Giật mình học sinh tiên tiến lớp 9 không làm nổi… phép tính chia!
Đó là phép tính khó có thể tin nổi của em học sinh đạt danh hiệu Học sinh Tiên tiến năm lớp 4, và chuẩn bị tốt nghiệp lớp 5 ở Trường Tiểu học Đăk Kôi (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, Kon Tum).
Học sinh “đầu hàng” với phép tính chia
Không chỉ thực hiện các phép tính chia chưa thông thạo, mà thậm chí nhiều học sinh (HS) còn không biết đến các môn học khác như Hình học, Anh văn… Đây chính là thực trạng đang diễn ra không chỉ với HS tiểu học, mà còn tồn tại với các em HS bậc THCS người dân tộc Sơ Rá, xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy, Kon Tum).
Từng đạt danh hiệu HS Tiên tiến năm lớp 8, và đã học gần xong chương trình lớp 9, nhưng khi PV đưa ra phép tính Đại số để nhờ em A. T. (thôn 2, Đăk Kôi) thực hiện, sau gần 20 phút căng thẳng, T. đã đưa ra 4 kết quả khác nhau: 1.025/35=27 29,34 272 27,4 rồi cuối cùng em “đầu hàng” vì… khó quá! Không chỉ “bó tay” với phép tính dành cho HS bậc tiểu học, mà T. còn cho biết có một số môn học đã xong chương trình nhưng em không hề biết như Hình học, Vật lý…
Và nguyên nhân để T. dừng việc theo đuổi con chữ không phải vì em bị hổng kiến thức trầm trọng mà là vì: “Nhà em không có tiền cho em vào huyện học cấp 3, nên em nghỉ học ở nhà đi làm”, T. cho biết.
Là một trong số ít học sinh đạt danh hiệu HS Tiên tiến của năm lớp 4, và năm nay chuẩn bị tốt nghiệp bậc Tiểu học, nhưng em Y. X. (học lớp 5, trường Tiểu học Đăk Kôi) vẫn chưa thực hiện được phép tính chia có dư thông thạo. Không chỉ vậy, kết quả mà X. đưa ra sau một hồi trầy trật là: 205/15 = 1.528! Dẫu học lực như vậy, X. không chỉ được lên lớp đều đều mà còn được xếp vào loại có học lực Khá. Tuy nhiên, em X. không phải là một ví dụ cá biệt trong lớp em (17 HS), cùng học lớp với em có bạn còn… đọc chưa thạo.
Cũng chung “trình độ” như T. và X., em Y. L. (học lớp 4) với phép tính: 200/10 = 11. Em đã khoe với chúng tôi em là HS Tiên tiến năm lớp 3.
Phép chia không có dư của em Y. L., học sinh lớp 4.
Video đang HOT
Chưa thạo tiếng Kinh lại phải học tiếng Anh
Toàn xã Đăk Kôi hiện có 651 HS gồm các bậc từ mầm non đến THCS, và hiện tượng ngồi nhầm lớp đối với các em HS ở đây chỉ là “chuyện thường ở huyện”.
Tuy nhiên, làm việc với PV, thầy Trương Chí Tuyển – phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đăk Kôi cho rằng “ngồi nhầm lớp” là không phải, việc các em HS làm phép tính chia không được là do: “Đôi khi các em biết, nhưng người lạ mặt các em ít hợp tác với người ta”, thầy Tuyển giải thích.
Khi chúng tôi hỏi “Hiện trong trường có em HS nào vẫn chưa biết đọc không?” thì được biết, hiện tại lớp 6A và 6B có khoảng 3 em HS chưa biết đọc. Và thầy cho rằng, sở dĩ có các em HS này là vì “dưới đưa lên thì mình phải nhận”.
Một giáo viên (GV) dạy toán trong trường cho biết, đặc điểm của các em HS ở đây là khi làm phép tính nhân thì khá là thông thạo, nhưng khi làm phép tính chia thì lại hay… quên.
