Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo: Không nên chỉ chấn chỉnh trên các văn bản chỉ đạo
Tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy cần phải có biện pháp triệt để hơn đối với tình trạng vi phạm đạo đức chứ không chỉ chấn chỉnh trên các văn bản chỉ đạo.
Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) nơi xảy ra vụ việc giáo viên bị tố sàm sỡ học sinh. Ảnh: M.T
Những câu chuyện “động trời”
Nghi án về tin nhắn gạ tình của thầy giáo Trường THPT chuyên Thái Bình gửi nữ sinh lớp 10; vụ việc thầy giáo sờ mông, sờ đùi, véo tai học sinh lớp 5 ở Bắc Giang… khiến dư luận những ngày qua dậy sóng về tình trạng vi phạm đạo đức của giáo viên. Đáng tiếc những câu chuyện này không phải lần đầu xảy ra. Vào cuối tháng 12/2018, ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) bị bắt vì lạm dụng tình dục nhiều học sinh. Cũng trong tháng 12/2018, một thầy giáo dạy thể dục ở Gia Lai đã lừa chở nữ sinh lớp 8 đi chỉ đường, sau đó dùng vũ lực thực hiện hành vi đồi bại.
Không chỉ chuyện dâm ô, xâm hại tình dục, nhiều giáo viên cũng nhẫn tâm đánh học sinh, có những hình phạt học sinh đến mức gây thương tích. Vụ việc giáo viên phạt tát học sinh bằng 231 cái tát, đánh học sinh bầm tím, ép học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng… Dẫu rằng đây chỉ là những hiện tượng cá biệt song những hành vi lệch chuẩn này đã làm mất đi hình ảnh cao đẹp của nhà giáo, làm giảm niềm tin của xã hội với giáo dục.
Lên án những trường hợp nhà giáo vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong thời gian qua, GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay cả nước có tới hơn 1 triệu giáo viên, học sinh cũng tới trên 24 triệu học sinh, với một quy mô lớn như vậy, rất có thể sẽ nảy sinh ra các vi phạm của nhà giáo. Tuy nhiên, dù thế nào thì giáo viên cũng không thể đổ lỗi cho sức ép nào đó mới dẫn đến hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí xâm hại, xúc phạm thân thể học sinh. Những giáo viên vi phạm, cần căn cứ vào các quy định hiện nay để xem xét loại ra khỏi ngành giáo dục.
Để làm trong sạch môi trường giáo dục, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua là những hiện tượng dị biệt, khó có thể chấp nhận được với những người như thế khi đứng trên bục giảng. Dù chỉ là cá nhân, song liên tiếp xảy ra các vụ việc còn cho thấy một bộ phận giáo viên hiện nay đang suy thoái về đạo đức gây mất niềm tin trong xã hội. Những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo phải xử lý nghiêm và cương quyết đưa ra khỏi ngành”.
Cần loại bỏ nhà giáo không xứng đáng
Video đang HOT
Theo các nhà quản lý giáo dục, hiện nay Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về đạo đức nhà giáo; nhiều nhà trường cũng ban hành quy chế làm việc, trong đó quy định rõ những việc nhà giáo được làm và không được làm… Bên cạnh đó là một loạt các văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo, quán triệt, chấn chỉnh để nâng cao đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là phải xử lý nghiêm với những trường hợp vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục phải thực hiện đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp. Với giáo viên, phải ý thức được giá trị nghề nghiệp cũng như lòng tự trọng nghề nghiệp để luôn không ngừng phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Về phía các nhà trường, cần phổ biến lại các quy định về đạo đức nhà giáo, đồng thời cho giáo viên phải ký cam kết không vi phạm. Trường hợp vi phạm cam kết, vi phạm đạo đức nghiêm trọng thì xem xét loại ra khỏi ngành. Trong tuyển chọn “đầu vào” sư phạm, bên cạnh việc dựa vào điểm số cũng cần xem xét thêm các yếu tố khác như lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức.
Về vấn đề giải pháp, GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng, chúng ta đã có các quy định, Luật Giáo dục, Bộ GD&DT cũng có một số các quy định khác như:Điều lệ nhà trường, quy định nhà giáo… Song cũng cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này, để tránh tình trạng giáo viên vi phạm. Các văn bản luật cũng cần được hướng dẫn cụ thể, triển khai theo các cấp, quán triệt tới từng cán bộ, giáo viên về những hành vi giáo viên không được làm. Ngành Giáo dục cũng phải có sàng lọc, nếu những giáo viên không xứng đáng là thầy cô giáo thì nên sa thải.
