Giữ mức học phí thấp ở bậc đại học là một chủ trương sai lầm?
Cơ chế học phí của giáo dục đại học đang khiến trường đại học phải đối mặt với ba vấn đề lớn là thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ.
Trong cuộc Hội thảo Tài chính đại học Việt Nam mới đây của các chuyên gia nhóm đối thoại Giáo dục (VED) bao gồm nhiều chuyên gia giáo dục có tâm huyết trong và ngoài nước (trong đó có GS Ngô Bảo Châu) đã đưa ra nhận định giữ nguyên mức học phí đại học như hiện nay là một cách tiếp cận sai lầm. Cụ thể, cơ chế học phí của giáo dục đại học đang khiến trường đại học phải đối mặt với ba vấn đề lớn là thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ. Cứ tưởng việc thu học phí thấp thì người nghèo có cơ hội tiếp cận giáo dục nhưng thực tế đang đi ngược lại, vì sao?
Nghịch lý học phí thấp, con nhà nghèo không thể theo học
Theo quan điểm của VED, mức đầu tư của Nhà nước cho các trường công còn rất thấp. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2010 cho thấy mức đầu tư cho bậc học đại học của Việt Nam chiếm 14% đầu tư của ngân sách Nhà nước cho giáo dục. So với GDP thì tỷ lệ đầu tư công cho bậc học này chỉ 0,9%. Chủ trương của chúng ta hiện nay là giữ học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận giáo dục ở bậc học này.
Video đang HOT
Giáo dục Đại học vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Các chuyên gia của VED cho rằng, cách tiếp cận như hiện nay là sai lầm và có thể dẫn đến bất bình đẳng. Lý do được đưa ra, do học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo được theo học, đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách Nhà nước. Do thiếu nguồn học bổng cho sinh viên nghèo nên thực tế chỉ sinh viên từ gia đình khá giả trở lên mới đi học đại học được và chi phí đào tạo các sinh viên này lại lấy từ tiền ngân sách. “Các giải pháp về chương trình học bổng và quỹ tín dụng cho sinh viên nghèo như hiện nay không giải quyết được vấn đề. Thực tế, nguồn học bổng quá thấp, không đủ trang trải chi phí, trong khi quỹ tín dụng lại quá hạn hẹp, khó tiếp cận” – một chuyên gia nhận định.
Đề xuất của VED là cần ưu tiên ba lĩnh vực: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, giao tự chủ tài chính cho các trường đại học và thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường. Ưu tiên đầu tư về nghiên cứu khoa học. Chấm dứt bao cấp đại học. Tại buổi hội thảo, GS Lâm Quang Thiệp đưa ra ý kiến, nên chấm dứt tình trạng bao cấp giáo dục đại học, điều này cần cho các trường đại học và đồng thời cần thiết cho bản thân người học. “Nếu ép học phí thấp xuống, chi phí đào tạo không đảm bảo, Nhà nước buộc phải lấy các khoản phí khác bù vào. Các khoản này cũng đều là sự đóng góp của dân. Các trường đại học phải được tự chủ, họ cần tính toán đảm bảo một mức học phí vừa đủ để đảm bảo điều kiện đào tạo và chi trả lương cho giáo viên. Còn việc giải quyết bài toán cho sinh viên nghèo? Cùng với chủ trương học phí cao, cần thiết phải có mức hỗ trợ cao bằng các quỹ tín dụng cho sinh viên” – GS Lâm Quang Thiệp nhận định.
