Giáo viên và học sinh hiểu biết hơn ai hết về chất lượng của sách giáo khoa mới
Khi triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới vào các năm tới đây, vai trò và trách nhiệm của các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp là rất to lớn.
Báo Người lao động đưa tin, ngày 29/11, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học nhằm phổ biến rộng rãi, cụ thể chương trình mới.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng tất cả các trường học đều phải mua đưa vào tủ sách chung và giáo viên phải đọc hết các bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, công bố.
Từ đó giáo viên mới có thể tham mưu được hiệu trưởng nên chọn sách nào để đưa vào giảng dạy cho chương trình lớp 1 năm 2020 – 2021, trong quá trình lựa chọn lưu ý đến độ phù hợp và hình ảnh, tranh vẽ, ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh từng vùng miền.
Theo Luật Giáo dục, việc lựa chọn sách giáo khoa dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành quyết định, lựa chọn, nhưng do điều kiện về thời điểm áp dụng Luật Giáo dục chưa thực hiện được nên theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa, như vậy hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định cùng tập thể đội ngũ giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh học sinh để áp dụng vào trường.
Việc các trường sẽ lựa chọn bộ sách nào cho chương trình mới là điều nhiều người quan tâm.(Ảnh minh hoạ, nguồn: TL/Dangcongsan.vn)
Theo tôi, định hướng như vậy của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện chương trình giáo dục mới ở cấp tiểu học là hợp lý.
Video đang HOT
Mỗi thầy cô giáo đều phải đọc, tham khảo hết các bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, công bố để từ đó có thể tham mưu được hiệu trưởng nên chọn sách nào để đưa vào giảng dạy cho chương trình lớp 1 năm 2020 – 2021.
Như vậy, khi triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới vào các năm tới đây, vai trò và trách nhiệm của các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp là rất to lớn và nặng nề.
Các giáo viên, nhất là giáo viên cốt cán cần dành nhiều thời gian và công sức để đọc, đánh giá và chọn lựa về chất lượng, về mức độ phù hợp của các bộ sách giáo khoa (đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, công bố) đối với học sinh của mình.
Các trường phải kịp thời mua đủ số sách giáo khoa về cho giáo viên đọc, tham khảo.
Hiệu trưởng các trường phổ thông biết cách quan tâm, động viên tinh thần thầy cô giáo, kể cả phụ huynh và học sinh để họ sáng suốt đề xuất, tham mưu cho mình ra quyết định, lựa chọn được các bộ sách giáo khoa phù hợp, tốt nhất.
Sau một năm học thực hiện bộ sách giáo khoa ấy, thấy có một số chỗ bất cập, không phù hợp, chưa hay, thậm chí sai sót… thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh có quyền kiến nghị và đề xuất với Hiệu trưởng cho sử dụng bộ sách giáo khoa khác trong năm học đến.
Thay đổi, điều chỉnh việc sử dụng sách giáo khoa có thể diễn ra ở từng năm học, tới khi nào học sinh và thầy cô giáo cảm thấy mấy bộ sách giáo khoa này là chuẩn nhất, phát huy được tối đa yêu cầu về năng lực của người học.
Cho dù thời điểm áp dụng Luật Giáo dục được thực hiện, khi mà Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành quyết định, lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn thì vai trò, tiếng nói của giáo viên và học sinh vẫn rất quan trọng, các hội đồng thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa ở các địa phương không thể bỏ qua hoặc xem nhẹ.
Bởi vì, giáo viên – học sinh, hai chủ thể chính của hoạt động dạy học hiểu biết, trải nghiệm hơn ai hết về chất lượng, về mức độ phù hợp của các bộ sách giáo khoa.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Phụ huynh được tham gia chọn sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT), với nhiều nội dung đáng chú ý.
Đặc biệt, ngoài việc giáo viên "áp đảo" trong Hội đồng lựa chọn SGK, đại diện phía phụ huynh cũng được tham gia vào nhóm 11 người "đầy quyền lực".
Bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Giáo viên "áp đảo" trong Hội đồng
Dự thảo nêu rõ, SGK được lựa chọn phải thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt; mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK. Việc lựa chọn SGK đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở GDPT. Hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập. Mỗi trường tiểu học, THCS, THPT thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng lựa chọn SGK gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Những người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các nhà xuất bản không được tham gia hội đồng lựa chọn SGK.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp của Hội đồng lựa chọn SGK được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký. SGK được lựa chọn phải được trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý. Dự thảo cũng nêu rõ, người đứng đầu cơ sở GDPT công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn và niêm yết tại trường trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 5 tháng.
Chỉ áp dụng tạm thời
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh dự thảo Thông tư trên, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, dự thảo Thông tư đã làm rõ vai trò của đội ngũ chuyên môn, đặc biệt là các Tổ bộ môn, Tổ chuyên môn. Đây sẽ là thành phần mang tính quyết định trong quá trình lựa chọn SGK, bởi họ có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những nhận định, sau đó đề xuất lên Hội đồng, lãnh đạo nhà trường. "Việc quy định chỉ cần trên 50% số thành viên Hội đồng nhất trí là sách đã được lựa chọn cho thấy, vai trò vô cùng quan trọng của các tổ chuyên môn" - ông Thành nhấn mạnh.
Nói về câu chuyện sau ngày 1/7/2020 - Luật Giáo dục có hiệu lực, trong đó quy định UBND cấp tỉnh sẽ là đơn vị lựa chọn SGK cho địa phương mình (thay thế cơ sở giáo dục như hiện tại), ông Thành cho biết thêm: "Chúng tôi đã tính đến tình huống này. Có thể hiểu, bản dự thảo Thông tư nói trên sẽ giải quyết mang tính lâm thời, áp dụng cho đến khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Chúng tôi sẽ xây dựng một Thông tư khác theo hướng hủy bỏ Thông tư nói trên hoặc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của luật".
Trước băn khoăn về việc khi Luật Giáo dục có hiệu lực, chính quyền cấp tỉnh sẽ là cơ quan lựa chọn SGK. Như vậy, có thể ảnh hưởng hoặc không đảm bảo tính chuyên môn hay không, ông Thành cho rằng: "Người dân hãy yên tâm, khi đó Bộ GD&ĐT sẽ là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn cách thức triển khai, do đó, sẽ không có sự xáo trộn lớn nào. Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng theo hướng Giám đốc các Sở GD&ĐT phải là Chủ tịch Hội đồng lựa chọn SGK".
Theo kinhtedothi
Chương trình hay sách giáo khoa quan trọng, Bộ cần định hướng rõ ràng hơn Khi xác định "chương trình" mới là quan trọng thì việc lựa chọn sách giáo khoa nào, ai là người chọn sách giáo khoa cũng sẽ giản đơn hơn rất nhiều. Lần thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới này, chúng ta thấy Bộ đang chủ trương hướng tới việc đề cao "chương trình" hơn là "sách giáo khoa". Thế nhưng,...