“Người giáo viên hiện nay trước yêu cầu của đổi mới giáo dục, đặc biệt sắp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ là có trình độ, chuyên môn mà còn phải có phương pháp giáo dục, đạo đức và tâm huyết. Ngành giáo dục phải nghiêm ngặt hơn, thời đại của con người đề cao vai trò của con người, cho nên là cần đề cao tính nhân văn, giáo dục đối với học sinh. Cần xem xét lại chặt chẽ hơn quá trình đào tạo giáo viên, để tuyển chọn được những nhà giáo có trình độ, yêu mến học sinh” – GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ thêm.
Sau hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại học sinh diễn ra trong thời gian qua, mới đây Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT trên phạm vi cả nước về việc đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, cần phải nhận thức về những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là bài học sâu sắc đối với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.
Theo giadinh.net.vn
Cảnh báo vấn nạn 'thầy biến thái' trong trường học
Trong khi vụ việc thầy giáo chủ nhiệm say xỉn sàm sỡ hàng loạt nữ sinh lớp 5 ở Bắc Giang đang được các cơ quan chức năng làm rõ, thì hàng loạt tin nhắn "gạ tình" của thầy giáo ở Thái Bình với nữ sinh lớp 10 cũng đang được phát tán trên mạng xã hội. Sẽ còn bao nhiêu "thầy giáo yêu râu xanh" dưới tảng băng chìm?
Các cô gái bé nhỏ làm sao đủ sức chống cự trước những lời tán tỉnh có cánh của "thầy" ... Ảnh minh họa
Từ sàm sỡ tới tán tỉnh sởn gai ốc
Mới đây, một thầy giáo ở trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị phụ huynh tố cáo có hành vi dâm ô với 15 nữ sinh lớp 5. Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiên Sơn, ông đã nắm được thông tin vụ việc một giáo viên của trường bị tố có hành vi xâm hại tình dục với nhiều học sinh trong lớp.
Vào trưa ngày 1/3 (ngày hội truyền thống của làng) giáo viên Dương Văn M. chủ nhiệm lớp 5A nhận lời mời của 2 phụ huynh học sinh đến ăn cơm, trong bữa cơm anh M. có uống rượu. Chiều 1/3 thầy vẫn lên lớp giảng dạy bình thường và có hành động là véo vào mũi, vỗ tai và mông nhiều học sinh.
Trước đó, phụ huynh có con học lớp 5A trường tiểu học Tiên Sơn - lớp do thầy Dương Văn M. chủ nhiệm bức xúc tố cáo hành vi xâm hại tình dục của thầy giáo này với nhiều nữ sinh của lớp. Theo phản ánh, giáo viên Dương Văn M. đã có hành vi "sờ nắn, bóp....." vào vùng nhạy cảm của 13 em học sinh nữ trong lớp. Thầy giáo M. đã thừa nhận hành vi của mình bằng bản tường trình gửi các cơ quan chức năng.
Trong khi sự việc trên đang được làm rõ thì một loạt tin nhắn thầy giáo chủ nhiệm trường chuyên có tiếng ở Thái Bình tán tỉnh và gạ tình nữ sinh lớp 10 khiến dân mạng sôi sục: "Muốn em quyện vào thầy khi ở bên nhau"; "Em cứ nghĩ thầy là người đầu tiên trong đời làm em cảm thấy hạnh phúc thực sự, là người đàn ông yêu em hết mực"... Đó là những lời tán tỉnh và gạ tình gây sởn gai ốc mà thầy chủ nhiệm gửi cho nữ sinh đáng tuổi con mình.
Theo N.T.L.A, người công khai loạt tin nhắn này, thầy giáo kia tên T. hơn 40 tuổi, đã có vợ con. Ban đầu nữ sinh tên M. khó chịu khi nhận tin nhắn tán tỉnh từ thầy T. nhưng sau đó bị cưa đổ trước lời mật ngọt của ông ta. Thầy T. căn dặn xóa tin nhắn nhưng M. không làm theo và đưa cho bạn thân đọc để rồi bị chụp lại.
Sau đó, bạn của nữ sinh phát tán loạt tin nhắn này trong nhóm Facebook của lớp. Khi quá sức chịu đựng vì bị thầy T. liên tục quấy rối, nữ sinh đã kể lại với ban giám hiệu. Thế nhưng, có lẽ vì sợ danh tiếng của trường bị ảnh hưởng nên ban giám hiệu làm ngơ và tiếp tục để thầy T. công tác.