Thực trạng HS trong trường là vậy, nhưng thầy Tuyển vẫn khẳng định: “Việc các em HS của trường được lên lớp là vẫn đủ tiêu chuẩn theo Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT”.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thiện – Trưởng Phòng Giáo dục huyện Kon Rẫy nhận định, việc “ngồi nhầm lớp” của các em HS dân tộc thiểu số ở đây là có, nhưng để xóa bỏ vấn đề này nó không phải là một sớm, một chiều là xóa bỏ được. Và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên đó là do hoàn cảnh gia đình của các em còn nhiều khó khăn, khoảng cách từ nhà đến trường còn xa tính tự giác học tập và chuyên cần của các em chưa cao…
Ngoài ra, nguyên nhân rất quan trọng ở đây chính là việc các em chưa có một chương trình học riêng, mà phải học chung chương trình như tất cả các HS khác trên cả nước. Trong khi tiếng mẹ đẻ của các em không phải là tiếng Việt phổ thông, nên việc nói tiếng Việt của các em cũng phải qua quá trình học lâu dài mới thông thạo. Không chỉ vậy, các em HS cấp 2 còn phải “gánh” thêm môn ngoại ngữ Anh văn.
Trong khi đời sống của các em còn khó khăn, hàng ngày phải lên nương rẫy với cha mẹ, nên lượng kiến thức chung này đã trở thành gánh nặng không nhỏ đối với các em HS nơi đây, khiến các em khó mà tha thiết với việc học con chữ. Chính vì vậy, ngồi nhầm lớp là chuyện không khó hiểu đối với các em HS dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Phép chia của em Y. X.
Mong ước của giáo viên vùng sâu
Theo tâm sự của GV vùng sâu, là GV thì chẳng ai muốn HS mình phải ngồi nhầm lớp. Nhưng nếu không để các em ngồi nhầm thì các thầy, cô giáo sẽ phải đối mặt với không ít áp lực. Trong khi thực tế là vậy, nhưng dường như ngành giáo dục vẫn chưa đối mặt với thực trạng này, để tìm ra giải pháp giúp các em HS nơi đây tiếp nhận được lượng kiến thức phù hợp với khả năng của các em, thay vì cứ bắt các em “chạy” theo HS đồng bằng, thành thị. Các GV cho rằng cần tìm hiểu tình hình giáo dục ở từng địa phương để giúp các em HS đồng bào dân tộc thiểu số có một chương trình cải cách giáo dục phù hợp với đặc thù vùng của các em (chưa thạo tiếng Kinh, cuộc sống còn nhiều khó khăn, ít được giao tiếp với xã hội hiện đại…).
Trong khi đó, với các chỉ tiêu mà Bộ GD đưa ra phải hoàn thành, các lãnh đạo cấp địa phương vì muốn đạt được thành tích nên đã đưa ra các tiêu chí nhất định về tỉ lệ số HS đạt giấy khen, HS được lên lớp… để yêu cầu các GV phải đạt được trong mỗi năm học, mà không để ý đến chất lượng thực tế.
Trước những “sức ép trên”, các GV phải đối mặt với việc: giữ được “thành tích” đồng nghĩa với việc giữ được công việc. Nên dù biết học lực của các HS của mình chỉ phù hợp ngồi lớp 1, nhưng các thầy cô vẫn phải cho các em lên lớp và tốt nghiệp THCS. Một GV công tác tại xã Ia Kreng ( Chư Păh, Gia Lai) còn tâm sự với PV về khó khăn mà các thầy cô ở đây gặp phải đó là, nếu không cho các em HS lên lớp thì các em sẽ không chịu đến trường, vì các em cho rằng năm trước học lớp này rồi thì năm nay học nữa làm gì. Mặc dù kiến thức của các em chỉ đáng để học lại. Và cứ như thế, những em HS nơi đây cứ đến trường cho đến khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp mà kiến thức thì chỉ dừng lại ở mức “viết thạo, đọc gần thông”.
