‘Gieo trồng’ thói quen đọc sách cho trẻ
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, ông tin mọi trẻ em trên thế giới đều thích nghe kể chuyện, và thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động. Nhưng thói quen đó phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thời thơ ấu.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tại tọa đàm – ẢNH: T.A
Tham gia tọa đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ (Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản VN – Văn phòng đại diện phía nam tại TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 19.4 tại TP.HCM), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết từ nhỏ, vì ba đi làm xa nên những câu chuyện đầu tiên ông nghe được là từ bà và chú. “Bà tôi và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện. Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số câu chuyện tương tự được chứa trong các cuốn sách, tôi cố gắng học chữ để có thể tự mình khám phá thế giới kỳ diệu kia…”, để rồi “khóc cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời”, ông nói. Theo ông, sách đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua sự yêu ghét với người hiền, kẻ ác và đặc biệt mở rộng trí tưởng tượng đến vô biên.
Hơn 20 tham luận, tham gia tọa đàm (của các đơn vị xuất bản, thư viện, giáo dục), nhà văn đều nêu lên việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ bé chính là mấu chốt của vấn đề phát triển văn hóa đọc, bởi: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn”.
Giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Minh, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng thực trạng đáng lo ngại là sự suy giảm của văn hóa đọc trong chính gia đình và nhà trường – những môi trường đầu tiên ảnh hưởng lớn đến sự hình thành năng lực, nhân cách một con người. Nguyên nhân do thiếu hụt về thời gian chăm sóc con cái của cha mẹ, áp lực công việc, thiết bị công nghệ chi phối, sự quá tải của các hoạt động ở trường học, thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc đọc đối với sự phát triển của trẻ…
Video đang HOT
Làm sao để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên? Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trẻ em đến với sách là vì nó hấp dẫn, nó làm các em thích thú, say mê chứ không phải vì nó tốt. Gần 3 năm gắn với dự án Sách hay cho học sinh tiểu học, bà Hoàng Thị Thu Hiền – Trưởng ban dự án, cũng nhìn nhận rằng để kích thích, truyền cảm hứng đọc đến các bạn nhỏ, những cuốn sách mà dự án lựa chọn đều có những tiêu chí: hay – mới về nội dung, đẹp về hình thức và phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, hầu hết các tham luận đều thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học phổ thông trên cả nước.
Theo Thanh niên
Xu hướng biến đổi của văn hóa đọc
Liệu có sự xuống cấp của văn hoá đọc không, liệu có sự lấn át của văn hoá nghe nhìn đối với văn hoá đọc? GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng không nên nhìn việc đọc và văn hoá đọc chỉ theo hướng đánh giá đó, mà cần tìm ra sự vận động, biến động bên trong của chính nó.
Đọc sách trong thư viện.
Sự xuống cấp báo động
Một trong những lý do để đánh giá về sự xuống cấp của văn hoá đọc, phải chăng là đã và đang xuất hiện một xu hướng đáng lo ngại, đó là sự lười đọc. Biết bao vấn đề đặt ra cho con người trong cuộc sống hiện đại, cuốn hút họ vào guồng máy, nhịp sống khẩn trương, dồn ép căng thẳng. Mặt khác, một bộ phận nào đó chạy theo các nhu cầu, đòi hỏi vật chất, không quan tâm đến đời sống tinh thần của mình. Sách vở trở thành xa lạ, xa xỉ đối với họ.
Theo một điều tra xã hội học ở Hà Nội, với câu hỏi "Anh/ chị quan tâm đến vấn đề gì nhất", kết quả là: có đến khoảng 70% quan tâm đến "giá cả thị trường" và chỉ có 1,2% quan tâm đến văn học. Có một số cán bộ chỉ có thời gian đọc các báo cáo, tài liệu hành chính rồi họp hành liên miên nên đã đánh mất khả năng tạo ra cho mình một nếp đọc sách! Tôi đã nhìn thấy những "giá sách trang trí" như vậy ở một số cơ quan, đơn vị, phòng làm việc! Bệnh lười học, lười đọc sẽ dẫn tới sự tụt hậu, sự hẫng hụt tri thức trong khi tri thức đang phát triển cực kỳ nhanh chóng, cái mới trên tất cả các lĩnh vực xuất hiện hàng ngày, thay thế cho cái cũ đã lỗi thời. Những cảm nhận về các xu hướng biến đổi việc đọc và văn hoá đọc ở trên có lẽ chỉ là tương đối và không chắc đã là chuẩn xác và đầy đủ, tuy vậy, từ đó có thể tạm coi là cơ sở thực tiễn để suy nghĩ về việc triển khai xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Khi bàn về xây dựng và phát triển văn hoá đọc và xã hội học tập, chúng ta nghĩ ngay đến một nguyên lý phổ quát, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, của mọi người. Không có cách nào khác, song cũng không nên biến nó thành khẩu hiệu suông. Ở góc độ hoạt động xuất bản, chỉ xin đề xuất một vài ý kiến nhỏ. Từ nắm bắt và dự báo các xu hướng biến đổi việc đọc và văn hoá đọc đang diễn ra, có lẽ, xuất bản của chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa.
