Giữa lưng chừng khối A và khối D?
Hỏi: Hiện tại em đang học lớp 11 và thực sự đang rất bế tắc về việc thi đại học. Em đỗ và học ở 1 lớp chọn nhưng là khối A theo mong muốn của bố mẹ. Còn thực chất, em muốn theo học khối D. Cứ băn khoăn giữa 2 lựa chọn nên theo khối nào mà giờ đây em thực sự lo lắng. Vì không thích nên việc học lý, hóa với em chi như ép buộc và lực học so với lớp thì ngày càng xuống. Em ngày càng thấy tự ti hơn về năng lực của mình dù cố găng rất nhiều nhưng thực sự chẳng là gì cả càng học càng thấy mình đuối sức. Còn với khối D, vì lo cho khối A, lo theo kịp bạn bè trong lớp nên ngày càng thấy mình mất gốc, không đủ thời gian và khả năng để theo kịp. Bởi vậy mà giờ đây em ko thể quyết định được nên tiếp tục theo khối A hay chuyển sang khối D và bắt đầu lại nữa. Thực sự giờ em ko biết phải làm sao… Nhìn các anh chị bắt đầu làm hồ sơ thi đại học. nhìn các bạn trong lớp đã quyết định con đường muốn theo đuổi mà em lo quá. Em thực sự mong rằng có ai đó có thể cho mình những lời khuyên. (Nguyễn Thị Quỳnh Hoa)
MTO đã kết nối băn khoăn của bạn Quỳnh Hoa với bạn Lê Thị Hà My, tân thủ khoa ngành Báo Chí – Truyền thông của trường ĐH Khoa học Xả hội & Nhân Văn TP. HCM. Hà My cũng từng trong tình huống của Quỳnh Hoa, vừa thi khối D1 vì đam mê của mình, vừa thi khối A theo nguyện vọng ba mẹ. Sau đây là chia sẻ của Lê Thị Hà My:
Chào em,
Điều đầu tiên mà chị muốn khuyên em là hãy bình tĩnh. Em chỉ mới học lớp 11, còn một khoảng thời gian dài phía trước mà. Bình tĩnh tiếp cận vấn đề thì em mới có quyết định sáng suốt được.
Em nói không thể quyết định thi A hay D, nhưng chị nghĩ điều quan trọng nhất là em định thi ngành gì, sau này làm gì. Tùy theo đặc trưng tuyển sinh của ngành đó mới có thể xác định được mình nên chuyên tâm học cái gì chứ.
Nếu ngành đó tuyển khối D, đúng với ý thích của em luôn thì bây giờ em tập trung học khối D vẫn chưa muộn đâu. Nếu chăm chỉ, em sẽ tiến bộ rất nhanh vì môn Toán em đã có nền tảng của khối A, môn Văn thi ĐH thì tập trung vào chương trình HKII lớp 11 và cả năm 12, còn môn Anh văn thì chị nghĩ dù thi khối nào em cũng nên đầu tư cho nó.
Còn nếu em thích ngành học mà nó chỉ tuyển khối A thôi thì cố gắng lên em. Chúng ta không thể phủ nhận rằng thi đỗ vào ĐH là mục tiêu còn việc học hiện giờ là phương pháp. Cái gì mình đã thích, dù khó đến đâu cũng phải cố gắng làm cho được em nhé. Khi có động lực thì em sẽ thấy “yêu” các môn Lý, Hóa hơn, và từ đó thấy nó “dễ nuốt” hơn.
Video đang HOT
Ba mẹ có vai trò định hướng, nhưng lựa chọn và tương lai vẫn là của em. Hãy tôn trọng ba mẹ và có trách nhiệm với mình. Đừng ngại chia sẻ với ba mẹ suy nghĩ của em.
Và một điều nữa, em đừng sợ “bắt đầu lại” vì mấy ai đi đúng hướng ngay từ lần đầu… So sánh bản thân với bạn bè sẽ làm em “hoảng” hơn đó! (Nhưng về mặt cố gắng thì phải hơn nhau nhé!) Thật ra ở thời điểm này khó nói trước ai sẽ hơn ai lắm em à. Em hãy bình tĩnh, nếu cần thì cứ “bắt đầu lại”, làm việc thật khoa học và thoải mái. Chị tin em sẽ làm được một cú “lội ngược dòng”!
Nếu không đủ khả năng thì em chuyên tâm một khối thôi, nhưng cứ thi luôn cả 2, và đừng quên khối A1 khá-gần-gũi-với-D nhé!
Chúc em thành công!
Theo mực tím
Đại học ngoài công lập lo không có thí sinh vào học
Với mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1 và còn gần trăm nghìn thí sinh đạt điểm bằng sàn và trên sàn không đỗ NV1 tham gia xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.
Bộ GD-ĐT vừa công bố mức điểm sàn ĐH khối A, A1: 13,0 điểm khối B: 14,0 khối C: 14,5 và khối D: 13,5.
