Giữ nguyên đề nghị truy tố 12 bị can trong đại án tại BIDV
Tòa án quận Hoàn Kiếm từng ra 2 quyết định công nhận thỏa thuận giữa BIDV và doanh nghiệp sân sau của ông Trần Bắc Hà. Tuy nhiên, tòa án cấp cao đã hủy các quyết định này và phía điều tra tiếp tục đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ.
Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã mất trong trại tạm giam ở giai đoạn điều tra.
Giữ nguyên quan điểm
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã ra Kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Cty CP chăn nuôi Bình Hà, Cty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng.
Nhiều bị can trong vụ là cựu lãnh đạo của BIDV như Trần Lục Lang – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietbank); Đoàn Ánh Sáng – nguyên Phó tổng GĐ BIDV; Kiều Đình Hòa – nguyên GĐ BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh – nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh…
Trước đó, Viện KSND Tối cao đã chuyển hồ sơ vụ án tới TAND TP Hà Nội để xét xử 12 bị can trong vụ. Tuy nhiên, tháng 7/2020, tòa án trả hồ sơ yêu cầu làm rõ việc mua bán khoản nợ tại Cty Trung Dũng giữa BIDV và Cty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); việc BIDV khởi kiện Trung Dũng ra TAND quận Hoàn Kiếm để đòi nợ.
Nội dung vụ án cho thấy, từ năm 2008 – 2016, ông Trần Bắc Hà giữ chức vụ chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện 40% vốn nhà nước tại ngân hàng. Lợi dụng chức vụ và của mình, ông Hà đã có hàng loạt sai phạm, lấy danh nghĩa BIDV trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho các doanh nghiệp “sân sau” của mình.
Cụ thể, ông Hà chỉ đạo BIDV cho các Cty Bình Hà và Trung Dũng vay tiền dù cả 2 doanh nghiệp này không đủ điều kiện cấp tín dụng. Được cho vay, 2 doanh nghiệp đã chiếm đoạt tiền để sử dụng cá nhân đồng thời tiếp tục gian dối chứng minh vốn tự có – đối ứng với BIDV để được tiếp tục giải ngân. Đến nay, cả Bình Hà và Trung Dũng đều bị thua lỗ, phải dừng hoạt động.
Video đang HOT
Cơ quan điều tra xác định, việc cho vay nói trên gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.548 tỷ đồng gồm hơn 683 tỷ đồng tại Bình Hà và hơn 864 tỷ đồng tại Trung Dũng. Trong vụ án, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt trong việc chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt và cấp tín dụng cho Bình Hà, Trung Dũng vay tiền dẫn tới thiệt hại cho BIDV.
Con trai ông Hà tức Trần Duy Tùng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo 3 cổ đông của Bình Hà lợi dụng sự tin tưởng của BIDV để chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho BIDV.
Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà đã tử vong vào tháng 7/2019 tại trại tạm giam nên CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra với ông. Bị can Trần Duy Tùng cũng đã bỏ trốn và hiện bị truy nã quốc tế.
Hủy thỏa thuận giữa các bên
Do tòa án và viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, CQĐT đã làm rõ, do Trung Dũng là khách hàng có nợ xấu nên BIDV đã bán khoản nợ của doanh nghiệp này cho VAMC với giá trị hơn 779 tỷ đồng; thanh toán bằng trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Sau đó, VAMC ủy quyền cho BIDV thu hồi, đòi nợ; quản lý nợ xấu và giám sát bảo đảm có liên quan; xử lý tài sản đảm bảo…
Giai đoạn 2017 – 2018, BIDV đã mua lại khoản nợ nói trên từ VAMC do số tiền thu hồi nợ và dự phòng rủi do đã trích cho trái phiếu của VAMC lớn hơn mệnh giá trái phiếu.
Trước khi mua lại nợ, BIDV đại diện VAMC đã kiện Trung Dũng ra TAND quận Hoàn Kiếm để yêu cầu trả toàn bộ số nợ gồm hơn 999 tỷ đồng tiền gốc và lãi. Tháng 12/2017, BIDV đã thỏa thuận được với Trung Dũng về việc doanh nghiệp này cam kết trả cả gốc và lãi là hơn 1.089 tỷ đồng. TAND quận Hoàn Kiếm đã công nhận thỏa thuận này giữa các bên.
Cũng trong tháng 12/2017, BIDV chi nhánh Hà Thành đại diện cho BIDV tiếp tục kiện Trung Dũng tại tòa án Hoàn Kiếm nhằm yêu cầu doanh nghiệp này phải trả khoản nợ khác. Sau khi tòa án thụ lý, các bên lại thỏa thuận thành công với nhau, Trung Dũng cam kết trả 429 tỷ đồng và hơn 372 nghìn USD. TAND quận Hoàn Kiếm cũng ra quyết định công nhận thỏa thuận này, có hiệu lực ngay khi ban hành.
