Gieo hạt giống yêu thương
Nếu trái đất có mặt trời sưởi ấm vạn vật và duy trì sự sống thì tổ ấm gia đình cũng là mặt trời của mỗi người, nơi chúng ta được yêu thương, chở che để trưởng thành khỏe mạnh.
Bởi vậy mới nói, yêu thương sinh ra từ mối quan hệ máu mủ tình thân gia đình, có lẽ là thứ tình cảm bản năng, đẹp đẽ, quý giá và bền vững nhất mà mỗi người có được và luôn cần được vun đắp, giữ gìn.
Dành cho con trẻ những điều tốt đẹp nhất. Ảnh: Khôi Nguyên
Vai trò của gia đình đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội đã và luôn được khẳng định. Trước đây, gia đình Việt Nam truyền thống, với uy quyền và trật tự của nó, luôn được pháp luật bảo vệ, được luân lý và phong tục bổ trợ thêm. Do đó, địa vị gia đình trong xã hội được xem là tối quan trọng. Ngày nay, vai trò của gia đình vẫn được pháp luật bảo vệ và xã hội đề cao. Đặc biệt, Việt Nam đã lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình, nhằm truyền đi những thông điệp ý nghĩa, sâu sắc và nhân văn nhất về gia đình. Với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, Ngày Gia đình Việt Nam 2019 đã và đang chuyển tải nhiều thông điệp truyền thông đến toàn xã hội. Đó là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, “Xây dựng môi trường gia đình – cộng đồng – xã hội an toàn, lành mạnh”, “Gia đình là tổ ấm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục những con người khỏe mạnh để xây dựng đất nước”…
Như lời một học giả đã khẳng định rằng, chẳng bao giờ có loại thuốc bổ chữa được những căn bệnh xã hội hữu hiệu hơn một mái ấm khỏe khoắn và hạnh phúc; cũng chẳng bao giờ có nguồn ổn định xã hội lớn hơn một gia đình yêu thương và biết cảm thông. Khởi nguồn yêu thương trong gia đình, có đôi khi chỉ đơn giản là một cái ôm thật chặt, một đôi tai biết lắng nghe và một tâm hồn mở rộng cảm thông, là mỗi người đã sẵn lòng để chia sẻ nỗi buồn và nhân lên niềm hạnh phúc. Đó cũng chính là chìa khóa mở cánh cửa tổ ấm và khép lại bên ngoài nó những vị kỷ, va vấp, hằn học, thậm chí là cả những thất bại, vấp ngã, trượt dài mà mỗi người do vô tình hay cố tình gặp phải. Yêu thương, tự bản thân nó luôn mang giá trị hay thông điệp của lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm. Và vì vậy, gieo những hạt giống yêu thương dưới mỗi mái nhà, cũng là gieo mầm hạnh phúc cho tổ ấm.
“Tài khoản yêu thương” trong gia đình được lập từ cơ sở thiêng liêng của hôn nhân, nhưng nó chỉ có thể được tiếp nhận, cất giữ và nhân lên khi con cái được sinh ra. Cha mẹ chính là người “đóng dấu lên tâm hồn trẻ niềm xác tín về cách hành xử và giải quyết vấn đề”. Để rồi, những thói quen trong ứng xử, hành vi, lời nói và quan trọng hơn là nhân cách một con người, chỉ có thể được hình thành từ giai đoạn đầu đời, trong gia đình và thông qua cách hành xử của ông bà, cha mẹ. Nếu dạy con là cả một nghệ thuật, thì học cách hài hòa giữa yêu thương và nghiêm khắc với con là môn nghệ thuật khó nhất.
Trong giáo dục trẻ em, không cách nào hiệu quả hơn một tấm gương tốt và ngược lại. Thế nhưng, với một nền giáo dục đang loay hoay trong đổi mới, hay một nền giáo dục chạy đua theo thành tích, thì “sản phẩm con người” do nó tạo ra sẽ khó mà chất lượng. Trên nghị trường Quốc hội gần đây, một đại biểu đã nêu ra một mệnh đề vừa dễ hiểu, nhưng cũng đầy phức tạp khi thực thi. Đó là, thay vì chỉ lo bàn thảo để tìm ra một triết lý giáo dục đúng đắn và sâu sắc, trước mắt hãy thực hành ngay cái nguyên tắc giáo dục đơn giản là một nền giáo dục không nói dối! Đương nhiên, không thể đổ lỗi hết cho nhà trường, cũng không thể đổ lỗi cho công nghệ và càng không nên đổ lỗi cho đứa trẻ khi nó có hành vi không hợp chuẩn. Bởi, trước hết, đó là trách nhiệm từ chính mỗi gia đình, nơi con cái chúng ta đang hằng ngày sống và lớn lên.
