Giáo viên tương lai vẫn mang nặng tư duy đọc chép
Sinh viên sư phạm dù có nhiều đổi mới nhưng tỉ lệ đọc – chép vẫn chiếm tới 50%. Đa số không tự nghiên cứu thêm và muốn ra trường chỉ dạy học sinh ngoan, nhiều em đạt học sinh giỏi cho… bõ công.
Xin giáo trình về học thuộc cho nhanh
Ngày nay, trước tình trạng xã hội ngày càng hiện đại, tầm nhận thức của các em học sinh ngày càng phát triển thì việc đào tạo ra những giáo viên giỏi trong tương lai thực sự không phải dễ dàng. Bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào nhiều yếu tố như môi trường học, kiến thức, phương pháp, giáo trình, sự chăm chỉ của các bạn …. Nếu các giáo viên tương lai không được đào tạo trong môi trường hiện đại thì sẽ rất khó để các bạn có thể theo kịp sự phát triển của xã hội.
Bạn Nguyễn Hoài Thương – đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Công tác xã hội, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết: “Về giáo trình đối với cả trường thì em không nắm rõ, nhưng đối với khoa em thì các môn giáo trình hầu như mới cả. Còn các khoa sư phạm, theo em thì giáo trình lâu nay vẫn thế thôi, bởi kiến thức cũng chỉ có vậy. Các thầy cô giáo trẻ thì hay có những phương pháp mới, còn đối với các thầy cô giáo lâu năm thì luôn đi theo lối mòn. Thực sự, trường em muốn dạy hiện đại cũng khó, vì trường không có máy chiếu lắp sẵn, ví dụ muốn trình chiếu power point thì lại phải đi mượn máy, nói chung là bị động”.
Bạn Nguyễn Hà Thu – sinh viên năm 2 khoa Giáo dục Công dân trường ĐHSP HN thì lại cho rằng: “Trường em là trường có lịch sử lâu năm, nhiều truyền thống nên cũng chưa được hiện đại như một số trường khác. Giáo trình của bọn em thì chủ yếu là do các thầy cô trong khoa, trường tự viết. Các thầy cô giáo trẻ thì có dùng phương pháp giảng dạy mới, còn các thầy cô giáo già thì ít hơn. Có lẽ do các thầy cô dạy lâu năm nên đã quen với phương pháp giảng dạy như vậy”.
Môi trường học đã hiện đại hơn rất nhiều nhưng phương pháp giảng dạy của các trường sư phạm vẫn còn theo tư duy cũ.
Khác với Hà Thu và Hoài Thương, bạn Nguyễn Khánh Ly – sinh viên năm 3 khoa Tiếng Anh (ĐH Sư Phạm Hà Nội) chia sẻ: “Về những môn chung thì bọn em hầu như toàn xin cái đề cương cuối kỳ về học thuộc cho nhanh. Các thầy cô dạy khó hiểu hoặc có thể do bọn em không chú ý. Em thích học với các thầy cô có nhiều kinh nghiệm vì hay được nghe các thầy kể chuyện”.
Các bạn cũng chia sẻ rằng hiện nay vẫn còn tình trạng giảng viên đọc – chép, có bạn thì cho rằng tỉ lệ đó chiếm 50%, tức là cứ 5 tiết thì sẽ có khoảng ít nhất 2 tiết là đọc – chép. Nhưng cũng có bạn thì cho rằng hiện tại chỉ có 1 số thầy cô vẫn áp dụng phương pháp đó, còn đâu hầu hết các thầy cô ở trên cứ giảng, sinh viên nghe được, ghi được gì thì ghi. Đó là chưa kể mỗi thầy cô một cách dạy, có người dạy chán, có người dạy hay, cuốn hút được sinh viên.
Đã thỏa mãn với kiến thức từ thầy cô giáo
Khi được hỏi về môn học ưa thích, hầu hết các bạn đều tỏ ra thích thú với môn Thực hành phương pháp giảng dạy. Môn này chia ra làm 2 phần. Đó là phần lý luận học về lý thuyết, còn thực hành thì sinh viên sẽ lên thực hành ngay tại lớp. Sinh viên năm 2 thì sẽ học học phần lý luận, chiếm 2 tín chỉ. Sang năm thứ 3 thì học học phần thực hành, chiếm 4 tín chỉ, số lượng tiết học tăng gấp đôi. Đặc biệt là ngành nào cũng có môn đó.
Video đang HOT
Bạn Dương Thu Trang (ĐHSP HN) cho biết: “Các môn chuyên ngành cứ học dần dần rồi sẽ thích, nhất là sau khi đi thực tập về. Bọn em cũng được thực hành thường xuyên, hầu như năm thứ 2 trở đi là bọn em thuyết trình suốt, gần như một môn thuyết trình 2 lần/tuần. Nhiều môn thì thêm vào nhưng bọn em không thích lắm. Ví dụ như môn xã hội học, theo cảm nhận riêng em thì nó hơi xa vời”.