Ông Đặng Quang Vinh – nguyên Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chư Păh (Gia Lai) từng thừa nhận, việc ngồi nhầm lớp rất phổ biến đối với HS dân tộc thiểu số ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Khi khả năng tiếng Việt của các em vẫn còn hạn chế, thì việc bắt các em phải học chương trình chung của cả nước là vấn đề quá sức đối với các em và cũng là quá sức đối với ngành giáo dục địa phương. Và ông Đặng Quang Vinh từng bày tỏ mong muốn của mình là trong tương lai gần, Bộ GD sẽ có một chương trình học phù hợp với HS nơi đây.
Đây không chỉ là mong ước của ông Vinh mà cũng là nguyện vọng của ông Nguyễn Thiện – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kon Rẫy.
Theo Dantri
Bình Định: 78 học sinh "ngồi nhầm" lớp
Chiều 5/3, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó phòng GD-ĐT huyện An Lão (Bình Định), xác nhận huyện này đang có 78 học sinh THCS, tiểu học mất căn bản về kiến thức.
Hiện tượng "ngồi nhầm" lớp được phát hiện sau kỳ thi kiểm tra học kỳ 1 năm học 2012-2013 vừa qua. Trong đó có đến 66 học sinh các lớp 8, 9 chưa thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia; 12 học sinh lớp 3 chưa biết đánh vần hết chữ viết.
Theo ông Bình, nguyên nhân của tình trạng này do nhà trường và gia đình chưa phối hợp chặt chẽ trong giáo dục, một số trường còn chạy theo thành tích, ngại cho học sinh lưu ban, sợ học sinh bỏ học... "Ngoài ra, còn do bất cập từ quy định học sinh hộ nghèo được ưu tiên lên lớp nên dẫn đến tình trạng trên" - ông Bình nói. Tuy nhiên, theo một số giáo viên ở An Lão, tình trạng học sinh mất căn bản về kiến thức từ lớp dưới ở địa phương xảy ra khá phổ biến từ nhiều năm nay.
Hiện tại, Phòng GD-ĐT huyện đã yêu cầu các trường trên địa bàn huyện tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng ngoài giờ cho học sinh yếu kém để khắc phục tình trạng học sinh mất căn bản về kiến thức; xem xét xử lý những trường hợp chạy theo thành tích. Trước mắt các trường "chữa cháy" bằng cách buổi sáng cho các em này học lớp 8, lớp 9, buổi chiều học lại lớp 5 để tập làm các phép tính thông thường; hay học sinh tiểu học thì buổi sáng học lớp 3, lớp 4, buổi chiều học lại lớp 1 để tập đánh vần!
Tình trạng học sinh mất căn bản về kiến thức từ lớp dưới ở địa phương xảy ra khá phổ biến từ nhiều năm nay - Ảnh minh họa
Cùng ngày, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết đã yêu cầu ngành giáo dục huyện tiến hành ngay đợt thanh-kiểm tra nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các trường học. Huyện sẽ thực hiện luân chuyển, bố trí lại cán bộ, giáo viên ngành giáo dục hợp lý hơn tại một số địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, giáo viên vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 5/3 về tình trạng trên ở An Lão, ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, tỏ ra ngạc nhiên nói: "Tôi sẽ kiểm tra lại và có ý kiến sau". Còn ông Nguyễn Xuân Bình nói: "Đây là chuyện nội bộ của ngành giáo dục huyện nên chúng tôi không báo cáo Sở GD-ĐT!".
Theo Tấn Lộc - Bảo Chung (Pháp luật TP.HCM)
GS Ngô Bảo Châu được Viện Fields vinh danh Theo tin trên website của Viện Fields (Toronto, Canada), từ ngày 15 đến 18-10 tại viện này sẽ diễn ra hội nghị chuyên đề "Nguyên tắc cơ bản của chương trình Langlands" để vinh danh GS Ngô Bảo Châu. Hội nghị chuyên đề sẽ tập trung vào công trình của GS Ngô Bảo Châu, các ảnh hưởng tiềm ẩn cũng như hiện tại...