Giáo viên vi phạm nên bị tước chứng chỉ hành nghề như bác sĩ ?
Ngành giáo và ngành y liên quan đến xã hội rất nhiều, vậy giáo viên vi phạm các quy định nhà giáo cũng nên bị tước chứng chỉ hành nghề giống như với ngành y?
Ông Trịnh Hồng Sơn phát biểu trong hội thảo – HÀ ÁNH
Sáng 29.3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật giáo dục (sửa đổi). Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục.
Phát biểu trong hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Khanh, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế TP.HCM, đặt vấn đề: “Ngành giáo và ngành y liên quan đến xã hội rất nhiều. Trong khi ngành y cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm việc trong ngành và người vi phạm có thể bị tước thẻ hành nghề. Vậy nên chăng giáo viên vi phạm các quy định nhà giáo cũng nên bị tước chứng chỉ hành nghề giống như với ngành y?”
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hoá-xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM thì quan tâm đến chính sách tín dụng với người học. Bà Nhung nói: ” Trong dự thảo chỉ có chính sách tín dụng với sinh viên sư phạm, còn các sinh viên khác thì sao? Trong khi hiện các trường ĐH thực hiện tự chủ tài chính, học phí rất cao và học phí này đang đổ trên vai người học. Nếu không được tiếp cận chính sách tín dụng này thì người học sẽ rất khó khăn trong thời gian tới khi các trường đồng loạt thực hiện tự chủ”.
Không phân biệt được ĐH công lập hay tư thục
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, đặt vấn đề: “Luật quy định chỉ thành lập trường dân lập với bậc mầm non là chưa ổn vì nói như vậy thì các bậc khác không có? Và cách nói này mâu thuẫn với điều 43 khi nói trung tâm học tập cộng đồng cũng là dân lập”.
Theo bà Thảo, hiện nay có nhiều trường ĐH đang tồn tại nhưng không xác định được trường công lập hay dân lập, chưa rạch ròi hẳn công lập hay tư thục. Chẳng hạn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường công hay tư, hoặc Trường ĐH Hoa Sen tư thục nhưng vẫn phải có sự đóng góp nhà nước về đất đai…”.
Video đang HOT
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM), thì cho rằng cần làm rõ nội dung “thương mại hoá hoạt động giáo dục”, khái niệm này quá rộng, ở chỗ này vừa khuyến khích xã hội hoá nhưng lại cấm thương mại hoá thì cần phải cân nhắc điều này.
Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội thảo về luật Giáo dục sửa đổi – HÀ ÁNH
Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về SGK
Ông Trịnh Hồng Sơn, Hội cựu giáo chức TP.HCM, cho rằng chỉ nên có một bộ SGK và do hội đồng biên soạn thẩm định. Tôi nghe nói TP.HCM sẽ có bộ SKG riêng, nếu TP.HCM có được thì các tỉnh thành khác cũng có và càng thêm lãng phí.
Ông Sơn cho rằng, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã thả lỏng việc in ấn và phát hành SGK. Đúng ra, bộ sách này phải được Bộ GD-ĐT quản lý chặt chẽ và chịu trách nhiệm chính, không nên để NXB Giáo dục độc quyền biên soạn, xuất bản SGK. Bộ này có thể quyết định lựa chọn NXB in ấn phát hành SGK nhưng bộ này phải đứng ra quản lý.
Theo Thanh Niên
Đề xuất có quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức nhà giáo vào trong dự thảo luật.
Ảnh minh họa/internet
Theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bắt đầu khoảng 3 năm gần đây Ủy ban Tư pháp rất quan tâm đến hiện tượng bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục, hiện tượng học sinh cơ sở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bị xâm hại tình dục, đặc biệt thời gian gần đây nổi lên một số vụ.
"Chúng tôi nhận thức được đó chỉ là những vụ cá biệt, tuy là cá biệt nhưng dư luận xã hội rất quan tâm. Vì lâu nay xã hội vẫn quan niệm rằng, đây là một nghề cao quý, trong con mắt của người dân họ vẫn rất tôn trọng giáo viên" - bà Nga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Nga, do xã hội phức tạp nên một vài người làm lệch chuẩn mực và ai vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý. "Trong luật này tất cả các giải trình tiếp thu tôi đều đồng tình, tôi mong sẽ đưa vào Chương VI: "Nhà trường, gia đình và xã hội", đề nghị cân nhắc có thêm điều phù hợp với luật về trẻ em. Theo đó xác định trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ người học dưới 18 tuổi" - bà Nga đề xuất.
Liên quan đến tiêu chuẩn nhà giáo và các hành vi nhà giáo, bà Nga trao đổi: chương Nhà giáo có Điều 72 là các hành vi nhà giáo không được làm.
Điều 67 tiêu chuẩn nhà giáo quy định: "Nhà giáo có những tiêu chuẩn sau: Một là, phẩm chất tư tưởng, đạo đức tốt, tâm huyết với nghề nghiệp, có phong cách tự trọng. Hai là, đạt trình độ chuẩn và được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Ba là, đảm bảo sức khỏe.
Bà Lê Thị Nga
Bà Nga đề xuất, nếu có thể được, Luật sẽ thiết kế thêm về chuẩn mực đạo đức. Ví dụ trong nghề y có y đức. Nếu được sẽ đưa vào Điều 67 theo hướng tiêu chuẩn giáo viên phải đáp ứng các chuẩn mực của bộ quy tắc ứng xử do Bộ GD&ĐT quy định, tránh trường hợp xảy ra thời gian qua.
Liên quan đến nội dung này, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội nêu ý kiến:Toàn bộ Chương IV liên quan đến nhà giáo, trong đó có nêu vị trí, vai trò, tiêu chuẩn của nhà giáo, chính sách đối với nhà giáo, đào tạo, bồi dưỡng, v.v...
Điều 72 của dự thảo Luật quy định về các hành vi nhà giáo không được làm. Quy định này chỉ là không được ép buộc học sinh đi học thêm để thu tiền. Nếu học sinh tự nguyện đi học thêm, tự nguyện đóng tiền thì vẫn được.
Theo bà Hải, chương nhà giáo đã tương đối đầy đủ, bản thân bà cũng được đào tạo từ ngành sư phạm ra, cũng thấy rằng, nếu tất cả những hành vi này nhà giáo phải tuân theo thì sẽ đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.
Bà Nguyễn Thanh Hải
"Tuy nhiên phần dạy thêm, cụ thể là vấn đề quản lý các thầy cô giáo ra sao? Nếu xảy ra sai phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật nhưng trong các điều của nhà giáo không được làm thì quản lý nhà nước ở đây như thế nào?
Đó là vấn đề tôi rất trăn trở, đề nghị các đồng chí nếu được thì có thể nghiên cứu bổ sung đưa thêm một số điều ở đây" - bà Nguyễn Thanh Hải đề xuất.
Minh Phong
Theo giaoducthoidai
Thầy giáo dâm ô học sinh tại lớp học thêm thì xử thế nào? Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo có ảnh hưởng sâu rộng. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo xuất hiện tuy không nhiều nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là tác động lên đối tượng vị thành niên....