Giấy khen theo thông tư 30: Hoa cả mắt và không còn giá trị thiêng liêng?
“Việc học sinh đạt được danh hiệu cuối năm giờ đã thành chuyện quá phổ biến nên khiến tờ giấy khen mất đi giá trị thiêng liêng vốn có”, một phụ huynh cho hay.
Cuối tháng 5 là thời điểm học sinh đã hoàn thành xong nhiệm vụ năm học của mình và các trường trên cả nước tổ chức lễ bế giảng cho học sinh. Sau một năm cố gắng, nỗ lực phấn đấu, giờ đây học sinh được nhận lại kết quả của mình. Không ít phụ huynh tỏ ra háo hức và chờ đợi những danh hiệu mà con mình “ẵm” được trong năm học vừa qua.
Tuy nhiên cũng không ít phụ huynh thấy “choáng” vì chưa bao giờ học sinh lại được khen nhiều như hiện nay, nhất là với bậc tiểu học khi thực hiện Thông tư 30 là không chấm điểm cho học sinh.
Chị Hoàng Bích (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho hay: “Một năm học nữa lại kết thúc, các con hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và được Nhà trường tặng giấy khen. Thú thực, thấy con hồ hởi với tờ giấy khen mà mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì những cố gắng của con trong thời gian qua cũng được ghi nhận. Nhưng lo bởi lẽ, lớp của con nhà mình hầu như bạn nào cũng có giấy khen. Chưa bao giờ mình thấy giấy khen nhiều như năm nay. Có bạn còn được nhận hẳn hai giấy khen.
Video đang HOT
Còn nhớ, trong năm học, nhiều lần đi học về con cũng phàn nàn: “Mẹ ơi, nay bạn Nhật Minh bị cô giáo gọi lên bảng làm một bài cực dễ, vậy mà bạn ấy vẫn làm sai mẹ ạ”. Rồi “Mẹ ơi, nay bạn Nhật Minh lớp con lại bị điểm kém vì một phép tính đơn giản bạn ấy cũng làm sai”. Mình rất ấn tượng với cậu học sinh này vì cu cậu ngồi ngay cạnh con nhà mình. Ở lớp có chuyện gì con bé cũng mang về kể hết với mẹ. Vậy mà, cuối năm cậu Nhật Minh ấy vẫn được giấy khen thì thú thật mình cũng choáng. Chưa bao giờ mình thấy Nhà trường khen thưởng “dễ dãi” như hiện nay”.
Một phụ huynh khác bức xúc: “Ngày xưa, khi mình còn đi học, một lớp gần 40 học sinh nhưng số học sinh được nhận giấy khen chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, việc được nhận giấy khen giống như một sự kiện trang trọng trong cuộc đời. Bởi lẽ, một khối (hơn 100 học sinh) chỉ có 6 học sinh có điểm số cao nhất được danh hiệu học sinh giỏi (khi ấy chưa có thông tư 30).
Có lẽ thế mà khi nhận được giấy khen, ông bà và cha mẹ dù nghèo nhưng cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để đóng khung, lồng kính những tờ giấy khen ấy và treo ở vị trí đẹp nhất trong nhà. Với nhiều người, giấy khen ấy còn là niềm tự hào của cả dòng họ. Thế nhưng, giờ đây một lớp hơn 40 học sinh nhưng số lượng học sinh không được nhận giấy khen lại đếm trên đầu ngón tay.
Kết thúc năm học, các bà, các mẹ thi nhau khoe giấy khen của con trên mạng xã hội. Vì thế, mấy ngày nay đâu đâu cũng tràn ngập giấy khen. Việc học sinh đạt được danh hiệu cuối năm giờ đã thành chuyện quá phổ biến nên nó khiến tờ giấy khen mất đi giá trị thiêng liêng vốn có”.
Hơn nữa, nhiều tấm giấy khen với những nội dung lạ lẫm và mỗi trường khen một kiểu như: Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Khoa học, hoàn thành tốt nội dung các môn học và phát triển năng lực phẩm chất. Có trường lại khen học sinh tiêu biểu rồi khen học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều phụ huynh thấy con nhận được giấy khen nhưng cũng không biết vì sao được khen”.
Một học sinh có thể có nhiều giấy khen
Muôn vàn kiểu khen khác nhau khiến phụ huynh “choáng”
Cũng liên quan đến vấn đề này, một giáo viên tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho hay: “Đúng là hiện nay số lượng học sinh được nhận giấy khen quá nhiều khiến tấm giấy khen không còn giá trị thiêng liêng như ngày xưa nữa.
Tuy nhiên, đó lại là cách tốt nhất để động viên học sinh sau một thời gian các con nỗ lực và cố gắng. Chúng ta cần khuyến khích con em mình chứ không nên phủ nhận hết những kết quả mà học sinh đạt được. Hiện nay, lời khen ở mỗi trường chưa có sự đồng nhất bởi thực hiện theo đúng thông tư 30 của Bộ GD&ĐT và cho các trường được tự đánh giá học sinh của mình”.
Theo infonet