“Giờ G” sắp đến, Kiến An chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đến đâu?
Ngành giáo dục và đào tạo quận Kiến An (Hải Phòng) đã chuẩn bị cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ để chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cấp tiểu học của quận Kiến An (Hải Phòng) có 12 trường, trong đó có 11 trường công lập và 1 trường thực hành thuộc Đại học Hải Phòng.
Toàn quận có 10.666 học sinh tương ứng 276 lớp, tăng 6 lớp (tăng 131 học sinh) so với năm học 2018-2019.
Tăng cường cơ sở vật chất
Bà Bùi Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An cho biết, đến thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo quận đã sẵn sàng các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục và đào tạo quận Kiến An đã tham mưu cho Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận xây dựng đề án phát triển giáo dục quận đến năm 2025, định hướng đến đến năm 2030.
Đề án này làm cơ sở để Quận ủy ban hành Nghị quyết số 04 ngày 29/5/2018 về phát triển giáo dục và đào tạo quận Kiến An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các nhà trường trên địa bàn quận Kiến An được tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học (Ảnh: Lã Tiến)
Hội đồng nhân dân quận ban hành Nghị quyết số 70 ngày 3/3/2018 thông qua đề án trên; Ủy ban nhân dân quận ban hành Kế hoạch số 79 ngày 22/3/2019 về việc thực hiện Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ quận về phát triển giáo dục và đào tạo quận đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Các nghị quyết, kế hoạch trên là hành lang pháp lý rất quan trọng để ngành giáo dục và đào tạo quận tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Đồng thời toàn hệ thống chính trị của quận Kiến An vào cuộc cùng với ngành giáo dục để chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục.
Theo bà Mai, vấn đề về cơ sở vật chất các nhà trường cũng được tăng cường để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có của trường mình, từ đó điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có.
Đồng thời xác định nhu cầu cần xây mới, sửa chữa, cải tạo phòng học (ưu tiên bảo đảm 1 lớp/ phòng học cho cấp tiểu học từ năm 2020 đến 2025); các phòng chức năng, bếp ăn cho học sinh bán trú, các công trình nhà vệ sinh.
Theo đó, toàn quận có 4 trường được xây dựng ra địa điểm mới để bảo đảm diện tích đất và xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình lớp học và khu phụ trợ.
Có 7 trường được mở rộng diện tích đất tại chỗ để có đủ diện tích theo quy định của trường chuẩn quốc gia; có trên 30 phòng học mới được xây dựng; nhiều công trình lớp học, khu vực phụ trợ được cải tạo, sửa chữa.
Phòng Giáo dục và đào tạo quận Kiến An cũng đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ danh mục thiết bị dạy học tối thiểu hàng năm của từng khối lớp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Từ đó tiến hành rà soát, đối chiếu giữa danh mục thiết bị theo quy định với thiết bị hiện có, trên cơ sở rà soát, đối chiếu để tiến hành lập kế hoạch bổ sung thiết bị dạy học; tổng hợp báo cáo lãnh đạo quận có kế hoạch mua sắm bổ sung.
Video đang HOT
Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận Kiến An, trong các hạng mục đầu tư công năm 2019 có hạng mục mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được quy định tại Thông tư 05/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với số tiền 5 tỷ đồng.
Bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương pháp giảng dạy
Về đội ngũ giáo viên, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, trong đó đã mời các lãnh đạo Bộ, chuyên gia để tập huấn về chương trình tổng thể, chương trình từng môn học, cách thiết kế bài giảng phát triển năng lực học sinh;
Cách thức xây dựng kế hoạch và tổ chức các phương pháp và kỹ thuật dạy học mới, dạy học theo định hướng STEM.
Quận Kiến An là địa phương đi đầu trong việc đưa dạy học theo định hướng giáo dục STEM vào các nhà trường (Ảnh: Lã Tiến)
Bà Bùi Thị Tuyết Mai cho rằng, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá là rất quan trọng.
Để thực hiện tốt việc này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Các nhà trường chỉ đạo các tổ, khối chuyên môn chủ động rà soát chương trình hiện hành để lựa chọn các chủ đề, rà soát các nội dung bài học trong sách giáo khoa tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành bài học tích hợp của từng môn học, hoặc liên môn.
Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; đồng thời bổ sung cập nhật những thông tin mới thay thế cho những thông tin đã cũ hoặc lạc hậu.
Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học phù hợp với thực tế từng nhà trường.
Trong chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận xem xét, góp ý cho kế hoạch giáo dục của nhà trường; các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra của phòng dựa trên kế hoạch giáo dục của các nhà trường.
“Phòng Giáo dục quận đã chỉ đạo các nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, từng bước đưa giáo dục STEM vào các nhà trường một cách phù hợp với đặc điểm của học sinh.
Đến nay, quận Kiến An đã tổ chức được ngày hội công nghệ thông tin toàn quận lần thứ nhất; Ngày hội STEM toàn quận lần thứ nhất và lần thứ 2; giao lưu Olympic tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở mỗi năm một lần…
Đây là những hoạt động giáo dục hoặc môn học mới trong các nhà trường, nhất là cấp tiểu học thì đối với các trường trên địa bàn quận Kiến An đã thực hiện thành nề nếp trong nhiều năm học qua”, bà Mai khẳng định.
Lựa chọn sách giáo khoa
Tuy nhiên, theo bà Mai để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách đồng bộ và hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cần ban hành văn bản chính thức, hướng dẫn các phòng giáo dục, các nhà trường (từ cán bộ quản lý đến giáo viên, nhân viên) từng công việc cụ thể để tổ chức thực hiện.
