Giáo viên trung bình, làm sao có học trò giỏi?
Nguyên nhân được coi là “tảng đá” chắn đường đổi mới giáo dục lại nằm trong chính chất lượng đội ngũ giáo viên.
Tại hội nghị Triển khai chiến lược phát triển giáo dục ngày 23/1, đa phần ý kiến đều tập trung mổ xẻ nguyên nhân chất lượng giáo dục các cấp bao năm vẫn không đạt chuẩn.
Các chuyên gia cho rằng, chính việc “thoáng” đầu vào, hẹp cửa ra của các trường sư phạm đã khiến thí sinh có năng lực thật sự không còn mặn mà với nghề “gõ đầu trẻ”.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, những năm trước, để thu hút sinh viên vào ngành Sư phạm, nhà nước đã có chính sách miễn học phí, rồi cho sinh viên vay vốn nhưng đầu ra lại không giải quyết được. Hậu quả là hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường không kiếm được việc làm.
“Hiện nay, đầu vào các trường sư phạm không phải là những học sinh có điểm cao mà là những học sinh có điểm trung bình, thậm chí lấy bằng điểm sàn. Đương nhiên, qua 4 năm đào tạo, một học sinh có kết quả học tập phổ thông trung bình thì không thể trở thành giáo viên giỏi sau này được”, ông Tuấn nhận định.
Ngành sư phạm không còn sức hút đối với thí sinh có năng lực
Video đang HOT
Cho rằng “có bột mới gột nên hồ”, ông Tuấn nhấn mạnh việc cần thiết phải có cơ chế “hút” thí sinh giỏi vào ngành sư phạm. “Có thầy giỏi mới có trò giỏi, ngay từ khâu đào tạo giáo viên không được đầu tư đúng mức thì không thể đòi hỏi có được chương trình hay, cách dạy tốt”, ông Tuấn nói.
Từ một nghịch lý khác trong đào tạo đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hải Phòng, cho biết: “Hiện nay sách giáo khoa của học sinh đang được cải tiến rất nhiều, nhưng chương trình cải tiến này lại không được đưa vào giảng dạy trong các trường sư phạm. Vậy là khi giáo viên ra trường lại phải mất thời gian đào tạo lại từ khâu… tiếp cận với sách giáo khoa mới”.
Ông Trường kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có định hướng cụ thể hơn trong việc đổi mới cách dạy thầy sau đó mới đến đổi mới cách dạy trò. “Quy trình tuy dài hơi nhưng như thế mới giải quyết được tận gốc của vấn đề”, ông Trường nói.
Từ góc độ thu nhập, GS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng ĐH Giao thông-Vận tải cho rằng, chế độ chính sách còn bất cập, đời sống giảng viên trẻ gặp nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân ngành sư phạm không thu hút được những người giỏi.
Bất cập còn thể hiện ngay cả trong chế độ khi thực hiện luân chuyển giáo viên về vùng khó khăn. Giáo viên ở những vùng này chỉ được hưởng phụ cấp vùng miền trong 3 năm đầu, sau đó bị cắt. Từ đây xảy ra mâu thuẫn, những giáo viên làm việc lâu năm ở vùng núi lại có thu nhập thấp hơn so với những người mới ra trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận: “Hiện học phí và học bổng không còn sức hút đối với học sinh giỏi vào các trường Sư phạm nữa mà phải là giải quyết việc làm. Sắp tới, Bộ sẽ có những chiến lược cụ thể nâng cao đầu vào, chất lượng đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm cho giáo viên sau khi ra trường để tăng sức hút sinh viên giỏi cho ngành này”.
Thứ trưởng Ga cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang quy hoạch lại đội ngũ giáo viên sư phạm mà các cấp học cần. Trên cơ sở đó sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, tập trung nguồn vào tại những trường trọng điểm. “Cần tính đủ nguồn nhân lực, sao cho sinh viên sư phạm học xong ra có việc làm ngay”, Thứ trưởng nói.
Lắng nghe những ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận: “Muốn đổi mới giáo dục khâu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Bản thân người thầy cũng phải thường xuyên đổi mới, đánh giá, cập nhật kiến thức để không tụt hậu so với học sinh. Chương trình giảng viên đánh giá sinh viên, sinh viên đánh giá giảng viên phải được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng trong các nhà trường để đẩy mạnh chất lượng dạy học”.
Tuyết Mai (Khampha.vn)
Đào tạo sư phạm "nảy nở như bèo hoa dâu"
Trong hội nghị thi và tuyển sinh 2013 diễn ra hôm qua 22/1, nhiều đại biểu ở cụm TPHCM cùng lên tiếng về cách đào tạo tràn lan và chất lượng nhân lực của ngành Sư phạm hiện nay đồng thời đề xuất cần có cơ chế mới cho ngành này trong tương lai.