Tìm hướng đi đúng đắn
Tôi chỉ mạo muội đề xuất 3 nhiệm vụ kép cần xử lý biện chứng trong hoạt động xuất bản. Đó là, xử lý mối quan hệ vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng, mới và cá thể hoá của người đọc vừa có trách nhiệm định hướng toàn diện về nhân cách con người. Trước đây, xuất bản của chúng ta coi nhiệm vụ định hướng từ trên xuống là chủ yếu. Những năm gần đây, ngược lại, đang xuất hiện một số đầu sách chỉ chú trọng thoả mãn nhu cầu người đọc, dù có thể đó là nhu cầu tầm thường, nhất thời, đôi khi cả rẻ tiền. Trong đáp ứng phải chứa đựng năng lực định hướng và sức thuyết phục của định hướng phải nằm ngay trong các xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu của người đọc. Đó là bài toán khó đối với xuất bản hiện nay và chắc rằng, sẽ còn khó hơn trong những năm tới. Được tìm hiểu một số nền xuất bản của các nước phát triển, tôi cảm nhận rõ mối quan hệ trên và năng lực xử lý trong thực tiễn mối quan hệ đó của các nhà xuất bản hiện đại.
Bên cạnh đó, cần xử lý mối quan hệ giữa tôn trọng và thực hiện tính đa dạng, phong phú của các loại sách, của các đề tài và kiên trì đảm bảo cho dòng mạch chính của các xuất bản phẩm. Trước đây, chúng ta có biểu hiện né tránh và cả cấm đoán một số lĩnh vực, đề tài được gọi là "nhậy cảm". Ngược lại, những năm gần đây, có biểu hiện thiếu vắng những xuất bản phẩm đề cập tới những vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc trên các lĩnh vực trọng yếu, trong khi có dấu hiệu "tràn lan" những loại xuất bản phẩm chạy theo nhu cầu của thị trường, tiêu thụ nhanh, lấy lãi lớn, nhưng cũng có thể bị lãng quên ngay. Cần đầu tư nhân lực, tài lực, vật lực, trí lực cho việc xuất bản những loại sách có giá trị lâu dài, góp phần xây dựng toàn diện nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới đồng thời với việc tạo cho sự phát triển đa dạng, phong phúc các thể loại sách, các đề tài mới.
Cuối cùng là xử lý mối quan hệ mới giữa xuất bản và phát hành. Từ nhiều năm nay, chúng ta quen nhìn nhận như một tất yếu rằng, phải đi từ xuất bản mới đến phát hành, nghĩa là phát hành là công đoạn kết thúc của quy trình xuất bản. Ngày nay, nhận thức đó đã bộc lộ sự lạc hậu, khi xuất hiện thị trường xuất bản phẩm và các nhu cầu ngày càng mới của người đọc. Phát hành và kinh doanh sách là lực lượng nắm vững, thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của người đọc, của thị trường, từ đó có thể chỉ ra, nhu cầu và thị trường đang cần gì và không cần gì, người đọc đang có nhu cầu những loại sách nào, những thị hiếu mới đang phát triển của người đọc là gì.
Từ đó, phát hành sẽ gợi ý và mách bảo cho xuất bản cần quan tâm đến những loại bản thảo nào, đề tài, nội dung và phương thức thể hiện như thế nào để phù hợp với nhu cầu của người đọc hiện đại. Và như vậy, phát hành trở thành một lực thúc đẩy xuất bản, hay nói cách khác, trình tự xuôi phải từ xuất bản đến phát hành vốn coi là tất nhiên, giờ đây phải đảo lại, tạo nên sự tương tác hai chiều giữa hai công đoạn đó để hình thành một chu trình mới, từ phát hành đến xuất bản, trong đó phát hành là nhân tố tác động trực tiếp, tạo động lực và sự mách bảo cho xuất bản. Đây là mối quan hệ mới trong quy trình xuất bản hiện đại, trong cơ thế thị trường. Từ góc nhìn đó, cần nâng phát hành lên thành một khoa học thực sự có nhiệm vụ nghiên cứu nhu cầu đọc và thị trường xuất bản phẩm. Đó là một khoa học - thực tiễn.
* Nằm trong khuôn khổ chương trình tổng kết năm 5 năm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, ngày 17/4, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ TTTT sẽ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng". Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá, nêu bật những kết quả và chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong việc xây dựng và triển phong trào đọc sách ở nước ta hiện nay. Từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá sách, lưu giữ sách trên cả nước.
Minh Quân (ghi)
Theo daidoanket
Nhóm bạn trẻ lập thư viện miễn phí Chia sẻ những quyển sách hay, tạo văn hóa đọc cho thiếu nhi và người trẻ..., đó là những tâm huyết của nhóm bạn trẻ mở thư viện Đủng Đỉnh Đọc miễn phí. Các em học sinh thích thú tham gia sự kiện đọc tại thư viện - ẢNH: QUỲNH NGUYỄN 5 bạn trẻ Lê Kim An Nhiên, Lê Thu Phương Quỳnh, Tô...