Tập huấn, hướng dẫn các nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa những khối lớp thực hiện chương trình hiện hành và khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lãnh đạo các nhà trường tại quận Kiến An tham khảo, nghiên cứu sách giáo khoa mới (Ảnh: Lã Tiến)
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư ban hành hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, đề nghị Sở Giáo dục hướng dẫn cụ thể các Phòng Giáo dục, các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa sao cho có sự ổn định trong nhiều năm học;
Sở cần hướng dẫn để tránh việc năm này giao cho các cơ sở giáo dục lựa chọn thì chọn một bộ sách, sang năm khi thực hiện luật giáo dục mới, Ủy ban nhân dân thành phố lựa chọn bộ sách khác thì có thể gây bức xúc trong phụ huynh, nhân dân.
Tiếp đó, khi tiến hành tập huấn đội ngũ để thực hiện chương trình cần chú trọng tập huấn chương trình mục tiêu của từng môn, các thiết kế giáo án dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh đáp ứng được mục tiêu môn học và mục tiêu của chương trình, chứ không phải tập huấn dạy theo sách giáo khoa…
Lý do bà Mai đưa ra, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo cho giáo viên; giáo viên ngoài sử dụng sách giáo khoa còn có thể sử dụng nhiều tài liệu khác nhau để thiết kế giáo án dạy học, đáp ứng yêu cầu của chương trình.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Hải Phòng "thiếu đủ thứ" để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Thiếu đội ngũ giáo viên, nhân viên, thiếu phòng học, trang thiết bị dạy học... là những khó khăn khi Hải Phòng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được thực hiện đối với cấp tiểu học.
Cùng với các địa phương trong cả nước, thành phố Hải Phòng cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình.
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà trường đang gặp khó khi đội ngũ giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.
Hải Phòng hiện đang còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Lã Tiến)
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, khối tiểu học toàn thành phố có 237 trường (5.508 lớp) với 192.141 học sinh, tăng 5.349 học sinh so với năm học trước.
Trong đó có 219 trường tiểu học (công lập: 216; tư thục: 3); 16 trường phổ thông có lớp tiểu học (công lập: 11; tư thục: 5); 2 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật.
Quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng. Năm học 2019-2020, toàn thành phố có thêm 5 trường có cấp tiểu học, trong đó 2 trường tiểu học (1 công lập, 1 tư thục), 3 trường phổ thông có nhiều cấp học.
Mặc dù, tỷ lệ phòng học/lớp đáp ứng được 0,97 phòng/lớp đối với toàn thành phố, nhưng một số quận, huyện vẫn chịu áp lực thiếu phòng học.
Điển hình là quận Hải An (tỷ lệ 0,84 phòng học/lớp); quận Lê Chân (0,84 phòng học/lớp); quận Hồng Bàng (0,87 phòng học/lớp); quận Kiến An (0,88 phòng học/lớp).
Qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, số phòng học để đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn thiếu nhiều.
Cụ thể, năm học 2019-2020, số phòng học hiện có 4.894, số phòng học cần để đảm bảo mỗi lớp 1 phòng là 5.058, thiếu 164 phòng.
Năm học 2020-2021, số lớp dự kiến là 5.283, để đảm bảo mỗi lớp 1 phòng, cần bổ sung thêm 389 phòng.
Theo bà Bùi Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An, quận có 12 trường tiểu học, với 10.666 học sinh tương ứng 276 lớp.
Quy mô số lớp, số học sinh ngày càng tăng. Năm học 2019-2020, quận Kiến An tăng 131 học sinh.
Đây là địa phương có số học sinh được học 2 buổi trên ngày đạt tỷ lệ thấp với 24%.
Bà Bùi Thị Tuyết Mai cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh của quận Kiến An được học 2 buổi trên ngày chỉ đạt 24 % là do thiếu giáo viên.
Theo bà Mai, năm học 2019-2020 bắt đầu song thành phố mới giao chỉ tiêu giáo viên cho các trường năm 2018.
Giáo viên biên chế thiếu trong khi đó quận không được tuyển giáo viên hợp đồng nên các nhà trường không bố trí được đội ngũ để dạy 2 buổi/ ngày.
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Hải Phòng đang thiếu nhiều giáo viên (Ảnh: Lã Tiến)
Ông Nguyễn Văn Khơi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo cho biết, hiện nay, các trường học trên địa bàn huyện thiếu nhiều nhân viên.
Huyện có chế độ hợp đồng với nhân viên nhưng họ không yên tâm công tác, xin nghỉ nhiều dẫn đến một lượng lớn giáo viên phải kiêm nhiệm. Vì thế, giáo viên giảng dạy đã thiếu nay còn thiếu hơn.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2020-2021, toàn thành phố thiếu 1.049 giáo viên (gồm 534 giáo viên văn hóa, 516 giáo viên chuyên, chọn).
Đến năm học 2021-2022, thành phố thiếu tổng số 1.353 giáo viên (gồm 775 giáo viên văn hóa và 578 giáo viên chuyên, chọn).
Tính đến 31/12/2019, tổng số trường đã triển khai 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày là 226/237 trường, đạt tỷ lệ 95,3%.
Có 11 trường trên địa bàn 3 quận, huyện (Thủy Nguyên, Kiến An, An Dương) chưa có đủ điều kiện đội ngũ đáp ứng để triển khai dạy 2 buổi/ngày đối với lớp 1.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Kỳ vọng gì ở Chương trình giáo dục phổ thông mới? Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đang được khởi động và sẽ được áp dụng bắt đầu từ năm học tới. Vấn đề đặt ra ở đây là, đội ngũ giáo viên làm sao phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Nói cách khác, ở chương trình GDPT mới, bản thân giáo viên là tác nhân giữ vai trò quyết...