Ở góc độ trường đào tạo, PGS-TS Hoàng Văn Cẩn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng cần sắp xếp lại hệ thống các trường Sư phạm (SP). Hiện nay có rất nhiều loại hình đào tạo giáo viên (GV), thậm chí cả dân lập với tư thục cũng đào tạo GV.
"Đào tạo GV chứ có phải làm bèo hoa dâu thời chiến đâu mà nhà nhà đều làm. Đào tạo GV không thể như thế được. Không thể cho phép bất kỳ trường nào không chuyên về GV được tuyển GV. Thậm chí trong trường SP hay các trường khác phải có đủ chuẩn mới mở ngành được. Phải xem lại là tại sao lại có nhiều trường đào tạo GV đến như vậy? Đây chính là căn cơ để chất lượng giáo dục đi xuống", TS Cẩn nhấn mạnh.
TS Cẩn cũng đề xuất thêm cần điều chỉnh lại và phân rõ nhiệm vụ các trường SP. Hiện nay các trường cao đẳng (CĐ) SP địa phương nâng lên thành CĐ đa ngành, nhưng tuyển SP không được. Nên phân nhiệm vụ trường trọng điểm thì chỉ nên đào tạo nguồn nhân lực cho các trường CĐ SP, TCCN, Trung cấp nghề hoặc đào tạo chất lượng cao. Còn các trường SP thuộc địa phương thì nên đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng thì phải cho phép các trường SP tự tuyển sinh. "Thí sinh thi vào khoa Văn mà điểm Văn chỉ 3-4 điểm nhưng tổng điểm ba môn vẫn đạt điểm điểm chuẩn, chúng tôi vẫn phải tuyển vào nhưng khó đào tạo được".
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ngày hội nghề nghiệp. (Ảnh: Hoài Nam)
Ông Nguyễn Xuân Ngọc - giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng cũng tâm đắc với ý kiến của TS Hoàng Văn Cẩn rằng hiện nay nhiều địa phương dạy đại học SP. Nếu các địa phương đào tạo tràn lan kiểu này thì chất lượng ra trường không đảm bảo. Về nguyên tắc sinh viên ra trường thì được dự tuyển trên Sở nhưng vì quyền lợi học sinh, chúng ta phải làm động thái là sẽ chọn sinh viên của những trường có chất lượng để tuyển.
Ở góc độ người tiếp nhận thành quả của các trường SP, ông Phan Văn Dũng - phó giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa đánh giá chất lượng đào tạo của sinh viên ra trường có nhiều vấn đề. Ông Dũng chia sẻ rằng trong số 600 hồ sơ thi tuyển GV mà Sở này nhận được trong năm qua thì trên 100 hồ sơ có kết quả tốt nghiệp xếp loại Giỏi. Ấy nhưng trong số đó không thể tìm được một em giỏi ở những trường SP trọng điểm. Có những em điểm tốt nghiệp rất cao chúng tôi cho về dạy ở trường chuyên nhưng chỉ 2 tháng thôi cũng rất khó khăn. Sở GD-ĐT Khánh Hòa buộc phải đề xuất nếu sau 1 năm không dạy được thì không thể ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, cử nhân có chứng chỉ nghiệp vụ SP nhưng nghiệp vụ rất kém. Cách đây 1 tuần, Sở GD-ĐT Khánh Hòa phải ký văn bản để kiểm tra lại toàn bộ chứng chỉ SP vì hiện nay chứng chỉ nghiệp vụ SP nở rộ như hoa mùa xuân, ở chỗ nào cũng mở được lớp dạy chứng chỉ nghiệp vụ SP, thậm chí có chứng chỉ chỉ học trong 1 tháng.
Trong phương hướng nhiệm vụ năm học 2012 - 2013, Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ quy hoạch nhân lực ngành SP, sắp xếp lại hệ thống các trường SP trong cả nước. Điều chỉnh chỉ tiêu các trường SP phù hợp với quy hoạch, tiến tới chấm dứt tình trạng đào tạo vượt quá nhu cầu gây lãng phí như hiện nay.
Lê Phương
Theo dân trí
Học tiếng Anh phải như học võ "Tiếng Anh không phải là môn kiến thức mà là một môn thực hành. Nghĩa là phải luyện tập thường xuyên để trở thành bản lĩnh tự nhiên của mình" - TS Nguyễn Ngọc Hùng - trưởng đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 nói. Các chuyên gia trao đổi ý kiến . Năm học 2013-2014 sẽ áp dụng chương trình đào tạo...