Giật mình với những con số thực tế của thị trường bất động sản
Trong số hơn 50 ngàn tỷ đồng BĐS tồn kho của 12 doanh nghiệp niêm yết, có tới 99,2% là BĐS đang xây dựng dở dang và vỏn vẹn chưa tới 1% là BĐS hàng hóa.
Tồn kho BĐS chủ yếu là dở dang, ít có sản phẩm nào xây xong mà không bán được.
Thực tế có bao nhiêu căn hộ đang bán ra thị trường?
Theo nghiên cứu của Dragon Capital, tổng bất động sản tồn đọng của cả Hà Nội và Tp.HCM lên tới 70.000 căn hộ. Trong khi theo con số thống kê chưa đầy đủ của 44 tỉnh thành, tính tới 30/8/2012 là 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng và 1,6 triệu m2 đất nền, với tổng giá trị tồn kho hơn 40 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua báo chí đã liên tục phản ánh nhiều dự án chỉ mới khởi công phần móng mà chưa xây dựng lên, hoặc bỏ hoang khi đã được cấp phép, động thổ khởi công xây dựng.
Những dự án này vẫn được tính vào hàng tồn kho vì đã khởi công và nhiều dự án đã bán sản phẩm dưới dạng chi trả theo tiến độ. Cũng chính vì thế, con số hàng tồn kho bị đẩy lên cao chóng mặt so với số lượng căn hộ thực tế đã sẵn sàng bán ra.
Dự án vẫn bán ra dưới dạng thu tiền theo tiến độ, một số dự án được chủ đầu tư mang đi thế chấp, số lượng lớn hàng chưa xây dựng xong vẫn được kê khai hàng tồn kho và đẩy áp lực giải cứu thị trường bất động sản ngày càng lên cao. Trong khi đó, nhiều người dân thực tế vẫn khó chọn cho mình một sản phẩm ưng ý khi nhiều căn hộ chào bán vẫn đang xây dở dang.
Video đang HOT
Theo thống kê của Dân trí với 12 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên hai sàn niêm yết, tới cuối năm 2012, các doanh nghiệp này tồn kho bất động sản tới hơn 50,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 13 ngàn tỷ so với cuối năm 2011.
Tuy nhiên, trong hơn 50,1 ngàn tỷ đồng kia có tới hơn 49,7 ngàn tỷ đồng là bất động sản đang xây dựng dở dang. Chỉ có hơn 380 tỷ đồng là hàng hóa bất động sản tồn kho, đây là những mặt hàng đã xây dựng xong chờ bán.
Trong số hàng chục ngàn tỷ bất động sản xây dựng dở dang như vậy, nhiều dự án mới chỉ khởi công phần móng, giải tỏa mặt bằng hoặc xin cấp phép xây dựng. Những dự án như vậy hoàn toàn có thể chuyển đổi mục đích sử dụng để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, nhằm giải tỏa hàng tồn kho.
Nhiều chuyên gia cũng đã đề nghị cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi công năng dự án sang nhà xã hội, nhà thu nhập thấp hoặc chia nhỏ căn hộ để phù hợp với sức mua của thị trường.
Điều này cũng phù hợp với những số liệu mà Dân trí đã phản ánh ở trên, vì các dự án hầu hết đều đang nằm ở dạng xây dựng dở dang, hoàn toàn có thể chuyển đổi mục đích sử dụng.
Thực tế trung bình một căn chung cư có giá từ 17-18 triệu đồng/m2 thì doanh nghiệp đã có lãi.
Giá nhà có thể giảm về mức nào?
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, “quá trình điều chỉnh trên thị trường bất động sản có khả năng còn kéo dài do không ít các doanh nghiệp bất động sản vẫn găm giá đề chờ một sự &’giải cứu’ từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, đây là kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn”.
Mặc dù vậy, việc các doanh nghiệp giảm giá tới mức nào cũng là một vấn đề đáng bàn. Bởi nếu giảm giá quá thấp, các doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận, dẫn tới lực cung ra thị trường sẽ ngày càng yếu ớt. Các dự án đang xây dựng dở dang sẽ phải dừng lại hoặc phá sản, người mất tiền lại chính là người dân mua nhà theo tiến độ và ngân hàng cho vay.
