Giữa dòng đời hối hả đừng quên nghĩa thầy cô
Năm ấy, chúng ta vội vã bước vào đời mà bỏ quên lời cảm ơn và xin lỗi thầy cô. Nơi góc sân trường ấy vẫn đọng mãi những cảm xúc ngọt ngào, sâu lắng, dù đi hết hành trình cuộc đời vẫn chẳng thể nào đong đếm hết ân nghĩa…
Tôi nhớ về ngày chia tay cách đây hơn 4 năm có lẻ, có nước mắt, có nụ cười nhưng hình như không một ai buông lời xin lỗi vì những lần lỡ làm cô buồn, những bài học đầy nhiệt huyết thầy say mê truyền đạt.
Thế rồi, thời gian đằng đẵng chảy trôi, lời hứa “ họp lớp năm nay sẽ đi đầy đủ” cũng bị thực tế vùi dập. Ngày hẹn chỉ có mấy đứa, nhìn góc lớp loang dài những khoảng trống hoác đến cô đơn, bất chợt lòng nghẹn đắng.
Tôi từng rất thích học văn, say mến ngôn từ và gặm nhấm từng thớ cảm xúc trong veo tuổi 18 vào trang nhật ký học trò. Và cho đến bây giờ tôi vẫn yêu y như cái cách tôi tỉ mẩn sắp xếp từng câu chữ, vun đầy yêu thương và không ngần ngại sẻ chia tâm sự cùng những người xa lạ.
Cô giáo chủ nhiệm của tôi từng nói, rằng khi cuộc đời dông gió, khó khăn sẽ rèn luyện cho con người ta sự bền bỉ, kiên gan. Khi bước ra ngoài khoảng trời rộng lớn ngoài kia cần có một đôi mắt sáng, lý trí tỉnh táo, đừng quá bon chen, toan tính và hơn hết cần một trái tim ấm nóng tình yêu thương.
Ảnh: Nguyễn Loan
Suốt những năm cấp 3, cô lặng thầm giúp đỡ tôi rất nhiều, những ân tình ấy tôi luôn nhắc nhớ ghi sâu. Tôi cũng chẳng thể quên được mùa đông ấy, chiếc áo ấm cùng khăn choàng dày sụ cô trao tôi với câu nói “nay lạnh rồi, đi học đừng để ốm”. Mỗi lần nghĩ về quãng đời học sinh, trong tôi dâng lên niềm cảm xúc không dễ gì gọi thành tên, mà vốn dĩ làm gì có ai gói ghém tất thảy tình yêu lớn lao trong đôi ba dòng chữ vụn vặt.
Những ký ức trong ngần như màu áo trắng trở thành miền thơ không bao giờ phai nhạt. Là ngày đậu đại học, tôi đứng giữa những lựa chọn trắc trở, thầy đã nói rất nhiều với tôi về con đường phía trước. Rồi thầy giúp tôi làm hồ sơ xin học bổng, động viên, an ủi vì sợ tôi nhụt chí. Đó là thời khắc tôi khóc nhiều nhất cho bản thân mình và khóc vì cảm động bởi có những người mang lòng tốt nhân rộng mà không đòi hỏi đáp đền.
Ai rồi cũng lớn, cũng đi trên con đường của riêng mình. Dăm ba bận vấp ngã giúp tôi ngộ ra nhiều điều, thấy thương hơn những bụi phấn vương trên mái tóc thầy cô. Mỗi mùa chia tay, mỗi lần tạm biệt là mỗi lần xao xuyến, bồi hồi khôn nguôi.
Thầy cô đã đưa tôi đi qua ngày chông chênh nhất cuộc đời, ngày tháng đẹp đẽ nhất thời thanh xuân cũng vì thế mà trở nên ý nghĩa hơn. Hóa ra khi ngồi trên ghế nhà trường trong giai đoạn vô tư nhất, chúng ta ai nấy đều ao ước lớn thật nhanh. Khi ấy không có những kỳ thi, không có bài kiểm tra giữa giờ, không có lo sợ khi lớp bị trừ điểm, không lo những lần sinh hoạt lớp bị cô mắng… Tất thảy những điều ấy ngày còn đi học có ai không “ghét cay ghét đắng” để rồi đến khi trưởng thành ta lại mong có tấm vé khứ hồi trở về năm tháng trước.
Có những lời xin lỗi nghẹn lại không thốt nên lời, có những câu cảm ơn dù viết ra 1000 lần cũng chẳng đủ để trả được công ơn thầy cô. Thế nên giữa dòng đời hối hả đừng bao giờ đánh mất những ân tình mà thầy cô đã trao. Dù đi đến đâu, dù có trở thành “ông này bà nọ” thì mãi mãi nơi ký ức sâu thẳm chúng ta vẫn chỉ là những đứa trẻ nhỏ bé trong vòng tay thầy cô. Kỷ niệm tươi nguyên như vừa hôm qua, tiếng cô giảng bài, câu văn trầm bổng, trang sử hào hùng, miền đất mới phiêu du những bước chân…
Video đang HOT
Tất cả cứ vang vọng đâu đây, kéo tôi trở về thưở “hai buổi cắp đến trường”.
Tuệ Nhi
Theo Dân trí
Bức thư gửi thầy cô giáo cũ sau gần 20 năm gặp lại
"Thầy cô đã cùng chúng em vượt qua giai đoạn khủng hoảng của tuổi mới lớn bằng sự kiên trì, nhẫn nại, chấp nhận chứ không phải bằng sự trừng phạt. Chúng em đang giữ của thầy cô một lời cảm ơn!"
