Gieo chữ nơi ‘ốc đảo’ Cồn Chim
Chòng chành trên những chuyến đò vượt sóng ra Cồn Chim dạy chữ, những người giáo viên vẫn từng ngày thầm lặng với công việc của mình.
ảnh minh họa
Muốn đến Cồn Chim phải đi nhờ ghe của dân bản xứ hết 15 phút. Điểm trường Cồn Chim hiện có hai khối lớp: Mầm non, trực thuộc trường mầm non xã Phước Sơn và tiểu học, trực thuộc trường tiểu học số 2 Phước Sơn. Ở bậc tiểu học, vì số lượng học sinh ít ỏi nên phải ghép lớp.
Những chuyến ‘đò kép’
Lớp ghép 2, 3 chỉ có 12 học sinh; lớp ghép 4, 5 có 18 học sinh. “Cả khối tiểu học chỉ hơn 50 em.
Năm lớp tiểu học ngoài này cộng lại chỉ bằng một lớp học bình thường trên đất liền”, thầy Trần Xuân Thành, giáo viên dạy Mỹ thuật, người gắn bó với điểm trường Cồn Chim bảy năm qua, trầm ngâm cho hay.
Phòng học được xây có phần vững chãi nhưng bàn ghế bên trong nhiều chiếc đã “già nua”, bong tróc.
Hầu hết giáo viên đang công tác tại Cồn Chim đều đang thực hiện những chuyến “đò kép”. Chuyến đò của người chuyển trao tri thức và chuyến đò thực khi vượt trập trùng sóng gió để đến với Cồn Chim.
Tất nhiên, những chuyến đò ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng cập bến bình yên. “Mấy cô giáo dạy học ở đây chịu thương, chịu khó lắm. Hồi bữa có một cô giáo bước xuống đò bị té gãy tay”, bà Nghiêm – nhà ở gần bến đò – cho hay.
Người bị nạn chính là cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoàng, giáo viên chủ nhiệm hai lớp 3 và 4. Cánh tay bó bột, sưng nhức nhưng chỉ sau một hai ngày điều trị, cô giáo Hoàng lại cố gắng đi đò qua Cồn Chim để dạy.
“Phụ trách lớp ghép. Việc dạy khá khó khăn. Vừa quay qua trái dạy lớp 4 lại sang bên phải kiểm tra bài vở các em lớp 5. Mình nghỉ rồi không biết ai thay. Hơn nữa, không đi dạy lại thấy nhớ học sinh lắm. Vậy là lại qua đây cùng tụi nhỏ”, cô Hoàng cười hiền lành.
Những ngày mưa to, gió lớn, chuyến đò lại qua Cồn Chim gánh thêm bao nỗi âu lo. Chiếc áo mưa không che chắn nổi trước những con sóng va đập, tung tóe nước vào người. Cô giáo đến trường, người ướt như chuột lột.
Dạy xong, quần áo mới khô thì lại… ướt sau chuyến về. “Riết thành quen”, cô giáo Đỗ Thị Tuyết Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 2 và 3, không giấu được nét suy tư khi kể lại những chuyến đò vừa sợ vừa “cười ra nước mắt”.
Giáo viên giúp nhau lên đò qua đảo Cồn Chim.
Cô giáo Tuyết Nga quê ở Phù Mỹ, chọn dạy học ở ốc đảo Cồn Chim, nghĩa là cô chấp nhận cảnh sống xa nhà để hết mình với nghiệp đưa đò. Cô Nga thuê căn phòng nhỏ ở gần UBND xã Phước Sơn, ngày ngày chạy xe hơn chục cây số, gửi xe ở Lộc Thượng rồi đi đò qua đảo.
Cô Nga kể: “Có hôm, mang đồ ăn sáng theo nhưng rồi chờ đò mãi bị trễ giờ lên lớp. Qua lớp phải tranh thủ dạy các em nên quên cả chuyện ăn uống. Trưa lại mang về. Có những hôm mưa gió, các giáo viên ngồi chờ đò trong chiếc áo mưa tiện lợi mỏng dính, nhiều khi nghĩ cũng thấy tủi, nhưng riết rồi cũng quen. Miễn sao an toàn qua Cồn Chim để dạy tụi nhỏ là tốt rồi. Bọn trẻ này nhiều thiệt thòi. Để các em lớn lên mà chữ nghĩa không đâu vào đâu. Tội lắm”.
