Giới hạn tuyển dụng là có lý do
Thực tế nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn từ chối sinh viên của nhiều trường hoặc hệ tại chức thông qua thông báo giới hạn đối tượng tuyển dụng.
Trong khi đó, nhiều nơi dù không thông báo công khai nhưng khi tiếp nhận hồ sơ sinh viên tốt nghiệp của những trường “có vấn đề”, họ cũng loại ngay.
Nhiều nơi công khai từ chối tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của cả những trường công lập lẫn ngoài công lập mà họ không tin tưởng. Trong ảnh: phỏng vấn tìm việc làm tại một hội chợ việc làm tại TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương VN (Vietcombank) thông báo tuyển nhân viên ở nhiều vị trí khác nhau cho các chi nhánh trên cả nước. Vietcombank chỉ định cụ thể ứng viên phải tốt nghiệp từ các trường ĐH Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Ngân hàng, Thương mại và các ĐH danh tiếng nước ngoài.
Riêng tại chi nhánh Đà Lạt, ngân hàng này chỉ tuyển ứng viên tốt nghiệp hệ chính quy từ các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Ngoại thương và Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM).
Sàng lọc từ đầu
Tương tự, khi tuyển dụng chuyên viên phân tích định lượng, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) yêu cầu cụ thể đối với ứng viên: “Tốt nghiệp ĐH một trong các trường danh tiếng VN (Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Kinh tế)”. Tương tự, hầu hết vị trí tuyển dụng của Viettel đều đưa ra các yêu cầu chung: tốt nghiệp ĐH chính quy các ngành đúng với nhu cầu tuyển dụng. Riêng vị trí kỹ sư thiết kế phần cứng, ngoài các điều kiện trên, Viettel kèm thêm nội dung: ưu tiên bằng loại khá, giỏi chuyên ngành điện tử viễn thông tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự. Ngân hàng ACB, Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) thông báo yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp ĐH chính quy từ các trường công lập.
Những giới hạn trong tuyển dụng ngay từ vòng nộp hồ sơ cũng được nhiều doanh nghiệp khác thực hiện. MobiFone (TP.HCM) khi tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin đã đưa ra yêu cầu ứng viên: tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông hoặc ĐH nước ngoài thuộc nhóm 500 trường ĐH chất lượng hàng đầu thế giới. Hay như VNPT Hà Nội khi tuyển dụng các vị trí đều giới hạn tuyển người tốt nghiệp ĐH ở một số trường ĐH nhất định.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, giám đốc nhân sự Sacombank, cho rằng việc tuyển chọn cán bộ nhân viên là quyền của tổ chức, doanh nghiệp. Riêng tại Sacombank, việc tuyển chọn theo một số tiêu chí riêng, ứng viên nào đáp ứng tốt những tiêu chí đó sẽ được tuyển dụng. Sinh viên tốt nghiệp trường nào đều có cơ hội như nhau. Hiện Sacombank nhận hồ sơ của ứng viên đến từ 93 trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có nhiều trường ngoài công lập. Nhưng số tuyển dụng được phần lớn từ các trường như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Ngân hàng…
Mấu chốt là chất lượng
Bà Nguyễn Vũ Vân Anh, chuyên viên tư vấn phát triển nguồn nhân lực Công ty tư vấn Deloitte, khẳng định thực tế một số đơn vị tuyển dụng vẫn thích và ưu tiên tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp từ một số trường ĐH công lập. Bà Vân Anh cho rằng việc các trường chỉ tập trung thu hút thật nhiều sinh viên nhưng đào tạo kém chất lượng, chắc chắn sản phẩm của các trường này sẽ bị cơ quan tuyển dụng từ chối.
Thẳng thắn hơn, ông Đỗ Phước Tống – chủ tịch HĐQT Công ty cơ khí Duy Khánh – cho biết với đặc thù là công ty chuyên về cơ khí, khi tuyển dụng công ty kiểm tra thực tế ứng viên và kết quả là người tốt nghiệp ở một số trường ngoài công lập khá kém. Ông nói thêm thực tế nhiều doanh nghiệp không thông báo thẳng là không nhận ứng viên tốt nghiệp ngoài công lập nhưng những hồ sơ đó sẽ bị loại.
