Giữ nghiêm quy chế và tạo thuận lợi cho thí sinh
Hôm qua (25-6), cùng với thí sinh trên cả nước, hơn 74.000 thí sinh tại 125 điểm thi của Hà Nội đã hoàn thành hai môn thi đầu tiên của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 là ngữ văn và toán.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp ở các khâu, trong đó nhấn mạnh yêu cầu toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên làm thi phải nâng cao trách nhiệm, tuân thủ nghiêm túc quy chế, nhằm tạo công bằng và thuận lợi cho thí sinh.
Các thí sinh làm bài thi môn ngữ văn tại hội đồng thi Trường THPT Trần Phú. Ảnh: Viết Thành
Quy trình chặt chẽ, thí sinh thuận lợi
Rút kinh nghiệm từ sai phạm ở một số địa phương trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chu đáo với yêu cầu mọi thành viên tham gia kỳ thi phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, tuyệt đối không để bất kỳ một sơ hở nào trong quy trình tổ chức thi.
Sau khi kiểm tra công tác tổ chức thi tại điểm thi Trường THPT Sơn Tây và Trường Hữu Nghị 80 (thị xã Sơn Tây) trong ngày thi đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định: Về cơ bản, tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức một kỳ thi an toàn, thực chất đã được các địa phương quán triệt nghiêm túc, trong đó có Hà Nội. Các điểm thi đã cố gắng phát huy trách nhiệm với tinh thần: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Các thành viên tại điểm thi đều hiểu rõ nhiệm vụ và tuân thủ quy trình tổ chức thi chặt chẽ; công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc, nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh.
Sự phối hợp nghiêm túc, chặt chẽ trong quy trình tổ chức kỳ thi tại Hà Nội còn thể hiện ở sự chuẩn bị chu đáo của các lực lượng chức năng trong việc hỗ trợ thí sinh. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Trên địa bàn huyện có 5 điểm thi, với hơn 3.100 thí sinh. Do địa bàn rộng, khoảng cách di chuyển của thí sinh đến các điểm thi khá xa, huyện đã bố trí nơi lưu trú cho thí sinh ở gần điểm thi.
Ông Lê Mạnh Hảo, phụ huynh thí sinh dự thi tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Vì không thuộc đường ở khu vực này nên bố con tôi đã đi lạc sang một điểm thi khác. Nhờ có lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ, dẫn đường đến điểm thi nên hai bố con không bị muộn giờ thi”. Theo ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, ngoài các lực lượng chức năng, tại mỗi điểm thi còn có hơn 40 tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ cho thí sinh trong suốt quá trình dự thi.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh thông tin, ngay từ ngày làm thủ tục dự thi, 100% các điểm thi trên địa bàn đều có lực lượng tình nguyện tham gia hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh. Tổng số thanh niên tình nguyện được huy động là hơn 12.000 người. Ngoài việc hỗ trợ phân luồng giao thông, hướng dẫn, cung cấp thông tin, các tình nguyện viên còn hỗ trợ miễn phí về nước uống, bánh, mũ, tổ chức đưa – đón thí sinh, trông xe cho thí sinh và người nhà thí sinh…
Tăng cường bảo vệ đề thi
Rút kinh nghiệm từ việc để lọt đề thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019, ngay trong quá trình chuẩn bị, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã quan tâm đến các điều kiện bảo đảm an toàn tại nơi bảo quản đề thi, trong đó có việc lắp camera tại 100% các điểm thi, bố trí lực lượng an ninh trực 24h/ngày, tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Ngoài hơn 200 thanh tra cắm chốt tại 100% các điểm thi, Hà Nội còn thành lập 15 nhóm giám sát, mỗi nhóm phụ trách từ 8 đến 9 điểm thi.
Trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức thi tại một số điểm thi trong ngày 25-6, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội đã nhắc nhở lãnh đạo các điểm thi tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy chế, tổ chức kỳ thi theo quy trình chặt chẽ để hạn chế tối đa sai sót. Đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các điểm thi chủ động kiểm soát tốt diễn biến của kỳ thi và tăng cường giải pháp quản lý đề thi, bài thi.
