Giật mình vì những “loa phát thanh” tuổi teen nơi công cộng
Những người ngồi gần Quang đều phải giật mình vì giọng cậu to còn hơn loa phường, oang oang nhắn gửi với bạn qua điện thoại: “Tối nay trận Ý thế nào? Hôm qua thua mất 20 quả, đen thật!”…
“ Loa phát thanh” nơi công cộng
Hè đến, Dương và các anh chị trong nhà rủ nhau đi Cát Bà tắm biển, tránh luôn cái nóng nực ở Hà Nội. Mọi người đi bằng xe chất lượng cao Hoàng Long. Xe êm ái, không khí mát mẻ và yên tĩnh vì ra khỏi Hà Nội tầm chục cây là hành khách đã ngủ gà gật gần hết. Dương cũng đang lim dim mắt định ngủ, thì bỗng…
“Mai hả, Quỳnh đây. Gọi mày mãi không được thế! Có chuyện này hay lắm buôn cho nhé. Thằng Thành bây giờ cặp với con Ly, bỏ con Liên rồi!”… Giọng nữ choe chóe phát lên từ hàng ghế đằng sau, Dương hết hồn quay xuống nhìn thì thấy một cặp đôi trẻ, chàng thì ngồi thêm nếm ở ngoài, còn nàng thì cứ oang oang buôn chuyện. Tiếng nói chuyện cứ chan chát, trong khi hành khách trên xe thì hết quay lại nhìn, đến dành cho cô nàng đang buôn ánh mắt khó chịu. Có người nhắc nhở: “Em ơi nói nhỏ thôi!”, thì cô nàng giảm volume xuống một chút rồi ngay đoạn cao trào là lại gào lên thích thú. Suốt từ đấy cho đến tận Hải Phòng, cặp đôi xì tin vẫn liên tục chọn phương án “gọi điện cho người thân” để thông báo đang đi “nghỉ trăng mật” ở Cát Bà. Dương thở dài, đúng là chuyến xe “quả tạ”!
Nói chuyện điện thoại ầm ỹ nơi công cộng là một thói quen xấu đấy teen ạ! (Ảnh minh họa)
Thật không may nếu ngồi cạnh những chiếc “loa phường” di động. Nhưng lại thật lạ lùng, là bạn có thể gặp những “cái loa” này ở bất cứ đâu, trên xe khách, quán cafe, bến xe buýt, rạp chiếu phim… Trên tay họ luôn là “chú dế”, dường như đã được nạp sẵn vài chiếc thẻ hoặc sim khuyến mại để thả phanh buôn chuyện. Buôn chuyện với bạn bè là sở thích của mỗi người, là chuyện riêng tư chẳng ai thèm quan tâm đâu. Khổ nỗi, “cái loa” ấy đang ở giữa chỗ công cộng chứ không phải phòng riêng. Những âm thanh không mong muốn cứ đập vào tai mọi người, ai mà chịu cho nổi!!
Đang ngồi cafe ở một quán thuộc dạng yên tĩnh và lịch sự nhất Hà thành, Hồng Nguyên (sn1991) và vài cô bạn phải giật mình vì đám khách ở ô bên cạnh. Các vị khách mặt non choẹt, có cậu còn mặc nguyên đồng phục đang thi nhau alô cho “đồng đội”, dặn dò “phải “thụt két” của bố mẹ cẩn thận vào vì đêm nay có chuyến bay lên tận sao Hỏa”. Quá ngứa tai, hội của Nguyên chuyển sang chỗ khác, nhưng tiếng ồm ồm của các dân chơi tuổi teen đang vỡ giọng vẫn cứ vang lên khắp quán.
Video đang HOT
“Mày ra thuê thằng thợ khóa cho nhanh. Anh em đang ngồi đợi, lấy “đồ” chưa? Tối nay lên New Square rồi về khách sạn”... Đáng lẽ những cái chuyện cực “tế nhị”, và không nên oang oang vì mức độ xấu xí và vi phạm pháp luật. Thì các cậu vẫn cứ hồn nhiên gào thét lên trong quán hầu hết khách đều là người lớn lịch sự. Tất cả mọi người đều ngoái lại nhìn ngó, vẻ mặt rất khó chịu.
Oang oang để thể hiện?
Dường như, chiếc điện thoại di động bây giờ ngoài công dụng để liên lạc, còn có một việc quan trọng nữa là để chủ nhân của nó khoe khoang, thể hiện. Ở chốn đông người mà thể hiện được sự giàu có, mối quan hệ ngất trời, hay chứng tỏ mình là dân chơi thì chắc là khoái lắm (!??).