Tuy cơ sở vật chất của điểm trường Cồn Chim đã được nâng cấp, nhà trường vẫn thiếu nhà công vụ để giáo viên có chỗ nghỉ ngơi sau những giờ dạy. Cũng có thầy cô bám trụ lại với Cồn Chim, xem đây là quê hương của mình như cô Mai Thị Thanh Loan, dạy lớp mầm non.
Video đang HOT
Cô Loan đến điểm trường Cồn Chim khi nhà dân nơi này còn thưa thớt, cơ sở vật chất của điểm trường Cồn Chim vô cùng nghèo nàn. Yêu nghề, yêu trẻ là động lực để cô Loan hàng ngày đội nắng mưa qua đảo. Lâu dần, cô bén duyên cùng mảnh đất này. Cô tâm sự, lấy chồng xong là ở lại Cồn Chim, tính ra đã 20 năm.
Hành trình gieo chữ ngoài Cồn Chim còn nhiều khó khăn, vất vả vì không chỉ đơn thuần về chuyện đi lại cách trở mà còn cả về mặt tiếp thu của học sinh. So với các em trong đất liền, trẻ ở Cồn Chim tiếp nhận bài học chậm hơn.
Chị Đặng Thị Mỹ Trang, là phụ huynh của hai em Phú, Hòa hai lớp khối 3, 5 tâm sự, công việc của vợ chồng chị cũng như nhiều hộ dân ở Cồn Chim là làm bờ, nuôi tôm cá. Đêm đến thả lưới, giăng câu mưu sinh trên đầm Thị Nại. Sáng sớm ra phải tất tả mang cá tôm vào bờ để bán. Quỹ thời gian dành cho con cái không nhiều. Trước đây cũng không có điều kiện học hành nên giờ cũng không biết sao chỉ dạy cho con. Chỉ trông chờ chữ nghĩa của thầy cô…
Cần sự đồng hành
Anh Trần Văn Nam – bảo vệ của điểm trường Cồn Chim (ba anh cũng là bảo vệ trước đây của trường) – kể điểm trường hồi trước còn lụp xụp, mỗi khi có cơn mưa to, gió lớn, trường như muốn đổ tới nơi. Cách đây vài năm, trường được xây mới, đàng hoàng hơn.
Hồi trận lũ năm 2016, cả Cồn Chim chỉ còn thấy mấy nóc nhà lô nhô và những hàng cây rũ rượi, điểm trường Cồn Chim trở thành nơi an trú của nhiều học sinh và người dân.
“So với nhiều nơi khác trong xóm, điểm trường được xây cao hơn nên bà con xin tá túc tránh lũ”, nói rồi anh chỉ vào ngấn nước còn in trên vách tường của trường như để minh chứng lời mình. Vì quỹ đất hẹp nên điểm trường Cồn Chim, ngoài là nơi để dạy dỗ còn là địa điểm vui chơi của trẻ em trong xóm.
Điểm trường Cồn Chim.
Thầy Phó Hữu Hiếu – phó hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Phước Sơn – cho biết việc dạy học ở đảo Cồn Chim gặp nhiều khó khăn cả về trang thiết bị vật chất lẫn vấn đề đi lại.
Nhà trường chủ trương phân bổ những giáo viên có sức khỏe tốt ra công tác ngoài “ốc đảo”. Các giáo viên luân phiên ra đảo dạy theo từng năm.
Trước đây, các em ở Cồn Chim muốn học vi tính phải đi đò qua điểm trường chính. Thấy các em nhỏ khó khăn trong vấn đề đi lại nên nhà trường chủ trương mang máy vi tính trang bị cho điểm trường Cồn Chim, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc dạy và học.
Ông Phạm Minh Tâm – phó chủ tịch xã Phước Sơn – cho biết để tạo điều kiện cho công tác dạy học tại Cồn Chim, giáo viên và cán bộ qua lại điểm trường Cồn Chim được miễn tiền đò, UBND xã sẵn sàng hỗ trợ thêm chi phí cho các chủ đò.
Đồng hành cũng những chuyến đò qua lại đôi bờ chở mầm chữ gieo trên miền “ốc đảo” là sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành giáo dục huyện Tuy Phước.