Thầy trò sau gần 20 năm gặp lại
Đó là nội dung bức thư của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Huyền (SN 1984, Giáo viên dạy Văn tại Kỳ Sơn, Nghệ An) gửi tới thầy cô trường THCS Chi Khê, Con Cuông, Nghệ An sau gần 20 năm gặp lại.
Chia sẻ với VietNamNet, cô Huyền cho biết, trong buổi họp lớp của thế hệ học sinh THCS khóa 1996 - 2000 sau gần 20 năm, rất nhiều cô giáo đã rơi nước mắt. Trải qua thời gian, hầu hết các thầy cô đều có tuổi và đã nghỉ hưu. Vì vậy, khi được mời tham dự, tất cả thầy cô đều rất xúc động.
"Có cô giáo đã đặt tấm thiệp lên ngực cả đêm thao thức. Các thầy cô đều bất ngờ và hạnh phúc vì không nghĩ rằng thầy cô giáo cấp 2 cũng được học trò tri ân.
Trước giờ chúng ta thường họp lớp hay tri ân thầy cô của những năm cấp 3 mà vô tình lãng quên đi những người đã bên ta trong lứa tuổi nổi loạn nhất" - Cô Huyền chia sẻ.
Có cô giáo đã đặt tấm thiệp lên ngực cả đêm thao thức
Lớp của cô Huyền khi ấy rất nghịch ngợm, luôn tìm mọi cách để thách thức hay lén ném đá, dán giấy sau lưng thầy cô. Khi dạy học sinh ở lứa tuổi "thích thể hiện mình là người lớn", các thầy cô đã phải rất vất vả và thật sự bao dung.
"Cho đến tận bây giờ bản thân tôi vẫn cảm thấy vô cùng hối tiếc. Giá như chúng tôi có thể hiểu và về thăm thầy cô sớm hơn.
Cũng nhờ thầy cô, bản thân tôi tự nhắc mình rằng, nghề giáo cần phải tận tâm, yêu thương và bao dung với học trò nhiều hơn. Và điều quan trọng nhất, người thầy luôn phải biết đặt mình vào vị trí của các em để thấu hiểu".
Đồng thời, cô giáo trẻ cũng gửi lời nhắn nhủ, món quà lớn nhất trong cuộc đời mỗi người học sinh là tình yêu thương thầy cô đã giành cho ta. Vì vậy, phải luôn trân trọng, biết ơn và hãy về thăm thầy cô khi còn có thể.
VietNamNet xin đăng tải lại bức thư của cô giáo Nguyễn Thị Huyền.
Thầy cô mến thương!
18 năm - chặng đường dài của một đời người. Và giờ đây, chúng em càng hiểu rằng đó là thời gian quá dài, quá tàn nhẫn để một lớp học trò quay về thăm thầy cô, trường cũ.
Chúng em vẫn như vậy, vẫn là những đứa con hư và mãi không chịu trưởng thành khi ỷ vào sự bao dung, yêu thương, chân thành của thầy cô. Lớp 9A khóa 1996 - 2000 chúng em tự nhận là lớp học sinh với những học trò quậy phá, mang đến rất nhiều phiền lòng cho thầy cô, nhà trường.
Cả lớp từng "nổi loạn" bỏ tiết, vào lớp không nghe giảng bài, tìm mọi cách để chống đối, thách thức, từng lén ném đá, dán giấy sau lưng thầy cô, ...
Chúng em đang giữ của thầy cô một lời xin lỗi!
Nhiều bạn trong lớp từng bị "dọa" cho đứng cột cờ, chuyển lớp, đuổi học. Nhưng không, thầy cô đã cùng chúng em vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi mới lớn đó bằng sự kiên trì, nhẫn nại, chấp nhận chứ không phải bằng sự trừng phạt.
Chúng em đang giữ của thầy cô một lời cảm ơn!
Thầy cô bậc THCS là những người cùng vượt qua giai đoạn trường thành khó khăn nhất của học sinh, là những người đưa đò dành nhiều tình cảm, yêu thương nhất cho học trò.... nhưng cũng dễ bị học trò "quên lãng" nhất.
Chúng em đang giữ của thầy cô một lời yêu thương, tri ân suốt gần 20 năm qua.
Tất cả những điều này, chúng em không thể gửi hết trong một buổi gặp mặt, càng không thể gửi vào trong một vài lời nói. Nhưng chúng em xin cảm ơn thầy cô đã đến đây với chúng em hôm nay, để chúng em luôn nhắc mình rằng, trên hành trình mình trưởng thành, trong cuộc đời của mỗi học sinh... luôn có thầy cô.
Sau gần 20 năm, thế hệ học trò năm xưa đã trưởng thành
Chúng ta thường vô tình quên đi những người đã bên ta trong lứa tuổi nổi loạn nhất
Nhiều thầy cô đã rơi nước mắt khi gặp lại lứa học trò năm nào
Thúy Nga
Theo vietnamnet.vn
Khoản thu đầu năm của học sinh lớp 1 ngót chục triệu đồng khiến MXH xôn xao, nhiều phụ huynh khóc ròng vì quá "chát" Hình ảnh một tờ giấy kê khai chi tiết các khoản thu đầu năm của một học sinh lớp 1 khiến cư dân mạng được phen dậy sóng. Có lẽ các ông bố bà mẹ có con ở độ tuổi đến trường chẳng lạ gì hoạt động được coi như "thủ tục bản lề" trước khi con bước vào năm học mới mang...