Đừng để "sự đã rồi"
Có thể nói ngành giáo dục đã xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề giáo viên xâm hại tình dục học sinh như vụ thầy giáo dạy đạo đức ở Quảng Nam dâm ô nhiều học sinh tiểu học đã bị tuyên án 24 năm tù giam; thầy giáo dạy tin học dâm ô nhiều lần đối với nhiều học sinh nữ ở Nghệ An; thầy giáo thể dục xâm hại nữ sinh lớp 8 ở An Giang nhiều lần; thầy giáo dạy thể dục ở Hoài Đức, Hà Nội cưỡng dâm nữ sinh lớp 7...
Và những ngày cuối năm vừa qua, vụ việc ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú THCS Huyện Thạnh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã lạm dụng hàng loạt học sinh nam tại trường khiến nhiều học sinh vì bị ám ảnh, áp lực đã phải nghỉ học.
Theo thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen. Và 47% thủ phạm là người quen, người thân trong gia đình. Điều đáng lưu ý là phần lớn các vụ xâm hại nói trên xảy ra ở trường học và chính ở nhà của nạn nhân hoặc phạm nhân, những địa điểm thường được coi là an toàn đối với trẻ mà các bậc cha mẹ tin tưởng nhất.
Vì thế, theo các chuyên gia bảo vệ trẻ em, các nhà lãnh đạo giáo dục cần ngăn chặn hành vi tình dục sai trái như không cho phép việc gặp gỡ trực tiếp học sinh và giáo viên trong môi trường riêng tư, yêu cầu phải có ít nhất 2 người lớn có mặt trong các sự kiện và các chuyến đi ra ngoài trường, đưa ra quy định về chuẩn mực tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh...
Điều đáng buồn hơn nữa là trong những vụ việc đau lòng như thế chỉ thấy có sự ca thán của các phụ huynh và tiếng nói yếu ớt của nhiều giáo viên, chính quyền địa phương. Còn Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Phụ nữ... ít có hành động để bảo vệ các em.
TS Vũ Thu Hương - Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, ngoài việc tăng cường giáo dục giới tính cho học sinh ở cả gia đình và nhà trường cần phải tăng nặng hình phạt đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em vì trẻ em là đối tượng cực kỳ yếu thế, những tổn hại về tinh thần và thể xác đối với các em sau những vụ việc như thế là không thể đo đếm được.
Chính vì vậy, những vụ xâm hại trẻ em cần phải được liệt vào những vụ trọng án, có hình thức xử lý thật nghiêm minh, phạt tội thật nặng để làm gương cho kẻ khác.
Ở góc độ trang bị kiến thức cho cha mẹ, ông Nguyễn Huy Tùng - Trưởng phòng Đào tạo, Giảng viên Trung tâm Phòng chống tai nạn thương tích Trẻ em - Hội bảo vệ Quyền trẻ em cho biết, những nguyên tắc đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho cha mẹ đó là không thay quần áo trước mặt con; dạy cho con biết đi đâu phải xin phép; con không được nhận quà của người lạ khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ; dạy con nhớ ít nhất ba số điện thoại của người thân; tạo mật khẩu riêng an toàn của gia đình; liên hệ với Tổng đài quốc gia 111 khi cần hỗ trợ.
Bên cạnh đó các bậc phụ huynh nên căn cứ theo độ tuổi của trẻ để trang bị cho trẻ những kiến thức về quấy rối, xâm hại và bắt cóc một cách đầy đủ ngay từ nhỏ. Theo ông Tùng, từ 5 tuổi trở lên là độ tuổi thích hợp để nói với con về vấn đề này.
Ba mẹ nên để con tiếp cận từ từ, tránh trường hợp dạy con dồn dập, làm trẻ cảm thấy "bị ngợp", hoang mang và lo sợ, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý các con. Mặt khác, ba mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý vững vàng khi con ở độ tuổi dậy thì và tìm hiểu những cách đối phó với những sự thay đổi đột ngột, bất thường của trẻ trong giai đoạn này.
Nguyễn Mỹ
Theo baophapluat
Tin nhắn gạ tình và những bàn tay nhơ nhuốc trên bục giảng Thật đau xót khi nhận ra, từ nay, ngoài bài học về "tôn sư, trọng đạo" tôi sẽ phải dạy thêm con cách đối phó với những giáo viên "dê xồm". Hiệu trưởng dâm ô nhiều nam sinh ở Phú Thọ gây rúng động dư luận Chỉ cần vào google gõ cụm từ "thầy giáo dâm ô", trong vòng 0,32 giây tôi thu...