Giới trẻ Hàn ‘dao kéo’ và cách học sinh các nước bắt đầu đời sinh viên
Sau khi nhận thông báo trúng tuyển đại học, học sinh Hàn đi sửa mũi, giới trẻ Trung Quốc đua nhau đi du lịch xả stress, còn thanh niên Mỹ lên kế hoạch dọn ra khỏi nhà, sống tự lập.
Theo Vice, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc tăng mạnh từ kỳ nghỉ đông đến lễ tốt nghiệp trung học. Cắt mắt, độn cằm, nâng mũi, hạ gò má… trở thành những phần thưởng học sinh xứ sở kim chi mong chờ nhận được từ cha mẹ sau khi đỗ vào những trường đại học danh tiếng. Ảnh: AFP.
Ám ảnh “phải đẹp được bằng bạn bằng bè” khiến học sinh Hàn đổ xô đi “trùng tu nhan sắc” trước khi bước vào cánh cổng đại học. “Cha mẹ cho con mình phẫu thuật thẩm mỹ cũng giống như họ đầu tư tiền cho con học tập, nghiên cứu. Họ nhận ra vẻ đẹp rất quan trọng cho sự thành công”, Tiến sĩ Shim Hyung Bo, bác sĩ phẫu thuật ở Seoul, nói. Ảnh: New York Times.
Với tôn chỉ sống tự lập, đa số sinh viên Mỹ dọn ra ở riêng, không sống chung với cha mẹ ngay sau khi nhận giấy báo nhập học. Ở tuổi 18, thanh niên xứ cờ hoa luôn được kỳ vọng sẽ tự bươn chải trong cuộc sống, có thể kiếm tiền lo sinh hoạt và học phí. Ảnh: usfca.
Khác với giới trẻ các nước, nhiều người Mỹ không bắt đầu cuộc sống tân sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Một số bảo lưu kết quả để đi làm hoặc dành cả năm để tham gia những tổ chức phi lợi nhuận, đi du lịch… Hầu hết xem đây là quãng thời gian cân bằng, xác định lại bản thân trước khi bắt đầu chặng đường mới. Ảnh: affida.
Theo dữ liệu của Ctrip – dịch vụ du lịch Trung Quốc, sau kỳ thi đại học, còn được biết đến với tên gọi gaokao, nhu cầu đi du lịch tại đất nước tỷ dân đã tăng 500%. Dữ liệu cho thấy 35% khách chủ yếu là học sinh chi tiêu khoảng 246 USD cho mỗi chuyến đi. 24% bỏ ra từ 246-419 USD để du lịch. Ảnh: CNN.
Không giống với các thế hệ trước có xu hướng đi theo đoàn, những tân sinh viên Trung Quốc thích đi du lịch một mình. Đây vừa là cách họ ăn mừng, xả stress sau khi đỗ đại học, vừa để đánh dấu sự trưởng thành, độc lập của mình sau 12 năm chỉ biết ăn học. Ảnh: Simon Song.
Cùng với những bữa tiệc, quà tặng và du lịch ăn mừng việc trở thành tân sinh viên, giới trẻ Mỹ, Anh lo lắng với nguy cơ nợ nần chồng chất sau cánh cửa đại học. Theo CNBC, nợ học phí của sinh viên Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua và dự đoán đạt con số 2.000 tỉ USD vào năm 2022. Còn tại Anh, chỉ 1/10 sinh viên đủ khả năng để trả hết nợ học phí sau khi tốt nghiệp, theo Guardian. Ảnh: BBC.
Nếu không muốn ra trường và nợ “ngập đầu”, nhiều tân sinh viên phải nghĩ ngay đến các kế hoạch làm thêm, kiếm tiền trước khi bước vào năm học đầu tiên. Theo Guardian, trong khi những người thuộc gia đình khá giả có thể tập trung vào việc học, các sinh viên khác phải “còng lưng” kiếm tiền để trả tiền nhà, sinh hoạt phí, tiền học. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Theo Zing
16 kỹ năng sống giúp trẻ trở thành người có trách nhiệm
Cha mẹ cần dạy con nấu ăn, giặt đồ, giữ gìn sức khỏe thông qua tập luyện và ăn uống lành mạnh... ngay khi còn nhỏ.
