Gieo duyên đọc sách, lan tỏa yêu thương
Tưởng chừng cánh cửa tương lai đã khép lại với Trần Thúy Nga, ở xóm 6B, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) khi em mắc phải căn bệnh hiểm nghèo từ năm 13 tuổi. Nhưng rồi nhờ những trang sách, Nga đã làm được việc ý nghĩa: Mở thư viện miễn phí và truyền đam mê đọc sách tới nhiều người.
Được sự chỉ dẫn của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đồng, chúng tôi tìm đến không gian đọc miễn phí của Trần Thúy Nga, ở xóm 6B. Tuy không phải ngày nghỉ, nhưng tranh thủ sau giờ học, nhiều học sinh vẫn tìm đến đây để đọc sách. Các em thỏa thích tìm kiếm những cuốn sách mình yêu thích, đặc biệt, có thể mượn miễn phí mang về nhà đọc.
Em Phan Nguyễn Lam, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Lợi, huyện Tân Kỳ, kể: “Em gắn bó với tủ sách của chị Nga đã 4 năm rồi. Ở đây, em được đọc những cuốn sách rất bổ ích và phù hợp với lứa tuổi. Chính nhờ có được những kiến thức từ các cuốn sách của chị Nga, giúp chúng em tự tin hơn trong giao tiếp, nâng cao kết quả học tập. Đặc biệt, chúng em học được ở chị Nga tấm lòng cao cả và nghị lực vượt lên số phận”.
Còn em Hồ Quốc Hiệu, ở xóm 6B, xã Nghĩa Đồng bày tỏ: “Em “bén duyên” với tủ sách của chị Nga được 3 năm nay. Trước đây, em nghiện game lắm. Sau đó, mẹ đưa em đến tủ sách này. Được chị Nga hướng dẫn đọc sách, lại cho mượn về nhà để đọc, giờ thực sự em rất ham đọc, bỏ hẳn game rồi. Cứ hôm nào được nghỉ học, em lại đến đây đọc sách”.
Trần Thúy Nga với các độc giả đến với “thư viện” của mình.
Không chỉ học sinh mà còn rất nhiều người thường ngày cũng tìm đến tủ sách miễn phí của Trần Thúy Nga. Bà Ngô Thị Hợi ở xóm 10, xã Nghĩa Đồng, cho biết: “Tôi ngoài 60 tuổi, mấy năm nay không được khỏe nên đến đây để đọc những bài thuốc dân gian, tài liệu về chăm sóc sức khỏe. Tôi khâm phục tấm lòng cao cả, hiếm có của cháu Nga. Bản thân bị tàn tật, cuộc sống khó khăn, nhưng cháu vẫn gom góp từng đồng để mua sách cho mọi người đọc. Nhiều hôm tôi đưa tiền mà cháu không nhận. Cháu nói: Bác đến đây đọc là cháu rất vui rồi”.
Trần Thúy Nga sinh năm 1985, trong gia đình có bốn anh chị em. Năm 1998, em bị mắc căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Dù đã điều trị dài ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Nga phải sống chung với căn bệnh tàn phá các khớp xương, không tự bước đi được. Thương em, chị gái Nga mua về nhiều sách để Nga đọc cho đỡ buồn, bớt cơn đau và nỗi tủi thân. Niềm say mê đọc sách đã giúp Nga vượt qua đau đớn, xác định quyết tâm vươn lên, không đầu hàng số phận.
Tuy các khớp ngón tay bị sưng đau, biến dạng, nhưng em vẫn gắng luyện viết, luyện vẽ, rồi em đã viết được trở lại. Thúy Nga chia sẻ: “Qua những trang sách, em biết nhiều người cũng bệnh tật rất nặng, không thể chữa khỏi. Em đặc biệt ấn tượng về chị Nguyễn Bích Lan “không gục ngã”, anh Công Hùng, bạn Thúy, bạn Thu Thương-những nhân vật mà nghị lực của họ đã được báo chí phản ánh nhiều. Họ không may mắn như bao người khác, nhưng họ đều làm được nhiều việc ý nghĩa, giúp ích cho xã hội. Chính vì vậy, em đã thực hiện và phát triển tủ sách miễn phí trong những năm qua”.
Trần Thúy Nga với các độc giả đến với “thư viện” của mình.