Bà Tố Uyên khẳng định hiện nay các doanh nghiệp rất cần nhân sự có chất lượng. Vì vậy, việc cơ quan đơn vị từ chối tuyển dụng sinh viên một loại hình đào tạo hay của một trường cụ thể nào đó đều có lý do, trong đó tiêu chí về chất lượng luôn rất quan trọng. Như vậy, mấu chốt của vấn đề là chất lượng của ứng viên. Các trường ĐH cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, tự khắc doanh nghiệp sẽ chủ động tìm đến “săn” người…
Nhiều giám đốc nhân sự khẳng định việc họ giới hạn chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp một số trường không nhằm vào việc loại các sinh viên trường ngoài công lập mà còn có cả một số trường công lập. Theo các giám đốc nhân sự này, vấn đề không nằm ở chỗ tốt nghiệp trường công hay ngoài công lập mà là tốt nghiệp trường tốt hay trường không tốt.
MINH GIẢNG – TRẦN HUỲNH
Sở Nội vụ Nam Định báo cáo bộ về tuyển công chức
Ngày 21-10, trong chuyến công tác tại Hà Nội để bàn về vấn đề tiền lương, ông Trần Tất Tiệp – giám đốc Sở Nội vụ Nam Định – đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ xung quanh chủ trương chỉ tuyển người tốt nghiệp ĐH chính quy, công lập vào công chức cấp tỉnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Tất Tiệp cho biết trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ, ông đã cung cấp đủ các văn bản, nghị quyết, quyết định, thông báo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ Nam Định có liên quan đến chủ trương tuyển dụng công chức năm 2011. Đây là tài liệu phục vụ Ban cán sự Đảng của bộ họp, đánh giá chủ trương của tỉnh, tập hợp báo cáo bộ trưởng, làm cơ sở để Bộ Nội vụ trả lời nếu được chất vấn.
Ông Tiệp khẳng định quyết định của tỉnh không vi phạm Luật giáo dục cũng như Luật cán bộ công chức, “thậm chí Luật cán bộ công chức còn nhấn mạnh chú trọng tuyển dụng người tài”. Theo ông Tiệp, có ý kiến cho rằng Nam Định cứ thực hiện việc tuyển dụng mà không cần ra văn bản sẽ đỡ “gây chú ý”. Tuy nhiên, ông Tiệp khẳng định nếu không ra văn bản thì không thể triển khai cho cấp dưới thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy được. “Đây không phải là quyết định của Sở Nội vụ, mà văn bản của sở được đưa ra trên cơ sở thực hiện chủ trương của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh” – ông Tiệp nói.
NGỌC HÀ
Theo TT
"Chê" SV dân lập: Nam Định không thực hiện đúng Luật GD
Nam Định đã đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước Không thực hiện theo đúng tinh thần của Luật giáo dục Bộ Tư pháp cần nghiên cứu xem văn bản UBND tỉnh Nam Định ra đã đúng luật...
Đó là nhiều ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH ngoài công lập về sự kiện UBND tỉnh Nam Định vừa thông báo chủ trươngkhông tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức.
Không thực hiện Chủ trương của Đảng và Nhà nước!
Bức xúc trước quyết định của UBND tỉnh Nam Định, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Nhà giáo nhân dân, nguyên Ủy viên, Chánh văn phòng Hội đồng quốc gia về giáo dục, hiện là hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho rằng: "Nam Định làm như vậy không nên, đã đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước và làm việc phi lý. Cần xem xét lại trách nhiệm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp của các trường ĐH công lập, dân lập có giá trị như nhau, tại sao Nam Định làm vậy. Trường đại học nào chẳng có phần kém chất lượng. Trong lớp học có sinh viên giỏi, sinh viên yếu, tại sao lại quy đồng như nhau".
Đồng quan điểm, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, bức xúc: "Nam Định không thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục". Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông, kiến nghị: "Nam Định cần nghiên cứu lại quy định của mình. Bộ Tư pháp cần nghiên cứu lại xem văn bản đó có đúng Luật hay không?".