Ông Vương Tử Nghị – phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước – phía Phòng đào tạo luôn cố gắng hoàn thiện cơ sở vật chất trang thiết bị để phục vụ chuyện dạy và học ở điểm trường Cồn Chim.
Năm 2014, điểm trường Cồn Chim đã được xây dựng lại với 2 phòng học mới và nhà vệ sinh, tạo điều kiện tốt hơn cho công tác dạy và học.
Theo Zing
Cô giáo già từng bị cho là điên, 42 năm thầm lặng 'chở chữ' cho con em vùng vạn đò xứ Huế
Từng bị nói là điên khi ngày này qua tháng nọ dạy học miễn phí cho trẻ em vùng vạn đò, cô Hạnh chia sẻ sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào sức khỏe không còn cho phép.
Ngoài dạy chữ cho các em, cô còn dạy hát, kể chuyện cho các em nghe.
Dành cả tuổi thanh xuân cho con em vạn đò
Mỗi tối, những bài học đánh vần và cả tiếng gõ bảng của cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh (60 tuổi) đều đặn vang lên trong nhà văn hóa cộng đồng số 2 đường Nguyễn Phúc Lan, phường Kim Long, TP. Huế.
Chân dung "người lái đò thầm lặng" đưa các em nhỏ vạn đò "qua sông".
Năm 1975, cô Hạnh cùng bộ đội dạy học cho người dân theo phong trào "bình dân học vụ" lúc vừa tròn 18 tuổi. Lớp học vào ban đêm ở khu vực bến Me.
Khi khu vực Bến Me bị giải tỏa lên vùng Kim Long, cô cùng người dân lên mảnh đất này để an cư lạc nghiệp. Những tưởng sẽ bắt đầu một cuộc sống với công việc mới, thế nhưng khi chứng kiến cảnh khốn khó của người dân và con em vì nghèo mà không thể đi học, cô mạnh dạn mở lớp dạy học.
Vào những ngày đầu, lớp học chỉ có vỏn vẹn vài em. Cô Hạnh đến từng nhà vận động hơn một tháng liền. Nhiều hộ thấy là xua đuổi nhưng cô vẫn kiên trì. Trời không phụ lòng người, một thời gian sau, lớp có 30 học sinh.
Trong căn phòng chật chội của nhà kho hợp tác xã, dưới ngọn đèn dầu leo lét hằng đêm, cô cần mẫn dạy từng con chữ.
Dành cả tuổi thanh xuân để dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo vùng vạn đò, người con gái Huế những năm ấy từng nghĩ sẽ lặng lẽ ở vậy suốt đời, không bàn đến hạnh phúc riêng tư.
Năm 1984, lúc cô tròn 31 tuổi, một anh thanh niên nghèo sống trên vùng sông nước nhỏ hơn 6 tuổi vì cảm mến nên đã đem lòng yêu thương cô. Anh kiên quyết lấy cô làm vợ bất chấp sự phản đối từ hai bên gia đình.
Tình yêu chân thành đã giúp họ vượt lên tất cả. Họ được đồng ý cho tổ chức đám cưới. Chính anh là người luôn ủng hộ, động viên cô trong công việc "chở chữ" cho dân vạn đò.
Sau hơn 32 năm dạy học tự nguyện và miễn phí, vào khoảng năm 2007, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định nhận trả lương cho cô Hạnh. Cô chính thức được nhận lương cho mỗi giờ dạy là 15.000 đồng.
Những điều chưa kể của cô giáo 42 năm thầm lặng "đưa đò"
Khi bắt đầu công việc dạy học miễn phí, cô từng bị nhiều người nói là điên. Họ bảo "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Lúc đầu, có chút hạnh lòng nhưng khi đến lớp nhìn thấy những không mặt hồn nhiên, cô bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực, tự nhủ chỉ cần hạnh phúc với việc mình làm, tương lai các em tốt hơn thì sẽ theo đến cùng.
Vì tương lai của đám trẻ vạn đò, cô quyết tâm giữ lớp.
Dạy trẻ em vùng vạn đò hay các trẻ em đặc biệt mỗi người giáo viên phải nắm được đặc điểm tâm lý riêng để có hiểu các em, từ đó mới có phương pháp dạy học hiệu quả.
