Giữ môn Lịch sử như thế nào?
Ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”.
Nhưng các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia sử học chưa hết băn khoăn, về việc sẽ tiếp tục giữ môn học lịch sử thế nào và cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc học sinh quay lưng với môn Lịch sử?
Lịch sử nên là môn học bắt buộc
Vấn đề tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác đã làm “ nóng” Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội. Rất nhiều đại biểu thể hiện sự bức xúc và phản đối việc tích hợp môn Lịch sử vào bộ môn “Khoa học xã hội” ở THCS và “Công dân với Tổ quốc” ở bậc THPT.
“Môn Lịch sử, nhất là Quốc sử phải cùng vị thế với môn Quốc ngữ – Quốc văn và môn Toán học, phải là những môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc trong các trường trung học cơ sở và phổ thông. Giới sử học chúng tôi coi việc giữ được môn Lịch sử là thắng lợi bước đầu trong cuộc đấu tranh nhằm khẳng định tầm quan trọng, vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục, đời sống xã hội.
Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ phản ứng tiếp theo của Bộ GD&ĐT sau quyết định của Quốc hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục “chiến đấu” đến cùng, để môn Lịch sử không chỉ có mặt trong chương trình giáo dục, mà phải là môn cơ bản, bắt buộc” – GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
GS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
GS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – cũng đồng tình với ý kiến này. Ông nhấn mạnh việc “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới” là chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Quốc hội”.
Dù vậy, ông cũng bày tỏ nỗi băn khoăn về quyết định giữ môn lịch sử đến đâu, có là môn học bắt buộc hay chỉ dừng ở việc không cho phép xóa bỏ môn học này.
“Việc giữ lại môn Lịch sử được đưa vào nghị quyết của Quốc hội, thì mặc nhiên Chính phủ và Bộ GD&ĐT phải thực hiện, nhưng cần làm rõ giữ môn lịch sử thế nào? Việc có bắt buộc học bộ môn này hay không vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng” – GS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.
Video đang HOT
Cần thay đổi cách dạy và học lịch sử
Bên lề đại hội, khi phóng viên đề cập đến trách nhiệm của việc học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử thuộc về cơ quan nào? -đều nhận được câu trả lời trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT của các đại biểu tham dự Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lần thứ VII.
Các chuyên gia sử học cho rằng, nhiều học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử là lỗi của Bộ GD&ĐT, cũng như hội không “đá bóng trách nhiệm”, mà trước đó đã rất muốn tham gia, góp ý về cách dạy, học môn sử hiện nay nhưng Bộ chưa thiết tha muốn nghe.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ quan điểm về việc tiếp tục giữ môn Lịch sử.
“Tôi rất buồn vì một số lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, tình trạng học sinh xa dần môn học này là do Lịch sử đứng độc lập như các môn khác, rồi từ đó đưa ra phương án tích hợp để chấm dứt tình trạng này. Đây chỉ là sự ngụy biện, sai lầm và lẩn tránh trách nhiệm của đơn vị chủ quản.
Trong khi đó, chúng tôi từng cảnh báo về cách giảng dạy, cách học môn lịch sử cách đây 20 năm trước. Trong hội thảo nào cũng nêu ra vấn đề này và đề nghị Bộ GD&ĐT đổi mới phương pháp dạy, học môn lịch sử, nhưng Bộ đều “đóng cửa”. Đến nay, Bộ vẫn chưa có động thái để thay đổi, nên môn sử sa sút như hiện nay” – GS Phan Huy Lê nhận định.
Còn theo GS Nguyễn Quang Ngọc, sự yếu kém của sách giáo khoa Lịch sử phổ thông đang lưu hành góp phần không nhỏ làm cho môn lịch sử không hấp dẫn như những môn học khác. Sách giáo khoa Lịch sử hiện nay quá coi trọng kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử phục vụ tuyên truyền chính trị mà ít quan tâm tới yếu tố khoa học trong tính tổng thể và toàn diện.
Việc viết SGK là vô cùng quan trọng. Thầy cô có muốn dạy cái mới cũng không được vì nhiều nơi SGK được coi như là pháp lệnh, thầy cô nói cái bên ngoài có thể bị kỷ luật.
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử cho rằng, khi Quốc hội quyết định giữ môn Lịch sử, các nhà giáo dục cần nghĩ ngay đến việc đổi mới chương trình, cách dạy và cách học.
“Rất cần đổi mới chương trình, SGK, phương pháp dạy môn Lịch sử. Hội luôn đứng sau ủng hộ, sẵn sàng hợp tác với Bộ GD&ĐT. Nhưng các vị phải “mở cửa” và đón nhận những ý kiến của giới chuyên môn” – ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Ngày 30/11 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đến dự Đại hội có đồng chí Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Giáo sư – tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo ban ngành và gần 400 hội viên thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Đại hội Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lần thứ VII đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 67 đại biểu. GS Phan Huy Lê được tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo Zing
Cô trò hoang mang vì bài đọc ở sách giáo khoa lẫn lộn "trái", "phải"
Cùng là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 2, cùng miêu tả phong cảnh xung quanh đền Hùng, tuy nhiên điều lạ đang khiến nhiều giáo viên băn khoăn là ở mỗi quyển sách lại có cách miêu tả khác nhau.
Điều này cũng được chị Hồng Điệp, một giáo viên Tiểu học tỉnh Hòa Bình phát hiện ra qua một tiết dự giờ mới đây.