Ngày 18/8/2020, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị, yêu cầu Hội đồng thẩm phán hủy các quyết định của TAND quận Hoàn Kiếm công nhận thỏa thuận giữa BDIV và Trung Dũng. TAND Cấp cao tại Hà Nội sau đó xử Giám đốc thẩm, đồng ý kháng nghị từ viện kiểm sát.
Từ những diễn biến trên, CQĐT quyết định giữ nguyên quan điểm và tiếp tục đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 12 bị can trong vụ.
Lời khai về sức ép từ ông Trần Bắc Hà và kết cục cay đắng
Ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) đã dùng vị trí, quan hệ của mình, gây sức ép để thực hiện những mục tiêu cá nhân.
Theo kết luận điều tra, ông Trần Lục Lang (SN 1967, cựu Phó TGĐ BIDV phụ trách quản lý rủi ro, cựu thành viên Phân ban Rủi ro tín dụng, đầu tư) và 3 bị can khác đã đồng phạm với ông Trần Bắc Hà.
Ông Lang đã vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng trong việc thẩm định, đề xuất, phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân cho công ty Bình Hà (công ty "sân sau" của ông Trần Bắc Hà), gây thiệt hại cho BIDV hơn 683 tỷ đồng.
Theo lời khai của ông Lang, trên cơ sở báo cáo thẩm định rủi ro của Ban quản lý rủi ro (BQLRR), ông Lang thấy công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò giống - bò thịt do công ty này làm chủ đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhưng tổ thẩm định chung và BQLRR vẫn thẩm định và đề xuất cho vay với các điều kiện tín dụng ưu đãi hơn so với chính sách của BIDV.
Ban đầu, ông Lang có phê duyệt 4 ý, nhưng ông chỉ nhớ 2 nội dung phê duyệt. Thứ nhất là yêu cầu bổ sung thêm vốn tự có và tài sản bảo đảm của chủ đầu tư hoặc bên thứ 3 phải đảm bảo tối thiểu 30%.
Thứ 2, yêu cầu 3 cổ đông của công ty Bình Hà chứng minh năng lực tài chính đủ điều kiện đáp ứng điều kiện của BIDV, để đảm bảo việc thực hiện dự án có hiệu quả.
Nhưng sau đó ông Lê Hải Nam, giám đốc BQLRR báo cáo lại ông Trần Bắc Hà. Sau khi nghe ông Nam báo cáo, ông Hà gọi ông Lang lên phòng làm việc mắng: "Mày phê duyệt thế này thì làm sao cho vay được. Việc đó không phải việc của mày, mà thuộc thẩm quyền của HĐQT. Nhiệm vụ của mày là duyệt như Tổ thẩm định đề xuất".
Tiếp đó, ông Nam nhờ ông Lang ký lại báo cáo thẩm định rủi ro, bỏ các điều kiện như ông Lang đã phê ở trên.
Do đó, tại báo cáo thẩm định rủi ro mà CQĐT đang có chỉ có chữ ký trình HĐQT của ông Lang trên báo cáo, để BQLRR trình HĐQT quyết định theo thẩm quyền về chính sách cấp tín dụng và tài sản bảo đảm.
Theo lời khai của ông Lang, lúc đầu ông chỉ biết công ty Bình Hà là sản phẩm của liên doanh giữa công ty CP Tập đoàn An Phú và công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức.
Mãi đến giữa năm 2018, khi gặp ông Đức, ông Lang mới biết, công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh do công ty này làm chủ đầu tư là của ông Trần Bắc Hà.
Và ông Hà sử dụng công ty "sân sau" là công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng, con ông Hà làm Chủ tịch HĐQT) để xin cấp phép đầu tư và thành lập công ty Bình Hà nhằm thực hiện dự án.
Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ tham gia ban đầu, sau đó ông Hà đẩy Tập đoàn HAGL ra khỏi công ty Bình Hà để toàn quyền quản lý và điều hành.
T.Nhung
Ông Trần Bắc Hà bị phong tỏa khối tài sản hơn 300 tỷ tại Lào Điều tra vụ BIDV thất thoát hơn 1.500 tỷ, cơ quan chức năng kê biên, phong tỏa khối tài sản lớn trong nước và tài sản trị giá trên 300 tỷ tại Lào của ông Trần Bắc Hà. Trong vụ BIDV thất thoát hơn 1.500 tỷ đồng, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định đình chỉ điều tra đối với...