Một nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng thế giới đã đưa ra một nhận định vô cùng sâu sắc rằng, “Không có bức tranh nào rõ rệt về linh hồn của một xã hội hơn là cách xã hội ấy đối xử với trẻ em”. Trẻ em được xem là “sản phẩm” phản ánh môi trường sống trong gia đình, môi trường giáo dục trong nhà trường và bức tranh phát triển của một xã hội. Chính vì lẽ đó, nếu gia đình không phải tổ ấm, nhà trường là nơi chạy đua thành tích và một môi trường xã hội phát sinh nhiều tai tệ nạn, thì trẻ em là đối tượng đầu tiên chịu tổn thương, thậm chí trở thành nạn nhân bi thương nhất. Vậy, tương lai một đất nước sẽ đi về đâu nếu có một thế hệ trẻ là nạn nhân bi thương do chính xã hội ấy tạo ra?.
Trong thực tế, tình cảm đẹp đẽ, quý giá và tưởng chừng bất biến trong gia đình, lại đang va chạm kịch liệt với không ít mặt trái đời sống, đang xuất hiện cả trong lẫn ngoài cánh cửa gia đình. Trong gia đình đó là xung đột thế hệ trong quan niệm, suy nghĩ, lối sống, hành vi; là nhu cầu vật chất đang trở thành mục tiêu sống khiến nhiều người xem nhẹ việc vun đắp mối liên hệ tình cảm giữa các thành viên; là bạo lực thể xác và tinh thần giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái; là tỷ lệ ly hôn đang gia tăng trong các gia đình trẻ… Còn ngoài xã hội là các tai, tệ nạn; là tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội ở một bộ phận người thể hiện qua các hành vi bạo hành, phạm pháp ngày càng trắng trợn, manh động và tàn bạo…
Trong khi, con người không chỉ sống với cái nôi gia đình, mà còn sống trên nền tảng đạo đức xã hội, đạo lý luân thường và luôn luôn tương tác với đời sống bằng nhiều mối quan hệ, bằng nhiều “vai” trách nhiệm cần gánh. Và do đó, không thể lãng mạn mà cho rằng, chỉ cần tình yêu thương là có thể hóa giải mọi mâu thuẫn, xung đột. Nhưng chí ít, khi con người được dưỡng nuôi trong môi trường an toàn, lành mạnh và ấm áp yêu thương; thì đó chắc chắn sẽ là một con người khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Đó là ý nghĩa nhân văn nhất của tình yêu thương dưới mỗi mái nhà.
Khôi Nguyên
Theo baothanhhoa
Giáo dục trẻ mầm non Trách nhiệm không của riêng giáo viên
Giai đoạn từ 2 đến dưới 6 tuổi là thời kỳ rất quan trọng để trẻ hình thành tư duy, thể chất, nâng cao sức đề kháng. Để trẻ phát triển toàn diện cả trí và lực, gia đình và nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Trong đó, vai trò của bố mẹ phải được đặt lên hàng đầu, thay vì phó mặc cho giáo viên mầm non dạy dỗ.
Áp lực của giáo viên mầm non
Thời gian vừa qua liên tục xảy ra những vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ, mất niềm tin ở phụ huynh mà còn làm cho hình ảnh về nghề giáo bị nhem nhuốc. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, thực tế vẫn còn rất nhiều cô giáo chăm sóc, dạy dỗ trẻ xuất phát từ tình yêu thương.
Giáo viên mầm non là công việc không hề dễ dàng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2020 số lượng trẻ em Việt Nam vào khoảng 5,6 triệu bé. Tuy nhiên, số lượng trường công lập lại không đáp ứng được nhu cầu của các bậc làm cha làm mẹ. Mỗi lớp mẫu giáo, thường có số lượng rất đông, từ 30-60 cháu, khiến các cô giáo phải đối mặt với nhiều áp lực, phải đảm nhiệm nhiều công việc: Từ ăn, ngủ đến học hành..., từ bảo mẫu, người dọn dẹp... đến người dạy học. Tuy nhiên, mức lương khởi điểm của giáo viên ở trường công lại rất thấp, khoảng 1,86, nên họ phải làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập.