Dạy con kỹ năng sống để trở thành người có trách nhiệm không thể làm trong vài ngày hay vài tuần, cha mẹ phải mất thời gian, nỗ lực và nhất quán dạy trẻ trong suốt quãng thời gian thơ ấu. Trang Lifehack chỉ ra 16 kỹ năng sống bạn nên giúp con học trước khi trở thành người lớn.
1. Nấu ăn
Mỗi đứa trẻ cần học nấu ăn trước khi trưởng thành và sống tự lập. Nếu không thể tự nấu ăn, con bạn sẽ lãng phí tiền để đi ăn hoặc ăn đồ ăn nhanh, thiếu lành mạnh. Hãy bắt đầu dạy trẻ ngay trong căn bếp nhà bạn, mỗi lần bạn nấu cơm nhưng phải đảm bảo sự an toàn.
Nếu trẻ còn nhỏ, bạn có thể để con trộn thức ăn, rửa rau củ. Dần dần, hãy hướng dẫn trẻ tự hoàn thiện các món ăn, có thể theo sách công thức hoặc theo cách làm của bạn.
Dạy nấu ăn nên là một phần trong hành trình trưởng thành của trẻ và nên thực hành hàng tuần. Mỗi lần trẻ nấu ăn với bạn, hãy dành thời gian để giải thích những gì bạn đang làm và tại sao, để chúng có thể học được điều gì đó mới mẻ trong nhà bếp.
Ảnh: eatright
2. Tự giặt đồ
Trước khi con bạn trưởng thành, hãy dạy chúng cách sử dụng máy giặt, máy sấy trong nhà và để chúng thực hành nhiều lần. Ngoài ra, bạn nên dạy cách tự giặt đồ bằng tay vì không phải lúc nào trẻ cũng có thể sử dụng máy giặt.
Không chỉ giặt đồ, hãy để trẻ gấp, phơi, phân biệt các loại quần áo... Biến những công việc này trở thành công việc hàng ngày, giúp trẻ xây dựng tính trách nhiệm và cùng cha mẹ gánh vác việc gia đình.
3. Quản lý tài chính
Trẻ em nên được học cách quản lý tiền từ nhỏ để có thể quản lý tài chính một cách thông minh khi trưởng thành. Từ việc cho phép trẻ sở hữu khoản tiền nhỏ, bạn có thể nhận thấy con mình tiết kiệm hay hào phóng trong chi tiêu. Và cách tốt nhất là giúp trẻ dung hòa hai tính cách này để hình thành thói quen chi tiêu hợp lý.
4. Giao tiếp
Giao tiếp là nền tảng của các kỹ năng xã hội. Trẻ cần giao tiếp với mọi người xung quanh để có thể xây dựng nhiều mối quan hệ, tự tin trình bày quan điểm và thu hút niềm tin của mọi người.
5. Đánh máy
Cho dù con bạn trở thành người lao động tay chân hay trí óc, kỹ năng đánh máy là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay. Hãy đảm bảo con bạn có thể gõ, sử dụng bàn phím hay soạn thảo văn bản nhuần nhuyễn như cách chúng sử dụng ngôn ngữ.
6. Đặt và đạt mục tiêu
Trẻ không cần thiết lập mục tiêu cuộc sống ở tuổi 12 nhưng hãy bắt đầu dạy trẻ đặt mục tiêu trong tương lai gần, phù hợp với độ tuổi. Bằng cách này, chúng sẽ được trau dồi và rèn luyện kỹ năng, cố gắng đạt những mục tiêu dài hạn khi trưởng thành.
7. Giữ gìn sức khỏe thông qua tập luyện và ăn uống lành mạnh
Trách nhiệm đối với cơ thể là điều cơ bản giúp con người tồn tại. Nếu có thể chăm sóc cơ thể trẻ mới có cuộc sống khỏe mạnh, tích luỹ nhiều thời gian cho cuộc sống.
Bạn có thể dạy trẻ sống có trách nhiệm với cơ thể bằng một vài phương pháp dưới đây:
- Ăn ít nhất một bữa một ngày cùng gia đình.
- Tham gia hoạt động ngoài trời như vui chơi, thể thao.
- Hạn chế sử dụng công nghệ khi ăn.
- Không sử dụng thức ăn làm phần thưởng.