Cô như là người bà, người mẹ, người bạn đối với các em.
Theo cô Hạnh, trẻ em nơi đây có tính thật thà, thẳng thắn và tự trọng. Nếu các em gặp phải lời phê bình nặng nề hoặc kết quả học tập thua kém sẽ dễ xa lánh thầy cô giáo thậm chí bỏ học.
"Có học sinh trước đây đã đi học lớp 3 ở một trường tiểu học khác sau đó vì gia đình mới chuyển tới đây nên xin vào. Em có nguyện vọng học tiếp chương trình nên tôi cho học lớp 3.
Những em học sinh còn lại nhao nhao rằng mới vào học mà cô cho học lớp 3, lẽ ra phải lớp 1. Rồi các em nói: "Bạn đó sạch sẽ nên cô bênh vực bạn đó phải không?". Các em rủ nhau nghỉ học nguyên 1 tuần. Tôi vẫn ra lớp chỉ để dạy mỗi em mới.
Sau tuần đầu, một em khác đi học với thái độ lầm lầm lì lì không nói gì. Dần dần, các em kéo nhau đi học lại và phải đến một tháng sau lớp mới đông đủ như ban đầu.
Trong buổi học hôm ấy, tôi hỏi nhẹ nhàng: "Lâu nay vì sao các em không đi học, cô buồn ghê quá. Cô không biết sai điều gì cả, các em nói ra cô mới biết mà sửa chứ?"
Các em trả lời rằng vì cô bênh bạn đó, mới vào mà cô cho học lớp 3. Tôi ân cần, nhỏ nhẹ nói với các em:
"Vì bạn đã học lớp 3 rồi, giờ cô cho học lớp 1 thì tội, với lại có những em nhỏ hơn, bạn Sành học lớp 3 mới chỉ dạy được chứ? Cái này là cô sai hay là các em sai? Sau đó các em đều nhận sai và xin lỗi."
Thấy cô Hạnh miệt mài dạy miễn phí mấy chục năm, nhiều người tỏ ra nghi ngờ. Họ cho rằng có gì đó nên cô mới theo lâu như vậy.
Một số người đưa vợ đến xin dạy học. Dạy được một thời gian ngắn, họ mon men hỏi chuyện lương bổng.
"Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ có người tiếp bước việc làm của mình nên vui lắm. Nhưng sau thấy vậy thì cũng có chút buồn. Tôi nhắn với các cô rằng mình dạy cái tâm thiện nguyện là chính, phải thương đám trẻ thật thì mới theo được. Rồi bữa nay trung tâm phụ cấp mười mấy nghìn đồng một giờ, ngoài ra không có gì cả. Mấy hôm sau, các cô nghỉ dần".
Nhận được sự yêu thương, trân quý từ học trò, đó là niềm hạnh phúc đối với cô.
Suốt 42 năm tự nguyện đến nay tính ra "người lái đò thầm lặng" đã dìu dắt được gần 1000 học sinh "qua sông".
Chính vì những nỗ lực và cái tâm thiện nguyện, cô Hạnh nhận được nhiều sự tin yêu của người dân quanh vùng. Các bậc cha mẹ, các em học sinh nhiều thế hệ luôn nhớ đến ân tình bao năm dạy học miễn phí của cô giáo Hạnh.
Nhiều người dân ở vùng vạn đò Kim Long xem cô như người sinh con họ lần thứ 2. Họ báo đáp bằng những lời thăm hỏi, cái nhìn trìu mến và món quà là con cá, con tôm vừa đánh bắt được.
Gắn bó với "lớp học ấm áp" này hơn 22 năm, bây giờ đã 60 tuổi nhưng với cái tâm, cái tình, cô không cho mình dừng lại.
"Tôi sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào sức khỏe không còn cho phép", cô Hạnh .
Theo Soha
Ở một nơi giáo viên vừa dạy chữ vừa chăm trò Vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp trồng người, dù đời sống sinh hoạt hết sức vất vả, khó khăn, những giáo viên vùng sâu vùng xa ở Đăk Glei và Tu Mơ Rông, Kon Tum vẫn ngày ngày cần mẫn, tận tụy "gieo hạt, ươm mầm" con chữ cho học sinh nơi đây với mong muốn tiếp sức cho ước mơ của...