Giật mình ngôn ngữ truyện thiếu nhi: bỏ mẹ rồi, mẹ kiếp
Theo phản ánh của nhiều bậc phụ huynh, trong cuốn truyện tranh của NXB Kim Đồng dành cho lứa tuổi thiếu nhi có xuất hiện nhiều từ ngữ thông tục, không phù hợp với lứa tuổi trẻ em.
Hiện tại, bộ truyện tranh “Tý quậy” của NXB Kim Đồng (được trao giải sách hay của Hội Xuất bản VN) đang được rất nhiều em nhỏ tìm đọc. Tuy nhiên, khi cầm tới quyển truyện của các bé, nhiều phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng trước những ngôn từ thiếu chuẩn mực dành cho trẻ em.
Chị T.L ( Đội Cấn, Ba Đình) bức xúc phản ánh: Thấy con gái học lớp 3 về đòi mẹ mua cho truyện Tý Quậy nên chị cũng cất công tìm kiếm tại các hiệu sách. Chị L. càng yên tâm khi đây là cuốn truyện do NXB Kim Đồng xuất bản. Tuy nhiên, sau một thời gian cô bé con chị thỉnh thoảng lại gọi bố mẹ là “ông già, bà già” một cách rất tự nhiên. Chị L. đã nghiêm khắc hỏi chuyện con thì mới vỡ lẽ “anh Tý Quậy cũng xưng hô như vậy”. Giật mình giở sách ra đọc chị còn thấy nhiều từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Trên diễn đàn webtretho.com, một phụ huynh cũng bất ngờ khi đọc truyện Tí Quậy. “Nhưng ngay từ trang đầu tiên là cảnh mấy bạn nhỏ đi học với nhau và xưng hô “mày-tao”. Đọc tiếp sang trang thứ 2 thì giật cả mình thấy 1 bạn thản nhiên gọi thầy giáo là “ông ấy”. Nhưng vẫn lật đật đầy hy vọng, em giở tiếp mấy trang sau thì không thấy có đoạn nhắc là không nên xưng hô như thế, không được gọi thầy như thế, mà câu truyện vẫn cứ tiếp tục… Em shock quá chẳng đọc nổi nữa, tự nhiên lên cơn bực cả mình gắt gỏng bà chị sao lại mua truyện này cho trẻ con đọc, bà í cũng giật mình bảo đây là truyện tranh giáo dục, của NXB Kim Đồng hẳn hoi mà”.
Một số phụ huynh cũng phàn nàn khi con cái trong gia đình cũng bắt đầu học theo các từ ngữ “chợ búa” trong truyện như “con ôn con”, “ông oánh chết giờ”…
Video đang HOT
Một bậc phụ huynh không dấu nổi bức xúc khi nghĩ rằng đây là bộ truyện tranh được NXB Kim Đồng – một nhà xuất bản rất uy tín nên không chú ý đến từng câu chữ trong truyện. Phụ huynh này thực sự sốc khi thấy những nội dung không phù hợp lại xuất hiện trên các trang truyện thiếu nhi một cách tràn lan. Gia đình từ đó đã không còn mua truyện “Tý Quậy” để cho con trai ở nhà đọc.
Bạn đọc Anh Trường tỏ ra băn khoăn: “Không biết tác giả và các biên tập viên truyện tranh Tý Quậy nghĩ gì, nhưng đối với tôi những từ ngữ như “bỏ mẹ, mẹ kiếp…” (trang 122, tập 5 – Tý Quậy, tác giả có vẽ ngôi trường đề bảng tiểu học của nhân vật Tý) là không thể chấp nhận trong một truyện tranh dành cho thiếu nhi do một nhà xuất bản thiếu nhi phát hành. Sao không dùng những câu như “Tiêu mình rồi, thôi xong rồi,…”?
Nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng kết cục của những trò dối trá, lừa bịp của Tý Quậy và bạn đều bị bố mẹ, thầy – cô giáo phát hiện và xử phạt, nhưng với cách miêu tả quá cụ thể ngôn từ xưng hô, quá chi tiết các trò lừa dối đã vô tình khiến cho những em nhỏ chưa đủ nhận thức phân biệt đúng – sai hồn nhiên bắt chước và áp dụng.