Đồng thời, nếu các doanh nghiệp bất động sản phải hủy bỏ dự án và trả lại tiền cho người mua nhà theo tiến độ, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hồi tố một lượng không nhỏ doanh thu và lợi nhuận đã hạch toán theo tỷ lệ phần trăm hoàn thành công trình.
Theo một báo cáo của Turner & Townsend, chi phí xây dựng một khu căn hộ cao tầng tại Việt Nam hơn 16 triệu đồng/m2 vào năm 2011, tương đương 794 USD/m2. Con số này thấp hơn nhiều so với Australia là 2.467 USD/m2, tại Singapore là 2.145 USD/m2 song cao hơn chi phí tại Malaysia là 655 USD/m2 và Trung Quốc là 620 USD/m2.
Con số này đã cao hơn so với năm 2010 là 14,3 triệu đồng/m2, trong khi tại năm 2008 chi phí trung bình chỉ 11,4 triệu đồng/m2. Điều này xảy ra khi trong mấy năm trở lại đây, nước ta liên tục có mức lạm phát cao, đẩy chi phí nguyên liệu xây dựng cũng tăng cao.
Trong khi đó theo số liệu của Bộ xây dựng, nửa đầu năm 2011, có tới 40% căn hộ được chào bán với giá hơn 30 triệu đồng/m2.
Như vậy, thực tế trung bình một căn chung cư có giá từ 17-18 triệu đồng/m2 thì doanh nghiệp đã có lãi. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đây là một mức giá tương đối phù hợp cho nhiều người có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam.
Theo Dantri
Sáng nay, Chủ tịch TP Hà Nội đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp
Sáng nay 22-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, TP cam kết dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, TP ưu tiên các DN ngành Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp sáng tạo... TP cũng khẳng định sẽ kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho thông qua đẩy mạnh đầu tư. Trong đó, có kinh phí lên tới 23.879 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, cho 671 dự án xây dựng cơ bản năm 2013 và gói hỗ trợ từ ngân sách 508 tỷ đồng hỗ trợ vật tư, kỹ thuật đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn của TP.
Nhằm tháo gỡ khó khăn hàng đầu hiện nay của DN là thiếu vốn, TP cam kết hỗ trợ vay vốn, lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. DN sẽ được tiếp cận vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. TP ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động... và các dự án có hiệu quả. Ngoài ra, TP cũng sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi xuất sau đầu tư, từ nguồn ngân sách trị giá 100 tỷ đồng để giảm khó khăn cho DN. Tổng số tiền thuế, lệ phí được TP gia hạn thời gian chậm nộp và giảm năm 2013 khoảng 14.434,8 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo trực tiếp khảo sát để tìm hiểm khó khăn của DN
Đáng chú ý, hàng loạt ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn đều hứa hẹn tung các gói tín dụng lớn dành cho DN như Ngân hàng Sacombank triển khai gói tín dụng 1.050 tỷ đồng, trong đó dành nguồn vốn 450 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng; Ngân hàng Quốc Tế (VIB) chính thức triển khai gói 3.000 tỷ cho vay ưu đãi bất động sản và cá nhân kinh doanh với mức lãi suất từ 11,79%/năm không đổi trong 12 tháng đầu của khoản vay...
TP cũng cam kết tăng cường cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao chất lượng phục vụ công dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, giảm chi phí của doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh và trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước cũng như liên tục đẩy mạnh CCHC liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư như thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, TP luôn đồng hành với DN. Sự phát triển của DN sẽ đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, TP luôn tạo mọi điều kiện để DN hoạt động, phát triển. Ông đề nghị các DN nên nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ mới và có kiến nghị cụ thể gửi tới UBND TP để TP xem xét, quyết định. Với các sở ngành, quận huyện, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các chính sách mới đều phải rõ ràng, minh bạch để DN tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng nhất.
Theo ANTD
"Cú sốc bầu Kiên" và tổn thất vô hình với nền kinh tế Việt Vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt ngày 20/8/2012 không những đã thổi bay hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán mà còn làm sụt giảm nghiêm trọng niềm tin đầu tư của các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam. Bầu Kiên bị bắt đã tạo nên một bước ngoặt đối với niềm tin giới kinh doanh tại Việt Nam....