Có những cô nàng, cứ ra cafe là rút alô ra thể hiện mối quan hệ với ca sĩ này, diễn viên nọ, rồi khoe mới mua LV với Gucci ở nước ngoài. Khoe đủ thứ miễn sao để những người xa lạ biết mình chảnh lắm. Không hiểu ra chỗ toàn người lạ thì thể hiện để được cái gì?
Hoặc ngồi ở những quán trà chanh, cafe mùa World Cup này, các bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những câu chuyện “trên 9 tầng mây” của một vài bạn trẻ. Nghe qua, ai cũng nghĩ họ giàu có kinh khủng, nói cá độ tiền chục, thậm chí trăm triệu mà nhẹ như lông hồng. Một tối thua đến vài chục quả (triệu) mà hôm sau vẫn tỉnh bơ ngồi cafe điều người này người kia đem tiền đến trả. Nhưng lắm khi, tưởng thế mà không phải thế!
Vào đợt World Cup, bạn bè thấy M.Quang (sn1993) chăm ra hàng trà chanh ở đầu phố hơn. Cứ chiều đến là cậu cầm điện thoại ra ngồi nhìn trời nhìn đất, và không quên gọi tứ tung để “hỏi về tình hình bóng bánh” và “thu xếp tiền nong”. Có hôm, những người ngồi gần Quang đều phải giật mình vì giọng cậu to còn hơn cả loa phát thanh: “Tối nay trận Ý thế nào? Hôm qua thua mất 20 quả. Đen thật. Hỏng mất con thắt lưng Hermes rồi!”. Cậu cứ thế gào lên về tỉ số các trận đấu, rồi tình hình độ bóng trên mạng ra sao, và thông báo về số tiền chục triệu thắng thua mỗi ngày, khiến mọi người phải tròn mắt nhìn Quang. Thấy người khác nhìn, Quang lại càng tăng volume và tiếp tục khoe những thứ đồ hiệu “đang đặt trên mạng, chỉ chờ trúng 30 quả đêm nay là sẽ rước về”...
Nhưng sự thực là gì? Quang cũng cá độ bóng, nhưng không phải 20-30 triệu như câu chuyện trên điện thoại, mà là 500 nghìn. Còn khoe đồ hiệu, Quang gọi về cho… đứa em họ, không quên dặn “Tao nói gì mày cứ kệ, cứ ầm ừ là được!”. (!?)
Thật không hiểu, Quang muốn khoe điều gì ở đây? Khoe mình đang vi phạm pháp luật “cá độ” bóng đá hay khoe mình là cái “thùng rỗng kêu to”?
Theo PLXH
"Level chém gió kinh dị" của teen thời nay
Khả năng "chém gió" của một vài xì tin bây giờ đã không còn dừng ở những câu chuyện trà đá vỉa hè, mà được "nâng cấp" thành đánh bóng hoàn toàn về bản thân với những chi tiết "ảo" không kém phim giả tưởng.
Google - chọn ảnh - thành "thiếu gia"!
Một vài xì tin bây giờ, đã bỏ xa những câu chuyện chém gió dạng "trà đá vỉa hè" vui vui, mà nâng cấp thành "bão cấp 5 giật trên cấp 12". Tự "môliphê" bản thân bằng các chi tiết "đỉnh của đỉnh" như con quan chức chính phủ, bố mẹ làm ở những tổ chức đắt giá nhất thế giới (không thèm bốc phét con giám đốc công ty bình thường nhé!), tiền tiêu cả quyển, đồ đạc toàn loại khủng với Vertu, Mobiado, xe Audi, xài Macbook và Ipad... Tất cả đều được họ "trình bày" trên Fb với đủ loại ảnh cóp nhặt trên mạng, sau đó tìm cách lừa đảo bạn bè. "Chém gió" thời 2010 đã biến tấu thành những màn "ảo" không kém gì phim viễn tưởng.
Câu chuyện hài hước xuất phát từ một vụ... đòi nợ không mong muốn của N (sn1990) với cậu bạn tên H.V. Nếu nhìn thấy profile của H.V trên Fb, có lẽ ai cũng nghĩ cậu bạn này có gia cảnh thật đáng để mơ ước, "hometown" tận Washington, post toàn ảnh phụ kiện đắt tiền và xài Vertu chưa đủ, còn phải "mua tạm" thêm em Nokia 8800 arte "dắt lưng" cho người ta khỏi chê. Sinh năm 1989, mặt mũi bóng bẩy và cũng ra dáng công tử, và nếu không có cú phốt vay 200k mà mãi không trả nổi với N, thì chắc cũng phải mất một thời gian lâu khá lâu nữa, người ta mới biết đâu là sự thật đằng sau "con trai giám đốc kỹ thuật Boeing ở Mỹ".