Áp lực của giáo viên mầm non. Nguồn: VTV
Cha, mẹ ở đâu trong giáo dục trẻ mầm non?
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, môi trường giáo dục của trẻ, đặc biệt ở độ tuổi dưới 6. Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng để hình thành nhân cách, suy nghĩ, cách ứng xử của trẻ. Trẻ quan sát một cách vô thức và sao chép lại những hình ảnh chúng được chứng kiến và bắt chước cách xưng hô, thể hiện tình cảm như người lớn. Vì vậy, trẻ nhỏ chính là bản sao của chính cha mẹ, người thân gắn bó trực tiếp của chúng.
Trẻ con là bản sao của bố mẹ. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, áp lực từ cuộc sống "cơm áo, gạo tiền", đến tuổi thứ 3, cha mẹ nào cũng muốn tìm cho con cái họ một trường mầm non để con vừa học hành, vui chơi, mở mang hiểu biết và họ có thời gian để làm việc. Thế rồi, họ phó mặc cho giáo viên dạy dỗ, mà quên mất rằng mình cũng phải là một người thầy ở nhà của con. Để rồi, hễ giáo viên có quát, đánh con mình thì lại sửng cổ, chỉ trích thậm chí là thóa mạ họ. Dẫu biết, thương con là bản tính của cha mẹ, nhưng thương con phải biết dạy con cư xử đúng cách.
Cha mẹ phải trở thành người đồng hành cùng con trong giai đoạn vàng đầu đời. Ảnh minh họa
Cha, mẹ cần có cái nhìn bao dung hơn với giáo viên và giáo viên cần làm tốt vai trò của mình, xuất phát từ tình yêu thương và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Dạy trẻ thời kì 4.0
Giai đoạn đầu đời của trẻ rất quan trọng, đây là nền tảng để phát triển cả thể chất và tinh thần. Dạy trẻ thời kì 4.0 thực sự rất khó, chính vì thế gia đình và nhà trường cần định hướng rõ ràng kiên nhẫn khi giáo dục trẻ mầm non.
Dạy trẻ yêu thích việc học, tự học
Đây là cách để con trẻ tự khám phá dựa trên khả năng tư duy. Cha mẹ cần quan sát xem sở thích của con là gì để có định hướng trong việc dạy con. Và lẽ tất nhiên, cha mẹ phải là người đồng hành cùng con trong cuộc hành trình tìm tòi những điều mới lạ này.
Dạy trẻ tự giải quyết vấn đề khó khăn
Khi đứng trước một việc khó giải quyết hãy để trẻ tự đưa ra phương án, trên cơ sở những gợi ý của cha mẹ. Việc này sẽ giúp con chủ động trước mọi tình huống và không ỷ lại, hay đổi lỗi cho bất kỳ ai khi phạm lỗi.
Dạy trẻ tiếp cận với công nghệ khoa học
Đây là một phương pháp đòi hỏi cha mẹ, giáo viên phải hiểu biết và tự kiểm soát được nhưng công cụ hỗ trợ này. Đưa giáo dục công nghệ trở thành một lĩnh vực mới đối với sự phát triển của trẻ. Bằng cách: Đưa tính chất gây nghiện của game vào học tập (trò chơi hóa học tập - Gamification), cho trẻ tiếp xúc với những chương trình hội thảo về công nghệ, robot lập trình, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của trẻ với công nghệ...
Dạy con cách tiếp cận với công nghệ một cách chủ động, khoa học. Ảnh minh họa
Trong thời kì vàng đầu đời, trẻ con cần sự quan tâm dạy dỗ, chăm sóc kĩ lưỡng của cả cha, mẹ và giáo viên. Vì thế, đừng phó mặc trẻ cho giáo viên, bố mẹ hãy trở thành một người giáo viên mẫu mực vì sự phát triển toàn diện của con cái mình.
Theo anninhthudo
Sai lầm dạy con của nhiều cha mẹ Nhật trong mắt tiến sĩ giáo dục Agnes Chan thẳng thắn cho rằng cha mẹ Nhật Bản hãy để con mình mắc thất bại thay vì suốt ngày bao bọc chúng. Agnes Chan, 63 tuổi, là người gốc Hong Kong, phát triển sự nghiệp ca hát của mình tại Nhật năm 1972 với tư cách là một thần tượng nhạc pop tuổi teen. Cô kết hôn với người quản lý...