Giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Những ngày qua, chủ trương giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 như năm 2020 là thông tin nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên cả nước.
Tuy nhiên, kỳ thi cũng dự kiến có một số điều chỉnh nhằm khắc phục tồn tại, trong đó có hiện tượng học lệch. Đồng thuận với chủ trương này, các trường trên cả nước đang tập trung hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi năm 2021.
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 nằm trong chương trình trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ảnh: Nhật Nam
Năm 2021 vẫn có 5 bài thi
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 vẫn giữ ổn định như kỳ thi năm 2020. Kết quả kỳ thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm cơ sở để đánh giá chất lượng dạy – học, và kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học, quản lý.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 vẫn có 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học); 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh giáo dục trung học phổ thông và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh giáo dục thường xuyên). Đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng; nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Việc tổ chức 5 bài thi như trên sẽ giữ ổn định trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, hình thức tổ chức thi sẽ được cải tiến theo hướng kết hợp thi trên giấy (như năm 2020) và thi trên máy tính. Điểm mới dự kiến đáng chú ý là cấu trúc đề thi và cách tính điểm của bài thi tổ hợp. Thay vì 3 đầu điểm cho 3 môn thi thành phần như năm 2020, thì năm 2021, bài thi tổ hợp dự kiến chỉ có một đầu điểm.
Với tư cách là thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, sự điều chỉnh cách tính điểm bài thi tổ hợp là cần thiết, giúp học sinh học đều các môn, tránh tình trạng học sinh chỉ chọn các môn tuyển sinh đại học, dẫn đến học lệch.
Em Lê Đức Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Trung Giã (huyện Sóc Sơn) chia sẻ: “Em rất mừng trước thông tin kỳ thi năm 2021 không có xáo trộn gì so với năm nay và mong rằng sẽ sớm biết thêm về cấu trúc đề thi, phạm vi nội dung đề thi… để chủ động học tập, ôn luyện”.
Video đang HOT
Các trường học trên địa bàn Hà Nội hỗ trợ học sinh lớp 12 để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2021. Ảnh: Nguyễn Quang
Hỗ trợ tối đa cho học sinh
Cập nhật kịp thời các quy định mới liên quan đến kỳ thi và hỗ trợ tối đa để học sinh học tập đạt kết quả tốt nhất ngay từ đầu năm học 2020-2021 là việc đang được các nhà trường trên địa bàn Hà Nội tập trung triển khai.
Theo ông Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân), giáo viên, học sinh nhà trường đều đồng thuận với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Trong tháng 10-2020, nhà trường sẽ tổ chức khảo sát, phân loại học sinh để có kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp. Để việc dạy và học đạt kết quả tốt, nhà trường coi trọng việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực chất, từ đó kịp thời xác định những “khoảng trống” về kiến thức, kỹ năng của học sinh, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Hơn 500 học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Tùng Thiện (thị xã Sơn Tây) cũng đón nhận thông tin kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 một cách tích cực. “Cùng với việc rà soát, phân loại đối tượng học sinh, nhà trường quan tâm định hướng học sinh học đều các môn. Việc học đều các môn không chỉ giúp học sinh tự tin đáp ứng tốt các yêu cầu của bài thi tổ hợp theo định hướng mới, mà còn tạo nền tảng để các em phát triển toàn diện”, ông Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tùng Thiện cho hay.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để kỳ thi đạt mục tiêu đề ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi chất lượng, trong đó quan tâm tới các câu hỏi mang tính vận dụng, liên hệ thực tế và sớm công bố cấu trúc đề thi để các nhà trường tham khảo, làm căn cứ tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh.
Trước băn khoăn của một số địa phương về những khó khăn khi tổ chức thi trên máy tính, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 vẫn làm bài thi trên giấy. Việc tổ chức thi trên máy tính cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẽ được tiến hành thử nghiệm trước khi áp dụng đối với những nơi đáp ứng đủ điều kiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm công bố chi tiết các thông tin về kỳ thi năm 2021 và định hướng những năm tiếp theo để giáo viên, học sinh chủ động chuẩn bị.
Năm nào cũng đỗ tốt nghiệp 98-99%: Có nên tiếp tục tổ chức thi?
