điểm thi), vị phụ huynh đã từ chối trả lời về thông tin này.
ĐẶNG CHUNG
Theo Lao động
Rất phi lý, bất công nếu chỉ trả lại điểm thi thật cho thí sinh được nâng điểm Đối với bài thi có đáp án bị tẩy xóa mới phát hiện được, còn phiếu trắc nghiệm chỉ có tên thí sinh, đáp án để trống sau có người làm hộ rất khó phát hiện. Kết quả được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi...