Gieo chữ ở Trường Sa
Thấp thoáng dưới tán phong ba và bàng vuông, trẻ ê a học bên mé đảo Trường Sa. Năm học mới bắt đầu, trong những lớp học độc nhất vô nhị: trường ghép, lớp “5 trong 1″ và những thầy cô kiêm nhiệm.
Lớp “5 trong 1″
Trường chỉ cách nhà vài bước chân, trò nhỏ Phạm Yến Trinh (lớp 5, trường tiểu học Sinh Tồn, xã Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) vẫn dậy thật sớm, xúng xính bộ đồng phục mới sau ngày khai giảng năm học.
Trường là căn phòng lớn nằm tại trung tâm hành chính xã. Anh Hồ Bảo Ân, 28 tuổi, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, kiêm đứng lớp.
Thầy Ân đến sớm, kê xếp từng bộ bàn ghế. Một bảng trắng đen ở giữa trường, nhưng cho cả 5 khối lớp, quay 5 hướng: 1 bàn lớp một, 1 bàn lớp hai, 2 bàn lớp ba, 2 bàn lớp bốn và 1 bàn lớp năm.
Thầy Ân giảng bài cho học sinh lớp 1.
7 giờ sáng, toàn trường ổn định. Thầy Ân tra bài luyện chữ lớp một, lại sang hướng dẫn toán lớp hai, rồi lên bục giảng ra phép toán cho học sinh lớp ba.
Mỗi lớp một nhóm, quay một hướng khác nhau nhưng không khí học lúc nào cũng nề nếp, nghiêm túc. Giáo trình theo quy định của Bộ và Sở GD&ĐT Khánh Hòa, nhưng áp dụng linh hoạt.
Thầy Ân nói: Lễ khai giảng giản dị, nhưng ý nghĩa đúng ngày 5/9. Tiếng trống khai trường vang vọng cả góc đảo. Cán bộ đảo, người dân và các chiến sĩ cùng tham dự. Tặng quà, hỗ trợ sách vở, cặp sách… cháu nào cũng háo hức.
Lần đầu đến trường, cháu Phạm Thị Trúc Nữ (lớp một), thỏ thẻ: “Thầy Ân ơi, chữ này khó viết quá”, khiến cả lớp học cười ồ. Trò Trinh kể: “Tan học, không hiểu bài, chúng con sang nhà thầy nhờ chỉ dạy”.
Lớp học “5 trong 1″ của thầy Ân.
Video đang HOT
Các lớp học thị trấn Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa) cũng rộn ràng sau khai giảng. Những tiết học vẽ đầu năm, cô Nguyễn Thị Nhung (giáo viên trường tiểu học Trường Sa Lớn) chưa ra đề, học sinh lớp 4 đã vẽ những nét hồn nhiên về cây lá phong ba, con ốc biển, hay tô màu áo hải quân bên các chú bộ đội.
Buổi học hát của 2 trò lớp ba rộn ràng “Cháu yêu các chú bộ đội cụ Hồ”, “Khúc quân ca Trường Sa”… “Ở đây các tiết học chủ quyền luôn trực quan, sinh động”- cô Nhung nói.
Trường của cô Nhung cũng là căn phòng của trụ sở xã. Lớp học “5 trong 1″ đã thành tên gọi thân thương ngoài Trường Sa. Năm học này, cô Nhung bị “khuyết” lớp năm, vì năm trước không có học sinh lớp 4. Cả 4 khối lớp từ lớp 1- 4 chỉ 9 học sinh.
“Các cháu chăm ngoan và chịu khó học. Nếu cần phụ đạo, thầy cô có thể chỉ vẽ từng em một”, cô Nhung tâm sự qua điện thoại, rồi chợt mừng rơn thông báo: Vừa nhận được tin một quỹ học bổng sẽ tài trợ để xây dựng một ngôi trường riêng cho học sinh Trường Sa Lớn. Tương lai, lớp ghép độc nhất vô nhị không còn.
Vợ chồng cô giáo Nhung và con trai út học mẫu giáo ở đảo Trường Sa Lớn.
Gieo chữ, giữ đảo
Năm 2008, đang là giáo viên biên chế trường tiểu học Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), cuộc sống gia đình ổn định, cô Nhung làm cả nhà bất ngờ khi quyết định ra Trường Sa.
“Lúc đó tôi thấy Trường Sa thiếu giáo viên nên mạnh dạn về thuyết phục chồng con, gia đình ra với đảo. Dạy chữ cũng là góp phần giữ đảo”, cô Nhung kể.
Mơ về lớp học Trường SaViết những dòng thư nắn nót gửi cô Nhung, em Nguyễn Xuân An (lớp 7, trường THCS Hùng Vương, thị trấn Cam Lâm, Khánh Hoà) từng là học trò Trường Sa, tâm sự: “Ở Trường Sa cô luôn dạy chúng em phải biết vượt khó như các chú bộ đội cụ Hồ, không được chùn bước trước mọi khó khăn. Trong giấc ngủ em vẫn mơ về lớp học Trường Sa. Các bạn đất liền rất thích em kể chuyện biển đảo. Em càng tự hào, hãnh diện vì mình đã được sinh sống, học tập tại đây”.
Gần 5 năm giữa đảo thiêng, cô Nhung qua đủ khó khăn, thiếu thốn. Trường học ban đầu là dãy hàng lang tạm bên trụ sở xã. Học sinh chưa chuẩn bị đủ dụng cụ học tập, nhiều em nhớ đất liền òa khóc trong lớp… Nhưng sau một thời gian ngắn, công tác dạy học ổn định.
“Các cháu học tiến bộ từng ngày, tỷ lệ đạt học sinh khá giỏi cao. Năm vừa qua, có 2 em học sinh giỏi, 4 em tiên tiến và 2 trung bình”, cô Nhung thống kê. Số học sinh tốt nghiệp tiểu học ngoài Trường Sa vào đất liền học tập không thua kém bất kỳ bạn nào. Các em vẫn phát huy và đạt thành tích học sinh khá, giỏi các năm học.
Con gái Đặng Phương Anh (6 tuổi) của cô Nhung nhập học lớp một, trong ngôi trường Trường Sa. Con trai út Đặng Phương Nam hơn 1 tuổi, vào mẫu giáo.
Ban đầu hai vợ chồng quyết định sinh cháu ở đảo để được là những “công dân gốc Trường Sa”, nhưng lúc đó có máy bay trực thăng ra thăm đảo, mọi người thuyết phục đưa sản phụ vào bờ sinh cho an toàn, nên hai vợ chồng nghe theo.
Nghĩ lại thấy tiếc. Mỗi lần lên lớp, cô Nhung mặc cho cháu Nam chiếc áo màu hải quân, chọn một góc nhỏ để cháu cùng chơi đùa.
“Dạy các cháu về chủ quyền biển đảo, tôi thấy thiêng liêng, tự hào được góp phần mình trong đó. Học sinh ở đây cũng thể hiện được bản lĩnh, tinh thần học tập, vượt khó của mình, những công dân Trường Sa chính hiệu”- cô Nhung nói.
Theo thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng kiêm Chủ tịch thị trấn Trường Sa Lớn, cô Nhung được học sinh và bà con tín nhiệm, thương yêu nên vừa rồi trúng cử đại biểu HĐND thị trấn và được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa.
Hồ Bảo Ân ra đảo từ năm 2008 là cán bộ xã 8X trẻ nhất. Thấy đảo thiếu giáo viên, Ân hăng hái xin dạy thêm, rồi được “chọn” làm giáo viên kiêm nhiệm. Thầy Ân bảo: “Dạy học, nghe tiếng trẻ ê a học bài thấy vui, bớt nhớ đất liền”.
Thầy Nguyễn Đình Việt (29 tuổi) – Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây (huyện Trường Sa) cũng là giáo viên “ngoài biên chế”. Lớp học thầy Việt chỉ 1 học sinh lớp 4. Tạm xa người vợ mới cưới ở đất liền, mỗi năm, thầy Việt gắn bó với đảo đằng đẵng những tháng dài.
Thầy Việt ở đảo Song Tử Tây.
Thầy Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, nhận định: Hiện ở Trường Sa chỉ có 1 giáo viên biên chế là cô Nhung, còn lại kiêm nhiệm. Nhưng những năm qua, chuyên môn thầy cô đảm bảo, học sinh đạt kết quả tốt, không thua kém, thậm chí còn hơn cả học lực của học sinh trong đất liền.
Có được kết quả này là sự nỗ lực, vượt khó không nhỏ của cả thầy và trò Trường Sa. Kết thúc năm học qua, lãnh đạo tỉnh và Sở tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng ngành giáo dục huyện đảo Trường Sa.
Thầy Tứ cũng cho biết, Sở đã bắt đầu tuyển thêm giáo viên ra Trường Sa, gồm cả giáo viên cấp tiểu học và THCS. Dự kiến năm học 2013-2014 sẽ bắt đầu giảng dạy các khối lớp THCS ở đảo. Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đã hoàn thiện.