Ngoài các buổi thực hành, thực tế ít bạn tự nghiên cứu.
Bạn Trần Linh San (khoa Giáo dục Công dân – ĐHSP HN) chia sẻ: “Việc các môn học có tính thực hành hay không lại phụ thuộc vào mỗi khoa. Ví dụ như khoa Địa thì họ đi thực hành liên tục, khoa Sử thì đi kiến tập đến nhiều di tích, khoa Hóa thì rất nhiều. Nhưng có những khoa thì không thực hành gì, ví dụ như khoa Triết học. Đối với khoa em thì sinh viên năm 2 được đi kiến tập sư phạm, lên năm 3 thì đi thực tập 1 tháng, còn năm thứ 4 thì đi thực tập 1 tháng rưỡi. Nói chung nhà trường cũng tạo điều kiện hết sức để sinh viên đi thực hành. Không những vậy, hàng năm vào dịp có giai đoạn phải thi nghiệp vụ với tất cả sinh viên từ năm nhất đến năm thứ 4. Các bạn được đi học nghiệp vụ và đi thi như: Thi viết bảng, thi làm đồ dùng dạy học, thi tài năng sư phạm, thi hùng biện …. “
Về các môn chuyên ngành, Linh San còn tiết lộ: “Em rất thích những môn như tôn giáo học, pháp luật, nhân học, dân tộc học, chính trị học nữa. Đó là các môn chuyên ngành của bọn em năm thứ 2. Còn rất nhiều môn học khác nữa nhưng chỉ chán cách dạy của các thầy cô. Ví dụ như môn tôn giáo học, môn em này rất thích nhưng thầy dạy chưa hay”.
Ngoài ra, do học theo kiểu tín chỉ mới nên lượng thời gian các bạn sinh viên học ở nhà được nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều bạn thừa nhận rằng do hơi lười nên thời gian tự học ở nhà cũng không nhiều. Vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi, các bạn thường về quê, đi chơi với bạn bè hoặc chỉ lên thư viện để đọc sách khi gần thi học kỳ. Còn có bạn thì cho rằng ứng dụng các phương pháp cô dạy trên lớp đã không hết rồi nên không bao giờ nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới.
Điều này vô cùng bất lợi cho các bạn sinh viên. Bởi nếu không thường xuyên nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới thì khó mà có thể dạy tốt được. Vì hầu như thế hệ các em học sinh bây giờ rất giỏi, năng động, nếu các thầy cô giáo tương lai trở nên thụ động, kém cỏi, không hiện đại, không nhiều đam mê với nghề thì khác gì muôn đời vẫn lên lớp đọc cho học sinh chép.
Quan điểm về người giáo viên vẫn mang nặng bệnh thành tích
Trách nhiệm của một giáo viên trong thời buổi hiện nay luôn là vấn đề được nhiều sinh viên sư phạm quan tâm.
Bạn Nguyễn Thùy Linh (ĐHSP HN) cho biết: “Theo em, tất nhiên giáo viên cần có trách nhiệm với nghề, nhất là đối với giáo viên ngày nay thì càng cần có trách nhiệm hơn vì em thấy học sinh ngày nay ít tính tự giác như trước.
Đương nhiên, khi trở thành giáo viên thì bọn em vẫn về dạy học giống như truyền thống. Sẽ dạy với tất cả khả năng của mình, trừ khi là khả năng có hạn. Và em mơ ước sẽ có nhiều học sinh của em đạt được danh hiệu học sinh giỏi các cấp, bởi như thế thì mới bõ công làm giáo viên. Ngoài ra em cũng mong muốn sẽ được về dạy tại trường có truyền thống hiếu học, môi trường mô phạm và có nhiều điều kiện để phục vụ cho mục đích giảng dạy của mình.”
Ở cùng phòng với Linh, bạn Nguyễn Anh Thư (ĐHSP HN) tâm sự: “Em thì mong muốn được giảng dạy ở ngôi trường phù hợp với khả năng của mình, ngoài ra nhận thức của học sinh không quá kém”.
Hơn nữa, đa số các bạn sinh viên cho rằng nếu được về dạy tại một môi trường rộng mở, tức là không quá tải bài tập thì các bạn sẽ có rất nhiều cách để khuyến khích học sinh học hỏi.
Bạn Vũ Minh Châu (ĐHSP HN) chia sẻ: “Nếu em được về dạy tại một môi trường rộng mở, không phải làm bài tập nhiều thì em sẽ hướng dẫn các em học sinh kỹ năng sống. Em thích cảnh mà các cô giáo hồi đi kiến tập hay dạy bọn em, đó là luôn ân cần chu đáo, đối xử tốt với các em học sinh và phải dạy hết mình. Em nghĩ lòng nhiệt tình của mình sẽ là món quà khích lệ tốt nhất cho học sinh”.
Bạn Lê Thanh Huyền (ĐHSP HN) cho rằng: “Em sẽ tổ chức thật nhiều giờ học ngoài giờ thực hành, để học sinh có thể ứng dụng việc học vào thực tế. Em nghĩ học sinh thích thay đổi môi trường học thường xuyên, không nhất thiết là phải trong lớp học.
