‘Giờ tôi đã biết cách dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số’
Ông Lò Văn Hòa, một trong những giáo viên nòng cốt của Trường Tiểu học Măng Bút 1, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã tự hào chia sẻ như vậy khi Dự án nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) kết thúc.
Mới đây, Tổ chức Plan International Việt Nam cùng các đối tác đã tổng kết dự án giáo dục do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ với tổng vốn đầu tư lên đến 1,7 tỉ USD.
Hình minh họa.
Huyện Sìn Hồ tại Lai Châu và huyện Kon Plông tại Kon Tum là nơi sinh sống của đa số đồng bào DTTS. Cuộc sống nơi đây còn rất nhiều thách thức. Một số điểm trường ở các bản làng xa xôi hẻo lánh không có hệ thống điện nước. Trẻ em gặp nhiều khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ khi đến lớp.
Các em phải học tất cả các môn bằng tiếng Việt trong khi tiếng dân tộc mới là ngôn ngữ các em thường dùng ở nhà. Phần lớn giáo viên cũng là người DTTS nên họ thường xuyên gặp phải vấn đề khi dạy học sinh mà không hiểu rõ phương pháp dạy và học lấy trẻ em làm trung tâm.
Video đang HOT
Trước những vấn đề này, Dự án được xây dựng nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, khuyến khích sự chuyển tiếp thuận lợi từ mầm non sang tiểu học, xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện với trẻ em.
Cụ thể, hơn 400 giáo viên mầm non và tiểu học được tham gia tập huấn và nâng cao năng lực; 5.500 học sinh mầm non và tiểu học có cơ hội tiếp cận tới nguồn sách, truyện của Dự án; 9 trường học đã được nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng lớp học với hệ thống vệ sinh nước sạch.
Là đại diện của một trong những cơ quan đối tác chính, ông Ngô Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Điều tôi ấn tượng nhất với Dự án là mô hình sinh hoạt chuyên môn. Đó là nơi giáo viên có cơ hội tham dự một tiết học mở (tiết học minh họa) và sau đó chia sẻ lại những vấn đề gặp phải cũng như giải pháp. Cùng với phương pháp dạy và học chủ động, đây sẽ là 2 mô hình chúng tôi cam kết nhân rộng tới các huyện khác trong tỉnh”.
Ông Lò Văn Hòa, một trong những giáo viên nòng cốt của Trường Tiểu học Măng Bút 1 tự hào chia sẻ: “Giờ tôi đã biết cách dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho trẻ em nơi đây. Những em ngày trước từng xao nhãng trong lớp giờ đã tập trung, hứng thú và cảm thấy tự tin hơn nhiều”.
Sau 3 năm, Dự án đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 6.000 học sinh, giáo viên, cán bộ và phụ huynh của 2 huyện Sìn Hồ và Kon Plông. Dự án cũng giúp giáo viên và cán bộ tham gia trong ngành giáo dục thấy được rằng trẻ em DTTS có thể học tốt hơn nếu người lớn xung quanh không từ bỏ niềm tin vào khả năng của các em, đồng thời xây dựng môi trường học tập chất lượng tập trung vào chính các em.
X.Hoa
Theo baophapluat
Nghĩa tình của người lính biên phòng cửa khẩu Lóng Sập
Lóng Sập là một xã nghèo của huyện Mộc Châu (Sơn La), đời sống nhân dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Quản lý địa bàn 3 xã biên giới có 7 dân tộc anh em sinh sống, những người lính Đồn BP cửa khẩu Lóng Sập (Bộ đội BP tỉnh Sơn La) đã có nhiều việc làm ý nghĩa để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nơi đây được ăn no, mặc ấm đến trường.
Mô hình Bữa sáng cho em đã giúp nhiều em nhỏ ở Lóng Sập no cái bụng để học cái chữ. Ảnh: XK
Ý tưởng giúp các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được no bụng khi đến trường của những người lính biên phòng Lóng Sập được hình thành từ 7 năm về trước.Thấy một số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số gia đình khó khăn, có thể bỏ học giữa chừng, những người lính đã tự nguyện nhường khẩu phần ăn một bữa trong hai ngày nghỉ cuối tuần để giúp các cháu.