"Mình phát hiện ra điều này khi đi dự giờ, lúc giáo viên gọi học trò đọc bài, ban đầu mình tưởng các con đọc sai bởi mình theo dõi một quyển sách của một em khác ngồi cạnh mình thì ngược lại. Sau đó mình kiểm tra thì thấy khá nhiều cuốn có sự khác nhau này. Quả thật rất băn khoăn khi không biết nên dạy như thế nào khi đây cùng là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5".
Cụ thể, ở bài Tập đọc Phong cảnh đền Hùng ở tuần thứ 25, có đoạn:
"...Lăng của các vua Hùng kề bên đền Thượng, ẩn trong rừng cây xanh xanh. Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương - con gái vua Hùng Vương thứ 18 - theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao. Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên trái đỡ lấy mây trôi cuồn cuộn..."
Đây là nội dung bài tập đọc này trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 2 tái bản năm 2007 và năm 2014. Còn cũng sách giáo khoa này đan xen ở các năm 2006, 2013 thì những từ in đậm "bên phải" và "bên trái" trên lại được đảo chỗ cho nhau để miêu tả phong cảnh nơi đây.
Qua tìm hiểu của PV Infonet, khá nhiều thầy cô cho biết cũng đã phát hiện được điều kỳ lạ này trong quá trình giảng dạy, và việc miêu tả khác nhau ở từng năm xuất bản.
Vừa hoàn thành bài học tuần thứ 25 theo chương trình, cô giáo Hồ Thị Hà (giáo viên khối lớp 5 trường Tiểu học Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng cho biết: "Như lớp mình dạy cũng khoảng nửa lớp sách in bên phải, nửa còn lại sách lại in là bên trái. Có đoạn các em thắc mắc: "Cô ơi! Bạn ấy đọc sai!" hay "Sao sách con là "bên phải" mà bạn ấy lại đọc là "bên trái"? khiến mình cũng không biết trả lời thế nào cho thỏa đáng"
Theo cô Hà, như bản thân cô, do điều kiện địa lý xa, chưa có điều kiện được đến đền Hùng, thậm chí qua chia sẻ nhiều giáo viên đồng nghiệp dù có dịp đi rồi nhưng cũng không thể nhớ được, nên các cô giáo rất lưỡng lự trong việc chọn hướng dạy cuối cùng.
"Cuối cùng mình vẫn quyết định thống nhất chọn theo nội dung sách tái bản mới nhất năm 2014 để dạy cho các con ở bài học đó. Nhưng sau giờ học mình vẫn thấy rất phân vân với bài này sau khi liên tục nhận câu hỏi từ các con, ví dụ sách năm 2006 là bên trái, thì năm 2007 là bên phải, nhưng sách năm 2013 lại bên trái, rồi sách 2014 lại là bên phải"
Thậm chí, không ít thầy cô giáo lại cho rằng đây có thể là những lỗi sai chính tả hoặc do việc in ấn.
Để giải đáp thắc mắc của một số giáo viên tiểu học, PV Báo điện tử Infonet đã liên hệ với GS. Nguyễn Minh Thuyết, người là chủ biên của bộ SGK Tiếng Việt lớp 5.
Qua trao đổi, ông Thuyết cho biết: "Bài Phong cảnh đền Hùng trong SGK Tiếng Việt 5, tập 2 lấy lại văn bản trong SGK cải cách giáo dục năm 1984. Sau khi sách phát hành (năm 2006), chúng tôi nhận được góp ý của một giáo viên ở tỉnh Phú Thọ (nơi có Đền Hùng), là đứng từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn về xuôi thì Ba Vì ở bên phải, còn Tam Đảo ở bên trái mới đúng. Tiếp thu ý kiến này, chúng tôi đã báo cáo Nhà xuất bản Giáo dục, và ngay từ năm 2007, chi tiết này đã được sửa lại."
Ông Thuyết cũng cho hay: "Trong bản gốc của nhà văn Đoàn Minh Tuấn, nhà văn tả Ba Vì ở bên trái, còn Tam Đảo ở bên phải cũng đúng vì đó là nhìn theo hướng từ Hà Nội lên Phú Thọ. Tuy nhiên, có thể trong quá trình cắt bớt một số câu văn cho văn bản đỡ dài, câu mở đoạn lại là "Đứng ở đây [Đền Hùng], nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp". Nhìn theo hướng này, Ba Vì ở bên phải, Tam Đảo ở bên trái mới đúng.
Từ năm 2007 đến nay, không ai thắc mắc về chi tiết này nữa. Nhưng đến lần tái bản năm 2013, chi tiết "bên phải, bên trái" bỗng nhiên lại quay về giống như SGK năm 2006. Qua tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết lỗi là do các nhà in lấy nhầm phim cũ (phim in sách năm 2006, lẽ ra phải hủy). Ngay sau đó, Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hiện ra lỗi và từ lần tái bản năm 2014 đã sửa đúng."
Ngoài ra, theo lời khuyên của GS Thuyết, các thầy cô giáo nên dạy theo nội dung sách tái bản năm 2014, bởi ông theo ông, trừ trường hợp hãn hữu như bản in năm 2013, nhìn chung, sách mới bao giờ cũng là sách cập nhật thông tin nhất.
Theo infonet.vn
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đừng để người không dạy học "chạy" chức danh GS, PGS "GS, PGS là chức danh của nhà giáo ở các cơ sở đào tạo đại học. Vì thế, không nên để những quan chức cả đời không dạy học, không hề gắn bó với cơ sở giáo dục đại học nào "chạy" chức danh GS, PGS". GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Điều quan trọng không phải số lượng mà là chất lượng...