Giả sử nếu muốn học sinh miêu tả về 1 địa danh hay cảnh đẹp nào đó thì ta có thể tổ chức cho học sinh đến đó, vừa là thay đổi không gian học tập, vừa là để cho tiết học trở nên thú vị hơn. Nhờ vậy, kiến thức sẽ được các em khắc sâu và ghi nhớ hơn.
Còn việc làm thế nào để có thể phát huy tính tự chủ, sự sáng tạo của học sinh thì em nghĩ vấn đề này không đơn giản chút nào, điều này phần nhiều phải phụ thuộc vào khả năng của mỗi người giáo viên. Nếu là em, em sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tranh luận về vấn đề nào đó hoặc theo chủ đề. Em sẽ tổ chức hàng tuần để học sinh có thể tự thể hiện ý kiến, để các em tự bộc bạch cảm xúc của mình”.
TÙNG TRẦN
Theo Infonet
Nghiêm cấm việc lợi dụng thi cử để bắt ép HS học thêm
Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch dạy học chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 12 và việc tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh. Nghiêm cấm việc lợi dụng thi cử để bắt ép học sinh học thêm trái với quy định.
Đó là một trong những nội dung công văn chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: "Trong những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ban, ngành đoàn thể liên quan tổ chức kỳ thi tốt nghiệpTHPT và các kỳ thi tuyển sin ĐH, CĐ hệ chính quy đảm bảo yêu cầu an toàn, nghiêm túc, khách quan và thuận lợi cho người dự thi".
Công văn nêu rõ, để thực hiện tốt chủ trương này, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi, tiếp tục nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GDĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở GDĐT, các ban, ngành đoàn thể có liên quan, UBND các cấp phối hợp với ngành GDĐT thực hiện tốt các công việc. Cụ thể, tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ việc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", đảm bảo tổ chức các kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng và chính xác, đánh giá sát chất lượng dạy học.
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thi, đề ra các giải pháp thực tế và khả thi, đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, tích cực chuẩn bị phương án dự phòng, kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cháy nổ, mất điện... tăng cường kiểm tra tất cả các khâu tổ chức thi và thường xuyên chỉ đạo thực hiện các yêu cầu theo Quy chế thi. Trong đó lưu ý, thực hiện đúng Quy chế thi tốt nghiệp THPT và các công văn chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ trong tất cả các khâu của kỳ thi đảm bảo kỷ cương, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong thi cử kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi của các tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi.
Xây dựng kế hoạch tổng thể bố trí các Hội đồng in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo xây dựng phương án thực hiện việc coi thi, chấm thi, thực hiện báo cáo tiến độ và kết quả chấm thi theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT phương án xử lý kết quả thi đảm bảo đúng quy chế và tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót xây dựng phương án dự phòng để kịp thời ứng phó với các tình huống đột xuất có thể xảy ra và phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, bảo mật cho toàn bộ quy trình thực hiện các khâu của kỳ thi chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện về tài chính cho kỳ thi.
Bố trí cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn tham gia công tác thi có biện pháp tuyên truyền, tập huấn để bảo đảm cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác thi và thí sinh nắm vững quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác thi phổ biến rộng rãi, công khai các quy định về thi cử trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để tất cả học sinh lớp cuối cấp đủ tiêu chuẩn đều tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đối với kì thi ĐH, CĐ thì cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH trên địa bàn tổ chức kỳ đúng quy chế.
Để đảm bảo cho cả hai kì thi Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi, chấm thi và công bố kết quả các kỳ thi... Tăng cường các phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh, có phương án giải tỏa ùn tắc giao thông, không để thí sinh đến thi muộn do ách tắc giao thông. Xây dựng và thực hiện kế hoạch huy động các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và Ban đại diện cha mẹ học sinh đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước, đồi núi hiểm trở.
Đảm bảo cung cấp điện nước ổn định, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và các điều kiện khác cho các kỳ thi. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở cho thuê phòng nghỉ trọ trên địa bàn, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho thí sinh lưu trú, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các tệ nạn xã hội nhằm đáp ứng việc ăn, nghỉ đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu, không để xảy ra tình trạng bỏ thi vì thiếu điều kiện ăn ở, sinh hoạt...
Để tránh những thông tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh dự thi Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan truyền thông cần trao đổi kỹ với các cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin liên quan đến đề thi như: lộ đề, đề có sai sót... (nếu có).
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Cô học trò cá biệt Học sinh và giáo viên khác trong trường đều "ngán" cô học trò cá biệt, xem em như thành phần... "bất trị". Nhưng cô học trò "bất trị" ấy đã thay đổi nhờ câu nói của một sinh viên sư phạm vừa ra trường còn nhiều vụng về, bỡ ngỡ. Lần đó, cô giáo trẻ tham gia chương trình tình nguyện hè, dạy...