Hằng ngày, Trần Thúy Nga cần mẫn bán hàng tạp hóa, tiết kiệm từng đồng tiền lãi để mua sách. Sau nhiều năm, “thư viện” của Nga đã có hàng nghìn cuốn, trong đó có nhiều loại sách được bạn đọc yêu thích, như: Sách nuôi dưỡng tâm hồn, sách văn học kinh điển, sách kỹ năng học tập, sách kỹ năng sống và phát triển bản thân, sức khỏe…
Trung bình mỗi ngày có hơn 30 lượt bạn đọc tìm đến “thư viện” của cô, đông nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần. Để ngày càng có nhiều người đến đọc sách, ban đầu, Nga cho học sinh mượn truyện tranh để đọc nhằm thu hút các em đọc sách, sau đó từng bước hướng các em đọc các cuốn kỹ năng học tập, sách nuôi dưỡng tâm hồn… khiến tủ sách của em thu hút nhiều độc giả.
Ông Phan Đăng Thi, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đồng, cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương rất khâm phục nghĩa cử cao đẹp của chị Nga. Hoàn cảnh không được may mắn như người khác nhưng gần 20 năm qua, chị đã đưa văn hóa đọc đến với nhiều người, nhất là các em học sinh. Cũng nhờ sách, cuộc sống của họ đã thay đổi tích cực hơn nhiều. Chúng tôi luôn đồng hành với hoạt động này của chị Nga”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hoàn cảnh gia đình Trần Thúy Nga hiện còn nhiều khó khăn. Nga và mẹ vẫn sống trong căn nhà chật hẹp; tài sản đáng giá nhất chỉ có chiếc giường nằm, ít hàng tạp hóa và tủ sách miễn phí. Mẹ của Nga thì thường xuyên đau ốm.
Khi chúng tôi hỏi về động lực nào khiến Nga duy trì được tủ sách miễn phí trong nhiều năm qua, Nga cười hiền hậu: “Hằng ngày nhiều bạn đến đọc sách, em hỏi các bạn học được những gì trong đó, thấy các bạn trả lời được ý nghĩa của từng cuốn sách, các bạn cởi mở, tự tin hơn. Đó là niềm hạnh phúc lớn đối với em”.
Dù đôi chân không thể bước đi, đôi tay chẳng thể làm được nhiều việc, nhưng bằng nghị lực phi thường, Trần Thúy Nga vẫn đang tiếp tục thực hiện hành trình “Gieo duyên đọc sách, lan tỏa yêu thương” nơi quê nghèo Nghĩa Đồng, góp phần để ngày càng có nhiều học sinh chăm đọc sách, học giỏi và đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa đọc vốn đang bị mai một trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
Theo QĐND
Khát vọng phát triển văn hóa đọc của những bạn trẻ
Những buổi chiều ở Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai như rộn ràng hơn bởi các lớp học phát triển văn hóa đọc do các bạn trẻ đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức
Đây cũng là chuỗi hoạt động thường xuyên của "Tôi Tập Đọc" - Dự án được sáng lập bởi một nhóm các bạn trẻ cấp THPT tại Hà Nội với mong muốn nâng cao nhận thức và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nếu ai ghé qua Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai những ngày này, hẳn sẽ cảm nhận được bầu không khí sôi nổi và động lực mà các bạn trẻ truyền đến những em nhỏ nơi đây từ những buổi lan tỏa văn hóa đọc.
Phạm Thị Vân Anh, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN và cũng là chủ tịch dự án Tôi tập đọc chia sẻ: "Lớp học xuất phát từ mong muốn các em có hoản cảnh khó khăn, tự kỷ cũng có được cơ hội tiếp cận với văn hóa đọc để từ đó trang bị thêm cho mình kiến thức để hòa đồng hơn với xã hội".
Là người đưa ra ý tưởng việc mở chuỗi lớp học cho các em nhỏ tự kỷ, Nguyễn Thế Anh - học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cũng là Phó Chủ tịch của dự án chia sẻ trăn trở trước thực tế khiến mình cùng các thành viên trong nhóm muốn "trực tiếp đọc" cùng các em: "Hiện nhiều bạn trẻ tích cực tham gia vào các dự án, trong đó có cả về giáo dục như quyên góp sách, hay lập thư viện... rất tích cực song còn hạn chế khi không kiểm soát được hiểu quả của việc mình làm hay nhiều khi không biết các em đọc sách có thực sự tiến bộ lên không".
Là người đưa ra ý tưởng việc mở chuỗi lớp học cho các em nhỏ tự kỷ, Nguyễn Thế Anh - học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cũng là Phó Chủ tịch cho rằng cần một cách làm khác biệt.
Theo Thế Anh, việc tặng một quyển sách tốt rồi không biết các em có đọc, không thể hiệu quả bằng việc cùng đọc, giúp đỡ các em hiểu và hứng thú với quyển sách đó.
Ngoài dạy các kiến thức, chúng em cũng chú trọng việc định hướng đạo đức. Thông qua những lớp học, không chỉ những kiến thức trong sách báo mà còn dạy cách ứng xử với những tình huống khác nhau trong cuộc sống, về đạo làm người, cách đối nhân xử thế... ", Thế Anh tâm sự mong muốn trong tương lai có thể mở ra được nhiều lớp học thế này hơn.
