Giáo viên trung học cơ sở: Những người “lái đò” tận tụy
8 giáo viên bậc THCS được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó. Đến với học trò bằng lòng yêu thương và sự hy sinh, tận tụy, các thầy, cô đã tạo nên những bức tranh đẹp về tình cảm thầy – trò, trở thành động lực cho thành công của nhiều thế hệ học trò.
Thầy Lê Cảnh Thạnh, giáo viên Trường THCS Võ Văn Tần (quận Tân Bình)
Trưởng thành từ gian khó
Chúng tôi biết đến thầy giáo Lê Cảnh Thạnh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Lịch sử – Địa lý – Giáo dục công dân, Trường THCS Võ Văn Tần (quận Tân Bình), qua những dòng mô tả của học trò tại cuộc thi “Viết về người thầy của tôi” do Đoàn Trường THCS Võ Văn Tần tổ chức. “Thầy là một người thấp bé, ngoại hình gầy gò. Nhưng mỗi khi lên lớp, thầy truyền cho chúng tôi nguồn năng lượng cùng lượng kiến thức khổng lồ, trái ngược hoàn toàn với thân hình gầy gò của thầy”.
Hay như, “Mỗi lần làm gì đó sai, chúng tôi gần như thu mình lại trước thầy, nghĩ rằng thầy sẽ tức giận. Nhưng ngạc nhiên chưa, người thầy của chúng tôi với ánh mắt dịu dàng, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện có bóng dáng mình trong đó. Vậy là không một tiếng rầy la, thầy đã giúp lũ học trò chúng tôi nhận ra lỗi lầm của mình”. Chia sẻ về cái duyên đến với nghề giáo, thầy Cảnh Thạnh cho biết, từ nhỏ thầy đã học rất giỏi các môn tự nhiên. Vào năm học lớp 8, hình ảnh cô giáo dạy môn Địa lý với đôi mắt khiếm khuyết nhưng mỗi khi lên lớp, cô dùng hết năng lượng truyền tải kiến thức cho học trò khiến cậu trò nhỏ nuôi mơ ước trở thành giáo viên môn Địa lý.
Cô Nguyễn Thị Sương Anh, giáo viên Trường THCS Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận) – Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trải qua 3 năm đầu bươn chải với đủ nghề lao động kiếm sống do không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, nhưng người thanh niên Lê Cảnh Thạnh vẫn nuôi mơ ước theo nghề giáo. Cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười khi Thạnh trúng tuyển trong một đợt tuyển dụng của Sở GD-ĐT TPHCM. Thạnh nhớ lại, buổi chiều nhận giấy báo trúng tuyển cũng là lúc Thạnh nhận được tin báo ngay sáng hôm sau có thời khóa biểu dạy 5 tiết ở đơn vị công tác mới.
Video đang HOT
Lúc đó, trong tay chưa có bất cứ hành trang nào ngoài lòng yêu nghề. Chỉ trong một buổi tối, thầy giáo trẻ vừa chạy đi mượn bạn áo sơ mi trắng để mặc lên lớp, tìm mua sách giáo khoa, vừa thức cả đêm để soạn giáo án. Qua 12 năm công tác, đến nay trường học đã trở thành mái nhà thứ hai đối với thầy giáo trẻ. Ở đó, ngoài việc giảng dạy, Thạnh còn làm thêm công tác quản lý học sinh, tự tay trồng và chăm bón từng chậu hoa, cây cảnh. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, bản thân Thạnh cùng vợ và hai con nhỏ vẫn đang ở trọ, nhưng lửa nghề chưa một ngày lụi tắt.
Một tấm gương khác là cô Huỳnh Thị Kim Kiều, giáo viên Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè). 21 năm đứng lớp đối với cô là chuỗi ngày vượt lên khó khăn, vất vả. Khi 2 đứa con cô lần lượt chào đời, niềm hạnh phúc vừa đến thì chồng cô bị tai biến, phải chữa trị lâu dài. Hơn 7 năm qua, người giáo viên ấy vừa là trụ cột kinh tế trong gia đình, vừa gồng gánh việc trường lớp, vừa nuôi dạy hai con nhỏ.
Tuy nhiên, khi nhận xét về cô Huỳnh Thị Kim Kiều, các đồng nghiệp trong trường đều cho biết, cuộc sống riêng nhiều khó khăn nhưng cô Kiều luôn là người đi đầu trong mọi hoạt động của trường, không ngại việc khó, sẵn sàng dấn thân và hỗ trợ đồng nghiệp trẻ. Chia sẻ với chúng tôi, người phụ nữ giàu nghị lực này cho biết: “Tôi quan niệm cuộc đời mỗi người chỉ một lần được sống nên hãy sống bằng tất cả nghị lực của mình. Ai cũng có một thời tuổi trẻ và đó là giai đoạn đẹp nhất để cống hiến”.