8. Mặc quần áo đúng cách
Mặc quần áo đúng cách sẽ giúp con bạn xây dựng trách nhiệm đối với ngoại hình của mình. Đúng cách bao gồm mặc quần áo sạch sẽ, phù hợp với ngoại hình, tình huống...
Ảnh: fibre2fashion
9. Sử dụng dụng cụ và sửa chữa cơ bản
Bất kể con trai hay con gái, trước khi trưởng thành, chúng nên biết cách sử dụng búa, đinh, thay bóng đèn, may vá cơ bản. Bạn có thể dạy trẻ ngay từ khi còn nhỏ bằng việc tháo các món đồ chơi đơn giản và cùng lắp ráp lại. Dạy trẻ cách sửa chữa vật dụng là cách dạy chúng có trách nhiệm với đồ đạc của mình.
10. Quản lý thời gian
Từ khi còn nhỏ, bạn hãy dạy con cách quản lý thời gian cá nhân từ việc nhỏ như đi ngủ sớm, dậy sớm đến việc lớn như tiết kiệm, sử dụng thời gian hợp lý. Ngoài ra, hãy luôn nhắc nhở và hình thành cho trẻ thói quen đến sớm.
11. Ứng phó trong trường hợp khẩn cấp
Điều đầu tiên, bạn hãy yêu cầu trẻ ghi nhớ số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại người thân. Sau đó, đăng ký cho trẻ tham gia những khóa học sơ cứu và kỹ năng hồi sức cấp cứu. Nếu không có điều kiện cho trẻ tham gia, hãy cho trẻ xem video hướng dẫn và thử luyện tập với đồ chơi.
12. Dọn dẹp nhà cửa
Nếu có thói quen dọn dẹp nhà cửa từ nhỏ, trẻ sẽ không để nhà bị bẩn nếu ra ở riêng và biết cách sống có trách nhiệm với gia đình riêng của mình. Bạn hãy dạy con cách giữ nhà cửa sạch sẽ, phân biệt và cách dùng các loại chất tẩy rửa, để chúng thực hành thường xuyên.
Ảnh: montessoriacademy
13. Sử dụng phương tiện công cộng
Giao thông công cộng đang trở thành xu hướng hiện đại và việc biết cách sử dụng chúng là cần thiết. Nếu bạn cùng con di chuyển bằng phương tiện công cộng, hãy nhớ hướng dẫn chúng cách sử dụng.
14. Bảo vệ bản thân
Bạn không thể ở bên cạnh con cả đời và bảo vệ chúng. Vì vậy, ngay từ khi con con nhỏ, hãy hướng dẫn và hạn chế giúp đỡ để chúng có thể tự bảo vệ mình. Bảo vệ bản thân cũng là dạy con có trách nhiệm với chính mình.
15. Kỹ năng làm việc nhóm
Bạn hãy để trẻ tham gia vào những công việc nhóm như học tập, vui chơi. Hãy bắt đầu từ nhóm thành viên trong nhà và những công việc nhà như tổng vệ sinh, nấu ăn, chơi trò chơi. Sau đó, hãy khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao đồng đội hoặc vui chơi cùng bạn bè trong khu phố. Kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp trẻ xây dựng trách nhiệm với các công việc cộng đồng, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
16. Cư xử có văn hóa
Cư xử văn hóa được thể hiện qua rất nhiều hành động, thể hiện trách nhiệm đối với mọi người xung quanh và xã hội. Bạn hãy bắt đầu dạy trẻ cư xử tốt với người thân, bạn bè bao gồm tôn trọng mọi người, hành động lịch sự, sử dụng ngôn ngữ phù hợp, biết cảm ơn và xin lỗi...
Tú Anh
Theo Lifehack/VNE
Bà cụ 82 tuổi "mừng rơi nước mắt" khi đỗ đại học: Nhà nghèo, lúc 10 tuổi bị bố bắt bỏ học đi chăn dê! Nhà nghèo và phải đi chăn dê kiếm sống sau khi tốt nghiệp trung học, bà cụ ở đảo Síp sau cùng đã thi đậu đại học sau 60 năm. Ở độ tuổi xế chiều, nhiều người thường hay nghĩ về tiền lương hưu thì bà cụ Despina Tsikkouri ở Cộng hòa Síp lại "vui như Tết" khi giấc mơ đậu đại học...