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo nhiều trường đại học không chỉ công lập mà cả ngoài công lập cũng tán thành với mức điểm sàn trên bởi như vậy mới giữ được chất lượng đầu vào đại học. Ông Ngô Xuân Hà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thành Đô, thành viên Hội đồng điểm sàn cho biết: "Phương án điểm sàn Bộ đưa ra là rất hợp lý, mức điểm sàn đại học phải đạt ngưỡng như vậy, không thể thấp hơn. Mặc dù hàng năm, trường chúng tôi không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng chấp nhận để đảm bảo chất lượng đầu vào".
Thí sinh dự thi ĐH năm 2012. Với mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, nhiều trường ĐH dân lập lo lắng sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu.
ĐH ngoài công lập sẽ ít thí sinh vào học?
Với mức sàn năm nay sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1 và còn gần trăm nghìn thí sinh đạt điểm bằng sàn và trên sàn không đỗ NV1 tham gia xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường đại học ngoài công lập lại lo lắng không có thí sinh vào học.
GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng: "Mức điểm này các trường ngoài công lập lại tiếp tục gặp khó khăn mặc dù thời gian xét tuyển kéo dài. Hơn nữa, nhiều trường đại học công lập cũng lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển bằng sàn và sát sàn như vậy thì các trường dân lập chúng tôi làm gì có học sinh vào học".
Đưa ra giải pháp để cứu cánh cho các trường đại học ngoài công lập, ông Nghị đề nghị: "Bộ GD-ĐT cần có giải pháp cho các trường ngoài công lập là yêu cầu các trường đại học công lập lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển trên sàn và chỉ để các trường đại học dân lập xét bằng điểm sàn vì hiện nay ở Việt Nam sự phân biệt khoảng cách giữa trường công và tư còn rất lớn".
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Phú Xuân (Huế) cho rằng, thời gian xét tuyển kéo dài chỉ có lợi cho các trường ĐH công lập. Với mức điểm sàn năm nay các trường ĐH dân lập sẽ gặp khó khăn, thậm chí ít thí sinh vào học, hơn nữa năm nay không được vận dụng điều 33 để tuyển thí sinh thì lại càng ít thí sinh đăng ký hơn.
"Các trường ĐH công lập được nhà nước ưu ái nhiều thì nên lấy điểm chuẩn và xét tuyển trên điểm sàn, như vậy các trường ngoài công lập mới có thí sinh vào học và thực hiện việc xã hội hóa giáo dục tốt hơn" - ông Ngộ đề nghị.
Ông Hoàng Hữu Nguyên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây cũng lo sợ mức điểm năm nay không tuyển đủ chỉ tiêu vì năm trước với mức điểm sàn như vậy trường chỉ tuyển được nửa chỉ tiêu và đành chuyển mức chỉ tiêu còn thiếu sang tuyển hệ liên thông.
Trường có uy tín đảm bảo sẽ tuyển đủ chỉ tiêu
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, mức điểm sàn năm nay là để tạo điều kiện cho các trường có nhiều nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng đầu vào. Với khối A và A1 là 13 điểm, theo thống kê của Bộ sẽ có khoảng 125.000/167.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối B điểm sàn là 14, có 29.000/32.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối C, điểm sàn là 14,5, có khoảng 19.000/22.700 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối D, điểm sàn là 13,5 có khoảng 45.000/57.000 thí sinh trúng tuyển NV1.
Trước ý kiến với mức điểm sàn năm nay nhiều trường đại học ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu, Thứ trưởng Ga cho cho hay: "Khi tính toán điểm sàn, Bộ đã để số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu. Có khối thi đã dư hàng chục lần. Vì vậy, trường công lập không thể tuyển hết nguồn thí sinh. Với mỗi khối thi, tỷ lệ thí sinh còn dôi dư so với chỉ tiêu thấp nhất cũng gấp 1,7 lần. Như vậy, các trường ngoài công lập không lo không đủ nguồn tuyển. Điều quan trọng là các trường có đủ chất lượng và uy tín để thu hút các em hay không".
Điểm mới trong tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT quy định, căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển,không hạn chế số đợt xét tuyển, không qui địnhđiểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, trên nguyên tắc: Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không thấp hơn điểm sàn bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm. Với thay đổi mới năm nay, giúp các trường và thí sinh có nhiều cơ hội, đảm bảo những thí sinh đủ điểm sàn đều có cơ hội học ĐH.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển: Giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc hay bản sao có công chứng theo qui định của từng trường) và 01 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Thí sinh trúng tuyển nhập học, phải nộp bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (nếu chưa nộp trong hồ sơ ĐKXT). Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định. Thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm Giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển. Các trường quy định việc nhận bản gốc hay bản sao có công chứng Giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh trong hồ sơ ĐKXT.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Chính thức công bố điểm sàn tuyển sinh 2012 Sau hơn 2 tiếng thảo luận về các phương án đưa ra, Hội đồng điểm sàn quốc gia ấn định mức điểm sàn ĐH khối A, A1 13,0 điểm khối B 14,0 khối C 14,5 và khối D 13,5. Mức điểm sàn công bố dành cho TS ở khu vực KV3 chưa có điểm ưu tiên. Mỗi khu vực ưu tiên kế tiếp...