Truyền cảm hứng cho học trò
Đến Trường THCS Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận) vào một giờ học tiếng Anh, ấn tượng của chúng tôi về cô giáo Nguyễn Thị Sương Anh là một giáo viên nhiệt tình và năng nổ. Hình ảnh người giáo viên “tả xung, hữu đột” trên lớp, hết mình trong từng hoạt động, luôn biết cách động viên và khơi gợi cảm hứng nơi học trò, khiến không ai nghĩ đây là lứa học trò cuối cùng được cô giảng dạy trước khi chính thức về hưu vào tháng 5 năm tới. Nhớ lại những năm tháng đầu tiên vào nghề, cô Sương Anh cho biết, 9 năm đầu cô là giáo viên dạy môn Nữ công (nay là môn Công nghệ).
Nhưng do có niềm yêu thích đặc biệt với môn tiếng Anh nên cô đã vừa học vừa đi dạy, lấy thêm bằng cử nhân sư phạm tiếng Anh. Từ năm 2011 đến nay, cô là Tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh. Ý chí phấn đấu chưa dừng ở đó, gần 2 năm qua, cô Sương Anh còn học tiếp trình độ thạc sĩ và sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ vào tháng 4-2020.
Nữ giáo viên bày tỏ, sau khi về hưu sẽ tiếp tục phát triển chuyên môn, dạy hợp đồng tại một số đơn vị trường học. Kinh nghiệm được giáo viên này đúc kết sau hơn 31 năm đi dạy là để giữ vững công tác tốt, người giáo viên phải tập cho mình tính kiên nhẫn, “thắng không kiêu, bại không nản”. Theo đó, thành công của một giáo viên chỉ có 1% là may mắn, 99% còn lại là sự đầu tư nghiêm túc và luôn nỗ lực làm hết sức mình.
Đối với cô Phùng Thị Hoàng Yến, Tổ trưởng Tổ Công nghệ – Tin học, Trường THCS Trần Quốc Toản (quận Bình Tân), nếu được chọn lại, cô vẫn chọn làm giáo viên môn Công nghệ. Lý giải điều này, cô Yến cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh chịu khá nhiều áp lực từ các môn học chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Do đó, khi dạy các môn Công nghệ, Tin học, giáo viên sẽ tạo không khí học tập vui tươi, thoải mái, giúp học sinh giải tỏa căng thẳng.
Ngoài ra, với đặc thù môn học là mang đến những kiến thức gần gũi trong cuộc sống thường ngày của học sinh như kỹ thuật nối ghép mạch điện, trồng trọt, trang trí nhà cửa, may vá, lựa chọn thực phẩm… nên trong mỗi tiết dạy, cô Hoàng Yến luôn gắn kiến thức bài học với những câu chuyện sinh động, thực tế giúp học sinh dễ hiểu và nhớ lâu kiến thức. Giáo viên này cho biết, đối với một người giáo viên không quan trọng dạy môn gì mà đòi hỏi đầu tiên là sự gần gũi, tạo được sự tin tưởng nơi học sinh.
Các thầy, cô giáo không chỉ hoàn thành tiết dạy trên lớp rồi về, trao cho học sinh không chỉ kiến thức mà cả nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp các em trở thành người có ích trong xã hội.
Danh sách giáo viên bậc THCS được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các thầy, cô giáo: Huỳnh Thị Kim Dung, giáo viên Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); Khưu Thị Thanh Hiền, giáo viên Trường THCS Linh Trung (quận Thủ Đức); Tôn Thất Minh, giáo viên Trường THCS Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) và Phạm Thị Thanh Nhung, giáo viên Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn).
THU TÂM
Theo SGGP
Đỏ mắt tìm giáo viên (Bài cuối: Giải pháp cân bằng giáo viên giữa các bậc học)
Thừa, thiếu giáo viên cục bộ là câu chuyện muôn thuở, tồn tại trong nhiều năm qua. Nhiều huyện, thành thị đã thực hiện giải pháp điều hòa giáo viên giữa các bậc học, trong vùng.
Năm học 2019-2020, toàn huyện Yên Thành đang thừa hơn 100 giáo viên THCS nhưng lại thiếu 138 giáo viên Tiểu học. Trước thực tế này, ngành giáo dục đã cử 85 giáo viên THCS biệt phái xuống dạy cấp tiểu học. Đây là giải pháp điều hòa tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn.
Nhóm trẻ mầm non 3-4 tuổi mới đáp ứng được 1,6 giáo viên/lớp.