Theo nhiều chuyên gia, tại Việt Nam, trình độ học sinh ở các vùng miền khác nhau nên phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp để có chuẩn chung của cả nước.
Cứ khi kết thúc mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông là việc có nên tiếp tục kỳ thi này hay không khi 98-99% học sinh đậu tốt nghiệp lại được đưa ra bàn luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì thi tốt nghiệp với tỷ lệ đỗ cao như vậy thì nên chuyển từ hình thức thi sang hình thức xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh. Còn việc thi tuyển đại học nên để các trường tự tổ chức.
Đặc biệt, năm nay, kỳ thi được tổ chức vào thời điểm đặc biệt đó là dịch COVID-19 và kết quả đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm ngoái.
Câu chuyện này tiếp tục được thảo luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nội dung định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021-2025.
Có nên thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa hay không?
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: "Lâu nay văn hóa của ta, đối với học sinh nếu không thi là không học, nếu không thi thì giáo viên dạy không đúng định hướng đổi mới.
Do đó, nếu không tổ chức kỳ thi chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục".
Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: "Không chỉ Việt Nam mà quốc tế họ cũng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng điều quan trọng là nếu không thi thì học sinh không học, giáo viên không dạy, cần gì dạy chỉ cần phê vào học bạ là xong.
Hơn nữa, tại Việt Nam, trình độ học sinh ở các vùng miền khác nhau nên phải đưa ra kỳ thi này để có chuẩn chung của cả nước."
ảnh minh họa: Thùy Linh
Còn theo thầy Lâm, thi là kết quả đánh giá quá trình học tập trong khi quá trình học tập nào cũng phải kiểm tra, Luật Giáo dục 2019 đã khẳng định điều đó.
"Chính vì vậy, thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa đúng thực tế, vừa đúng khoa học giáo dục. Không có quá trình học nào mà không kiểm tra đánh giá, nếu không kiểm tra, đánh giá thì coi như không học", thầy Lâm khẳng định.
Lâu nay chúng ta thiên về dạy chữ, nay muốn phát triển tư duy, năng lực học trò thì hình thức thi phải thay đổi. Tuy nhiên, hình thức thi như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ và đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình.
Cả hai vị chuyên gia đều cho rằng, thời điểm hiện tại chưa thể giao cho địa phương xây dựng đề thi, "chỉ khi nào Bộ có lượng đề thi đủ lớn và khả năng tổ chức thi địa phương thật sự tốt thì khi đó phân cấp mạnh hơn nữa".
Ngoài ra nhìn nhận về việc dù đã cố gắng nhưng điểm thi Ngoại ngữ sau nhiều năm vẫn chưa cải thiện được nhiều, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng:
"Hiện nay, học trò học chỉ để đối phó với hình thức thi trắc nghiệm nên giáo viên dạy "mẹo" trả lời đúng chứ không rèn được kỹ năng do đó học trò không phát huy được thế mạnh của mình.
Muốn nâng cao năng lực ngoại ngữ thì cần phải đặt ra điều kiện, ví như đạt chuẩn IELTS hoặc TOEFL ở một mức nào đó thì được tuyển thẳng vào đại học, đặc biệt cần yêu cầu viên chức từ cấp tỉnh phải thông thạo ngoại ngữ. Chỉ cần như vậy tự khắc học sinh phải chủ động học".
Nhìn nhận qua 6 năm khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước.
Đặc biệt, năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định, kỳ thi đã được tổ chức thành công thì Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng:
"Đến nay số bài thi, môn thi, thời gian thi tương đối ổn định, phương thức thi phân cấp cho địa phương là hoàn toàn đúng đắn do đó năm 2021 đến năm 2025 nên giữ kỳ thi cơ bản giống như năm nay, chỉ cần tăng cường ngân hàng câu hỏi và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của kỳ thi".
Qua trao đổi với các chuyên gia cho thấy, cần phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội.
"Ăn, ngủ" cùng đề thi Trong mỗi kỳ thi, việc vận chuyển và bảo vệ đề thi, bài làm của thí sinh là một trong những khâu vô cùng quan trọng. Với những người được giao trọng trách này, dù thành thục mọi công đoạn, nhưng áp lực vẫn bủa vây họ, bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể ảnh hưởng toàn bộ điểm thi. Ông Mai...