Giữ vững tinh thần học tập sau Tết
Sau gần 2 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, tâm lí chung của học trò chúng mình là “ ngại”: Ngại đến trường, ngại học và làm bài…
Tình hình chung sau Tết
Sau một thời gian dài đi ngủ lúc 11h – 12h đêm, ngủ nguyên nửa ngày đến 10h – 11h sáng mới dậy, đồng hồ sinh học gần như bị thay đổi hoàn toàn. Thế nên không ngạc nhiên khi đến ngày đi học, các bạn rất khó khăn trong việc dậy sớm và trễ học là chuyện bình thường. Đến lớp với tâm trạng lơ mơ, vật vờ làm cho đầu óc không tỉnh táo, rất khó tiếp thu bài vở. Lại thêm dư vị và không khí Tết vẫn còn bao trùm khắp lớp, các nhóm túm tụm lại “buôn chuyện” váy áo, hỏi han tình hình ăn Tết…
Sẵn có tiền lì xì, các bạn còn mở “chiếu bạc”, mới đầu chỉ là chơi 5 nghìn, 10 nghìn cho vui, nhưng càng về sau càng ham. Lớp học nhộn nhịp với đủ các hoạt động vui chơi càng khiến trẻ mất tập trung, chán học. Mặt khác, có bạn thì thậm chí còn trốn học, không đến lớp mà ra hàng net ngồi điện tử, chat chit. Nếu không có điểm dừng đúng lúc, các bạn trẻ rất dễ bị sa đà và khó quay lại nhịp sinh hoạt cũ.
Bí kíp giữ vững “phong độ” học tập
Muốn chơi Tết vui mà vẫn học tốt không khó như mọi người nghĩ đâu nhé! Chỉ cần chúng mình “bỏ túi” một vài “chiến thuật” đơn giản mà hiệu quả thế này thôi:
Những ngày trước Tết:
- Lập kế hoạch học tập và vui chơi cân bằng:
Mặc dù Bộ Giáo dục đã có chủ trương các thầy cô không giao bài tập về nhà Tết cho học sinh, nhưng các bạn cần tự giác có kế hoạch học tập riêng cho mình. Bạn hãy liệt kê ra những môn học mình thích để học trước, như vậy sẽ hào hứng học hơn. Với các môn học bản thân còn kém, bạn hãy ghi ra những phần mình chưa hiểu, chưa nắm chắc để ôn luyện lại, kết hợp làm thêm một số bài tập trong sách giáo khoa. Mỗi ngày chỉ cần học từ 1 – 2 tiếng là đủ rồi đó, vẫn thừa thời gian chơi phải không nào?
Video đang HOT
- Trang trí góc học tập:
Chuẩn bị năm mới thì chúng mình cũng nên làm mới góc học tập – nguồn cảm hứng học của mỗi người. Trước hết, bạn hãy lau dọn góc học tập thật sạch sẽ, cất đi tất cả những vật dụng không cần thiết, không còn dùng đến. Sau đó, bạn có thể trang trí lại góc học tập của mình bằng những tấm thiệp của bạn bè, những bài kiểm tra điểm tốt hay đơn giản chỉ là một lời tự nhắc nhở bản thân
Bạn cũng có thể mua một vài chiếc bút xinh xắn, một cái đồng hồ hay lịch để bàn nho nhỏ để tự tặng cho mình nữa đấy! Những thứ tưởng chừng như bé nhỏ vậy thôi nhưng cũng đủ làm bạn hào hứng, thêm quyết tâm và thích thú khi ngồi học rồi.
Trong những ngày Tết:
- Làm theo đúng kế hoạch đã đề ra trước Tết:
Lập ra kế hoạch là một chuyện nhưng thực hiện hay không lại là chuyện khác. Có nhiều bạn có kế hoạch học tập rất chi tiết nhưng đến lúc làm lại uể oải rồi tự cho phép bản thân mình trì hoãn “để ngày mai”. Như vậy thì hoàn toàn không được đâu! Các bạn phải có ý thức tự giác, cố gắng làm theo kế hoạch, nếu không thì số việc bạn làm được sau Tết sẽ chỉ là con số 0 tròn chĩnh thôi.
Sát những ngày đi học
- Xem lại thời khóa biểu:
Trước 2 – 3 ngày đi học, lúc này đã được chơi Tết “thả cửa” và rất thoải mái rồi, thế nên các bạn cần xem trước thời khóa biểu để biết còn môn nào mình chưa làm bài, chưa chuẩn bị bài để bổ sung. Đừng để xảy ra tình trạng cuống quít, “nước đến chân mới nhảy” thì không hay đâu! Tốt nhất là nên làm trước bài tập 1 tuần, dù hơi khó nhưng nếu thực hiện được thì sẽ cực kì hiệu quả.