Trong khi các chuyên gia của VED có những đề nghị hết sức cấp tiến thì các chuyên gia và một số ĐBQH lại có những ý kiến chưa thực sự thống nhất. Trao đổi với PV báo bên hành lang Quốc hội, ĐB Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến: “Hiện nay Nhà nước vẫn có một cái “trần” học phí cho các trường đại học. Đây là một chủ trương ưu việt của xã hội ta để hướng đến việc con em người nghèo cũng có cơ hội đến trường. Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước”. Nhiều ĐBQH cũng có chung quan điểm, những sinh viên nghèo, học giỏi, cần tăng mức học bổng, làm sao để các em đủ sức đóng học phí ở mức cao, theo quy định chung. Như vậy, chúng ta mới giữ được chất xám, tài năng của đất nước. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, hiện nay xu hướng đào tạo đại học trên thế giới có sự khác biệt mà chúng ta nên học hỏi để nâng cao chất lượng đào tạo. Xu hướng quốc tế về kinh phí giáo dục đại học, Nhà nước gần như thả nổi. Nhà nước chỉ cấp ngân sách cho các trường đại học đẳng cấp cao mà họ giao cho những nhiệm vụ mũi nhọn, quan trọng. Còn các trường bình thường, Nhà nước không cấp ngân sách hoặc chỉ cấp dưới dạng dự án. Không còn chuyện Nhà nước cho không các trường tiền như nước ta. Bên cạnh đó, xu hướng càng ngày càng nâng cao học phí. Các trường đại học giàu nhất, học phí cao nhất chính là các trường có đội ngũ giáo sư giảng viên giỏi nhất. Ví dụ như Havard, Stanford chẳng hạn. Điều này chúng ta cũng nên nghiên cứu để áp dụng.
Học phí thấp, không thể kiểm soát chất lượng đào tạo
Đóng góp ý kiến để giúp sinh viên nghèo có điều kiện theo học, ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch có ý kiến, tiến tới Nhà nước có thể bỏ trần học phí và tiến hành cho sinh viên vay tiền ăn học như đất nước Singapore đang thực hiện. Họ cho vay theo hướng không tính lãi và khi nào ra trường sẽ trả lại. Nếu sau 3 năm sinh viên đó ra trường mà không trả được nợ thì sẽ miễn toàn bộ số tiền. Theo quan điểm của họ, ngành mà sinh viên này được đào tạo không thể giúp anh ta trả được số tiền nợ kia. Và khi sinh viên không trả được nợ, trường đó bị “mang tiếng” đầu ra thấp và ít người theo học. Chính vì vậy, các trường ngoài nhiệm vụ đào tạo tốt còn phải chủ động tạo liên kết với doanh nghiệp để kiếm việc làm tốt cho sinh viên của họ, chứ không phải như Việt Nam, cứ đào tạo hàng loạt rồi để sinh viên tự bơi trong vấn đề việc làm.
ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch, đoàn TP. Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ quan điểm với PV báo, PGS. TS Bùi Đăng Hiếu, Giám đốc trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo trường đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Không nên duy trì mức học phí thấp như hiện nay. Vì duy trì học phí thấp thì tình trạng đào tạo chất lượng không cao. Học phí thấp, để tăng thu buộc các trường chạy theo số lượng, tuyển sinh ồ ạt. Các lớp số sinh viên bị nhồi nhét một cách đông đúc. Do đó chất lượng đầu ra có vấn đề vì quá đông không kiểm soát được. Học phí thấp là xảy ra hệ lụy như vậy. Quan điểm của tôi không phải là thu học phí cao mà ở mức vừa đủ để duy trì chất lượng đào tạo.
Còn về vấn đề bao cấp trong giáo dục thì vẫn giữ nguyên do Nhà nước bao cấp. Nhưng bao cấp có chọn lọc, theo từng chương trình. Chương trình nào cần thiết cho đất nước nhưng không “hot”, tức là ít thu hút được nguồn lực từ xã hội thì Nhà nước phải chú trọng đầu tư vào. Còn việc sinh viên nghèo muốn theo học thì Nhà nước phải “bật đèn xanh” cho ngân hàng để sinh viên vay tiền theo học. Sinh viên nghèo được vay tiền đi học, ra trường phải trả nợ nên buộc họ phải cố gắng trong học tập. Các quốc gia tiến bộ trên thế giới vẫn giải quyết bằng cách đó”.
Học bổng không đủ học phí là phi lý
Theo GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục, học phí phải để cho trường đủ chi phí, có cơ sở vật chất đầy đủ và quan trọng là đủ lương cho giáo viên. Còn với sinh viên, không có nước nào mà học bổng không đủ tiền để chi trả học phí như ở nước ta. Theo nguoiduatin