Để có thể triển khai được dự án, các bạn trẻ đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức ngồi lại với nhau lên ý tưởng và tính toán kỹ lưỡng cho từng bước đi. Theo Vân Anh, khó khăn nhất của nhóm là việc thuyết phục để xin ủng hộ, hỗ trợ nguồn sách từ bên ngoài.
Thế Anh cũng cho rằng dự án cũng không cần quá nhiều tài chính để "chạy" mà khó nhất vẫn là khâu thuyết phục.
"Mới đầu chúng em vô cùng khó khăn trong quá trình đi trình bày ý tưởng để thuyết phục sự hỗ trợ. Do đều là học sinh nên nhiều lần người lớn dù nghe nhưng không tin, không hiểu việc chúng em muốn làm. Em nghĩ việc kêu gọi mọi người quyên góp sách cũng là một phần của sự thành công".
Để có được nguồn sách dồi dào, các bạn trẻ đã tổ chức chương trình gây quỹ mua sách bằng việc tổ chức văn nghệ, hay bán các loại nước uống và đồ ăn tự làm trên phố đi bộ Hồ Gươm.
Tuy nhiên, thực tế không như các bạn hình dung và mong đợi. Do không có kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị tốt, hiệu quả thu lại ở những buổi đầu không đáng kể. Song sau những lần đó, điều mà các bạn trẻ học được là cách làm thế nào để thực hiện công việc một cách quả nhất. "Chúng em nghĩ trải nghiệm cũng là một yếu tố cần thiết", một thành viên chia sẻ.
Nhưng rồi với quyết tâm và sự ủng hộ của thầy cô và gia đình, sau 3 tháng, các bạn trẻ đã kêu gọi quyên góp được khoảng 200 đầu sách và đang tăng dần về số lượng.
Song có lẽ động lực lớn nhất cho các bạn trẻ đến từ sự chia sẻ và ủng hộ từ các bậc phụ huynh và xã hội.
Cô Lê Thị Tâm Hảo, giáo viên Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đánh giá đây là dự án của nhóm bạn trẻ mang trong mình nhiều khát khao, hoài bão và những ý tưởng mới lạ. "Đến từ nhiều ngôi trường, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng với ý chí, nỗ lực, sự quyết tâm, các em đã lập nên một dự án đầy ý nghĩa. Điều đó cũng cho thấy một quá trình làm việc nghiêm túc, trưởng thành, dám nghĩ, dám làm, dám nỗ lực để đạt được mục tiêu theo cách riêng của mình. Khác với những dự án khác, "Tôi Tập đọc" đi theo 1 hướng khác trong cách tiếp cận văn hóa đọc cho trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Thay vì quyên góp sách, tặng sách... dự án muốn trẻ thực sự đọc, thực sự hiểu để rồi thực sự" yêu" sách suốt đời. Tôi tin với niềm đam mê " Đọc" cùng tấm lòng nhân ái muốn làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, dự án sẽ còn lan toả những giá trị tốt đẹp".
Nhóm bạn trẻ là các học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội có cùng niềm đam mê đọc sách...
Chị Nguyễn Minh Thu, phụ huynh có con đang theo học tại lớp kỹ năng 2 Trung tâm Sao Mai chia sẻ bản thân rất ủng hộ hoạt động của nhóm: "Bởi trẻ ở đây đa số khả năng tập trung rất kém, do đó khi rèn được kỹ năng này cho các con thì rất tốt. Tôi rất đồng tình và cổ vũ ý tưởng của dự án, đặc biệt là các lớp học. Hy vọng các bạn trẻ sẽ có thêm những chương trình, nhiều hình ảnh để con em được tiếp cận thêm".
...và cả khát vọng nâng cao văn hóa đọc, đặc biệt cho các em nhỏ.
"Các bạn trẻ luôn có thể trở thành một phần của dự án, nếu sẵn sàng thử thách thói quen đọc của mình theo hướng tích cực hơn. Chỉ cần một quyển sách, một tờ báo cùng lòng nhiệt huyết sẵn sàng thay đổi, bạn có thể Tập Đọc cùng chúng mình từ hôm nay", nhóm bạn trẻ đưa ra thông điệp.
Thanh Hùng - Anh Phú
Theo vietnamnet
Xây dựng xã hội học tập qua khơi dậy đam mê đọc sách Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, một thực trạng đáng buồn là văn hóa nghe - nhìn đang lấn dần văn hóa đọc. Vì thế, việc khơi gợi đam mê tìm hiểu kiến thức qua sách vở cũng như duy trì, khuyến khích thói quen đọc sách là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, giúp xây dựng một...