- Chuẩn bị sẵn sách vở, đồng phục:
Bạn hãy thu dọn lại “bãi chiến trường” sau Tết, chuẩn bị sách vở, dụng cụ gọn gàng, đầy đủ, quần áo đồng phục giặt sạch sẽ, tươm tất. Không ai muốn học khi mà sách vở không có, quần áo nhàu nhĩ.
Sẵn sàng đi học sau Tết
- Bạn có thể trao đổi, “tám chuyện” vui vẻ với bạn bè vào những giờ nghỉ giải lao, nhưng vào giờ học phải tập trung học ngay. Các bạn có thể tự tổ chức các trò chơi, nhưng đặc biệt nhớ tuyệt đối không nên đánh bài (dù có ăn tiền hay không).
– Trong giờ học hãy siêng giơ tay, phát biểu bài. Đầu năm, các thầy cô rất vui vẻ, “hào phóng” cho điểm nên các bạn tận dụng cơ hội này mà kiếm ngay cho mình vài điểm 9, 10 đỏ chói lấy hên đầu năm.
Thế đấy, chỉ với một vài “tuyệt chiêu” nho nhỏ, bạn sẽ giúp cho mình có sự hứng khởi và niềm vui học tập sau những ngày Tết vui vẻ, lành mạnh. Chúc các bạn có một năm mới may mắn, học giỏi.
Việt Báo (Theo Gia Đình)
Teen hãy tạo không gian học cho riêng mình
Bất cứ làm một việc gì chúng ta đều cần đến một không gian phù hợp, yếu tố ngoại cảnh là một phần tác động đến tinh thần học của chúng ta. Vì thế, việc lựa chọn cho mình một chỗ hợp lý để học rất quan trọng.
Góc học tập
Góc học tập là một phần thiết yếu trong quá trình học của teen. Việc cân nhắc và đặt vào vị trí thích hợp sẽ giúp teen thoải mái hơn trong việc học.
Teen cần chọn một chỗ học thật tốt, nơi có đầy đủ ánh sáng, thoáng mát. Nếu nhà teen nào có cửa sổ thông ra vườn thì hãy đặt bàn học ở vị trí ấy. Đó sẽ là một nơi lý tưởng để teen học, chẳng hạn lúc nào học mà cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì bạn có thể nhìn ra vườn, không gian thoáng đãng ấy sẽ giúp teen phần nào dễ chịu hơn.
Còn với phòng nào mà không có cửa sổ thì teen nên đặt bàn học của mình ở vị trí thuận tiện nhất, yên tĩnh nhất.
K. Loan chia sẻ: "Mình đã năn nỉ ba mình cắt một khung cửa sổ thông ra vườn để mình đặt bàn học vào đó. Cứ mỗi lần mệt mỏi là mình nhìn ra vườn, không khí thoáng đãng, gió mát làm mình tỉnh cả người. Mình thấy để làm tốt một việc gì đó thì cần phải có một không gian thích hợp".
Bàn học thì nên đặt gần giá sách để tiện cho việc di chuyển, hơn nữa lại tạo cảm giác giống như thư viện làm mình tập trung hơn. Trên bàn bạn nên đặt vài cuốn sách, có thể trang trí thêm một lọ hoa để tăng thêm tính thẩm mĩ. Teen không nên dùng ánh sáng của đèn típ trên cao mà cần phải có một cây đèn bàn để cung cấp đủ ánh sáng.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Những nơi học khác
Ngoài bàn học cố định của mình teen còn có thể chọn cho mình nhiều chỗ học thích hợp mà lại yên tĩnh như: thư viện, một góc vườn, sân thượng.... Vào những buổi chiều nơi đó sẽ thoáng mát rất tiện cho việc học.
Thay đổi môi trường học sẽ tạo ra nguồn cảm hứng mới cho teen, thay đổi bầu không khí học giúp teen bớt căng thẳng. Nơi thoáng mát như vườn hay trên sân thượng sẽ giúp đầu óc dễ tiếp thu hơn là ngồi gò bó trong một góc học tập trong nhà. Teen nên chọn thời điểm học vào buổi chiều để tránh ánh nắng gắt.
Còn ở những nơi như thư viện, chùa thì teen nên giữ im lặng. Nếu như học tại thư viện thì hiệu quả sẽ cao hơn vì hơn đó có nhiều người học chung sẽ tạo sự hứng thú cho mình.
H. Hạnh bật mí: "Việc chọn cho mình một chỗ học thích hợp là một điều rất cần thiết, ngoài góc học tập của mình thì mình thường đóng quân ở thư viện. Nơi đó có nhiều người chăm chú học bài làm mình cũng muốn học chung với họ luôn."
Muốn học tập tốt thì ngoài việc tạo cho mình một không gian thích hợp thì teen phải có ý thức và thái độ nghiêm chỉnh trong việc tự giác học. Nếu thấy chán khung cảnh nơi bàn học thì teen hãy chủ động tìm cho mình một chỗ khác để thay đổi môi trường học.
Theo PLXH