Hàng công nghệ "khủng" mà H.V cop trên mạng rồi trưng lên FB
Gia cảnh không có gì là nghèo khó, nhưng không hiểu sao H.V rất thích "tâng" mình lên thành "Con trai giám đốc kỹ thuật của hãng Boeing ở Mỹ. Nhặt nhạnh những tấm ảnh trên mạng, V khoe nhà mình nuôi... 28 con chó thuộc loại tiền tỉ, Nokia 8800, Macbook Air và PS3 hàng khủng, máy ảnh 5D Mark II, đàn piano mà chỉ V và... nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có. Tuy nhiên, nếu ai để ý sẽ thấy ảnh rời rạc và chẳng liên quan đến phông đằng sau gì cả. Khoe 28 con chó đẹp và đắt nhất (trong đó có giống Alaska thuần chủng sơ sơ 5000$), nhưng không có cái nào chụp cùng chủ. Cậu bạn N nói trên, đã không khỏi choáng khi hân hạnh được làm quen với một thiếu gia hàng đầu Việt Nam, lúc nào cũng mở miệng ra là "Dad của tao ở Mỹ...", rồi lái Audi vèo vèo ngoài đường, nhà ở khu biệt thự Thảo Điền đắt giá nhất Sài Thành. Nhưng thật hay là chưa bao giờ nhìn thấy những điều ấy ở ngoài đời thực. Nghi ngờ rồi bỏ công đi tìm kiếm, N phát hiện ra gia đình H.V làm gia công thú nhồi bông ở chân cầu Kiệu.
Đàn chó 28 con đắt giá, cũng có xuất xứ từ... Google!!
Công tử còn "ảo" đến mức tự lập lên Fb ảo để vào comment tung hô những bức ảnh chém gió của mình. "Bão cấp 12" chỉ tạm xẹt ngòi khi cậu lần lữa mãi không trả nổi món nợ 200k vay N trong một hôm bị kẹt "Ôsin đi vắng không về nhà lấy tiền được!" (?!). Biết được sự thật, N chỉ còn nước ngán ngẩm về khả năng "chém gió" và sống trong ảo tưởng của H.V.
Từ PG, thành tiểu thư con nhà danh giá!!
Cùng chơi với H.V là cô bạn T.M (sn1992), một PG trẻ tuổi có khả năng "chém gió"" cũng khá hoành tráng. Không "chém" là con đại gia, T biến mình thành con của một gia đình nghệ sĩ âm nhạc danh giá, 4 đời gia đình làm nghệ sĩ, ông nội là đại sứ âm nhạc của Việt Nam tại nước ngoài... T kể mình học piano từ năm 4 tuổi, tài năng của T có thể đi dự thi bất cứ cuộc thi âm nhạc nào, có điều cô nàng chưa muốn mà thôi!
Không biết có phải vì chơi với H.V nên bị lây bệnh "chém gió" không biết ngượng, mà đi tới đâu, T cũng thản nhiên giới thiệu về sự danh giá của mình. Còn những lần đi làm PG hội nghị, đám cưới hay chương trình quảng cáo thì lại giấu tiệt. Có điều, thật đen cho T khi một lần đến nhà anh bạn chơi, vẫn như mọi lần T liên tục khoe khoang "Em đánh đàn từ năm 4 tuổi", nhưng giữa phòng khách lại chình ình một cây đàn piano. Rất nhiều người yêu cầu T đánh một bài để xem trình độ "có thể đi thi bất cứ cuộc thi nào" ra sao. Cô nàng giãy nảy hết lý do này đến lý do khác, và nhất định không chịu ngồi vào đàn.
Khỏi phải nói sau vụ ấy, "thiên tài piano" xấu hổ tới mức nào. Thế nhưng có lẽ T vẫn chưa lường trước đến đoạn mọi người phát hiện ra gia đình cô chỉ bình thường như bao nhà khác, chẳng một ai làm nghệ sĩ và bản thân T cũng chưa từng "sờ" vào phím đàn piano nào. Giống như những kẻ đang mải miết chém gió khác, chỉ cần biết "sướng mồm" khoe khoang ảo tưởng chứ đâu hề nghĩ đến cảnh bị người ta vạch ra sự thật?
Theo PLXH
"Mốt" mới của teen girl: Giả mất đồ để khoe?! Khi đã chán các trò khoe mẽ thông thường, một vài teen girl lại chuyển sang kiểu "cao cấp" hơn hẳn: giả vờ bị mất đồ để khoe những thứ... chưa từng là của mình!! "Mới bị giựt mất túi LV"! Bạn bè của N.H (sn1989) đều tỏ ra thương cảm cho cô bạn đểnh đoảng, khi mà mới tháng trước vừa thấy...