“Giữa 1 người học và không học ĐH thì 10 năm sau, chưa biết là ai thành công hơn đâu!”
“Có rất nhiều con đường để làm giàu và nếu so sánh, một người học và không học Đại học, sau 10 năm kể từ ngày họ tốt nghiệp THPT, đôi khi chưa biết được ai thành công hơn ai đâu bởi chúng ta đừng quên, mỗi năm có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp”, GS. Nguyễn Lân Dũng nói.
Những năm gần đây, tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng có dấu hiệu tăng cao. Theo báo cáo mới nhất do Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố thì cả nước có hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó, cử nhân và thạc sĩ chiếm 20% (225.500 người).
Câu chuyện về nạn thất nghiệp sau khi đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để theo học Đại học đã khiến nhiều người tỏ ra ái ngại. Nhiều gia đình vay nợ cho con lên thành phố theo học 4 năm ròng rã để rồi, kết quả cuối cùng là ra trường lại không xin được việc làm.
Vậy, Đại học có còn là con đường duy nhất dẫn đến thành công, chúng ta có nhất thiết phải bằng mọi cách, thi đỗ vào Đại học? Đây cũng là câu hỏi chính được nêu ra trong buổi trò chuyện của GS. – NGND Nguyễn Lân Dũng với thầy và trò trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội).
GS. Dũng trò chuyện cùng các em học sinh trường THPT Tự Lập (Mê Linh – Vĩnh Phúc).
Video đang HOT
“Tốt nghiệp Đại học, chẳng đủ nói lên được điều gì”
Trả lời về điều này, GS. Dũng chia sẻ: “Ai cũng nói Đại học không phải là con đường duy nhất để thành tài… nhưng rồi không hiểu vì sao, nhiều bậc cha mẹ cứ nhất nhất phải ép con mình ôn luyện đủ mọi cách để thi đỗ Đại học”.
Theo ông, tư duy cho rằng chỉ có học ĐH mới dẫn đến thành công đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người, khiến họ không hiểu đâu mới là thế mạnh của con mình. “Những đứa trẻ đi học nhưng lại không hề thích và điều đó một phần dẫn đến hệ quả là ra trường, không biết làm gì”.
GS. Dũng giao lưu với các em học sinh.
“Con người có 8 loại trí thông minh khác nhau, không phải cứ học giỏi là sẽ thông minh, giỏi giang và ngược lại. Tri thức lại như sông như bể nên sự nghiệp học hành phải kéo dài suốt đời. Vì thế, chuyện tốt nghiệp Đại học cũng chẳng đủ nói lên điều gì quá lớn lao. Nó cũng không phải là nhân tố quyết định bạn có trở thành người có vốn kiến thức sâu rộng hay không”, GS. Dũng nói thêm.
Ông kể, bản thân ông sử dụng được tới 4 ngoại ngữ là Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc nhưng tất cả các kiến thức ấy, ông chưa từng học qua bất cứ một trường lớp nào.
Các bạn trẻ chăm chú theo dõi buổi trò chuyện của GS. Dũng.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn đặt ra là sau khi tốt nghiệp cấp 3, lúc trước mắt lại mở ra rất nhiều con đường khác nhau, những người trẻ sẽ nên đi con đường nào nếu không phải là tìm cách chen chân qua cánh cổng trường Đại học.
Trả lời vấn đề này, ông Dũng nói: “Nhiều người cứ hỏi tôi là không vào Đại học thì phải làm gì. Tôi nghĩ có rất nhiều cách để làm giàu, để thành công. Tôi quen một anh rất giỏi nuôi tảo, người khác giỏi nuôi công, nuôi thỏ… và tất cả họ đều giàu có. Con đường làm giàu nhiều lắm. Nếu mà so sánh giữa một người học và không học Đại học thì 10 năm sau, kể từ ngày tốt nghiệp THPT, cũng chưa biết là ai thành công hơn ai đâu”.
Thành công phải dựa vào tư duy linh hoạt
GS. Dũng cho rằng, chuyện làm giàu hay vươn tới thành công không dựa vào bằng cấp, mà phần lớn là do vốn kiến thức thực có cùng tư duy nhạy bén của mỗi cá nhân. “Tôi có quen một người rất giỏi đặt bẫy mối. Anh ta dùng một loại nấm sinh học để diệt mối rất tự nhiên. Mỗi một lần xử lý mối, anh ta thu về 1 triệu đồng. Rồi có anh lại nảy ra ý tưởng trồng rau củ quả ngay trên bãi biển cát trắng xóa ở Hà Tĩnh…. Tôi nói vậy để thấy là, sự linh hoạt trong tư duy mới chính là chìa khóa đưa chúng ta đến thành công”.
“Chúng ta cần ý thức sâu sắc hơn rằng, Đại học không phải con đường duy nhất, ngắn nhất dẫn đến thành công”, GS. Dũng nói thêm.
GS. Dũng cũng đưa ra lời khuyên, các bậc phụ huynh, thầy cô không nên đặt áp lực phải thi đỗ Đại học quá lớn lên vai các em học sinh.
Theo ông Dũng, học Đại học hay không, không phải là điều quan trọng. Điều cần quan tâm là con đường ấy có thực sự phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mỗi học sinh hay không. “Nếu chúng ta thật sự ham thích và thấy là mình đủ khả năng theo học Đại học thì không có lý do gì mà không đi học. Nhưng nếu ai đó lại có con đường đi riêng thì cũng đừng bao giờ tự ti, cho là vì không học Đại học mà chúng ta kém cỏi hơn những người khác”, GS. Dũng nói.
Theo Thu Hường / Trí Thức Trẻ