Ông Nguyễn Viết Hải, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Chu Văn An, cho rằng: "Nam Định ra quyết định không nhận sinh viên trường dân lập là không ổn lắm. Khi nhà nước đã công nhận các loại hình đào tạo thì cần phải đối xử công bằng. Hiện các trường ngoài công lập đang cố gắng nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra. Nếu Nam Định cần người giỏi thì nên tổ chức thi tuyển, ai mạnh thì người đó thắng. Cần có sự sòng phẳng trong thi tuyển".
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cũng không đồng tình với quan điểm của tỉnh Nam Định, ông cho hay: "Đảng và Nhà nước đang cố gắng thực hiện xã hội hóa giáo dục và kêu gọi các doanh nghiệp, tư nhân, tổ chức xã hội cùng giúp sức. Nam Định "nói không" với sinh viên dân lập và tại chức thì chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ không thực hiện được". Sức ép lại dồn vào các trường ĐH công lập".
Sinh viên Trường ĐH tư thục FPT trong lễ tốt nghiệp. Luật Giáo dục quy định bằng cấp của các trường ĐH công lập, dân lập có giá trị như nhau.
Cần có biện pháp xử lý!
Lãnh đạo của một trường đại học có ý kiến: "Nếu Nam Định "chê" sinh viên dân lập, tại chức, thử hỏi trong khối lãnh đạo tỉnh có ai không học tại chức?".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp Hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã dẫn giải: "Nghị quyết ĐH Đảng IX đã khẳng định việc xây dựng Xã hội học tập, theo đó phải khuyến khích mọi người dân phải học tập suốt đời. Giáo dục trong nhà trường có giới hạn do vậy Nhà nước khuyến khích mở các loại hình trường để mọi người dân được đi học. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục cũng đã quy định bằng cấp chính quy và không chính quy đều có giá trị như nhau. Như vậy, Nam Định nói không với sinh viên dân lập là sai, làm nhiều em sinh viên và phụ huynh có con đang học ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập chán nản. Điều đó đã là cản trở tới sự phát triển giáo dục của nước nhà và vi phạm Luật giáo dục".
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: "Nam Định đưa lý do chất lượng sinh viên các trường dân lập yếu là không phải. Trong hàng trăm sinh viên ngoài công lập cũng phải có em giỏi và sinh viên trường công lập có phải em nào cũng giỏi hết đâu. Nhiều lãnh đạo TƯ, địa phương cũng từ học tại chức, dân lập mà ra. Mục tiêu muốn có chất lượng, thì Nam Định nên đề ra tiêu chí lựa chọn, ai đạt được yêu cầu đó thì tuyển"
PGS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị: "Nhà nước cần xem xét và quy định cấm các địa phương từ chối không nhận sinh viên dân lập và tại chức vì đây là việc làm sai trái với pháp luật. Nếu địa phương nào tiếp tục làm như vậy cần có biện pháp xử lý".
Trả lời báo chí, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: "Quy định của UBND tỉnh Nam Định không đúng luật. Theo GS Đào Trọng Thi, đối với các loại văn bằng nằm trong hệ thống văn bằng của Nhà nước thì đây là quy định không thể chấp nhận được. Người đứng ra tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có thể tuyển dụng với những điều kiện riêng theo yêu cầu của mình. Nhưng cơ quan Nhà nước mà ra hướng dẫn như thế thì trái thẩm quyền, không đúng tinh thần trong công tác quản lý Nhà nước. "Như vậy, tỉnh đã tự tạo nên sự phân biệt đối xử với những đối tượng được thừa nhận là có sự công bằng như nhau".
Theo DT
Cần đối xử công bằng với người học "Cần đối xử công bằng với những người có bằng đại học theo đúng pháp chế của nhà nước ta. Bằng tốt nghiệp của công lập hay ngoài công lập đều do Nhà nước quyết định..." - GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết như vậy. Bằng đại học công lập và ngoài công lập đều có giá trị...