Giáo viên THCS biệt phái xuống dạy cấp tiểu học
Điển hình, Trường Tiểu học Hợp Thành có 2 giáo viên chuyển từ bậc THCS xuống dạy học ở bậc tiểu học là thầy Cao Đức Thắng (GV môn Thể dục) và thầy Phạm Công Thành (GV môn Lịch sử). Đối với thầy Thắng, nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới khá thuận lợi do không phải dạy trái chuyên môn. Tuy nhiên, việc bố trí cho thầy Thành đứng lớp bậc tiểu học lại gặp nhiều khó khăn bởi giáo viên tiểu học dạy tất cả các môn văn hóa trong khi chuyên môn đào tạo của thầy chỉ là môn Lịch sử. Không chỉ huyện Yên Thành mà các huyện có số lượng học sinh lớn như Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Quỳnh Lưu... cũng được cử biệt phái, luân chuyển từ THCS xuống Tiểu học.
Cô Trần Thị Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành cho biết: Để đảm bảo chất lượng dạy học và phù hợp với năng lực của giáo viên, chúng tôi phân công thầy Thành chủ nhiệm lớp 5, đồng thời phụ trách toàn bộ môn Khoa học - Lịch sử - Địa lý của khối này. Mặt khác, các giáo viên khác của khối 5 sẽ chia nhau dạy các môn Toán, Tiếng Việt... cho lớp thầy Thành chủ nhiệm. Nhà trường phải làm công tác tư tưởng, tổ chức họp và thông báo, giải thích cụ thể cho phụ huynh. Đến nay, sau gần 1 tháng thực hiện, hoạt động dạy - học của khối 5 đã đi vào nề nếp, cơ bản ổn định. Cũng theo cô Trần Thị Đa, mặc dù việc điều chuyển giáo viên đi biệt phái sẽ giải quyết được khâu trước mắt về tình trạng thiếu giáo viên nhưng đây cũng không phải là giải pháp mang tính bền vững, vì hết hạn biệt phái các giáo viên này lại quay về THCS. Thay vào đó nên có cơ chế tuyển dụng đặc cách số giáo viên chuyên môn tiểu học đang dạy hợp đồng.
Thiếu gần 4.200 giáo viên
Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, đến năm 2019, toàn tỉnh thiếu gần 4.200 giáo viên. Trong đó, thiếu hơn 2.400 giáo viên tiểu học và 1.700 giáo viên mầm non.
Ở bậc mầm non, theo quy định của ngành, phải bố trí đủ giáo viên cho các nhóm nhà trẻ và mẫu giáo. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện ở Nghệ An không đáp ứng đủ. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ không chỉ xảy ra ở các huyện miền núi mà cả ở các huyện đồng bằng. Riêng huyện Nam Đàn hiện đang thiếu gần 150 giáo viên tiểu học và mầm non. Đối với tiểu học, huyện đã thực hiện điều hòa nội bộ bằng cách chuyển giáo viên từ THCS xuống Tiểu học, tổ chức dạy liên trường đối với môn năng khiếu và Tiếng Anh, Tin học. Bên cạnh đó, một số giáo viên đăng ký học thêm văn bằng hai để dạy thêm môn. Năm học này, Nam Đàn được giao thêm hơn 30 chỉ tiêu Tiểu học nên Phòng giáo dục và đào tạo huyện này đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng.
Còn huyện Thanh Chương hiện đang thiếu 30 giáo viên tiếng Anh khiến việc tổ chức dạy theo chương trình 10 năm gặp nhiều khó khăn, trong đó có 3 trường tiểu học hoàn toàn không có giáo viên tiếng Anh nên học sinh không được học, hoặc phải đưa giáo viên từ THCS xuống dạy kiêm nhiệm. Huyện Thanh Chương cũng đang xây dựng phương án hợp đồng giáo viên thỉnh giảng để tổ chức dạy học cho học sinh.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Đầu năm học Sở đã báo cáo gửi Bộ GD&ĐT để tham mưu chính phủ cho Nghệ An thêm định biên giáo viên nhưng chưa được duyệt. Theo thống kê và dự báo quy mô học sinh, hiện nay lứa tuổi tiểu học của Nghệ An là đông nhất. Tuy nhiên, sau 2 - 3 năm nữa, số học sinh này sẽ lên THCS, còn số học sinh mầm non lên tiểu học ổn định không tăng đột biến. Đến thời điểm đó, tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các bậc học này không xảy ra mà trở lại trạng thái cân bằng.
DƯƠNG HÓA
Theo congandanang
Sau đợt tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán có dạy được minh họa 1 tiết không? Có tiết dạy mẫu từ giáo viên cốt cán đang tập huấn cho mình thì chắc chắn một điều là giáo viên các trường sẽ lĩnh hội được rất nhiều điều bổ ích, thiết thực. Suốt hàng chục năm đi dạy, dự không biết bao nhiêu lớp tập huấn của Sở, của Phòng nhưng chúng tôi chưa bao giờ có dịp được dự...