Với sự thống nhất từ Đảng ủy, chỉ huy đồn tới các cán bộ, chiến sỹ, 100% cán bộ, chiến sỹ tự nguyện góp quỹ chung cho chương trình "Bữa sáng cho em". Mức đóng góp của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp là 100 nghìn đồng, chiến sỹ là 50 nghìn đồng mỗi tháng.
7 năm qua, đều đều mỗi buổi sáng, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập thay phiên nhau nấu cơm mang lên điểm trường Buốc Pát cho các cháu học sinh mầm non và tiểu học nơi đây. Bữa cơm sáng của các cháu được nấu theo khẩu phần, tiêu chuẩn của bộ đội.
Hình ảnh các chú bộ đội biên phòng tất tả từ sáng sớm tinh mơ đưa bữa ăn sáng tới điểm trường mầm non bản Puốc Pát cách đồn gần 10 km đường rừng và điểm trường tiểu học dân tộc bán trú Lóng Sập để các em học sinh kịp "no cái bụng" trước khi vào lớp đã trở nên quen thuộc và thân thương với người dân Lóng Sập.
Được biết, người đã tâm huyết và "khai sinh" ra chương trình "Bữa sáng cho em" là trung tá Đào Mạnh Tưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập. Anh luôn suy nghĩ và trăn trở làm sao để các cháu học sinh nghèo trên địa bàn có điều kiện học tập tốt, mai sau có được tương lai tươi sáng hơn. Trung tá Đào Mạnh Tưởng tâm sự: Qua những chuyến công tác, khi hỏi các thầy cô giáo, được biết các cháu do đói ăn, nhà nghèo, bố mẹ vướng vào ma túy nên không ai chăm sóc, phải tự vào rừng kiếm củ sắn, củ mài qua bữa. Những câu chuyện của các thầy, cô giáo cứ ám ảnh tôi nhiều đêm. Tôi đã bàn với Ban Chỉ huy cùng cán bộ, chiến sỹ tiết kiệm khẩu phần ăn của mình, nấu cơm sáng cho học sinh nghèo. Khi đưa ra đơn vị thảo luận, cán bộ, chiến sỹ đều đồng thuận cao.
Vào mỗi sáng, cơm cùng thức ăn đã được các "anh nuôi" cho vào những thùng giữ ấm, đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng cho 52 học sinh, trong đó có 14 học sinh mầm non, tiểu học ở điểm trường Buốc Pát. Sau khi ăn sáng xong, các anh khẩn trương mang cơm lên bản để các cháu ăn sáng, đủ năng lượng cho một ngày học tập. Cảm phục tấm lòng của người lính quân hàm xanh, các cô giáo ở đây đã tình nguyện nhiều hôm xuống đồn mang bữa sáng lên trường để các anh có thời gian tập trung cho nhiệm vụ tuần tra biên giới.
Theo trung tá Đào Mạnh Tưởng, năm học 2019-2020, dự kiến sẽ có 70 học sinh được chúng tôi lo cho bữa ăn sáng. Ngoài mô hình này, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập còn nhận đỡ đầu 2 học sinh ở xã biên giới và một cháu ở nước bạn Lào cho đến khi học xong lớp 12. Bắt đầu từ năm học 2019 - 2020 này, hai học sinh lớp 7 người dân tộc Mông có hoàn cảnh éo le nhưng rất ham học đã được Đồn Biên phòng Lóng Sập nhận làm con nuôi, nuôi dưỡng ngay tại đồn, hàng ngày được bộ đội biên phòng đưa đón tới trường.
Chia tay những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, chúng tôi nhận thấy niềm vui sướng thể hiện trong ánh mắt của từng cán bộ, chiến sỹ khi nhìn các con có những bộ quần áo sạch sẽ, lành lặn, có bữa cơm no bụng khi đến trường. Những việc làm tình nghĩa của người lính biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã tạo nên những tình cảm tốt đẹp của những người lính cụ Hồ trong lòng nhân dân đồng bào dân tộc./.
Đặng Xuân Khu
Theo cpv.org.vn
'Không phải cái gì người lớn cũng biết' Phát biểu tại hội thảo Kinh nghiệm triển khai mô hình Hội đồng trẻ em, đại diện tổ chức Plan International Việt Nam cho rằng, cần tạo cho trẻ em nói lên tiếng nói của mình vì không phải cái gì người lớn cũng biết. Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Ngọc Lương chủ trì hội thảo -...