Theo VTC
Phản hồi vụ sách dạy gian lận và vô lễ
Về bộ sách "Kiến thức cho thiếu nhi" tập 3 có nội dung Làm thế nào để gian lận đã được Vietnamnet phản ánh, giám đốc NXB Kim Đồng, ông Phạm Quang Vinh nói: "Đây là lỗi biên tập đã không định hướng tốt cho người đọc và chưa có lời giới thiệu nói rõ tinh thần nguyên tác."
Sau khi có thông tin phản ánh về nội dung hai cuốn sách, NXB Kim Đồng và công ty cổ phần văn hóa giáo dục Long Minh (đơn vị liên kết xuất bản cuốn sách) đã họp và xác định, công tác biên tập phải rút kinh nghiệm để lần tái bản sau không có những lỗi như thế này nữa.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, giám đốc công ty cổ phẩn văn hóa giáo dục Long Minh nói: "Mục đích của công ty khi dịch cuốn sách là mong muốn học sinh Việt Nam có thể biết các bạn ở nước ngoài đọc sách gì, có những hiểu biết gì. Khi mua bản quyền và chuyển ngữ, theo luật, công ty phải rất tôn trọng nguyên tác."
Những nội dung này sẽ được định hướng lại để làm nổi bật tính giáo dục
Ông Sơn giải thích: Việc chuyển ngữ rất khó vì đó là văn hóa của hai nước. Trong cuốn sách, có những chỗ còn mang hơi hướng phương Tây chưa thể Việt hóa hết. Có nhiều nội dung, nếu Việt hóa hoàn toàn sẽ không chuyển tải hết được cách diễn đạt có tính chất đùa vui hay tếu.
Nói về nguyên tác, ông Sơn cho hay những nội dung về gian lận hay cách chọc giận người khác không có chú thích gì thêm. Theo ông Sơn, ngôn từ của nguyên tác trong những nội dung này bản thân nó đã có tính ước lệ. Khi gặp những từ ngữ này cũng đồng nghĩa với đó là "biển báo xấu". Còn khi dịch, việc chuyển tải thông điệp rõ ràng và có tính giáo dục ở những nội dung này đã không thành công.
"Chúng tôi sẽ sửa nội dung ở phần "Làm thế nào để gian lận?" theo hướng như: Những cách gian lận có thể có ở trường học và có lời nhắc nhở như là "các con không được làm như thế vì đó là việc xấu". Hay với nội dung trêu chọc người khác, tiêu đề có thể đổi thành: "Đây là những cách thiếu lịch sự khi trêu chọc người khác" và nhắc nhở thêm: "các con hãy đặt mình vào cảm giác của người bị trêu để hiểu sự khó chịu của họ" chẳng hạn." - ông Sơn cho biết.
Cuốn sách có cả những điều thông minh, ngớ ngẩn và cả kỳ quặc của thế giới trẻ em.
Theo ông Sơn, đây là bộ sách tốt, có nhiều kiến thức rất bổ ích và thực chất muốn để phụ huynh, giáo viên biết rằng học trò nghĩ đủ những thứ vu vơ trên đời, từ những điều vui vẻ bổ ích cho đến những điều kỳ quặc, thậm chí là ngớ ngẩn. Ở đâu con trẻ cũng đa số giống nhau, chỉ có đôi chút khác biệt. Đó là những nhu cầu của trẻ nhỏ, những cách va đập rất vu vơ với cuộc sống.
"Tư duy phương Tây cho rằng, ở một thời điểm nào đó, ở một lứa tuổi nào đó sau này, những điều tưởng chừng vu vơ đó có giúp các em nhiều hơn những điều bài bản, có thể là cội nguồn của sáng tạo. Những nội dung gian lận hay nhiều điều kỳ quặc vì đó là cuộc sống phong phú mà các em đang sống, có điều tốt lẫn điều xấu. Vì vậy, cuốn sách sẽ tiếp tục được tái bản sau khi sửa chữa."- ông Sơn nói thêm.
NXB Kim Đồng và công ty Long Minh gửi lời xin lỗi tới các bậc phụ huynh và quyết định, nếu họ muốn đổi sách ở hai lần xuất bản trước lấy sách ở lần tái bản sau, công ty sẽ đáp ứng yêu cầu.
Theo VNN