Sau sự việc 1 thí sinh và 2 cán bộ coi thi bị đình chỉ do để lọt đề thi tại tỉnh Phú Thọ trong ngày thi đầu tiên, yêu cầu tuân thủ quy chế thi và tăng cường bảo vệ đề thi được Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt mạnh mẽ tới 125 điểm thi. Ông Nguyễn Hồng Quang, Trưởng điểm thi Trường Trung học cơ sở An Khánh, huyện Hoài Đức cho biết: Kết thúc hai môn thi, điểm thi đã yêu cầu hơn 60 cán bộ coi thi tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về quy chế để cùng góp sức điều hành kỳ thi nghiêm túc. Ngoài việc giám sát chặt chẽ thí sinh, điểm thi cũng nhắc nhở thí sinh về nội quy với yêu cầu tuyệt đối không mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi.
Theo phản ánh từ các thí sinh, đề thi hai môn được đánh giá khá dễ thở, các câu hỏi không khó hiểu, cũng không đánh đố, thậm chí dễ hơn năm trước ở môn toán. Với môn ngữ văn, theo cô giáo Nguyễn Thị Băng Tú, Trường THPT Kim Liên, đề thi ra theo cấu trúc và mang tính mở, đúng như định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Yêu cầu viết đoạn văn về sức mạnh, ý chí con người khá thú vị, bởi không chỉ đáp ứng yêu cầu kiểm tra kiến thức, kỹ năng, mà còn mang tính giáo dục.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 18h30, tỷ lệ thí sinh dự thi môn ngữ văn đạt 99,60%, môn toán đạt 99,53%. Cả nước có 34 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó 30 thí sinh bị đình chỉ, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 1 thí sinh bị khiển trách, 2 cán bộ coi thi bị đình chỉ nhiệm vụ. Trong khi đó, tại họp báo tổng kết tình hình ngày thi đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh chiều qua (25-6), ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố cho biết, năm nay thành phố có 111 điểm thi với hơn 71.000 thí sinh đăng ký dự thi. Đối với môn thi ngữ văn, thành phố có 69.006 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ thí sinh dự thi là 99,44%. Đối với môn thi toán có 70.179 thí sinh tham dự trên tổng số 70.722 thí sinh đăng ký, tỷ lệ thí sinh dự thi là 99,23%. Tổng kết sau ngày thi đầu tiên, toàn thành phố không có trường hợp nào thí sinh đi muộn hoặc vi phạm quy chế.
Hôm nay (26-6), thí sinh bước vào ngày thi thứ hai của kỳ thi với bài thi khoa học tự nhiên (sáng) và ngoại ngữ (chiều).
Ngày 25-6, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Cầu Giấy và quận Đống Đa tiến hành kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm tại một số địa điểm ăn uống phục vụ kỳ thi. Qua kiểm tra cửa hàng ăn uống Gà 36 (phường Láng Hạ) gần điểm thi của Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), chủ cửa hàng đã xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, xét nghiệm nhanh một số mẫu bát, đũa, giấm, tương ớt… đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, khi kiểm tra chuỗi cửa hàng bún bò Huế gần khu vực điểm thi của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), đoàn kiểm tra đã phát hiện điều kiện vệ sinh khu bếp chế biến của cơ sở 1 chưa đạt yêu cầu, thức ăn sống – chín còn để lẫn lộn, chủ cơ sở chưa xuất trình được một số giấy tờ và hóa đơn nhập khẩu nguyên liệu thịt, rau, củ, quả.
Thu Trang
Theo hanoimoi
Nấu cơm trưa phục vụ miễn phí thí sinh nghèo
Đây là bếp cơm trưa miễn phí phục vụ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn và ở xa đi thi THPT Quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT Cẩm Bình (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo Thanh niên
Sinh viên tình nguyện tỉ mỉ ngồi vẽ sticker "tiếp lửa" cho thí sinh thi THPT quốc gia Chỉ với các nguyên liệu là giấy A4, bìa và màu nước cùng với sự tỉ mỉ và khéo kéo, các bạn sinh viên trong đội Tiếp sức mùa thi đã làm ra những tấm sticker với những hình ngỗ nghĩnh, đáng yêu "tiếp lửa" cho thí sinh thi THPT quốc gia. Theo Thanh niên