Theo Nguyễn Huy
Tiền Phong
Hai thủ khoa "9 phẩy" chung một ước mơ
Với điểm tốt nghiệp trên 9 phẩy, ba năm liền đạt giải nhất Olympic, Nguyễn Đàm Thùy Trang và Đỗ Minh Thành vừa trở thành thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2012. Hai tân thủ khoa học cùng một lớp và cùng mong muốn được đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho HS.
Vượt lên 2.000 sinh viên tốt nghiệp K58 trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐH SPHN) năm 2012 nổi lên hai gương mặt là đồng thủ khoa - đó là Đỗ Minh Thành và Nguyễn Đàm Thùy Trang, đều là sinh viên lớp TN K58 khoa Vật lý.
Đỗ Minh Thành sinh ra và lớn lên trong gia đình cả bố mẹ đều làm nông ở xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cuộc sống làm nông trông chờ vào mấy sào ruộng vô cùng khó khăn nên từ nhỏ Thành luôn tự đặt các mục tiêu cho mình, cố gắng học thật giỏi để thoát nghèo. Suốt 12 năm học phổ thông, Thành luôn là học sinh giỏi, hai lần đạt giải Nhất, giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý. Ba năm liền, Thành đạt giải nhất Olympic Vật lý toàn quốc. Tốt nghiệp với điểm trung bình 9,10, Thành là một trong hai thủ khoa đầu ra của ĐH SPHN năm 2012.
Tốt nghiệp với điểm trung bình 9,10, Đỗ Minh Thành là một trong hai thủ khoa đầu ra của ĐH SPHN năm 2012.
Được biết, cậu trò nghèo Đỗ Minh Thành đến với môn Vật lý và theo ngành Sư phạm cũng bởi kỷ niệm đáng nhớ của người thầy. Khi còn là học sinh cấp 2, Thành học đều tất cả các môn. Đến khi thi vào Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), Thành ấn tượng bởi tài năng và tâm huyết với nghề giáo của thầy Nghiêm Minh Quang - giáo viên dạy môn Vật lý ở trường. Cộng với hoàn cảnh gia đình, Thành quyết định học thật giỏi mong sau này ra trường trở thành một nhà giáo giỏi và tâm huyết như thầy của mình.
Giờ đây, cầm tấm bằng cử nhân xuất sắc trên tay là kết quả của bốn năm miệt mài đèn sách. Thành chia sẻ: "Bây giờ em ước ra được dạy một trường trung học phổ thông, đây sẽ là cơ hội để đem một phần kiến thức nhỏ bé của mình về môn Vật lý dạy cho các em. Sau thời gian tham gia giảng dạy em sẽ trở lại trường học tiếp cao học."
Khác với Thành, cô sinh viên nhỏ nhắn, xinh xắn Nguyễn Đàm Thùy Trang có hoàn cảnh khá hơn nhưng không vì mà cô bạn ỷ lại không cố gắng. Trang được mọi người biết đến là một sinh viên năng động, nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Thừa hưởng truyền thống gia đình khi cả bố mẹ và nhiều người thân khác đều là giáo viên, từ nhỏ Trang đã yêu thích và mong muốn trở thành một nhà giáo giỏi. Và để đạt được mong muốn của mình, Trang luôn cố gắng học tâp đạt kết quả cao.
12 năm liền Trang đều là học sinh giỏi của thủ đô Hà Nội, ba năm liền cô bạn đoạt giải nhất Olympic Vật lý toàn quốc. Trang vừa tốt nghiệp loại xuất sắc với 9.00 và trở thành một trong hai thủ khoa đầu ra của Trường ĐH SPHN năm 2012.
thủ khoa Nguyễn Đàm Thùy Trang nhận bằng khen từ PGS. TS. Nguyễn Văn Minh - hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội.
Khao khát đứng trên bục giảng từ nhỏ nên ra trường, Trang không lựa chọn học lên mà mong muốn được trở thành một giáo viên ở trường trung học để ngày ngày truyền dạy các em học sinh những kiến thức mình có sau nhiều năm miệt mài tích lũy.
Tuấn Đức
Theo dân trí
"Ép" trẻ học ngày hè Mới đầu mùa hè nhưng không ít học sinh lại tiếp tục "cày" bài vở khi bố mẹ dẫn đến đủ các lớp chiêu sinh kiến thức ngày hè. Phụ huynh có muôn vàn lý do "ép" trẻ học hè mà quên mất rằng mình đang lấy đi tuổi thơ của con. Học kỳ... thứ 3 Tính từ ngày tổng kết năm học...